Nhân ngày Giỗ Tổ (10 tháng Ba âm lịch): NGÀY GIỖ TỔ Ở ĐÂU RA?

giotohungvuong

Trong entry trước tôi có thắc mắc liệu là cái ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 ở đâu ra. Cái thắc mắc nho nhỏ của tôi là vì ngày 10 tháng 3 là ngày vua Khải Định dùng công văn để quy định. Năm vua Khải Định ra cái công văn này là năm 1917. Đồng thời ca dao có câu “nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”.

Trong cái entry này bác 3 có nói rằng cái câu ca dao kia thực ra là rất mới, có tác giả đàng hoàng, và đăng báo vào năm 193x. Tức là cái câu ca dao ấy thực ra là để tuyên truyền cho cái ngày Giỗ Tổ mà vua Khải Định ấn định cho cả nước. Còn ngày Giỗ Tổ thực, mà nhân dân địa phương khu vực Đền Hùng, vẫn tiến hành cả ngàn (?) năm nay là ngày 11 tháng 3 âm lịch. (Vua cho cả nước làm sớm lên 1 ngày, ngay tại đền Hùng, để sau đấy một ngày thì dân địa phương có thời gian và địa điểm làm lễ của riêng mình). Qua đây cũng thấy cái giải thích của Kim Định về ngày 10 tháng 3 (Tam Miêu – Bách Việt) là bị đổ gãy hoàn toàn.

Thế nhưng, cuối cùng, thì cái ngày 11 tháng 3 âm lịch ấy phải ở đâu ra chứ? Nó phải có ý nghĩa (cho dù là gán ghép) hoặc tốt hơn cả, là nó phải có nguồn gốc thực sự từ đâu đó cội nguồn dân tộc.

Đền Hùng, thực ra không cũ lắm, mới chỉ được xây dựng từ đời nhà Đinh. Điều này dễ hiểu vì trước đó là cả ngàn năm Bắc Thuộc.

Mã Viện sau khi cướp nước ta đã đốt sách, nung chảy hầu hết trống đồng, tịch thu mang về Tàu hầu hết các tác phẩm và sản phẩm tinh hoa của chúng ta, để rồi sau cả ngàn năm bắc thuộc, chúng ta mù mờ về tổ tiên nhà mình. Nghiên cứu sử theo sách sử (chép) thì dựa nhiều vào sách Tàu (ví dụ như Hậu Hán thư) và sách ta, bắt đầu từ An Nam Quốc Vương kiêm hoàng tộc nhà Trần đầu hàng theo giặc. Ngoài ra chỉ còn huyền sử với Lĩnh Nam chích quái là những câu chuyện nổi tiếng nhất.

Nếu chịu khó đọc tài liệu, hoặc đơn giản hơn là google, mọi người sẽ thấy cả chục thuyết khác nhau về cội nguồn dân tộc. Từ mê tín dị đoan Nho Việt, Hà Đồ, Kinh Thi, Kinh Dịch (Kim Định và những người theo phái này), đến văn hóa Đông Sơn, Hòa Bình (các nhà lịch sử khảo cổ Hà Văn Tấn đến Trần Quốc Vượng). Từ nhân chủng học (Bình Nguyên Lộc, cho rằng tổ tiên chúng ta có chủng Malai) đến Lê Mạnh Thát nghiên cứu sử dựa vào văn bản Phật giáo và qua đó khước từ cả Triệu Đà lẫn An Dương Vương là vua của người Việt. Sau đây là tóm tắt một chút về các thuyết để các bạn thích món nào thì tự xào internet món đấy.

