Song Phan
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Namcó nhiều tài liệu lịch sử về thực hiện chủ quyền ở quần đảo Trường Sa trước Pháp, và việc Pháp tuyên bố và thực hiện chủ quyền ở Trường Sa chỉ củng cố thêm cho chủ quyền của Việt Nam mà thôi. Tuy nhiên, theo những tài liệu đã được công bố dù có khá nhiều bằng chứng cụ thể, thuyết phục cho Hoàng Sa nhưng rất tiếc có không nhiều bằng chứng như vậy cho Trường Sa. Một vài bằng chứng thường được nêu là ngoài đội Hoàng Sa, triều Nguyễn còn lập thêm đội Bắc Hải phụ trách khu vực Trường Sa (và cái tên Bắc Hải này cũng trùng khớp với tên mà ngư dân Trung Quốc gọi khu vực Trường Sa trong các ghi chú đi biển do ông cha họ truyền lại có tên là Canh lộ bạ), hoặc Đại Nam nhất thống toàn đồ (Phan Huy Chú) có nêu Trường Sa dưới tên là Vạn Lý Trường Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam hay Đại Nam nhất thống chí, 1882, thời nhà Nguyễn (1802 -1 945), cho thấy Trường Sa là phần của tỉnh Quảng Ngãi và hình như không thấy có bằng chứng cụ thể, rõ ràng nào hơn về thực hiện chủ quyền. Với những bằng chứng có vẻ không thật vững chắc như thế thì khó có thể có cơ sở để đòi chủ quyền ở Trường Savà nhất là đòi chủ quyền cụ thể đối với các đảo nào. Vì vậy, việc đòi chủ quyền ở Trường Sa có lẽ phải dựa vào việc tuyên bố và thực hiện chủ quyền của Pháp khi họ thống trị Việt Nam và cũng có thể phải dựa vào việc chiếm đóng và thực thi chủ quyền hòa bình của Việt Nam Cộng hòa và CHXHCN Việt Nam sau này đối các đảo khác.
Trong bài viết Việt Nam nên hi sinh chuyện nhỏ để được chuyện lớn? (http://giaoduc.net.Việt Nam/Quoc-te/Viet-Nam-nen-hy-sinh-chuyen-nho-de-duoc-chuyen-lon-post169714.gd) trao đổi lại với GS. Ngô Vĩnh Long, TS. Trần Công Trục có dẫn Nghị định số 4702-CP ngày 21/12/1933 của Thống đốc Nam Kỳ Krautheimer với diễn dịch rằng Krautheimer sát nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, nhóm hai đảo (Song Tử Đông, Song Tử Tây), Loại Ta, Thị Tứ và các đảo phu thuộc vào các đảo này vào tỉnh Bà Rịa. Nếu chỉ dẫn riêng Nghị định này không thôi thì có lẽ chưa đủ để nói rằng ngoài các đảo có kể tên được sáp nhập vào Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay) còn có thêm các đảo phụ thuộc vào các đảo này nữa. Bởi vì điều 1 của Nghị định đó chỉ ghi như thế này:
“Article 1. – L’île dénommée Spartly et les îloTrường SaCaye-d’ Amboine, Itu-Aba, Groupe de Deux-îles, Loaito et Thi-Tu qui en dépendent, situés dans la mer de Chine sont rattachés à la province de Baria.”
Tạm dịch:
“Điều 1. Đảo có tên là Trường Savà các đảo nhỏ An Bang (Caye-d’Amboine), Ba Bình (Itu-Aba), Nhóm đảo Song Tử (Groupe de Deux îles, Loại Ta (Loaito) và Thị Tứ (Thi-Tu) mà chúng phụ thuộc vào [đảo Trường Sa], nằm ở biển Đông được sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa.”

Nghị định số 4702-CP ngày 21/12/1933 của Thống đốc Nam Kỳ.
Rõ ràng không có chỗ nào trong Điều 1 có nói “và các đảo phụ thuộc vào các đảo này” mà chỉ nói các đảo [nhỏ] nêu tên sau đảo Trường Sa phụ thuộc vào nó.
Tuy nhiên, nếu lưu ý thêm các căn cứ mà nghị định này dựa vào đặc biệt là Thông báo của Bộ Ngoại giao [Pháp] về việc chiếm đóng một số đảo của các đơn vị hải quân Pháp ngày 19/7/1933 trên Công báo nước Cộng hòa Pháp ngày 26/7/1933 (http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k6546978f/f46.item.zoom) thì cách diễn giải như thế này may ra mới có cơ sở và dĩ nhiên cũng cần phải thêm mộ số biện luận nào đó mới có thể thuyết phục. Bản gốc thông báo trên Công báo như sau:
Tạm dịch:
BỘ NGOẠI GIAO
Thông báo về việc chiếm đóng một số đảo của các đơn vị hải quân Pháp ngày 19/7/1933.
