TRÒ CHƠI ĐẦU HỒ Ở HUẾ

Trần Đức Anh Sơn

1. Ba ngàn năm trò chơi đầu hồ

Đầu hồ (投壺) âm Bắc Kinh là touhu, là một trò chơi có nguồn gốc từ Trung Hoa. Đầu (投) là ném, hồ (壺) là cái bình. Trò chơi này được mô tả khá chi tiết (cùng với 20 hình vẽ minh họa) trong cuốn Nhật dụng bách khoa toàn thư xuất bản tại Ðài Loan năm 1935.1 Theo sách này, bộ dụng cụ chơi đầu hồ gồm một chiếc bình cao cổ làm bằng đồng, đường kính miệng khoảng 3 tấc,2 cao khoảng 1 thước đựng đầy hạt đậu nhỏ, hai bên miệng bình có gắn 2 cái tai, là những chiếc ống nhỏ, không có đáy và một bộ tên gồm 12 chiếc, mỗi mũi tên dài 2 thước 4 tấc. Người chơi đứng cách chiếc bình một khoảng bằng 2,5 chiều dài mũi tên và tìm cách ném những mũi tên lọt vào miệng bình. Ngày trước, mỗi người chơi chỉ được ném tối đa là 4 mũi tên. Về sau, luật có thay đổi, nếu người chơi ném trúng một lượt tên thì giữ quyền ném mũi tên kế tiếp, đến khi nào ném trật ra ngoài thì mới ngưng lượt. Nếu một người ném trúng 12 lần liên tiếp thì gọi là toàn hồ, được tôn là hiền (giỏi). Nếu không vào trọn 12 mũi tên một lượt thì ai đạt 120 điểm trước sẽ là người thắng cuộc. Nếu có nhiều người cùng đạt 120 điểm thì người nào còn tên nhiều sẽ thắng.

Một nghiên cứu của Isabelle Lee đăng trên nguyệt san The Oriental Ceramic Society, tựa là Touhu: Three Millennia of the Chinese Arrow Vase and the Game of Pitch-Pot3 (Đầu hồ: Ba thiên niên kỷ của chiếc bình đựng mũi tên Trung Hoa và trò chơi ném tên vào bình), cho biết trò chơi đầu hồ xuất hiện ở Trung Hoa vào thời nhà Chu (1122 – 249 trước CN); trở nên phổ biến vào thời kỳ Xuân Thu (770 – 476 trước CN) và liên tục phát triển và cách tân bởi nhiều triều đại Trung Hoa, cho đến đời Thanh (1644 – 1911) mới chấm dứt. Đây là trò chơi có nguồn gốc lâu đời và tồn tại dài nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Nhiều nguồn sử liệu thời thượng cổ của Trung Hoa như: Lễ ký, Sử ký, Tả truyện, Tấn thư, Hậu Hán thư…; nhiều tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, thi phú, khảo cứu… của các tác giả vô danh và hữu danh trong lịch sử Trung Hoa đã phản ánh và miêu tả trò chơi nổi tiếng này.

Chiếc bình đồng dùng để chơi đầu hồ vào thời Chu.

Chiếc bình đồng dùng để chơi đầu hồ vào thời Chu

Chiếc bình đồng khảm bạc dùng để chơi đầu hồ vào thời Tùy - Đường, trưng bày ở Bảo tàng Shoso-in (Nara, Nhật Bản)

Chiếc bình đồng khảm bạc dùng để chơi đầu hồ vào thời Tùy – Đường, trưng bày ở Bảo tàng Shoso-in (Nara, Nhật Bản)

Theo sách Lễ ký, được viết ngay sau khi nhà Chu kết thúc, đầu hồ là trò chơi ở các tiệc rượu trong giới quý tộc và chư hầu của nhà Chu. Thay vì tổ chức thi bắn cung trong khi uống rượu, họ đã phát minh ra trò ném những mũi tên vào những chiếc bình, trước đó, dùng để đựng rượu. Ai ném lọt nhiều mũi tên vào miệng bình thì được quyền mời rượu người khác. Ai không ném trúng thì phải chịu phạt, không được từ chối lời mời uống rượu của người chiến thắng. Theo sách Lễ ký, đầu hồ thường xuất hiện trong các đại tiệc của triều đình. Nơi tổ chức cuộc chơi thường là sân chầu. Nếu thời tiết không thuận lợi thì chơi trong nhà. Thời điểm chơi đầu hồ thường vào buổi tối. Lễ ký chép rằng chơi đầu hồ là một cách thể hiện đức hạnh.

Thác bản dập từ phù điêu vẽ cảnh chơi đầu hồ thời Hán ở mộ cổ Nam Dương (Trung Quốc).

