VÀI SUY NIỆM VỀ FRANCISCO DE PINA VÀ NHỮNG BƯỚC ĐẦU TIÊN TRONG VIỆC HÌNH THÀNH CHỮ QUỐC NGỮ

LM.GS.TS. Roland Jacques

Tóm tắt

Xem trong các viện lưu trữ, dường như chúng ta không thể khám phá ra tài liệu quan trọng nào chưa được khai thác để tìm hiểu về cuộc sống và sự nghiệp của Francisco de Pina. Đúng vậy, ngài rất xứng đáng được biết đến. Chúng ta có thể học được rất nhiều bài học và kinh nghiệm thực tế từ những việc ngài làm. Sự bén rễ sâu của Pina trong nền ngôn ngữ học Bồ Đào Nha là một khí cụ tuyệt với trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Tầm nhìn rộng mở của ngài có một vị trí quan trọng trong sự tiến triển của Việt Nam hướng về một nền văn hóa độc lập. Cuối cùng, công việc của ngài có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp Kitô giáo bén rễ sâu vào nền văn hóa Việt Nam.

——

Phần chính

Tôi còn nhớ rất rõ việc mình phát hiện ra một bản thảo vô danh, có thể nói là viên ngọc nhỏ được chôn giấu trong kho báu là 62 tập lớn của bộ sưu tập “Jesuítas na Ásia” (49/IV đến 49/VI/10). Tôi đã dành trọn một tháng tại Thư viện Quốc gia Ajuda ở Lisboa, chỉ để tìm trong đó những điểm mốc cho việc nghiên cứu; sau đó, trong vòng hai năm, sống đơn độc trong một căn phòng sinh viên nho nhỏ ở Hà Nội, tôi đã cố phân tích những yếu tố đầy hứa hẹn. Bản thảo mà tôi chọn là một lá thư không có chữ ký; ở đầu lá thư, người sao chép vào thế kỷ XVIII đã viết: “Dường như đây là do F. Pina viết”. Văn bản rất khó để giải thích, bởi vì người sao chép đã tìm thấy những trang hỗn độn, và không lo sắp xếp chúng lại theo một trình tự nào cả. Vì vậy, tôi đã phải làm điều đó thay cho người ấy! Về năm viết thì nội dung không cho phép chúng ta nghi ngờ: văn bản đề cập đến phong thánh của Inhaxiô Loyola và Phanxicô, và cuộc tấn công vào Macau của hải quân Hà Lan, mà kết quả là Hà Lan phải tháo chạy tán loạn. Đó chính là một bức thư viết vào năm 1622.

Trong bộ sưu tập ở Ajuda, cũng như Kho lưu trữ của Dòng Tên tại Roma, có khá nhiều thư ngỏ, mang tên ‘Annua’ (niên biểu), trong số đó lại có nhiều bản được viết bằng tiếng Bồ Đào Nha. Những niên biểu ấy mô tả hoạt động của các nhà truyền giáo với những thành công lẫn thất bại. Trái lại, tài liệu viết vào năm 1622 gần như chỉ nói về vấn đề ngôn ngữ. Bức thư bày tỏ sự thiếu kiên nhẫn của tác giả: phải đối mặt với những bề trên khó hiểu, và những người bạn đồng hành lười biếng, mà chỉ biết dựa vào những người phiên dịch quá yếu kém. Người viết nhiệt tình vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng, với hai mục tiêu cơ bản: (1) mở ra sự tiếp cận ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam cho những người sẽ gieo hạt giống Tin Mừng của Chúa Kitô tại đây; và (2) cho phép các thế hệ Kitô hữu Việt Nam đầu tiên vẫn duy trì vững chắc nguồn gốc văn hóa của họ trong khi mở cửa đón nhận sự mới lạ hoàn toàn này.

Trong cuốn sách “Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học”, tôi đã mô tả chi tiết công việc phân tích mà tôi đã làm với bản thảo này, để phác họa kế hoạch của Pina một cách thực tế. Tôi cũng đã đưa ra những lý do để xác nhận dứt khoát tác giả của bản thảo này, đúng là Francisco de Pina, một tu sĩ Dòng Tên trẻ tuổi quê ở thành phố Guarda, Bồ Đào Nha.

Tôi rất vui vì công việc của tôi đã có ích đối với một số nhà nghiên cứu, và Viện Ngôn ngữ Quốc gia Việt Nam đã dịch một phần sang tiếng Việt. Trong những năm qua, tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi từ Việt Nam và Bồ Đào Nha, xin tôi tiếp tục nghiên cứu, vì tôi biết nhiều lời mời gọi này, vì hai lý do chính: tôi đã bắt tay vào việc dạy học tại một đại học ở Canada, điều này đưa tôi đi hơi xa khỏi những lĩnh vực mình đã từng quan tâm. Và quan trọng nhất, việc nghiên cứu của tôi trong các thư viện, và nhiều viện lưu trữ tài liệu hiện có, đã không giúp tôi tìm thấy tài liệu nào đủ để dẫn đến một bước đột phá trong việc tìm hiểu công việc của Pina.

