Trần Đức Anh Sơn
Tết đến, thú vui được người Huế nói riêng, người Việt nói chung, quan tâm nhiều nhất là các trò cờ bạc, đỏ đen, dưới nhiều hình thức khác nhau. Một trong những trò chơi đó là bài chòi.
* Bài chòi
Bài chòi có mặt ở nhiều tỉnh miền Trung trong những ngày Tết và mỗi nơi có một lối chơi riêng, mang truyền thống của từng vùng đất. Ở Huế, lối chơi bài chòi có nét khác biệt so với lối chơi bài chòi ở Bình Ðịnh và Quảng Nam. Sự khác biệt ấy thể hiện ở nội dung câu hò, điệu hò, ở số người tham dự và số lần chơi trong một cuộc bài. Người ta đến với bài chòi trong dịp năm mới không phải vì say mê trò sát phạt, mà chỉ là dịp để thử vận hên xui trong ngày đầu năm và để được đắm mình trong không khí rộn ràng, đầy lạc thú từ những điệu hò dí dỏm, những giọng cười sảng khoái và cả niềm hy vọng thắng cuộc nho nhỏ mà trò chơi này mang lại.
Trò chơi bài chòi dựa trên bộ bài gồm 30 cặp quân bài mà người Huế quen gọi là bài tới. Cũng như những nơi khác ở miền Trung, bộ bài tới ở Huế có 3 pho: văn, vạn, sách và 3 cặp yêu. Pho văn gồm các quân bài: gối, trường hai, trường ba, voi, rún, sáu tiền, liễu, tám tiền, xe. Pho vạn có các quân bài: học trò, tám cẳng, ba đấu, xơ, quăn, nhọn, bông, thầy. Pho sách có các quân bài: nọc đượng, nghèo, gà, gióng, dày, sáu hột, sưa, tám giây, đỏ mỏ. 3 cặp yêu là: ông ầm, thái tử, bạch tuyết.
Các quân bài được in trên giấy bản dài 12 cm, rộng 3 cm, rồi phết lên giấy cứng một mặt nhuộm xanh hoặc đỏ. Tên gọi và hình vẽ các quân bài rất lạ lùng và kỳ bí. Có người cho là các hình vẽ này vừa mang dấu ấn của bùa chú, vừa phảng phất nét u uất của văn hóa Champa, lại vừa pha phách những kiểu thức trang trí của người Thượng. Người ta khắc hình lên khuôn gỗ, bôi mực lên và in. Ðó cũng là một lối in tranh trên giấy dó mà người dân ở làng Sình, một làng ngoại ô ở phía đông bắc Kinh Thành Huế, dùng để in tranh thờ cúng, bán trong các dịp lễ Tết, cúng giỗ. Nhiều ý kiến cho rằng bộ bài tới và lối chơi bài chòi có gốc gác từ Bình Ðịnh, nơi trò chơi này rất phổ biến và các điệu hò bài chòi vô cùng phong phú.