Thác bản dập từ phù điêu vẽ cảnh chơi đầu hồ thời Hán ở mộ cổ Nam Dương (Trung Quốc).

Sách Tả truyện, được viết vào cuối thời Chu, có kể về một “biến cố ngoại giao” liên quan đến trò chơi đầu hồ như sau: Vào năm 530 trước CN, một hoàng tử của nước Tấn được đưa lên ngai vàng kế vị đại vương vừa quá cố. Hoàng tử các nước Tề, Thương và Ngụy là những nước trong liên minh do Tấn làm thủ lĩnh, đều phải sang nước Tấn chúc mừng sự kiện này. Trong khi dự tiệc, họ chơi đầu hồ. Theo trình tự, hoàng tử nước Tấn là người ném tên đầu tiên, kế đến là hoàng tử nước Tề. Trước khi hoàng tử nước Tấn ném tên vào bình thì Zhonghang Muzi4, tướng quốc nước Tấn, phát biểu: “Rượu ở trong nước tôi dư thừa như nước sông Hoài. Thịt ở trong nước tôi chất đống cao như ngọn đồi. Nếu đại vương của chúng tôi ném tên trúng đích, ngài sẽ là thủ lĩnh của liên minh chúng ta”. Sau lời phát biểu, hoàng tử nước Tấn ném tên và chiến thắng. Hoàng tử nước Tề không vui khi nghe lời phát biểu của Muzi nên đứng dậy nói: “Rượu ở nước tôi nhiều hơn nước sông Thương và thịt của nước tôi chất đống cao như núi. Nếu tôi thắng trong vòng này, tôi sẽ làm thủ lĩnh của liên minh chúng ta”. Rồi ông ta cũng ném tên lọt vào miệng bình và chiến thắng. Bấy giờ, Bai Xia, một vị tướng khác của nước Tấn nói nhỏ với Muzi: “Ngài đã lỡ lời rồi. Tấn đã là thủ lĩnh của liên minh. Điều này không liên quan gì đến việc chiến thắng trong khi đầu hồ, nhưng câu nói của ngài sẽ khiến cho hoàng tử nước Tề tự ái và sẽ không kính trọng đại vương của chúng ta nữa và sẽ rút khỏi liên minh”. Muzi vặn lại: “Quân đội của chúng ta vẫn mạnh như trước đây, Tề không dám phá bỏ liên minh đâu”. Quả nhiên, ngay sau đó, Gongsun Sao, một cận thần của hoàng tử nước Tề đứng dậy nói: “Muộn rồi, hoàng tử của chúng tôi đã mệt. Ngài cần phải nghỉ”. Lập tức, hoàng tử nước Tề rời bỏ bàn tiệc, theo Gongsun Sao ra ngoài.

Cuốn Sử ký do Tư Mã Thiên viết vào thế kỷ 1 trước CN, khi viết về tiểu sử của nhân vật Chunyu Kun ở quyển 126, cũng đề cập đến trò chơi đầu hồ. Quyển 50 của Hậu Hán thư cũng cho biết: Ji Zun, thủ lĩnh tối cao của quân đội nhà Hán, đã khuyến khích binh sĩ tập chơi đầu hồ và coi trò này là một phương pháp rèn luyện kỹ năng cho binh sĩ. Trong một di chỉ mộ Hán khai quật được ở Nam Dương (Trung Quốc), các nhà khảo cổ đã phát hiện một phù điêu bằng đá chạm trổ hình 5 người đang chơi đầu hồ. Người chơi đầu hồ giỏi nhất trong lịch sử Trung Hoa là một vị thái giám của Hán Vũ Đế, được tôn vinh là Quốc xảo nhân. Tài nghệ chơi đầu hồ của viên quan này được phản ánh trong các tác phẩm: Tây kinh sử ký (thời Hán); Đầu hồ phú của Handan Chun (220 – 265); Đầu hồ quốc xảo nhân của Đỗ Phủ (712 – 770)…

Tấn thư, sử của triều Tây Tấn (265 – 420) cũng có chép chuyện một tì thiếp của vị tướng Chong Shi (249 – 300) chơi đầu hồ giỏi đến độ khi đứng sau bức màn ngăn, bà vẫn có thể ném tên lọt vào bình. Về sau, người ta gắn thêm vào cổ bình những “cái tai”, gọi là tiểu hồ (小壺) và thay đổi luật chơi đầu hồ sao cho người chơi đầu hồ không chỉ ném tên trúng miệng bình, mà phải ném tên lọt vào những tiểu hồ gắn hai bên cổ bình, mới trở thành người thắng cuộc.