Chính Pina đã viết vài lá thư khác, nhưng không tài nào tìm thấy chúng được. Một số niên biểu nêu tên của cha ấy, nhưng quá ngắn gọn. Thú vị nhất là niên biểu viết vào ngày 02/07/1625, năm tháng trước khi cha Pina qua đời: “Chúng tôi có một ngôi nhà ở Kẻ Chăm, thủ phủ của hoàng tử. Trước đây, nhà ấy chưa có tư cách của một nhà thuộc Dòng mình, cho dù ở đó luôn có một linh mục với một bạn đồng hành. Nhưng bây giờ chính Cha Francisco de Pina sống tại đây, và dạy ngôn ngữ cho hai cha Alexandre Rhodes và António de Fontes”.

Dù sao đi nữa, trong trí nhớ và trái tim tôi thì Francisco de Pina luôn giữ một chỗ rất đặc biệt. Cha ấy là một người tiên phong thực sự, một người có tầm nhìn rộng, và một người lao động không biết mệt mỏi. Những trực giác của cha về ngôn ngữ sẽ chỉ thực hiện được từng chút một qua nhiều thế kỷ. Nhưng năng lượng cha đã truyền vào công việc này chưa bao giờ cạn kiệt, và tiếp tục sinh hoa quả đến tận ngày nay.

Francisco de Pina, một học giả người Bồ Đào Nha

Vì hôm nay tôi không thể tiết lộ bất kỳ viên ngọc mới nào được phát hiện trong kho lưu trữ cổ xưa, nên tôi chỉ trông cậy vào sự kiên nhẫn của quý vị: tôi xin phép chia sẻ vài suy nghĩ về vị trí thực sự của cha Pina trong lịch sử chữ Quốc ngữ. Tôi viết rất rõ rằng việc nhấn mạnh đến phần đóng góp của ngài sẽ làm phật ý một số người ủng hộ ý kiến đơn phương cho rằng chính Alexandre de Rhodes đã một mình làm tất cả. Tuy nhiên, vì cả hai vị này đều là linh mục, nên họ biết rất rõ câu nói được trích trong Tin Mừng Thánh Luca: “Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi”. (Lc 6:40).

So với môn đệ của mình thì Francisco de Pina có một lợi thế lớn: ngài được đào tạo bằng tiếng Bồ Đào Nha, và nghiên cứu tiếng ấy. Pina sinh ra ở thành phố Guarda vào năm 1585 hoặc 1586, và gia nhập Dòng Tên khi được 19 tuổi. Vì ngài sinh trưởng tại vùng Beira Alta, rất có thể ngài đã học tại Học viện danh tiếng của Dòng Tên, thành lập năm 1542 ở thành phố Coimbra. Sau khi tốt nghiệp, ngài được sai đi đến Đông Ấn vào năm 1608, và tiếp tục học về văn khoa và thần học tại Học viện Macau. Tổ chức cao học nổi tiếng này thuộc về tỉnh Nhật Bản của Dòng Tên, dưới sự giám sát của một Visitador, một bề trên cao cấp luôn luôn được gửi đến từ Bồ Đào Nha.

Học viện Macau không chỉ là một pháo đài vững chắc của ngôn ngữ và văn hóa Bồ Đào Nha ở Viễn Đông, mà còn là nơi nghiên cứu về các ngôn ngữ và văn hóa Phương Đông, chủ yếu là của Nhật Bản. Ở đây, thầy Pina, còn trẻ tuổi, có cơ hội cộng tác chặt chẽ với các nhà nghiên cứu tài năng và có tên tuổi, như cha Gioan Rodrigues Tçuzzu, người đã là tiên phong trong việc La Mã hóa tiếng Nhật. Khi tới Hội An vào năm 1617 hoặc 1618, Cha Pina đã trải qua 10 năm học tập ở nơi này. Trong tám năm tiếp theo, cho đến khi đột ngột qua đời vào ngày 16/12/1625, cha đã nỗ lực để sánh kịp các vị thầy của mình, và áp dụng chính xác các phương pháp của họ vào ngôn ngữ và văn hóa của đất nước mà mình yêu mến.

Cần lưu ý rằng, Pina được sinh ra và qua đời trong những năm đen tối của triều đại Filipe: trong thời gian ấy, ảnh hưởng của Tây Ban Nha ngày càng đe dọa đến tính xác thực của ngôn ngữ Bồ Đào Nha. Nhưng trong những năm này không thiếu người yêu nước, họ đứng lên và phản ứng mạnh mẽ để duy trì sự tinh khiết và đặc thù của tiếng Bồ Đào Nha. Điều này đặc biệt giải thích tại sao trong những năm đó, các tác phẩm của nhiều tác giả về ngữ âm tiếng Bồ Đào Nha thông qua chính tả đã trở nên nổi tiếng. Ngoài các tác phẩm về ngữ pháp của Fernão de Oliveira (1536) và João de Barros (1539 – 1540), còn có một chuyên luận về chính tả của Duarte Nunes de Leão (1576), và một cuốn sách thực hành, mà giáo viên Pêro Magalhães de Gaandavo đã sáng tác năm 1574 để học sinh sử dụng.