  1. Trường phái Huyền Sử và sau này các môn đệ thêm cả mê tín vào (hay gọi luôn là phái Kim Định cho dễ) thì cho rằng Viêm Việt (Bách Việt, Cửu Lê, Lạc Việt…) ngày xưa làm chủ đất và văn minh Hoa Hạ. Sau này bị Hán Tộc vốn là dân du mục, thiện chiến hơn, oánh cho tơi bời, chạy toé khói về phương nam. Rồi lại bị đô hộ, chỉ có một nhóm nhỏ tồn tại đến bây giờ chính là người Việt chúng ta đang lướt web hiện nay. Rồi từ đó nhận hết Nho học, Kinh Thi, Kinh Dịch này nọ là có nguồn gốc từ dân ta mà ra hết. Tuy thường xuyên đẽo chân cho vừa giày, ông Kim Định có một điểm rất thuyết phục đó là họ của người xưa, bọn du mục thì lấy tên của tướng, họ của dân nông nghiệp lấy theo đất. Ông Tạ Chí Đại Trường cũng có nói Hùng là từ Hùng Điền mà ra.
  2. Ngoại trừ những người làm sử dựa nhiều vào khoa học, ví dụ dựa vào khảo cổ học như cụ Hà Văn Tấn, thì có hai người mà tôi rất khoái do họ sử dụng nhiều phương pháp suy luận kiểu điều tra phá án Sherlock Holmes, kết hợp khảo cổ và folklor học, lẫn nghiệp vụ hịên trường CSI: đó là Trần Quốc Vượng và Tạ Chí Đại Trường. Ví dụ tiêu biểu là cả hai ông này đều có những phát kiến về ảnh hưởng của tù binh Chăm ở đồng bằng Bắc Bộ. Hay ông Tạ chí Đại Trường nói “có tội thì lội xuống sông” là dấu vết văn hóa của tắm sông Hằng (do cách nào đó đã đến VN, ví dụ qua phật giáo Nam tông) còn sót lại. Ông này còn giải thích về các họ Lí-Lê (Việt Mường), Phan-Phạm (Chàm) và Trịnh (Thái).
  3. Ông Bình Nguyên Lộc tuy nói dài và hay khiêu khích nhưng ông ấy sử dụng hai công cụ cực kỳ đáng tin cậy là Nhân chủng học và Ngôn ngữ. Tuy món nhân chủng học là món gây nhiều tranh cãi, nhưng ngôn ngữ học lại có sự đồng thuận cao. Ông Bình Nguyên Lộc chứng minh được (tuy còn nhiều dẫn chứng võ đoán) rằng tiếng Việt trước thời kỳ Mã Viện là tiếng đa âm. Tàn tích còn sót lại là các từ ghép như Biển Cả. Ông này có giải thích từ Văn Lang là từ chữ Nang Vlang (Cọ Sọc) mà ra (ngoài cái ông này thì chưa thấy ai giải thích Văn Lang từ đâu mà ra cả). Ông này cho rằng người Việt cổ là hậu duệ của giống Proto-Australoid (Cổ-Phương Nam), chủng thì là chủng Mã Lai. Vua Hùng là một bộ tộc thuộc chủng này, chiến thắng hằng loạt bộ tộc khác (cũng cùng chủng ấy, có ngôn ngữ và văn hóa giống nhau) thành lập nước Văn Lang, du nhập công nghệ đúc trống đồng của người Mã Lai (cũng là cùng chủng). Người Mường là các chủng tiến hóa hơn (đời sau) của giống này và đến Việt Nam sau cùng cho nên văn hóa và ngôn ngữ của người Mường rất giống người Việt cổ và có nét gần gũi văn hóa với một loạt dân tộc ở Cao Nguyên.

Ông Bình Nguyên Lộc có chỗ khớp với ông Lê Mạnh Thát ở chỗ Bắc Tiến (người Việt cổ đi từ tít dưới phương nam lên Bắc, mang văn hóa và tôn giáo của Ấn, Khmer…). Cũng khớp với khảo cổ Hòa Bình, Phùng Nguyên, Đông Sơn, Sa Hùynh.

Để rồi sau này về Nam mở cõi, người Việt hiện đại lại gặp những bà con của tổ tiên mình.

Mặc dù vua Hùng và Văn Lang xuất hiện lần đầu (trong văn bản) là cuốn Việt sử lược do một hàng binh nhà Trần được tàu phong vương (ta gọi là Việt gian hoặc phản quốc), cho nên phần xạo là nhiều (xạo là để lấy le với địch, và xạo vì ông này là tay háo danh, thông minh, học giỏi). Tuy nhiên dù xạo cũng cho thấy là vua Hùng không phải là người gốc gác bản địa mà là dân di cư nên có thể làm được những việc mà dân ở đấy không thể làm được (võ hoặc vật chẳng hạn) nên Việt sử lược mới nói là “ảo thuật gia” và nhờ đó thống nhất được các bộ lạc và thành lập nước Văn Lang.