Sang đời nhà Tống (960 – 1127), đầu hồ không còn là một trò giải trí đơn thuần, mà trở thành một nghi lễ trang trọng. Trào lưu này do những quan lại bảo thủ, đứng đầu là Tể tướng Tư Mã Quang (1019 – 1086) chủ xướng. Vào năm 1072, Tư Mã Quang viết một khảo luận về trò chơi đầu hồ, tựa là Đầu hồ tân cách, tập trung vào việc cải cách trò chơi, mà hậu thế cho là quá rối rắm và làm giảm sút hứng thú khi chơi trò này. Tư Mã Quang đưa ra 20 kỹ thuật ném tên mới và ràng buộc trò chơi này với những triết lý bảo thủ của trường phái Tống Nho. Ông chủ trương rằng đầu hồ là trò chơi có thể làm sạch tâm trí và rèn luyện thân thể; rằng trong môn đầu hồ có hàm chứa các triết lý của Nhân và Đạo.

Dưới triều Minh (1368 – 1644) có một sự xung đột giữa hai trường phái chơi đâu hồ: một phái muốn bảo lưu những quy tắc chơi đầu hồ do Tư Mã Quang khởi xướng và duy trì từ thời Tống; phái kia muốn chơi đầu hồ một cách đơn giản và cởi mở, thiên về giải trí. Một học giả tên là Vương Đệ (1490 – 1530) đã bỏ công biên soạn một cuốn sách, tựa là Đầu hồ nghi thức, để dạy cho học trò của mình cách chơi đầu hồ. Ông đưa ra 10 chiêu thức ném tên mới, có các tên gọi riêng như: Lưỡng long giáng hải, Song phụng triều nhật, Thất hiền quá sơn, Long nhập yến sào…, nhằm đơn giản hóa các luật chơi do Tư Mã Quang đề ra trước đây. Các chiêu thức chơi đầu hồ do Vương Đệ khởi xướng được duy trì trong suốt thời Minh, sang tận thời Thanh. Về cơ bản, cách chơi của Vương Đệ giống như cách chơi đầu hồ được mô tả trong cuốn Nhật dụng bách khoa toàn thư mà tôi đã đề cập trên đây.5

Từ Trung Quốc, trò chơi đầu hồ lan truyền sang Nhật Bản vào thời nhà Đường (618 – 906); sang Hàn Quốc vào thời kỳ Choson (1290 – 1910) và sang Việt Nam vào thời Nguyễn (1802 – 1945). Hiện tại, Bảo tàng Shoso-in (ở Nara, Nhật Bản); Bảo tàng Cố cung và Bảo tàng Hoam6 (ở Seoul, Hàn Quốc); Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (ở Huế, Việt Nam) đều đang trưng bày những bộ đầu hồ cổ, làm bằng nhiều chất liệu khác nhau.

Đầu hồ bằng đồng và bộ tên gỗ của vương triều Choson (Hàn Quốc) làm vào năm 1742, trưng bày ở Bảo tàng Cố cung (Seoul, Hàn Quốc)

Đầu hồ bằng đồng và bộ tên gỗ của vương triều Choson (Hàn Quốc) làm vào năm 1742, trưng bày ở Bảo tàng Cố cung (Seoul, Hàn Quốc)

2. Trò chơi đầu hồ ở Huế xưa

Không rõ trò chơi đầu hồ được du nhập vào Việt Nam từ khi nào, chỉ biết đó là trò chơi khá phổ biến dưới triều Nguyễn (1802 – 1945), rất được giới vương giả, quyền quý ưa chuộng. Richard Orband, nguyên công sứ Trung Kỳ thời thuộc Pháp, đã có một bài viết trên BAVH vào năm 1917 giới thiệu về những chiếc đầu hồ bằng pháp lam ở lăng Tự Ðức và xem đó là những cổ vật độc đáo, hiện thân của các trò tiêu khiển trong cung đình Huế xưa.7 Theo Richard Orband, trò chơi này thường được tổ chức trong hoàng cung Huế hay các phủ đệ của những hoàng thân, quan lại triều Nguyễn. Nhiều tư liệu cho biết vua Tự Ðức và vua Bảo Ðại là những xảo thủ trong trò chơi này.

Khác với cách chơi đầu hồ của người Trung Hoa, người Nhật Bản và người Hàn Quốc, cách chơi đầu hồ ở Huế không ném mũi tên trực tiếp vào miệng bình mà ném gián tiếp thông qua một vật bằng gỗ, thường gọi nôm na là con ngựa (có người gọi là con cóc), đặt ở khoảng trống giữa người chơi và chiếc bình. Như vậy, cách chơi đầu hồ ở Huế khó hơn rất nhiều so với cách chơi nguyên thủy ở Trung Hoa, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chơi đầu hồ ở Huế xưa

Chơi đầu hồ ở Huế xưa

Người Huế, khi chơi đầu hồ, cần có sự tính toán chính xác để mũi tên phải gõ vào con ngựa, rồi mới bật ngược để lọt vào miệng bình nhờ lực đàn hồi.