Tất cả những công trình đó là những công cụ giúp cha Pina giải quyết ngữ âm của tiếng Việt. Thật vậy, trong các ngôn ngữ gốc từ tiếng Latin, tiếng Bồ Đào Nha có ngữ âm, cả phụ âm và nguyên âm, phức tạp hơn nhiều so với các ngôn ngữ khác, đặc biệt là tiếng Tây Ban Nha. Sự khác biệt này đã được tuyên bố là một sự giàu có, chứ không phải là một đặc điểm thô kệch để rồi khinh dể tiếng Bồ Đào Nha như một thổ ngữ không đáng quan tâm.

Ngôn ngữ Việt Nam cũng vậy: vào đầu thế kỷ XVII, nó bị coi là một phương ngữ quê mùa không có khả năng mang văn hóa. Việc quản trị, giáo dục học tập, và cả thơ ca – với những ngoại lệ hiếm hoi – đều phải dùng đến tiếng Trung Hoa. Hệ thống chữ Nôm không thể vượt ra một cố gắng mông lung về ngữ âm tiếng Việt. Đây chính là trực giác phía đằng sau quốc ngữ: những người tiên phong muốn trả lại cho ngôn ngữ Việt Nam một vị thế cao quý, nên họ cần có một công cụ chính xác để khắc phục những thiếu sót, cùng với cách phát âm chính xác, đồng thời toát lên vẻ đẹp âm nhạc, nhịp điệu và tính biểu cảm của nó. Tất nhiên, ngữ âm của tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Việt rất khác nhau; nhưng việc nghiên cứu về ngôn ngữ Bồ Đào Nha trước kia đã đóng góp một phương pháp hiệu quả; nhờ đó, Pina và môn đệ của ngài có thể mô tả chính xác các âm vị và ghi chép chúng một cách cố định bằng chữ cái Latinh, với sự trợ giúp của các dấu phụ.

Trong phần thứ hai của cuốn sách của tôi, được viết bằng tiếng Pháp, tôi đã tìm khôi phục lại, từng âm vị một, tuyến đường mà Francisco de Pina đã vạch trước. Sau khi cha ấy qua đời, chính tả của tiếng Việt có trải qua vài thay đổi, nhưng rất ít. Điều chỉnh quan trọng nhất là do Từ điển mang tên Pigneau de Béhaine; thực sự, tác phẩm của người châu Âu, mà trở thành đặc quyền của các thế hệ trẻ Việt Nam.

Cần lưu ý rằng, sau năm 1625, tất cả những người tham gia vào việc soạn thảo tác phẩm đã được cha Pina dự kiến, đó là Từ điển được xuất bản vào năm 1651, đều sử dụng tiếng Bồ Đào Nha như một la bàn đáng tin cậy. Điều này dễ hiểu đối với Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa, hai người tiên phong được Lời Phi Lộ của Từ điển nêu lên; nhưng điều này cũng đúng với Alexander de Rhodes, người gốc miền Provence, được đào tạo bằng tiếng Latin và quen thuộc với chính tiếng Ý.

Francisco de Pina với nền văn hóa Việt Nam

Francisco de Pina, không giống như các nhà truyền giáo đầu tiên khác, đã không quan niệm việc La-Mã-hóa (Bồ-Đào-hóa) như tiếng Việt là một công cụ thiết thực để dạy những lời cầu nguyện và giáo lý Kitô giáo cho những người sẽ theo đạo trong tương lai. Ngài đã học Văn khoa trong nhiều năm ở Coimbra và sau đó ở Macau không thể trở thành một giáo lý viên cho trẻ con. Lá thư của cha ấy cho thấy rằng cha đã có những kế hoạch khác, đầy tham vọng: ngài muốn đi thẳng đến những tác giả giỏi nhất Việt Nam – ngài đưa ra so sánh Cicerô, so sánh giữa tài hùng biện và nghệ thuật thơ ca. Ngài biết rằng chỉ bằng cách đó ngài có thể động chạm đến trái tim và linh hồn của người nghe. Ngài tin rằng, mình và các đồng nghiệp nên có quan niệm mật thiết hơn với quốc gia, với tâm lý và với văn hóa Việt Nam. Nếu không, việc gieo Tin Mừng vẫn là một việc bên ngoài, uổng công vì không bén rễ và chỉ sinh hoa quả còi cọc. Ngài viết: “Tôi đã tập hợp các câu chuyện, thuộc nhiều loại khác nhau, để cung cấp các trích dẫn của tác giả, nhằm xác định ý nghĩa và quy tắc. Hơn nữa, tôi đã nhận ba tập tài liệu có tổ chức tốt, thu nhập văn bản trong số những bài viết hay nhất tìm thấy ở Vương quốc này”.