Tết đến, trên khoảng sân rộng trước đình làng hay ở nơi họp chợ của làng quê, người ta dựng lên 11 cái chòi bằng tranh tre. Chính giữa là 1 chòi lớn hình lục giác dành cho những người tổ chức cuộc chơi, gọi là chòi trung ương. Hai bên chòi trung ương có 10 chòi nhỏ, mỗi phía 5 chòi, là nơi các chân bài ngồi dự cuộc chơi. Vào cuộc chơi, 1 người trong ban tổ chức giữ chân chạy cờ, thường được gọi là anh hiệu, gióng một hồi trống, dõng dạc mời các tay chơi lên chòi, cùng lúc ban nhạc gồm kèn, trống, đàn nhị, sênh… cử 1 bản hòa tấu mở đầu cuộc chơi. Anh hiệu buông dùi trống, vội vàng đem cờ ngân – cờ thay thế cho số tiền đặt cược trong một hội – đi bán cho mỗi chủ chòi. Bán xong cờ ngân đến lượt 2 người phụ việc mang một ống tre đựng các quân bài đến các chòi để mời chủ chòi lấy 5 con bài. Người ta dùng bộ bài tới gồm 56 quân bài (không sử dụng 2 cặp bạch tuyết và nọc đượng). Mỗi quân bài được dán vào 1 thẻ tre có phần trên to và dẹp, phần dưới nhỏ và tròn. Mỗi chòi, kể cả chòi trung ương đều được 5 thẻ, còn 1 thẻ dùng cho anh hiệu đi chợ – mở đầu cuộc chơi. Phát bài xong, anh hiệu đằng hắng một tiếng rồi hô: “Hai bên lẳng lặng mà nghe con bài đi chợ: con…” Anh ta xướng tên quân bài đi chợ bằng tiếng ngân dài chen lẫn tiếng trống gõ, tiếng đàn cò réo rắt. Người nào có quân bài thứ 2 đúng với tên quân bài đi chợ vội vã hô lên và rút kèm 1 quân bài khác đưa cho anh chạy cờ. Rồi 1 câu hò khác được vang lên. Cứ như thế cho đến khi có người gõ lên cái mõ tre treo cạnh chòi mình, miệng hô lớn: “Tới rồi! Tới rồi!”, để thông báo quân bài mà anh hiệu vừa hò trùng với quân bài cuối cùng trên tay mình, nghĩa là đã có người thắng cuộc thì ván bài kết thúc. Anh hiệu vội vã mang đến cho chòi của người vừa tới 1 lá cờ đuôi nheo, giắt lên mái chòi, để cho nó bay phần phật trong làn gió xuân ấm áp, rồi bắt đầu ván khác. Người ta chỉ chơi 10 ván là xong 1 hội. Phần tiền của ván thứ 11 là phần thưởng cho ban tổ chức. Kết thúc 1 hội, người ta mang các lá cờ ngân đến bán lại cho chòi trung ương để lấy tiền. Ðược 1 cờ coi như huề (hòa) vốn, 2-3 cờ trở lên coi như vận đỏ đầu năm đã đến gõ cửa. Cái hấp dẫn của thú chơi bài chòi là ở giọng hò của anh hiệu. Ðó phải là một người thật vui, thật tếu, giỏi ứng đối mới điều khiển nổi trò vui này. Anh ta là linh hồn của cuộc vui, vừa là người bày trò, kiêm luôn diễn viên hát tuồng để mua vui cho mọi người. Vì lẽ đó mà sân đình khi có hội bài chòi luôn đầy ắp tiếng cười, tiếng nhạc vang xa đến tận thôn cùng ngõ hẻm, đủ sức hấp dẫn các cụ ông cụ bà, đám trẻ con, người lớn đến với cuộc vui này.
* Bài ghế
Một biến thể của trò chơi bài chòi là bài ghế, hiện rất phổ biến trong các hội xuân ở những làng quê phụ cận Huế. Bài ghế chơi tương tự bài chòi, nhưng người ta không làm từng chòi nhỏ mà làm một cái trại lớn, hay có thể sử dụng hội quán, đình làng để tổ chức, rồi xếp ghế thành hình chữ U. Ban tổ chức ngồi ở đáy chữ U. Hai cánh chữ U là hai phe. Mỗi phe 5 người. Sau khi phát các quân bài cho các thành viên trong cuộc chơi, anh hiệu lấy 1 quân bài bất kỳ để đi chợ và tiến trình cuộc chơi diễn ra tương tự lối chơi bài chòi. Nhưng sau đó ai tới thì ván sau họ được quyền “đi chợ”. Người ta chỉ chơi có 8 ván trong 1 hội bài. 2 ván còn lại dành cho ban tổ chức. Có 1 điều khác với bài chòi là ở trò chơi này người ta sử dụng tất cả 60 quân bài. Quân bài nọc đượng tượng trưng cho dương vật của đàn ông và quân bài bạch tuyết ám chỉ âm vật của phụ nữ cũng được sử dụng và chúng có những câu hò rất độc đáo và dí dỏm. Những câu hò ấy luôn là động lực hấp dẫn người dự cuộc.