Một bộ dụng cụ chơi đầu hồ ở Huế xưa gồm ba món chính: chiếc bình, những mũi tên và con ngựa.

– Chiếc bình: Bình không đáy, dáng như một chiếc nậm đựng rượu, có thể làm bằng đồng, bằng sứ, hay bằng gỗ. Chiếc bình được đặt trên một chiếc đế có 4 chân, trong lòng chiếc đế này có đặt chiếc trống nhỏ, bịt da một mặt, để khi mũi tên lọt vào miệng bình, rơi xuống đáy thì đầu mũi tên sẽ gõ lên mặt trống, phát ra những tiếng: “binh! binh!” báo hiệu thắng lợi. Trong một vài trường hợp, người ta còn gắn thêm vào hai bên cổ chiếc bình lớn hai chiếc bình có hình dáng tương tự nhưng nhỏ hơn, bên trong những chiếc bình nhỏ này có chứa một ít hạt ngũ cốc phòng khi tên lọt vào sẽ cắm xuống lớp ngũ cốc mà không bật trở ra. Trong khi ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếc bình chơi đầu hồ chỉ được làm bằng đồng thì chiếc bình chơi đầu hồ ở Huế được làm bởi nhiều chất liệu khác nhau. Hiện tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế đang trưng bày hai chiếc đầu hồ làm bằng gỗ, hai chiếc làm bằng pháp lam và một chiếc là đồ sứ ký kiểu.

– Mũi tên: Ðược làm bằng thứ gỗ chắc và dẻo, dài khoảng 65 cm đến 80 cm, một đầu tròn, một dầu dẹp, ở giữa thon nhỏ, nên có sự đàn hồi. Bộ mũi tên trong trò chơi đầu hồ ở Huế gồm 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm.

– Con ngựa: Là một mảnh gỗ hình bầu dục, dài 40 cm, rộng 25 cm, cao 5cm. Ðây là vật để những mũi tên sẽ gõ vào rồi bật ngược lên, trước khi bay về phía miệng bình.

Ngoài ra, còn có thêm cái ống gỗ đựng những thẻ nhỏ để tính điểm cho những lần ném thẻ lọt vào miệng bình. Có bao nhiêu tên thì có bấy nhiêu thẻ.

Sau khi công bố cách thức và thể lệ cuộc chơi, mỗi người dự cuộc đều nhận được 4 mũi tên. Người chơi đứng cách con ngựa gỗ chừng 3 bước chân rồi lần lượt ném 4 mũi tên, sao cho nó phải gõ vào con ngựa, bật lên, rồi bay lọt vào miệng bình là được 1 điểm và được nhận 1 chiếc thẻ. Người nào chưa có lệnh mà ném tên đi hoặc đứng không đúng chỗ quy định sẽ không được tính điểm và không phát thẻ. Người nào được 3 thẻ trở lên coi như thắng cuộc. Họ sẽ được quyền mời rượu mọi người mà không ai có quyền từ chối. Ðồng thời, họ được tiếp tục điều khiển cuộc chơi. Ðể cuộc chơi thêm phần ngoạn mục và sinh động, người ta thường mời một ban nhạc đến giúp vui. Ban nhạc thường chơi một bản nhạc, có tên là Ðầu hồ, để phụ họa cho cuộc so tài. Đầu hồ là một trò chơi tao nhã, không nặng tính ăn thua, sát phạt, nên được giới quyền quý, thức giả ở Huế xưa ưa chuộng.

3. Những bộ đầu hồ ở Huế

Ở Huế hiện còn lưu giữ ít nhất 5 bộ đầu hồ. Trong đó, 4 bộ là cổ vật thuộc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; bộ còn lại là trân bảo của phủ thờ Ngọc Sơn công chúa, con vua Ðồng Khánh. Ðáng chú ý là sưu tập các bộ đầu hồ ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, bởi chúng rất đa dạng về chất liệu và hình dáng.

3.1. Bộ đầu hồ bằng đồng tráng men pháp lam

Ðây là 1 trong những bộ đầu hồ đã được R. Orband giới thiệu trong bài viết in trên BAVH năm 1917. Bộ đầu hồ này trước đây được trưng bày trong điện Hòa Khiêm (lăng Tự Ðức), nay đang được trưng bày trong điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).