Sau này Ngô Sĩ Liên dựa vào, rồi thêm cả huyền sử, để viết hẳn đọan dài về Hùng Vương Âu Lạc An Dương Vương. An Dương Vương đoạn cuối có chỗ sau khi giết Mỵ Châu đã cầm sừng Tê rẽ nước biển mà đi xuống như Moses trong Cựu ước. Có lẽ vì điểm này mà Linh mục Kim Định quyết định dùng Lĩnh Nam chích quái để làm Kinh Hùng.

Vua Hùng chắc chắn là có thật. Cho dù xuất phát điểm, hoặc sự thật, vua Hùng chỉ là một ông tướng đứng đầu bộ lạc. Hùng tướng hoặc Lạc tướng. Phân tích của Bình Nguyên Lộc là có vẻ thuyết phục nhất nếu chỉ xét đoán về lập luận khoa học.

Vào cái link này và link này sẽ thấy tiếng Việt cho thấy dù vay mượn từ vựng rất nhiều của tiếng Tàu nhưng bản chất vẫn là Mon-Khmer và các nhánh ngôn ngữ gần nhất của tiếng Việt là: Mường, Khmer, Bahnar, Pacoh, Katu (một loạt các dân tộc anh em rất đỗi quen thuộc với chúng ta).

Và cũng như bác 3 ở đây nói, hay nếu ai chịu khó đọc Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi (có phần khảo dị rất hay) thì thấy nhiều truyện cổ tích của ta tương đồng với truyện cổ các nước Đông Nam Á hoặc Ấn Độ.

Cuối cùng, thế ngày Giỗ Tổ 11 tháng 3 âm lịch là từ đâu ra.

Rất có thể những người Việt cổ, xuất phát là du mục săn bắn, khi định cư ở lưu vực sông Hồng, sông Mã, đã chuyển qua trồng lúa và phát triển công nghệ (hoặc thuổng ở đâu đó) đến trình độ cao: thủy lợi, thời tiết và lịch mặt trăng.

Định cư ở đây đã lâu nhưng họ không quên cái Tết cổ truyền của mình. Cái Tết đó đã đi vào âm lịch và trở thành ngày Giỗ Tổ. Đó là ngày 11 tháng 3 âm lịch, rất gần với Tết của người Khmer.

Lịch cổ của các nước Đông Nam Á là Phật Lịch cổ. Đây là lịch âm dương (năm thì theo mặt trời, tháng theo mặt trăng). Kỷ nguyên đầu tiên của Phật lịch cổ bắt đầu (Tết năm Không) là ngày … 10 tháng 3. Kỷ nguyên thứ hai Tết bắt đầu với ngày đầu tiên của năm mới là … ngày 11 tháng 3 (năm 545 BC). Đây là khoảng thời gian mà người Mường cổ và người Chàm cổ bắt đầu xuất hiện rõ rệt từ Trung tới Bắc Bộ. Cũng là thời kỳ vua Hùng thống nhất các bộ lạc và thành lập nhà nước cổ Văn Lang. Và từ đó tục Têm Trầu (rõ ràng là từ xứ Nam Dương) trở thành nghi thức ngoại giao cấp … bộ tộc (hehehe) và sau này thành nghi thức tiếp khách của dân đồng bằng sông Hồng (miếng trầu đầu câu chuyện). Tiễn quân ra trận (Bà Triệu) nhân dân cũng “têm trầu cánh kiếm đưa chồng ra quân).