Từ đoạn văn ngắn này, mình xin phép rút ra ba từ chính: tiếng Bồ Đào Nha là “autoridades, significações, regras”, nghĩa là “tác giả, ý nghĩa và quy tắc”. ‘Autoridades’, trong những trường hợp này là văn bản viết do tác giả mà mọi người đều biết đến, và là mẫu mực của một ngôn ngữ đúng đắn. Như vậy, không nên hiểu là tác phẩm của nhà văn Kitô giáo, hoặc văn bản từ những bề trên tôn giáo. Mặt khác, Pina chỉ đến tài liệu bằng tiếng thuần Việt, vì các văn bản Trung Hoa hay Hán Việt sẽ trở thành vô ích ở đây. Những văn bản này nên vượt qua từ vựng hằng ngày, cho dù ngữ âm có tầm quan trọng lớn. Ý muốn của Pina là từ đó đi đến cú pháp của ngôn ngữ, ở đây được gọi là quy tắc. Nếu không, người học tiếng sẽ chỉ có sẵn một dãy từ vô nghĩa, và Kitô giáo sẽ bị mất uy tín ngay từ đầu, vì không có khả năng nói đúng. Tuy nhiên, cú pháp chưa đủ; cũng nên xác định chính xác ngữ âm của từ vựng, và điều này sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc sửa lỗi phát âm.

Để dịch từ ‘semantics’, người Việt Nam sử dụng cụm từ ‘ngữ nghĩa’; nhưng bên cạnh đó người ta thích nói, còn hơn, về ‘chữ nghĩa’: đó không phải là nghĩa của từng từ, mà là nghĩa của từng ký hiệu. Những ký tự này rõ ràng không phải là các chữ cái trong bảng chữ cái, mà là các chữ tượng hình hoặc chữ vuông, bao gồm các chữ Nôm đặc trưng cho tiếng Việt. Không còn nghi ngờ, Pina đã quan tâm đến thế giới của chữ viết truyền thống lâu đời này. Mặc dù cha đã không đủ thời gian để làm quen với chúng cho đủ, ngài vẫn khuyến khích những bạn trẻ Việt Nam học tập cho đủ. Các môn đệ của Pina, bao gồm cha Alexander de Rhodes. Cũng sẽ làm như vậy, như chúng ta thấy ở nơi giáo lý viên trẻ Anrê Phú Yên, mà tôi đã giới thiệu cho quý vị hôm qua.

Ở đây chúng ta đã có một chuyện đáng tiếc, mà hầu hết các sử gia không thấy hoặc lờ đi; chuyện ấy đã ngẫu nhiên xảy ra đúng lúc Từ điển mang tên Alexandre de Rhodes được xuất bản. Vì những lý do mình chỉ có thể tưởng tượng, dự án vĩ đại của Francisco de Pina đã không thể thành công trong hơn một thế kỷ. Lý do thật nhiều: thiếu động lực nơi một số nhà truyền giáo vì họ làm việc quá sức; rồi nghĩ đến môi trường cấm đạo, bắt bớ người lãnh đạo; và cũng thiếu các khí cụ mà chính Pina đã bắt đầu thực hiện, vì lợi ích chung của những người châu Âu yêu mến Việt Nam, và của các cộng tác viên địa phương của họ.

Về các cộng tác viên, lá thư của Pina cũng tiết lộ một sự lựa chọn quả quyết của ngài. Trong khi các nhà truyền giáo khác đi tìm những giáo viên có học và có kinh nghiệm để giúp mình, ngài quyết định mời những người trẻ xung quanh mình. Lý do sâu xa là như thế này: để cho phép nền văn hóa Việt Nam tiến bộ một cách độc lập, tách khỏi nền văn hóa Trung Hoa, và để có năng lực sáng tạo, cần có những người trẻ, dám cởi mở để chấp nhận sự mới lạ này. Các bạn trẻ này sẽ hoàn toàn thoải mái với cả hai hệ thống chữ viết; như Pina viết: “với chữ của họ lẫn chữ của chúng ta”. Ngài còn sợ rằng tâm lý của các bậc thầy hoàn toàn khác: sau khi đã dành nhiều năm nhiều tháng ôn thi để làm quan, họ đã đánh giá quá cao, một cách cứng nhắc, vào sự vượt trội của chế độ giáo dục truyền thống ấy.

Nếu thực sự cuốn sách năm 1651 vừa là một bước tiến quyết định, vừa là một thất bại, thì cảm hứng cơ bản, đầy nghị lực của Francisco de Pina vẫn còn kéo dài mãi về sau. Vào năm 1773, chúng ta đã có ngữ nghĩa học, cùng với việc chỉnh sửa chính tả để phù hợp với một cách chính xác hơn với ngữ âm, trong cuốn từ điển lớn mang tên của Đức cha Pigneaux (Bá Đa Lộc). Phải nói rằng đó là một công việc tập thể, dưới sự chỉ đạo của Đức Cha ấy, của một nhóm tài năng và nhiều động lực gồm tám giáo lý viên. Các mục của từ điển này chính là chữ tượng hình; bên cạnh đó là ý nghĩa của chúng được xác định, và cuối cùng là vị trí của chúng trong văn cảnh được chỉ định.