Đầu hồ bằng pháp lam nạm ngọc của vương triều Nguyễn (Việt Nam), trưng bày ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Đầu hồ bằng pháp lam nạm ngọc của vương triều Nguyễn (Việt Nam), trưng bày ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Bộ đầu hồ này làm bằng đồng thau, gồm chiếc bình có eo, gắn với phần đế qua các chi tiết trang trí làm bằng pháp lam. Chiều cao của bộ đầu hồ là 61 cm, riêng chiếc bình cao 40 cm.

Chiếc bình dáng được làm theo hình chiếc bầu đựng rượu. Miệng bình rộng 5 cm, phía trên có gắn cái họng bằng ngọc thạch màu trắng cao 3 cm. Vành ngoài miệng bình là những dãi trang trí theo dạng hồi văn được gắn thêm vào, gồm 1 hàng thủy tinh màu khảm vào 19 chiếc khuy đồng bao quanh vành miệng và 6 chiếc lá bằng pháp lam xuôi xuống cổ bình. Thân trên và thân dưới của bình đều có gắn những sợi chỉ đồng uốn thành hình các bông hoa và đám mây có gắn thủy tinh màu. Bên ngoài eo bình có gắn các chi tiết trang trí bằng pháp lam gồm 2 dải hồi văn lá cúc và 2 hình dơi ngậm tua bằng pháp lam.

Phần đế gồm 2 vành đồng nối với nhau bởi 4 chi tiết bằng pháp lam tạo dáng như những chiếc lá. Vành đế phía trên hình đới cầu, bên ngoài gắn thêm 1 dải khuy đồng nạm thủy tinh màu và các đồ án trang trí mây hóa cúc bằng pháp lam. Vành đế phía dưới có hình vành khăn, mặt ngoài chia thành các ô hình chữ nhật bởi các sợi chỉ đồng. Ðế có 4 chân bên dưới, được phủ men pháp lam màu xanh nhưng đã bị bong men khá nhiều. Theo R. Orband, trong lòng đế có chiếc trống, vật không thể thiếu trong trò chơi đầu hồ. Chiếc trống nay đã mất. Nhiều chi tiết trang trí bằng pháp lam trên thân hồ cũng đã bong men hoặc rơi mất các hạt thủy tinh màu.

Ngoài bộ đầu hồ này, trong bài viết nói trên, R. Orband có giới thiệu 1 bộ đầu hồ khác (kèm hình vẽ), cũng làm bằng đồng thau, quanh thân có nạm nhiều ngọc thạch và thủy tinh màu, theo các kiểu thức trang trí Ảrập. Bộ đầu hồ này không rõ nay lưu lạc phương nào?

3.2. Ðầu hồ bằng gổ cẩn xà cừ

Ðây là bộ đầu hồ tiêu biểu nhất trong số những bộ đầu hồ còn lại ở Huế, hiện đang trưng bày tại điện Long An. Ðầu hồ làm bằng gỗ, gồm nhiều bộ phận ghép lại.

Đầu hồ bằng gỗ khảm xà cừ của vương triều Nguyễn (Việt Nam), trưng bày ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Đầu hồ bằng gỗ khảm xà cừ của vương triều Nguyễn (Việt Nam), trưng bày ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Phần chính là chiếc bình dáng nậm rượu 2 bầu, có eo ở giữa, cao 56 cm. Cổ bình hình trụ, miệng loe. Bầu trên và bầu dưới của chiếc bình là 2 phần riêng biệt, liên kết với nhau qua một khớp nối ở eo bình. Bên ngoài thành bình khảm xà cừ các đồ án rồng, mây (phần trên) và bát tiên (phần dưới). Trên cổ chiếc bình chính có gắn 2 chiếc bình nhỏ, cao 14 cm, hình dáng tương tự bình chính. Ðược biết 2 chiếc bình này được gắn vào để cho dành cho những tay chơi thượng thặng, có thể ném thẻ lọt vào miệng các chiếc bình nhỏ này.

Phần đế phía dưới cao 24,5 cm, được tạo dáng như những chiếc đôn vẫn dùng để bày các chậu hoa cảnh trong các cung điện ở Huế. Mặt đế hình chiếc đĩa, phía ngoài khảm dãi văn hoa thị bằng xà cừ. Ðế có 4 chân, kiểu chân quỳ, gắn với một vành gỗ bên dưới. Mặt ngoài vai đế khảm xà cừ hình long lân quy phụng và 4 vật trong bộ bát bửu gồm: tù và, quạt ba tiêu, đàn tỳ bà và cuốn thư.