Chính phủ Pháp đã ủy nhiệm cho các đơn vị hải quân chiếm đóng các đảo và đảo nhỏ được xác định dưới đây:
- Đảo Trường Sa (L’île Spratly), nằm 8°39’vĩ độ Bắc và 111°55′ kinh độ Đông Greenwich cùng các đảo nhỏ phụ thuộc. (Việc nắm sở hữu đã diễn ra ngày 13/4/1933).
- Đảo nhỏ An Bang (Îlot Caye-d’ Amboine), nằm ở 7°52′ vĩ độ Bắc và 112°55′ kinh độ Đông Greenwich và các đảo phụ thuộc. (Việc nắm sở hữu đã diễn ra ngày 07/4/1933).
- Đảo nhỏ Ba Bình (Îlot Itu-Aba), nằm ở 10°22′ vĩ độ Bắc và 114°21′ kinh độ Đông Greenwich cùng các đảo phụ thuộc. (Việc sở hữu tham gia đã diễn ra ngày 10/4/1933).
- Nhóm Song Tử (Groupe de Deux-Îles), nằm ở 11°29′ vĩ độ Bắc và 114°21′ kinh độ Đông Greenwich, cùng các đảo phụ thuộc. (Việc sở hữu đã diễn ra ngày 10/4/1933).
- Đảo nhỏ Loaita (Îlot Loaito), nằm ở 10°42′ vĩ độ Bắc và 114°25′ kinh độ Đông Greenwich cùng các đảo phụ thuộc. (Việc nắm sở hữu đã diễn ra ngày 11/4/1933).
- Đảo Thị Tứ (Île Thi-Tu), nằm ở 11°7′ vĩ độ Bắc và 114°16′ kinh độ Đông Greenwich cùng các đảo phụ thuộc. (Việc nắm sở hữu đã diễn ra ngày 12/4/1933).
Những đảo và đảo nhỏ nêu trên từ nay thuộc chủ quyền của Pháp.

Thông báo của Bộ Ngoại giao [Pháp] về việc chiếm đóng một số đảo của các đơn vị hải quân Pháp ngày 19/7/1933.
Ngoài ra, nếu chỉ dựa vào 2 văn bản này thôi cũng chưa thể nói chủ quyền các đảo đã nêu thuộc về Việt Nam. Bởi vì dù các đảo đã được sáp nhập vào Nam Kỳ nhưng lúc đó Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp và Pháp chỉ tuyên bố chủ quyền cho Pháp chứ không phải cho Việt Nam như trong Thông báo vừa dẫn.
Vì thế, cần có một bằng chứng cho thấy Pháp cũng đã trao chủ quyền Nam Kỳ lại cho Việt Nam, trong đó có Bà Rịa và do đó có các đảo ở Trường Sa. Một văn bản như vậy là Luật số 49-733 sửa đổi tình trạng Nam Kỳ trong Liên hiệp Pháp do Tổng thống Pháp Vincent Auriol ban hành ngày 04/6/1949, bản đăng trên Công báo Pháp ngày 5/6/1949 (https://www.legifrance.gouv.fr/jo_pdf.do?id=JORFTEXT000000692906) như sau:

Luật số 49-733 sửa đổi tình trạng Nam Kỳ trong Liên hiệp Pháp.
Tạm dịch:
Luật số 49-733 sửa đổi tình trạng Nam Kỳ trong Liên hiệp Pháp
Theo ý kiến của Hội đồng Liên hiệp Pháp,
Quốc hội và Hội đồng Cộng hòa đã bàn luận,
Quốc hội đã thông qua,
Tổng thống nước Cộng hòa ban hành luật có nội dung như sau:
Điều 1. – Trong khuôn khổ quy định tại Điều 60 Hiến pháp nước Cộng hòa Pháp và sau khi có ý kiến đưa ra tại cuộc họp ngày 23/4/1949, do Hội đồng lãnh thổ Nam Kỳ, tình trạng Nam Kỳ được thay đổi theo trong phần dưới đây.
Điều 2. – Lãnh thổ Nam Kỳ được sáp nhập vào Quốc gia liên hiệp Việt Namtheo các điều khoản của Tuyên bố chung ngày 05/6/1948 và tuyên bố của Chính phủ Pháp ngày 19/8/1948. Do đó, Nam Kỳ không còn tình trạng là lãnh thổ hải ngoại.
Điều 3. – Trong trường hợp tình trạng của Việt Namthay đổi, tình trạng của Nam Kỳ sẽ được thảo luận thêm trong các hội đồng quy định ở Điều 75 Hiến pháp (Khoản VII: Về Liên Hiệp Pháp).
Đạo luật này được thi hành như luật của Nhà nước.
Làm tại Toulon, ngày 4/6/1949.
Bởi Tổng thống nước Cộng hoà:
VINCENT AURIOL.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng,
HENRI QUEUILLE.