Đây là một bước quyết định then chốt đối với lý tưởng mà cha Pina đã bày tỏ vào đầu năm 1622. Vài thế hệ đi qua thì mới có bước tiến thứ hai. Các văn bản văn học tốt nhất Việt Nam sẽ được phiên âm ra chữ Quốc ngữ nhờ sự thúc đẩy của các học giả Kitô giáo. Trong số họ phải nêu tên của Paulus Huình Tịnh Của (1834 – 1907), và Petrus Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898): chính họ cầm ngọn đuốc do Pina thắp lên. Ông Của đã xuất bản một từ điển mới, mượn phương pháp của Tự điển Pigneaux, nhưng phân biệt cẩn thận giữa các ký tự Hán Việt với Nôm, và đưa ra thêm các định nghĩa và ví dụ bằng chữ Quốc ngữ. Còn ông Ký trở nên nổi tiếng nhờ phiên âm Truyện Kiều, tác phẩm tiếng Việt cổ điển nổi danh nhất, từ chữ Nôm ra Quốc ngữ, và thêm phần dịch ra tiếng Pháp. Đúng vậy, khí thế sáng tạo đã thổi qua, lá thư của Pina đã sinh ra, mặc dù quá muộn, nhiều loại quả tuyệt vời.

Francisco de Pina với việc hội nhập văn hóa của giáo huấn Kitô hữu

Về điểm này, tôi sẽ cố gắng hơn, vì việc truyền giáo Kitô giáo không phải là trọng tâm của hội thảo chuyên đề của chúng ta. Tôi đã lưu ý trước rằng văn bản của Pina mà chúng ta đang xem xét chủ yếu liên quan đến công việc ngôn ngữ, chứ không phải về việc trở lại đạo của ‘người ngoại’ (theo cách nói của Kitô hữu). Ngài thích nêu lên làm điểm so sánh, Virgilio và Cicero, hơn là Hồng y Bellarmino hay thậm chí Luís de Camões. Như vậy, ngài trung thành với truyền thống lâu đời của Dòng Tên ở Viễn Đông: họ thường bắt tay đầu tiên vào công việc khoa học, để chinh phục được sự tin tưởng và tình bạn của những dân tộc họ được gửi đến.

Tuy nhiên, Pina không bao giờ đánh mất mục tiêu cuối cùng của việc tận hiến đời sống, và của bài sai phái mình đi đến những khu vực chưa có đạo Thiên Chúa. Nhưng đối với ngài, phúc âm của Chúa Kitô cần được tái sinh trong tất cả các xã hội loài người, với nền văn hóa riêng của họ. Tin mừng này ở một quốc gia nào, thì chỉ có thể thực hiện một cách hữu hiệu nếu mình tôn trọng, hiểu biết, và xúc tiến ngôn ngữ và văn hóa, vì đó là linh hồn và hơi thở sống của quốc gia này.

Nhưng về nỗ lực ấy, cái chết quá sớm của Francisco de Pina đã không cho phép ngài thực hiện trực giác sáng tạo của mình đến cùng. Thực sự phải nói rằng nỗ lực chung của các thừa sai Dòng Tên ở Việt Nam đã được tạo ra, cùng với Phép giảng tám ngày do Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1652, một tác phẩm nguyên bản, chứng kiến một cách nhất định ngôn ngữ Việt của thế kỷ XVII. Tuy nhiên, trong một thời gian ấy, những sáng tạo của văn học Kitô giáo vẫn còn quá ít. Ngay cả sự đóng góp của thầy cả Philippe Bỉnh, sống ở thủ đô Lisboa vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, cũng làm khá thất vọng. Ở cấp độ văn hóa, trong một thời gian dài và vì những lý do chúng ta biết rõ, cộng đồng Kitô giáo Việt Nam đã đóng lại đối với xã hội và văn hóa chung. Ngôn ngữ của những lời kinh truyền thống khá nghèo nàn, vốn từ vựng của nó hạn chế, và mượn nhiều từ chuyên môn của các ngôn ngữ Âu châu.

Tạm kết

Cần phải đợi đến thế kỷ XX để có một thế hệ những người mở đường mới: họ đã nối lại cuộc đời đối thoại cơ bản với văn hóa Việt Nam, và dần dần làm phong phú ngôn ngữ của phụng vụ và thần học Kitô giáo. Chúng ta có thể nói rằng ngày nay, tầm nhìn của nhà tiên phong vĩ đại Francisco de Pina đang dần dần hiện thực hóa trước mắt chúng ta.

Ngạn ngữ Việt Nam nói “uống nước nhớ nguồn”. Tất cả những ai yếu thích ngôn ngữ Việt Nam, và ngưỡng mộ những phẩm chất không thể so sánh của nó, phải biết cách tỏ lòng tôn kính đối với Francisco de Pina, ông tổ của chữ Quốc ngữ.