Bộ đầu hồ này được đặt trên một chân đế thứ hai, làm bằng loại gỗ khác với bộ đầu hồ và không có các trang trí khảm xà cừ. Bên trong chân đế này có đặt là chiếc trống bịt da một mặt.

Những nét chạm khảm trên bộ đầu hồ này rất tinh tế và trau chuốt, khiến chiếc bình trở nên một tác phẩm nghệ thuật thực sự, xứng đáng là một trong những cổ vật có giá trị trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Tuy nhiên, tình trạng hiện tại của chiếc bình không còn hoàn hảo. Một số chi tiết đã gãy, vỡ do lần đưa đi trưng bày tại Hà Nội cách nay hơn 20 năm.

3.3. Ðầu hồ bằng gỗ, không chạm trổ

Lai lịch chiếc bộ đầu hồ này khá thú vị. Năm 1988, tại Hôtel Drouot (Paris, Pháp) có cuộc bán đấu giá các cổ vật từ châu Á, trong đó có 282 cổ vật Việt Nam, thuộc sưu tập của ông Cổ Trung Ngươn, một nhà sưu tập cổ vật ở Sài Gòn trước đây. Nhận thấy đây là những cổ vật có xuất xứ từ triều đình Huế, Cựu hoàng Bảo Ðại đã khởi kiện lên Tòa thượng thẩm Pháp để đòi lại cho Huế. Ðại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng vào cuộc, ủng hộ Cựu hoàng Bảo Ðại, nhưng do luật lệ về cổ vật ở mỗi nơi mỗi khác nên vụ tranh tụng không đi đến đâu. Tuy nhiên, chủ nhân số cổ vật kia đã tặng lại cho Huế 2 món. Ðó là chiếc bàn trà có khung bằng gỗ sơn son thếp vàng nhưng mặt bàn làm bằng sứ trắng vẽ lam và bộ đầu hồ bằng gỗ kiền kiền. Hai cổ vật này đã được chuyển trả lại cho Huế sau bao năm tháng lưu lạc chốn trời Tây và hiện đang được bảo quản trong kho của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Bộ đầu hồ có hình dáng giống bộ đầu hồ bằng gỗ cẩn xà cừ, nhưng có đôi điểm  khác biệt: miệng bình không loe, cổ bình ngắn hơn và không có 2 chiếc bình nhỏ gắn trên cổ bình lớn, cũng như không có các chi tiết trang trí bằng xà cừ. Phần chính cũng là chiếc bình dáng nậm rượu cao 36 cm, gồm 2 phần tách biệt, kết nối với nhau ở eo bình. Phần đế bên dưới gồm 2 phần, gắn với nhau thông qua một khớp nối. Phần trên hình chiếc đôn có 4 chân, phần dưới hình một chiếc đĩa cao chân, bên trong có chứa chiếc trống nhỏ. Tổng chiều cao phần đế là 25,5 cm. Ngoài ra còn có một bộ gồm 6 mũi tên gỗ, dài 80 cm. Tình trạng bộ đầu hồ này khá tốt, chỉ có một đường nứt dọc thân dài khoảng 20 cm, có lẽ do sự co rút của gỗ, nhưng đã được làm kín bằng keo và bột gỗ.

3.4. Ðầu hồ bằng sứ

Chiếc đầu hồ thứ tư hiện trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được làm bằng sứ. Ðó là một cổ vật thuộc nhóm đồ sứ do triều Nguyễn ký kiểu tại Trung Hoa.

Đầu hồ bằng sứ ký kiểu của vương triều Nguyễn (Việt Nam), trưng bày ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Đầu hồ bằng sứ ký kiểu của vương triều Nguyễn (Việt Nam), trưng bày ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Bộ đầu hồ này chỉ có một chiếc bình không đáy, không có chân đế như những bộ đầu hồ khác. Bình cũng có hình dáng nậm rượu 2 bầu, cao 38 cm. Miệng bình hơi loe, lòng bình là một hình trụ rỗng thông từ miệng xuống đáy. Thành ngoài bình trang trí đồ án “lưỡng long hý thủy” (hai rồng giỡn nước) bằng màu xanh cobalt dưới lớp men phủ. Dưới đáy chiếc bình này có một khoanh tròn, đường kính khoảng 20 cm, không được tráng men, và có những đường gờ nhỏ. Dấu hiệu này cho biết chiếc bình còn có thêm một bộ phận khác ở phía dưới, có thể là một cái đế, bên trong gắn chiếc trống nhỏ, tương tự như những bộ đầu hồ khác ở Huế. Khảo sát xương đất, chất men và màu, cũng như kỹ thuật trang trí trên chiếc bình này cho thấy nó là đồ sứ được sản xuất tại Trung Hoa, nhưng motif trang trí trên thành bình lại theo phong cách Huế, thể hiện ở các chi tiết như: đầu rồng, vây lưng rồng, đuôi rồng, cách xếp vảy rồng, các đám mây và văn thủy ba. Ðiều này chứng tỏ đây là một món đồ sứ ký kiểu và là đồ ngự dụng (dành cho vua dùng) bởi con rồng được vẽ với 5 móng, một dấu hiệu chỉ có trên đồ ngự dụng. Tình trạng chiếc bình này còn rất tốt.