* Bài thai
So với chơi bài chòi, bài thai ít rộn rã hơn, nhưng cũng không kém phần thú vị. Ðó cũng là một trò chơi mượn giọng hò làm phương tiện mua vui như bài chòi. Ðiệu hò này gọi là hò thai. Trò chơi do 1 người đứng ra tổ chức gọi là nhà cái. Nơi chơi bài thai thường là ở ngã tư giữa 2 lối xóm. Người tổ chức chơi bài thai đem 1 chiếc chiếu bông trải dưới bóng gốc cổ thụ đầu xóm. Giữa chiếu có đặt 1 tấm giấy rộng, dán trên bìa cứng, kẻ 30 ô vuông. Trong mỗi ô vuông là 1 quân bài lấy từ một nửa bộ bài tới. Nhà cái giữ lại nửa kia, cũng 30 quân giống như những quân bài trên ô vuông. Vào cuộc chơi, nhà cái bí mật đặt 1 quân bài thai vào 1 cái dĩa, lấy chén úp lên trên rồi bắt đầu hò thai. Câu hò có nội dung liên quan đến tên quân bài thai, để các tay chơi theo đó mà đặt cược. Ðợi người chơi đặt cược xong, nhà cái mở cái chén, trình quân bài thai ra, giải thích ý nghĩa câu hò ứng với quân bài đã hò. Ai đoán trúng sẽ được số tiền gấp 8 lần số tiền đặt cược. Nếu sai số tiền đó thuộc về nhà cái. Cái hay của bài thai là ở những câu hò, tuy ứng tác nhưng rất thâm trầm, ý nhị khiến người chơi phải có trí thông minh, biết xét đoán câu hò để đặt cược cho trúng. Mỗi quân bài phải được chuẩn bị vài ba câu hò khác nhau để đánh đố người chơi, song chúng phải hợp lý khi giải thích cho tên quân bài thai. Ví như khi thai quân bài liễu, nhà cái sẽ hò: “Thiếp đừng nhắc cảnh gia đình mà trăm hờn ngàn giận. Chàng ra đi cũng muốn lui về thăm con viếng vợ, nhưng chàng về chưa được vì mặt trận đương dàn. Em ở nhà nuôi thầy dưỡng mẹ, cứ tạm gác một thời gian. Ðợi ngày quân thù rút hết, nước lặng thành yên chàng về”. Câu hò này cũng nói về nỗi day dứt của kẻ chinh phu vì không gánh vác việc nhà, để người vợ nơi hậu phương phải đem thân bồ liễu đảm đương việc gia đình. Nhà cái đã mượn chữ bồ liễu thường dùng để chỉ phận nữ nhi, ấy để thai quân bài liễu. Hay như khi thai quân bài xơ, nhà cái sẽ hò: “Thương nhớ dạng chồng ruột như tơ vày một trăm múi, chàng ra đi em nuôi thầy dưỡng mẹ, em cứ nguyện một lòng vô cúi ra lòn. Thương khuyên cùng chàng đừng có ham chơi chốn gác tía lầu son. Nhớ cảnh quê nhà làm thuê cắt mướn chớ để vợ con tồi tàn”. Câu hò nói đến cảnh bần hàn, xơ xác của 1 gia cảnh có chồng ham rượu chè, đàn đúm, tức ám chỉ quân bài xơ. Cũng nhờ sự hấp dẫn của những câu hò trí tuệ như thế nên đám bài thai không mấy lúc thưa người.