Các nước Đông Nam Á đến đầu thế kỷ trước đều dùng lịch dựa vào Phật lịch (cổ hoặc hiện đại) trừ nước mình. Chắc là do sau thời Mã Viện, hoặc thậm chí từ thời Triệu Đà, bị nó cưỡng bức. Bởi vậy nên Tết cổ truyền của người Việt cổ phải lẩn trốn trở thành Giỗ Tổ như một bản năng giữ gìn gốc tích dân tộc. Nó cũng giải quyết khúc mắc tại sao dân ta làm nông nghiệp, dùng lịch âm (của tàu) mà trống đồng lại thể hiện thờ mặt trời. Nó cũng cho thấy tại sao từ Nam Đảo, Tây Nguyên, Thanh Hóa, Hòa Bình, Đồng Bằng Bắc Bộ và Lưỡng Quảng bên kia dãy núi lại có trống đồng hoặc cồng chiêng. Mà càng lên phía bắc thì trống đồng càng đẹp (thế hệ sau đi xa hơn và đạt trình độ công nghệ cao hơn thế hệ trước) cũng như càng xuống hoặc vượt qua bên kia núi thì tài nguyên ưu đãi hơn, đúc được trống to hơn).

Sau 1.000 năm Bắc thuộc thì chủng tộc chắc lai Hán nhiều, văn hóa ảnh hưởng nhiều, đâm ra tâm lý vừa hâm mộ, vừa sợ, vừa ghét Tàu. Nhưng dân Việt Thường Thị ở Hồng Lĩnh (nơi vua Hùng suýt nữa đặt kinh đô) thì ít bị Hán hóa hơn. Từ đó nảy sinh ra một ông TBT coi Tàu khựa như rửa đít, đó là ông Lê Duẩn.

Báo Thanh Niên hôm qua (22/4/2010) bắt đầu triển khai loạt bài về thời Hùng Vương với tên gọi “Dựng nước sau trận đại hồng thủy”. Ngoài các ý tưởng/quan điểm sử dụng của Lê Mạnh Thát thì bài báo còn dùng thêm cổ địa lý của Hoàng Ngọc Kỳ trong đó có nói khoảng hơn 4000 năm trước thì nước biển dâng đột ngột lên tới hơn 5 m và phải hơn 1000 năm sau mới rút.

Nếu thông tin trong bài báo đúng (chắc là đúng thôi hehe) thì đây chính là lý do phần nào giải thích được việc các bộ tộc chủng Mã Lai (không phải là dân Malaysia ở KL bây giờ) di chuyển lên phương Bắc. Nó cũng giải thích được là tại sao các dân tộc anh em của người Việt cổ cứ ở trên cao nguyên với trên núi cho đến tận bây giờ. Và rõ ràng là những bộ tộc kéo xuống được đồng bằng sớm (vua Hùng) có lợi thế hơn hẳn các tộc khác.

Tuy nhiên báo Thanh Niên gán luôn cho quả nước biển dâng kia với lại truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh thì đúng là cưỡng bức thông tin quá đáng. Đấy là chưa kể đến việc Sơn Tinh rất có thể là nhân vật có thật, tên phiên âm qua tiếng Hán là Tuấn, sống ở đời cuối của giai đoạn Hùng Vương, đánh nhau còn thua Thủy Tinh … Thục Phán An Dương Vương. Sở dĩ nói vậy vì tôi tin chắc rằng nếu có Thủy Tinh thì ông này chắn chắn là Thục Phán.

Người Thái Cổ (cũng cùng chủng Austronesian nhưng khác chi, ở mé trên của dãy núi phía Bắc). Chủng này tiếng Tàu gọi là Âu. Người Việt cổ (khác chi, đã xuống đồng bằng). Chủng này tiếng Tàu gọi là Lạc. (Đoạn này có thể tìm trong cuốn “Lột trần tiếng Việt” của Bình Nguyên Lộc)

Thục Phán có thể là người Thái Cổ. Hùng Vương là người Việt Cổ.

Khớp với truyến thuyết thì sẽ là thế này. Thục Phán xuống đồng bằng hơi muộn so với Hùng Vương (Thủy Tinh đến muộn) buộc phải đánh nhau với liên quân bố vợ con rể Hùng Vương và Sơn Tinh (năm nào cũng dâng nước đánh Sơn Tinh ở Tản Viên). Về địa lý thì cũng khá khớp ở chỗ quân Thục Phán đi theo đường sông (sông Đà???) xuống đất Phú Thọ rồi đánh nhau với liên quân Hùng Vương Sơn Tinh ngược lên đến Tản Viên thì thua. Năm nào cũng đánh và cũng thua. Nên đi vào truyền thuyết thành Thủy Tinh không những hụt quả gái đẹp mà còn ghen tức năm nào cũng choảng nhau.