3.5. Ðầu hồ bằng gỗ ở phủ thờ Ngọc Sơn công chúa

Bộ đầu hồ này có từ thời Ðồng Khánh (1885 – 1889), nay là bảo vật của phủ thờ Ngọc Sơn công chúa (31 Nguyễn Chí Thanh, Huế).

Bộ đầu hồ làm bằng gỗ mun, cao 60,7 cm, riêng chiếc bình cao 40,7 cm. Hình dáng bộ đầu hồ này tương tự bộ đầu hồ bằng gỗ đang bảo quản trong kho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Gia chủ vẫn còn giữ được 7 mũi tên bằng gỗ, dài khoảng 78 – 80 cm. Trong trận lụt năm 1999, mặt chiếc trống bị thủng, sau đó đã được bịt lại như cũ. Tình trạng bộ đầu hồ này vẫn còn hoàn hảo.

Anh 09

Du khách chơi đầu hồ trong Đêm Hoàng Cung (Festival Huế 2006)

Du khách chơi đầu hồ trong Đêm Hoàng Cung (Festival Huế 2006)

Trò chơi đầu hồ đã thất truyền ở Huế khá lâu. Tuy nhiên, từ năm 2006, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã cho phục chế 1 bộ đầu hồ bằng gỗ dựa trên mẫu chiếc đầu hồ bằng gỗ cẩn xà cừ (thuộc sưu tập đầu hồ của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), cùng với bộ tên gỗ, đưa vào đặt trong Duyệt Thị Ðường để du khách có thể thử sức trong trò chơi khéo léo và công phu này. Có thể thấy rằng, trò chơi đầu hồ, tuy khai sinh ở Trung Hoa nhưng lại được người Huế ưa chuộng và nâng cao trong kỹ năng biểu diễn cũng như sáng tạo thêm trong việc tạo dáng và sử dụng chất liệu để chế tác nên các bộ đầu hồ. Ðó chính là nét đặc biệt của trò chơi đầu hồ và các bộ đầu hồ ở Huế đô.

                                                                                                                   T.Đ.A.S.

Chú thích

1 Nhật dụng bách khoa toàn thư (chữ Hán), Thương vụ ấn thư quán phát hành, Ðài Bắc, 1935, tr. 5330-5335. Cám ơn nhà nghiên cứu Vĩnh Cao đã cung cấp cho tôi tài liệu này.

2 Kích thước dùng trong sách này theo hệ thống đo lường Trung Hoa: 1 thước = 10 tấc = 40 cm.

3 “Touhu: Three Millennia of the Chinese Arrow Vase and the Game of Pitch-Pot”, Lecture given by Isabelle Lee on October 8th 1991, Transactions of The Oriental Ceramic Society. Volume 56. 1991-1992. The Oriental Ceramic Society in Association with Azimuth Editions London, 1993, pp. 13-27.

4 Bài nghiên cứu của Isabelle Lee viết bằng tiếng Anh nên mọi tên riêng Trung Hoa trong bài đều phiên âm sang chữ Latin. Khi tham khảo bài nghiên cứu này, tôi cố gắng phiên âm các tên riêng Trung Hoa theo âm Hán Việt khi xác định chính xác các tên riêng này nhờ vào các nguồn sử liệu phối kiểm. Trong trường hợp bất khả kháng, tôi buộc phải ghi nguyên văn tên riêng Trung Hoa như trong bản tiếng Anh của Isabelle Lee.

5 Luật chơi đầu hồ theo sách Nhật dụng bách khoa toàn thư diễn giải như sau:

Hữu sơ: Nghĩa là ném trúng mũi tên đầu, được tính 10 điểm. Mũi tên đầu ném trúng, ngụ ý người quân tử làm việc phải mưu tính trước, thận trọng lúc ban đầu, cho nên được thưởng điểm. Các mũi tên khác từ thứ hai trở về sau nếu trúng liên tiếp, đều chỉ tính tối đa là 5 điểm: mũi tên ném trúng lần đầu (của lần ném thứ 2) chỉ đoạt 1 điểm; trúng mũi thứ 3 đoạt 2 điểm; trúng mũi thứ 4 đoạt 2 điểm. Tổng cộng là 5 điểm, sau đó phải ngưng, nhường lượt ném tên cho người khác.