(tại Museu São Roque – Lisboa, 24.10.2019)

Đăng tải tại Di sản văn hóa | Bình luận về bài viết này

SINH KẾ CỦA CƯ DÂN DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG HIỆN NAY: NHỮNG THÁCH THỨC VÀ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG VÀ VĂN HÓA CỦA CỘNG ĐỒNG

Trần Đức Anh Sơn

Đặt vấn đề

Việt Nam là một quốc gia biển, có đường bờ biển dài hơn 3.260 km. Vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là một bộ phận của Biển Đông, rộng hơn 1 triệu km2 (chiếm khoảng 29% diện tích Biển Đông), gấp 3 lần diện tích lãnh thổ trên đất liền. Cứ mỗi 100 km2 lãnh thổ đất liền của Việt Nam thì có một km bờ biển, cao gấp sáu lần tỉ lệ trung bình của thế giới.1

Trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam có khoảng 2.773 đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bao gồm khoảng 175 thể địa lý (geographical features), gồm các đảo (island), đá nổi (rock), đá lúc nổi lúc chìm (reef), bãi ngầm lúc nổi lúc chìm (low-tide elevation, LTE), rạn san hô (coral reef)…

Về mặt hành chính, Việt Nam có 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp giáp với biển, có vùng biển (gọi tắt là các tỉnh, thành phố có biển), với 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo, chiếm 42% diện tích đất liền và 45% dân số toàn quốc.2  Trong đó có 14 tỉnh, thành phố thuộc miền Trung là: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận (gọi tắt là vùng duyên hải miền Trung), chiếm một nửa số tỉnh, thành phố có biển ở Việt Nam

Từ ngàn xưa, biển là không gian sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam, là chỗ dựa sinh kế cho hàng chục triệu người dân sống trong các vùng đất ven biển và trên các hải đảo. Trong đó có các cộng đồng cư dân sinh sống dọc theo vùng duyên hải miền Trung. Cuộc sống của họ gắn liền với biển, chịu ảnh hưởng và tác động từ biển trên nhiều mặt: đời sống vật chất, không gian cư trú, đời sống văn hóa tinh thần, tín ngưỡng… Đặc biệt, sinh kế của các cộng đồng cư dân này chủ yếu dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ biển, đảo và vùng đồng đất, đầm phá ven biển.

Ngoại trừ một số cộng đồng cư dân sinh sống trên các dải đồng bằng hẹp ven biển ở các huyện, thị: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế); Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Núi Thành (tỉnh Quảng Nam),… có sinh kế nửa nông, nửa ngư thì phần lớn các cộng đồng cư dân duyên hải miền Trung đều chọn sinh kế thủy sản, bao gồm đánh bắtnuôi trồng, làm sinh kế chính từ bao đời nay.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hiện nay sinh kế của các cộng đồng cư dân này đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, khiến cho đời sống của họ gặp nhiều khó khăn hơn trước: mưu sinh vất vả, môi trường lao động đối mặt với nhiều hiểm nguy, thu nhập bấp bênh, nguy cơ thất nghiệp cao,… Những thách thức này không chỉ tác động đến sinh kế của người dân, mà còn ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội các cộng đồng cư dân trong vùng duyên hải miền Trung.

Bài viết này chỉ ra những thách thức hiện tại đối với sinh kế của các cộng đồng cư dân sống dựa vào sinh kế thủy sản trong vùng duyên hải miền Trung và tác động của những thách thức này đối với đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội nơi những cộng đồng này.

1. NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI SINH KẾ CỦA CƯ DÂN DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG 

1.1. Thách thức do biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới phải gánh chịu các tác động tiêu cực nhất từ biến đổi khí hậu và không nơi nào ở Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn vùng duyên hải. Sự gia tăng các rủi ro do biến đổi khí hậu đang là một trong những áp lực làm tăng khả năng bị tổn thương của những sinh kế dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại các cộng đồng dân cư duyên hải.3

Biến đổi khí hậu làm cho trái đất nóng lên, khiến nước biển dâng cao hơn. Hậu quả là nhiều vùng đất, làng mạc ven biển bị thu hẹp diện tích, thậm chí bị biến mất.

Bờ biển bị xói lở, đất đai bị biển nuốt chửng, không chỉ làm mất đất canh tác, đất ở, nhà cửa, ruộng vườn của người dân, mà còn làm tổn hại cảnh quan, khiến cho nhiều làng quê, nhiều khu du lịch – nghỉ dưỡng ven biển ở nhiều nơi như: Hương Trà, Phú Vang (Thừa Thiên Huế); Thanh Khê, Sơn Trà (Đà Nẵng); Điện Bàn, Hội An (Quảng Nam), Bình Sơn, Đức Phổ (Quảng Ngãi)… biến dạng và tổn hại nặng nề.

Nhiều làng chài ven biển vì mất đất do nước biển dâng nên không còn chỗ để neo thuyền, để đưa thuyền lên bờ sửa chữa trong lúc ngư nhàn; không còn chỗ để ngư dân phơi lưới, vá lưới; không có chỗ để phụ nữ sơ chế hải sản trước khi bán ra thị trường.