Bộ trưởng Bộ Pháp hải ngoại,
PAUL COSTE-FLORET
Nói thêm là khi thảo luận về luật này trong Quốc hội Pháp, nhóm nghị sĩ cộng sản đã bỏ phiếu chống luật này vì muốn giao Nam Kỳ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (xemhttp://www.senat.fr/comptes-rendus-seances/4eme/pdf/1949/05/S19490525_1251_1290.pdf). Như vậy có thể nói, Quốc hội Pháp đã thống nhất gần như tuyệt đối trao lại Nam Kỳ cho Việt Nam, chỉ có khác ở chỗ trao về phe Việt Nam nào mà thôi và do đó, Trường Sa thuộc Việt Nam.
Trên cơ sở 3 văn bản trên, Việt Nam có chủ quyền đối với các đảo có tên kể trên (một số trong đó hiện do bên khác chiếm đóng – xem bản đồ phần phụ lục) cùng với các đảo nhỏ phụ thuộc vào các đảo này, bất chấp có nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước khác hay không. Và dĩ nhiên để xác định cụ thể các đảo nhỏ nào thì phải cần làm rõ khái niệm ‘phụ thuộc’, chẳng hạn về địa chất, địa mạo, pháp lý… và chắc chắc phải qua đàm phán với các bên có liên quan như TS. Trần Công Trục có gợi ý. Có vẻ những đảo nhỏ mà Việt Nam đóng quân sau này như Sinh Tồn, Sơn Ca… và những đảo nhỏ mà các bên khác chiếm thêm nằm trong ‘các đảo nhỏ phụ thuộc’ này. Dĩ nhiên, Việt Nam không thể đòi chủ quyền các đảo chìm theo phán quyết mới đây của Tòa trọng tài Thường trực (PCA).
S.P.
Phụ lục

Bản đồ cho thấy tình trạng chiếm đóng của các bên ở quần đảo Trường Sa so với EEZ của Việt Nam, Philippines và Malaysia cũng như so với các đảo mà Pháp tuyên bố chủ quyền.
– Quy ước màu icon: hồng: Việt Nam; đỏ: Trung Quốc; xanh: Philippines; xanh nhạt: Malaysia; gạch: Đài Loan; vàng: chưa ai chiếm đóng.
– Đảo với tên màu vàng là đảo được Pháp tuyên bố chủ quyền năm 1933.
– Khoảng biển xanh quanh đảo/cụm đảo là lãnh hải cùa các đảo nổi
Bản đồ này được vẽ dựa trên những thông tin thu được trên mạng. Từ bản đồ này, bước đầu có thể thấy:
– Trong 6 đảo/nhóm đảo được nêu trong nghị định của Krautheimer, Việt Nam chỉ giữ được 3 (Trường Sa, An Bang và Song Tử Tây), Philippines chiếm 3 (Loại Ta, Thị Tứ và Song Tử Đông), Đài Loan chiếm 1 (Ba Bình).
– Trong số các thể địa lý Việt Nam đang đóng quân có An Bang, Thuyền Chài nằm trong EEZ của Malaysia; Phan Vinh, Tiên Nữ, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca, Núi Thị, Tốc Tan, Núi Le nằm trong EEZ của Philippines với Tốc Tan và Núi Le có thể là đảo ngầm. Trừ An Bang có tên trong danh sách trong thông báo năm 1933 của Pháp, các đảo còn lại có lẽ coi là “phụ thuộc vào” các đảo An Bang, Ba Bình hay Thị Tứ hoặc mới chiếm đóng hòa bình sau này.
– Việt Nam cũng có 3 chỗ đóng quân nằm ngoài EEZ các bên là Trường Sa Đông, Đá Đông, Đá Lớn và Đá Nam, trong đó Đá Nam và Đá Lớn có vẻ là đảo chìm. Đá Nam nằm trong lãnh hải của Song Tử Tây đang do Việt Nam đóng quân nên không có vấn đề gì về chủ quyền, còn Đá Lớn có thể coi như cấu trúc nhân tạo nằm trong vùng biển quốc tế (khi Philippines chưa yêu sách thềm lục đại mở rộng).
– Các đảo nổi khác trong EEZ của Malaysia do Malaysia đang chiếm đóng như Louisa, Sác Lốt, Hoa Lau… hay trong EEZ của Philippines đang do Philippines chiếm đóng như Vĩnh Viễn, Bình Nguyên…, nếu Việt Nam muốn yêu sách chủ quyền thì phải chứng minh các đảo này là “các đảo phụ thuộc” và phải qua đàm phán hay kiện ra toà án quốc tế.
– Suối Ngọc trong EEZ của Philippines là đảo nổi duy nhất không có bên nào chiếm đóng.
* Ba văn bản trong bài viết này tham khảo từ theo bài Pháp làm gì với Trường Sa của tác giả Dương Danh Huy (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông)
[Nguồn: Blog Song Phan]