Thế nhưng truyền thuyết (của dân thua trận) không nhắc đến trận cuối cùng, Thục Phán thắng trận (do Hùng Vương ngủ quên trên chiến thắng, Sơn Tinh mải nhậu thịt thú rừng), và thống nhất hai tộc Âu và Lạc để thành lập nhà nước Âu Lạc.

Có các vua “Lạc” hoặc có các vua “Hùng” hay không? Hay là chẳng có cả hai?

Liệu những người đầu tiên chiếm cứ trên khu vực ngày nay là miền Bắc Việt Nam có được gọi là các vua “Lạc” hay các vua “Hùng” – đây là một câu hỏi được tranh luận nảy lửa trong gần một thế kỉ nay. Học giả người Pháp, Henri Maspero, đã bắt đầu cuộc tranh luận này hồi đầu thế kỉ XX khi ông nhận thấy rằng ở trong các nguồn sử liệu Trung Quốc – những nguồn tư liệu đầu tiên về đề tài này, thì các ký tự 雒 (lạc) và 雄 (hùng) đều đã xuất hiện. Maspero đã kết luận rằng một thư lại Trung Quốc đã viết lầm chữ 雄 (hùng) thay vì phải viết chữ 雒 (lạc) (hai kí tự này khá giống nhau và có hàng tá bằng chứng cho thấy trong các ngữ cảnh khác, chúng bị lẫn lộn cái này với cái kia), và cho rằng trong những thế kỉ sau đó, người Việt Nam đã chỉ là rập lại cái lỗi sai về chép lộn kí tự này.

Maspero được coi là một học giả có năng lực, nhưng lập luận của ông trong bài viết này đã để lại rất nhiều điều để chất vấn. Thái độ của ông – rằng người Việt Nam đã chỉ đơn giản sao chép một lỗi sai mà không hề nhận ra nó – đã hạ thấp người Việt Nam, và vì thế chẳng có gì ngạc nhiên là cuối cùng nó đã gây ra hàng loạt tranh luận. Trong cuối thập niên 60 và đầu những năm 70 của thế kỉ XX, sự tranh luận này đã đi đến một kết luận “mang tính chính trị” để bảo vệ chữ “hùng” (một điểm mà tôi sẽ viết trong một entry sau), nhưng nó đã chưa bao giờ đi đến một kết luận mang tính học thuật.

Trong khi các học giả đã tranh luận một cách vô tận về việc 雒 (lạc) hay 雄 (hùng) chữ nào là đúng, thì tôi chưa từng thấy ai thảo luận về những đoạn văn bao chứa các chữ này trong các sử liệu Trung Quốc. Những đoạn viết đó, tuy nhiên, lại cung cấp các manh mối rõ ràng nhất về vấn đề thuật ngữ nào là “đúng.”

Có hai nguồn tư liệu chính cho các cuộc tranh luận này. Cụ thể là, có một nguồn tư liệu trong đó sử dụng các thuật ngữ 雒 (lạc) và một nguồn khác trong đó sử dụng thuật ngữ 雄 (hùng). Ngoài hai nguồn tư liệu này ra, có những nguồn tư liệu khác, nơi mà thông tin này xuất hiện, nhưng các nguồn khác rõ ràng là những phiên bản giản lược của hai đoạn văn dài đã xuất hiện trong Giao Châu ngoại vực kí [交 州 外 域 記, Jiaozhou waiyu ji – Record of the Outer Territory of Jiao Region – Ghi chép về lãnh thổ rìa ngoài của châu Giao] và Nam Việt chí [南 越 志, Nanyue zhi Treatise on Southern Yue]. Cả hai thư tịch này đến này đều không còn, nhưng những đoạn viết thuộc hai thư tịch này được trích dẫn trong những sách vở còn đến ngày nay.