Có những khu du lịch ven biển phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, hoặc thu hẹp quy mô kinh doanh, phục vụ, khiến lượng du khách giảm thiểu đáng kể. Điều này cũng gây nên tác động tiêu cực đối với những cư dân chuyên cung ứng hải sản hay các sản phẩm có nguồn gốc từ biển để phục vụ du khách.

Nước biển dâng làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn ở vùng ven biển, làm cho đất canh tác của những hộ dân cư nửa nông, nửa ngư ở ven biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định bị ảnh hưởng: đất bị thoái hóa, nước mặn lấn sâu vào nội địa làm hư hại cây trồng, giảm năng suất, mùa màng thất bát. Nước mặn xâm nhập còn làm cho giảm địa bàn sinh sống của các loài thủy sinh nước ngọt, thủy sinh nước lợ, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của cư dân vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai – Lăng Cô ở Thừa Thiên Huế.

Biến đổi khí hậu gây tổn thương cho sinh kế thủy sản của cư dân ven biển Việt Nam nói chung, vùng duyên hải miền Trung nói riêng:

Thứ nhất, đối với hoạt động đánh bắt, mực nước biển dâng dọc bờ biển làm cho chế độ thủy lý, thủy hóa và thủy sinh xấu đi, dẫn đến sự thay đổi của quần xã sinh vật về cấu trúc và thành phần. Nhiệt độ tăng làm cho nguồn lợi thủy hải sản bị phân tán, cụ thể là các loài cá nhiệt đới kém giá trị kinh tế tăng lên, các loài cá cận nhiệt đới có giá trị kinh tế cao bị giảm đi hoặc mất hẳn và cá ở các rạn san hô đa phần bị tiêu diệt. Nhìn chung, biến đổi khí hậu có xu hướng làm thay đổi môi trường sống của các loài thủy sản, dẫn đến sự thay đổi trữ lượng các loài thuỷ hải sản do di cư hoặc do chất lượng môi trường sống bị suy giảm; từ đó làm thu hẹp ngư trường đánh bắt và sản lượng đánh bắt. Ở các xã ven biển ở Việt Nam, đa số các hộ ngư dân có nghề cá qui mô nhỏ ven bờ với các loại ngư lưới cụ khai thác truyền thống, sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Thứ hai, đối với hoạt động nuôi trồng, sự thay đổi môi trường sống của các loài thủy sản, bị mặn hóa do xâm nhập mặn hoặc ngọt hóa do lũ lụt, đều làm chậm quá trình sinh trưởng của các loài thủy sản. Ngoài ra, nhiệt độ nước biển tăng cũng làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển và ven biển, đặc biệt là các rạn san hô và rừng ngập mặn, ảnh hưởng xấu đến nền tảng đa dạng sinh học cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản ven biển. Triều cường thay đổi đột ngột và gây lụt lội ở những vùng đất trũng ven biển cũng ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản ở những đầm nuôi thấp hơn mực nước biển”.4

Biến đổi khí hậu đã làm tăng các cơn bão trên biển về số lượng và cấp độ bão ngày càng mạnh hơn, sức tàn phá ngày càng khốc liệt hơn. Khi bão chưa đổ bộ và tàn phá trên đất liền, thì trong lúc di chuyển trên Biển Đông những cơn bão này đã gây nguy hiểm cho sinh mệnh và hủy hoại tàu bè, tài sản của ngư dân đang hành nghề trên biển. Chẳng hạn:

– Bão Chanchu (bão số 1, tháng 5.2006) đã làm cho 266 ngư dân quê ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi chết và mất tích khi đang hành nghề trên biển, nhưng chỉ có 20 thi thể được vớt. Số còn lại mãi mãi nằm dưới lòng biển. Trong đó, Quảng Nam là tỉnh có nhiều ngư dân thiệt mạng nhất với gần 160 người, có 20 gia đình có 2-3 người lâm nạn5;

1. Bao Chanchu

Nỗi đau thương của những người dân Đà Nẵng có thân nhân bị mất tích trên biển trong cơn bão Chanchu. Ảnh: Trần Tuấn (Báo Tiền Phong)

 

– Bão Xangsane (bão số 6, tháng 10.2006), đổ bộ vào Đà Nẵng, một phần Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế đã khiến cho 59 người thiệt mạng, 7 người mất tích, 527 người bị thương, gần 579 tàu thuyền hư hại, gần 16.000 nhà sập, hơn 25.000 nhà tốc mái và 52.000 nhà bị ngập trong nước. Ước tính tổng số thiệt hại hơn 10.000 tỷ đồng6;

2a. Bao Xangsane

Đường đi của bão Xangsane trên Biển Đông. Đây là cơn bão gây thiệt hại lớn cho người dân các tỉnh miền Trung, nhất là cộng đồng cư dân ven biển. Ảnh: baomoi.com

2b. Ngu dan khoc than

Người dân miền Trung ngóng tin thân nhân bị mất tích do bão Xangsane trong khi đang đánh bắt trên biển. Ảnh: wikipedia