– Toàn hồ: Tức là ném trúng 12 lần liên tiếp, gọi là Vô toán (không tính), nghĩa là thắng cuộc mà không cần so điểm nhiều ít với người cùng. Nếu có hai người chơi cùng đạt Toàn hồ thì sẽ đếm số tên còn thừa của mỗi bên để phân thắng bại. trong trò chơi Ðầu hồ thì Toàn hồ là khó đạt nhất, nên quân tử lấy làm quý.

Hữu chung: Tức là ném mũi tên cuối cùng lọt vào bình, được 15 điểm. Không trúng trong lần ném đầu tiên nhưng ném trúng lần cuối nên được thưởng thêm 5 điểm so với Hữu sơ.

– Tán tiễn: Những mũi tên ném trúng đích nhưng không liên tục, gọi là Tán tiễn chỉ được tính 1 điểm.

Xuyên nhĩ / Quán nhĩ: Mũi tên ném lọt vào một trong hai tai bình, gọi là Xuyên nhĩ hay Quán nhĩ (xuyên vào tai bình) sẽ được tính 10 điểm. Miệng của tai nhỏ mà ném trúng, thì dụng tâm càng tinh, cho nên được điểm thưởng. Nếu Xuyên nhĩ ngay lần ném đầu tiên thì sẽ được tính 20 điểm.

Kiêu tiễn: Kiêu có nghĩa hùng dũng mạnh mẽ. Mũi tên ném không trúng đích, bật lên, rồi lại lọt vào bình thì từ trật mà thành trúng, được tính 10 điểm; giống như làm thiện bỏ điều lầm lỗi, cho nên được thưởng. Nếu bật lên rồi lại xâu vào tai bình thành Xuyên nhĩ thì sẽ được tính 20 điểm

Hoành nhĩ / Hoành hồ: Hoành nhĩ là mũi tên nằm ngang trên tai, thuở xưa tính 50 điểm. “Hoành hồ” là nằm ngang trên miệng hồ, xưa tính 40 điểm. Về sau đều tính điểm như thường mà không thưởng vì cho ngẫu nhiên mà được, chứ không do công phu mà thành.

Ỷ can, Long thủ, Long vỹ, Lang hồ, Ðới kiếm: Ỷ can là tên dựa xiên vào bên trong miệng hồ, xưa tính 15 điểm. Long thủ là như Ỷ can nhưng đầu mũi tên hướng về người chơi, xưa tính 18 điểm. Long vỹ như Ỷ can nhưng đuôi mũi tên hướng về mình. Xưa tính 15 điểm. Lang hồ: Tên xoay tròn trên miệng hồ mà thành Ỷ can, xưa tính 14 điểm; Ðới kiếm” tựa như Quán nhĩ nhưng tên không chạm đất, xưa cũng tính 15 điểm. Ngày xưa các trường hợp này được cho là kỳ tiễn nếu đều tính trúng, nay tất cả đều gọi là phế (bỏ) vì xiên xẹo, nghiêng ngã, không hay, đều không tính điểm.

Ðảo trúng, Ðảo nhĩ: Ðảo trúng là tên rơi ngược lọt vào bình, ngày xưa tính 120 điểm. Đảo nhĩ là tên rơi ngược lọt vào tai bình, xưa không cần biết kết quả trước đó ra sao, đều tính đủ điểm. Đời sau cho như thế là điên đảo, ngược ngạo nên bỏ, không tính điểm.

– Bại hồ: Cả 12 mũi tên đều không trúng. Không có một chút công lao. Chẳng cần nói cũng biết là thua. Nếu cả hai người đều bại hồ thì cũng tính số điểm toàn cục có được để phân thắng bại.

6 Năm 1999, khi đi học ở Hàn Quốc, tôi có đến thăm bảo tàng Hwajong ở ngoại ô Seoul và thấy người ta trưng bày trong bảo tàng những chiếc đầu hồ bằng đồng tương tự những chiếc hình vẽ đầu hồ trong cuốn Nhật dụng bách khoa toàn thư. Bên ngoài bảo tàng, trong khu vực giải trí, người ta cũng đặt một chiếc đầu hồ phục chế, cùng với những mũi tên gỗ và thu hút rất nhiều du khách tham gia trò chơi này.

7 R. Orband, “Les Ðâu Hô du tombeau de Tu Ðuc”, BAVH, No. 2, 1917, p. 105.

Advertisement
Bài này đã được đăng trong Hồn cố đô. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s