Chúng ta sẽ xem nguồn tư liệu thứ nhất. Giao châu ngoại vực kí là một thư tịch mà những bằng chứng văn bản học của nó chỉ ra niên đại của nó hoặc là vào cuối thế kỉ thứ Ba hoặc vào đầu thế kỉ thứ Tư sau công nguyên. Đoạn văn bản dưới đây được trích dẫn trong một văn bản có niên đại ở thế kỷ thứ Sáu, tức văn bản Thủy kinh chú [水经注, Shuijing – Annotated Classic of Waterways – Chú giải bộ kinh về đường thủy(?!)] của Li Dao Yuan (酈道元).

交州外域記曰,交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其田,因名為雒民。設雒王雒侯主諸郡縣。縣多為雒將。雒將銅印青綬。

Giao Châu ngoại vực kí viết: “Giao Chỉ tích vị hữu quận huyện chi thời, thổ địa hữu lạc điền, kì điền tòng triều thủy thượng hạ/thướng há, dân khẩn thực kì điền, nhân danh vi lạc dân. Thiết lạc vương lạc hầu chủ chư quận huyện. Huyện đa vi lạc tướng. Lạc tướng đồng ấn thanh viện”. (Giao Chỉ thời xưa khi chưa có quận huyện, đất đai (thì) có ruộng lạc. Những ruộng này theo (sự) lên xuống của con nước, và người dân cày cấy lấy cái ăn [ở] ruộng đó vì thế được gọi là dân lạc. Đặt các ông hoàng lạc (lạc vương), các ông quan lạc (lạc hầu) cai quản ở các quận huyện. Nhiều huyện có tướng lạc (lạc tướng). Các tướng lạc có dấu đồng và dải xanh).

Điểm đầu tiên cần lưu ý là người viết ở đây không chứng tỏ rằng anh ta đang quan sát khu vực này vào thời điểm khi ở đó chỉ có những người dân “lạc” sinh sống. Những điều được nói đến trong đoạn này được ghi lại sau khi nhà Hán đã thành lập “các quận và huyện” ở khu vực này.

Điểm tiếp theo cần lưu ý là chữ này, 雒 (lạc), không để biểu đạt nghĩa. Nó biểu đạt một âm đọc (sound), đó là, một từ từ một ngôn ngữ khác Trung Quốc (a word from a non-Chinese language). Từ này đã có nghĩa là gì? Nhiều học giả giải thích nó có nghĩa là một cái gì đó liên quan đến phát ngôn 其田從潮水上下 (Những ruộng này theo (sự) lên xuống của con nước) bởi vì văn bản sau đó nói rằng “cho nên (因) người dân…”

(Lưu ý: 潮 có thể có nghĩa là thủy triều (tide), nhưng nó cũng dùng để chỉ mực nước sông tăng lên. Trong ngữ cảnh này, tôi thấy “floodwaters” (con nước tràn) có ý nghĩa hơn.)

Cuối cùng, thực sự có vấn đề khi chúng ta nhìn vào những phát ngôn cuối cùng trong đoạn văn nếu để nói về khu vực này ở giai đoạn trước khi người Trung Quốc kiểm soát.

“Đặt các ông hoàng lạc (lạc vương), các ông quan lạc (lạc hầu) cai quản ở các quận huyện. Nhiều huyện có tướng lạc (lạc tướng). Các tướng lạc có dấu đồng và dải xanh.”

Ai đã đặt/ giao quyền (設) cho các ông hoàng lạc (lạc vương)? “Dấu đồng và dải xanh” của họ là những cái gì? “Quận và huyện” là một phần của hệ thống chính trị Trung Quốc. Như thế, phát ngôn này dường như đang nói rằng đã có những người dân trong cái khu vực được gọi là “lạc,” và sau đó, sau khi nhà Hán nắm quyền kiểm soát, người dân lạc được giao quyền/bổ nhiệm để thay mặt người Trung Quốc cai trị khu vực này – và đây là một hiện tượng rất phổ biến tại thời điểm đó.

(Xin lưu ý: các chữ 王 (vương) có thể được dịch là “vua” hay “hoàng tử/ông hoàng.” Vì đoạn này có vẻ chỉ ra rằng có hơn nhiều hơn một loại người này, nên tôi dịch nó ở đây là “hoàng tử/ông hoàng”.)