* Bài nọc
Nếu bài thai, bài chòi mượn câu hò để giải trí trên phương tiện là những quân bài trong bộ bài tới, thì bài nọc lại sử dụng ngay cái “vỏ vật chất” là những hình trang trí trên các quân bài để chơi. Bài nọc là một trò chơi có tính may rủi, do vậy nó mang nặng tính sát phạt nhất trong các trò giải trí từ bộ bài tới. Lối chơi này thường được các cụ già ưa thích. Bởi lẽ họ không còn đủ sức để ra đến đình làng hò reo với đám chơi bài chòi, nên yên phận ở ngay trong nhà, cùng với các ông bạn vong niên, nay cũng đã gần đất xa trời, kiếm trò vui xuân. Chơi bài nọc rất đơn giản. Thông thường có từ 6 đến 8 người tham gia, trong đó có 1 người làm nhà cái. Các quân bài được xếp 1 nọc ở giữa chiếu rồi mọi người lần lượt bốc. Nhà cái bốc sau cùng. Ai được điểm cao hơn bài nọc thì được nhà cái chung tiền gấp đôi số tiền đặt cược. Trên các quân bài tới hoàn toàn không có số, vì vậy người ta qui định các nút trong đầu chim, đầu người, đồng tiền… là 1 điểm. Ðiểm cao nhất cho mỗi lần chơi là 9 điểm, quá 9 điểm là bù; thấp nhất là 6 điểm, ai chưa đủ 6 điểm mà không bắt thêm bài thì bị phạt tiền.
* Bài đôi
Bài đôi cũng là một trò chơi sử dụng bộ bài tới, được người dân làng Triều Thủy (xã Phú An, huyện Phú Vang), ngôi làng nhỏ nằm ở đông nam thành phố Huế, thường tổ chức vào những ngày xuân.
Có nhiều cách giải thích khác nhau về tên gọi bài đôi: một số ý kiến cho rằng tên bài đôi xuất phát từ chữ đôi bài hay cặp bài, vì khi chơi, người ta sử dụng bộ bài gồm 24 đôi/cặp và 1 quân bài lẻ; 1 số người cao tuổi thì cho rằng tên bài đôi xuất phát từ chuyện se duyên đôi lứa trong những cuộc chơi, rồi sau đó nhiều đôi trai gái nên vợ thành chồng.
Ðể chơi bài đôi, người ta sử dụng 49 quân bài, gồm 24 cặp: ông ầm, tử, mỏ, bồng, hương, gối, xe, bạch tuyết, tám giây, tám tiền, liễu, giày, sưa, sáu hột, sáu tiền, rún, gióng, voi, gà, nghèo, trường ba, trường hai, trò, nọc đượng và chỉ 1 quân bài quăn. Số bài này được chia đều cho 7 người chơi. 1 ván bài được tính từ khi chia bài đến khi xuất hết 7 quân bài.
Bài đôi là loại bài đối kháng tập thể, do đó cần phải xuất bài sao cho khéo léo từ nước thứ 1 cho đến nước cuối cùng của 1 ván bài để giành thắng lợi. Theo quy ước, bài đôi được tính từ lớn xuống bé: cao nhất là ông ầm, giá trị là 12 điểm (hay nút); kế đến là tử (11 điểm/nút), mỏ (10 điểm/nút); các quân bài: gối, xe, bạch tuyết (đều 9 điểm/nút); các quân bài: tám giây, tám tiền (đều 8 điểm/nút); các quân bài: liễu, giày, sưa (đều 7 điểm/nút); các quân bài: sáu tiền, sáu hột (đều 6 điểm/nút), rún (5 điểm/nút), các quân bài: voi, gióng (đều 4 điểm/nút), các quân bài: trường ba, gà, nghèo (đều 3 điểm/nút); trường hai (2 điểm/nút); các quân bài: trò, bòng, hương, nọc đượng, quăn (đều 1 điểm/nút). Các quân bài có số nút bằng nhau sẽ được tính ngang nhau, nhưng nếu tay cái hoặc tay trên (được tính theo chiều ngược chiều quay của kim đồng hồ) xuất bài thì xem như con bài đó được tính thắng.