Nguồn tư liệu thứ hai là Nam Việt chí (có thể có niên đại vào thế kỉ 5?) được lưu giữ trong Thái Bình quảng kí [太平廣記, Taiping guangji – Wide Gleanings Made in the Taiping Era – Sự ghi chép rộng dưới niên hiệu Thái Bình] (sách có niên đại thế kỉ 10).

交趾之地頗爲膏腴,徙民居之,始知播植,厥土惟黑壤,厥氣惟雄,故今稱其田為雄田,其民為雄民,有君長亦曰雄王,有輔佐焉亦曰雄侯,分其地以為雄將。(出南越志)

“Giao Chỉ chi địa phả vi cao du, tỉ dân cư chi, thủy tri bá thực, quyết thổ duy hắc nhưỡng, quyết khí duy hùng, cố kim xưng kì điền vi hùng điền, kì dân vi hùng dân, hữu quân trưởng diệc viết hùng vương, hữu phụ tá yên diệc viết hùng hầu, phân kì địa dĩ vi hùng tướng”. (Nam Việt chí) (Vùng đất Jiaozhi/ Giao Chỉ tương đối màu mỡ. Di dân đến sống ở đó, mới bắt đầu biết gieo trồng. Đất ở đây rặt là đất phì nhiêu đen. Khí ở đây mạnh (hùng). Cho nên bây giờ gọi những ruộng ở đây là ruộng hùng, dân ở đây là dân hùng. Có người lãnh đạo tối cao (quân trưởng) cũng gọi là vua hùng (hùng vương). Có những người phụ tá ông ấy [tức ông vua hùng] thì cũng gọi là quan hùng (hùng hầu). Chia đất ở đây để cho các tướng hùng (hùng tướng). (Đoạn này được rút từ Nam Việt chí).

Điểm đầu tiên cần lưu ý ở đây là sự đề cập đến “quân và huyện” đã biến mất. Văn bản này không chỉ ra rằng nó đang đề cập đến một thời điểm nào đó trong quá khứ, như trước thời kì cai trị của Trung Quốc, như là cách được đề cập đến trong Giao châu ngoại vực kí.

Điểm tiếp theo cần lưu ý là chữ 雄 (hùng) ở đây có biểu đạt nghĩa, không phải là một âm đọc như là 雒 (lạc) trong văn bản Giao châu ngoại vực kí. Khí trong đất là mạnh (hùng), và bởi vì thực tế ấy mà người dân ở khu vực này được gọi là hùng.

Nói cách khác, người viết này không đơn giản chỉ là chép nhầm tự dạng nên viết 雄 (hùng) khi anh ta đáng ra cần viết là 雒 (lạc). Trái lại, anh ta đã thay đổi rõ ràng đoạn văn này để làm cho nghĩa của thuật ngữ 雄 (hùng) – với nghĩa “mạnh mẽ” được ăn khớp. Để làm điều đó, anh ta đã thêm thông tin ở phần mở đầu về việc đất đai phì nhiêu và khí đất mạnh, và sau đó, anh ta đã tạo ra một nối kết trực tiếp giữa từ này [tức chữ 雄 (hùng)] theo nghĩa “mạnh mẽ” với những tên gọi các ruộng và người dân.

Nếu bằng chứng đó về mức độ người viết này đã “tạo tác” thông tin ở đây vẫn là chưa rõ, chúng ta cũng nên chỉ ra rằng cụm 厥土惟黑壤 (the soil is light and fertile // đất ở đây rặt là đất phì nhiêu đen) là một bản sao rất rất gần với một dòng trong thiên Vũ cống (禹貢, Yu gong – Tribute của Yu) của sách Thượng thư [尚 書, Shangshu Venerated Documents], nơi mà dòng đó được ghi là 厥土惟白壤 (đất ở đây rặt đất phì nhiêu trắng). Những người biết chữ Hán cổ sẽ dễ dàng thấy rằng đây không phải là một cách diễn đạt thông thường. Người viết này chắc chắn đã bắt chước dòng này từ Thượng thư. Trong đoạn văn từ Giao Châu ngoại vực kí không có bằng chứng tương tự rằng nó có “vay mượn” từ những văn bản khác.

Cuối cùng, cũng không có nhắc nhở nào trong đoạn văn này về những ông quan, ông tướng được bổ nhiệm. Thay vào đó, cái chúng ta tìm thấy ở đây là người cai trị có chủ quyền, không hề chịu sự kiểm soát nào.

Xét tất cả những điều trên lại, rõ ràng là đoạn văn thứ hai này là một phiên bản có chuyển đổi thông tin từ văn bản sớm hơn trước nó, văn bản Giao Châu ngoại vực kí. Người viết đã thay đổi chữ 雒 (lạc) thành chữ có tự dạng tương đồng là 雄 (hùng) sao cho nó sẽ mang nghĩa, thay vì nó chỉ biểu đạt một âm đọc từ một thứ ngôn ngữ ngoại lai, mà ý nghĩa của từ thì không được rõ ràng. Anh ta sau đó đã thay đổi toàn bộ đoạn văn bằng cách thêm thông tin mới về sự màu mỡ của đất (và bỏ đi các thông tin về con nước tràn) để các chữ 雄 (hùng) sẽ có một ngữ cảnh mà nghĩa của nó trở nên có nghĩa. Và cuối cùng, anh ta bỏ đi cái ngữ cảnh lịch sử mà Giao Châu ngoại vực kí đã cung cấp, bằng cách bỏ đi những đề cập liên quan đến sự cai trị của nhà Hán.

Người Việt Nam sau đó đã làm gì? Liệu có phải họ chỉ đơn giản sao chép cái sự chép sai đó, như Maspero tuyên bố? Không, họ đã tạo tác ra cái gì đó mới. Đây là một câu chuyện dài, những chi tiết trong đó sẽ phải chờ đến một entry khác, nhưng cơ bản là người Việt Nam đã “kết hợp” (combined) thông tin từ cả hai nguồn trên. Trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, có những ông vua Hùng là người bổ nhiệm/giao quyền cho “tướng văn được gọi là Lạc hầu, tướng võ được gọi là Lạc tướng.”

Cuối cùng, tuy nhiên, cái hầu hết chúng ta có lẽ có thể nói là trong thời kì trước công nguyên này đã có những người dân ở khu vực mà những người này được người Trung Quốc gọi là 雒 (lạc) (chưa rõ tại sao, và thuật ngữ này được dùng [để chỉ] người dân ở các khu vực khác – những khu vực mà ngày nay là miền Nam Trung Quốc). Chúng ta có lẽ cũng có thể nói rằng những người dân “lạc” này được thu dùng để cai quản những khu vực ở một cấp độ mang tính địa phương cho người Trung Quốc. Các thuật ngữ dùng cho “ông hoàng/hoàng tử” và “quan/hầu” có nguồn gốc Trung Quốc, nên chúng ta có thể giả định rằng người dân lạc đã không dùng những từ này (lạc vương, lạc hầu) để chỉ những người cai trị của chính họ. Giao Châu ngoại vực kí cũng cho thấy những người được bổ vào các vị trí đó (vương, hầu) là để cai quản “quận và huyện,” có nghĩa là, cai quản các đơn vị hành chính Trung Quốc. Nói cách khác, Giao Châu ngoại vực kí không cho chúng ta biết bất cứ điều gì về những người cầm quyền tối cao của khu vực này ở giai đoạn trước khi có sự kiểm soát của người Trung Quốc, mà lại là nói với chúng ta như về nhóm người được gọi là 雒 (lạc), hoặc có lẽ chỉ người Trung Quốc đã gọi họ là người 雒 (lạc).

Vì vậy, liệu đã có các ông vua Lạc và các ông vua Hùng. Như những điều chúng ta có thể nói đến lúc này, chẳng có vua Lạc cũng không có vua Hùng. Có những người dường như là các ông hoàng Lạc, những người liên kết với người Trung Quốc, nhưng đó là tất cả những gì chúng ta biết. Người Lạc chắc chắn đã có người cai trị của chính họ trước khi người Trung Quốc đến, nhưng chúng ta không có cách nào biết được rằng họ được gọi là gì.

(Nguồn: http://5xublog.org. Ngày 16/4/2010)

Bài này đã được đăng trong Câu chuyện lịch sử. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này