Trong bài đôi, vì ông ầm là quân bài lớn nhất nên phải đi theo luật, tức là phải đi theo các nước thứ 1, thứ 3, thứ 5 và nước cuối. Nhưng muốn xuất ông ầm ở nước thứ 5 thì nước tiếp sau nó phải có 1 đôi. Còn các quân bài khác thì xuất nước nào cũng được.
Bài đôi có 2 kiểu đối chọi: đối chọi theo từng đôi hoặc theo từng quân bài một, tùy theo nhà cái thách đối. Nhưng dù đối chọi theo kiểu nào thì số nút của con bài vẫn là điểm căn cứ để phân thắng bại.
Ðể chọn người thách đối trong ván bài đầu tiên, các tay chơi để úp bộ bài ra giữa hội và tổ chức bốc cái. Người bốc được quân bài lớn nhất sẽ cầm cái, được chia bài cho hội và có quyền thách đối. Cuối mỗi ván bài, tay chơi nào có quân bài nổi sau cùng sẽ cầm cái cho ván bài kế tiếp.
Cách tính thắng bại của 1 ván bài đôi:
– Tay chơi nào có 1 quân bài nổi thì xem như ván bài đó hòa.
– Tay chơi nào có 2 quân bài nổi thì thắng được 1 tay chơi khác.
– Tay chơi nào có 2 quân bài nổi thì thắng 2 tay chơi khác.
– Ăn trắng: Khi 1 trong các tay chơi có cả 7 quân bài nổi và mỗi tay chơi bị thua ít nhất 2 quân bài. Số điểm thắng sẽ được tính gấp đôi.
– Ăn xúc: Khi người thách đối xuất thành công đôi hương, được tính gấp đôi ăn trắng.
– Ăn đền: Khi tay chơi xuất quân bài ông ầm không đúng luật để cho đối phương ăn xúc thì tay chơi này phải chịu thua cả hội bài.
* Bài phu
Bài phu cũng dùng các quân bài trong bộ bài tới để chơi, nhưng chỉ sử dụng tối đa là 16 cặp bài. Trước khi chơi, người ta lựa ra 16 cặp bài, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, gồm: ông ầm, tử, mỏ, xe, gối, liễu, tám tiền, tám giây, sáu hột, sáu tiền, gióng, giày, sưa, voi, trường ba, trường hai.
Theo luật chơi bài phu, nếu có đủ 4 người chơi thì sử dụng cả 16 cặp bài này. Nếu chỉ có 3 người chơi thì bỏ bớt các cặp: sáu tiền, gióng, giày và sưa, để cho mỗi tay chơi luôn có 8 con bài.
Chơi bài phu giống như như chơi bài tam cúc, tức là ra bài theo 3 cách: bộ ba, cặp đôi và nước một. Bộ ba thì có bộ ba thượng gồm các quân bài: ông ầm, tử, mỏ; bộ ba xe gồm: xe, liễu, tám tiền và bộ ba đất gồm: voi, trường hai, trường ba. Cặp đôi thì cứ 2 quân giống nhau là kết thành 1 đôi. Mấy con bài dư ra thì đánh nước một. Ai ra bài lớn thì “ăn” các người khác và được giành quyền làm cái. Nếu bài ra giống nhau thì người làm cái được ăn. Hết ván bài, ai có nhiều bài ăn sẽ giành phần thắng. Nếu chơi bài chòi hay bài tới thường chỉ nhờ vào sự hên xui, thì chơi bài phu phải tính toán cao thấp rất nhiều.

Hội chơi bài tới ở nhà Trần Đức Anh Sơn năm 2007 với sự tham gia của bà nội, bà ngoại, hai bà hàng xóm. Con trai Nhật Quang và con gái Thiều Anh giữ chân “hầu bài”
Từ bộ bài tới chung cho cả vùng đất miền Trung, người Huế đã sáng tạo nhiều trò chơi, mỗi trò mỗi vẻ, làm phong phú thêm cho những trò vui ngày Tết.
T.Đ.A.S.