– Bão Mekkkala (bão số 7, tháng 9.2008) gây thiệt hại nặng nề cho cư dân ven biển 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, nhiều tàu thuyền của ngư dân đã về neo đậu trong vùng cửa biển gần bờ cũng bị sóng đánh chìm7;

– Bão Ketsana (bão số 9, tháng 9.2009), có sức gió sánh ngang với bão Xangsane, đổ bộ vào Đà Nẵng đã đánh chìm nhiều tàu vận tải lớn trong vùng biển Đà Nẵng và tàu cá của ngư dân Đà Nẵng và Quảng Nam neo đậu trong các âu thuyền và vùng biển gần bờ, nhấn chìm hàng trăm lồng bè nuôi thủy sản trong vùng nước ven bờ của ngư dân ở  Đà Nẵng và Quảng Nam8

3. Bao Ketsana tai DN

Bão Ketsana (tháng 9/2009) gây ngập lụt nghiêm trọng vùng ven biển và nội thị thành phố Đà Nẵng. Ảnh: baomoi.com

Biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường và những tác động do biến đổi khi hậu mang lại như nước biển dâng, nước biển xâm nhập, gia tăng số lượng và cấp độ bão… chính là những thách thức mà cư dân vùng duyên hải miền Trung phải đối mặt. Sinh kế dựa vào biển của họ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, kém bền vững hơn trong tương lai.

1.2. Thách thức do tài nguyên biển bị khai thác quá mức dẫn đến suy kiệt

Tài nguyên biển bao gồm hai nguồn: tài nguyên sinh vật (living resources) và tài nguyên phi sinh vật (non-living resources). Ngư dân, bao gồm ngư dân vùng duyên hải miền Trung, chủ yếu khai thác nguồn tài nguyên sinh vật để mưu sinh.

Theo số liệu thống kê của các nhà khoa học, trong vùng biển Việt Nam có khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc sáu vùng đa dạng sinh học biển khác nhau, trong đó ba vùng biển ven bờ là Móng Cái – Đồ Sơn, Hải Vân – Đại Lãnh và Đại Lãnh – Vũng Tàu là những vùng có mức đa dạng sinh học cao hơn các vùng còn lại. Trong tổng loài sinh vật được phát hiện có khoảng 6.000 loài động vật đáy; 2.038 loài cá, trong đó trên 100 loài cá kinh tế; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du; 537 loài thực vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn; 225 loài tôm biển; 14 loài cỏ biển; 15 loài rắn biển; 12 loài thú biển; 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước. Ngoài ra, còn phát hiện khoảng 1.300 loài trên các hải đảo. Chắc chắn các con số trên còn thấp hơn số lượng loài thực tế do mức độ điều tra, khảo sát còn rất hạn chế, chưa được tiến hành định kỳ, đặc biệt đối với các đảo.9 Đặc biệt, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và ngư trường xung quanh hai quần đảo này là nơi tập trung nhiều loài hải sản và động vật lưỡng cư quý hiếm, có giá trị kinh tế, giá trị dinh dưỡng cao, nhiều loài có tên trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới, bị hạn chế/cấm đánh bắt, khai thác.

Ngư trường đánh bắt chủ yếu và lâu đời của ngư dân duyên hải miền Trung là các vùng biển cận duyên Trung Bộ, vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và vùng biển xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên do hoạt động đánh bắt của ngư dân Việt Nam nói chung, ngư dân miền Trung nói riêng chưa được quản lý, quy hoạch và khai thác theo hướng bền vững nên nguồn tài nguyên sinh vật ở Biển Đông và trong những ngư trường truyền thống này đã bị suy thoái, thậm chí cạn kiệt.

Theo thống kê của các nhà khoa học, nguồn lợi hải sản trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam vào khoảng 5,3 triệu tấn cá biển, chưa tính đến các loài tôm biển, mực và sinh vật tầng đáy. Với nguồn lợi hải sản này, mỗi năm ngư dân Việt Nam chỉ được đánh bắt tối đa là 2,3 triệu tấn. Nếu khai thác quá sản lượng này thì nguồn hải sản tự nhiên sẽ bị suy kiệt, do cá không kịp sinh sản để tái tạo nguồn. Trong khi đó, năm 2016, Việt Nam đã khai thác 2,4 triệu tấn hải sản từ biển, nuôi trồng và khai thác được 2,5 triệu tấn thủy sản nước lợ để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Được biết sản lượng khai thác đạt 2,4 triệu tấn năm 2016 là giảm 15% so với năm 2015 và 20% so với các năm 2010 – 2014.10 Như vậy, là Việt Nam đã khai thác vượt mức cho phép từ nhiều năm qua. Đó cũng là lý do mà trong Quy hoạch về sản lượng đánh bắt hải sản giai đoạn 2020 – 2030 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét, phê duyệt vào ngày 4/10/2017, sản lượng đánh bắt hàng năm được quy định ở mức 1,63 triệu tấn, giảm từ 30% đến 40% so với sản lượng đánh bắt trong các năm 2000 – 2015.11 Đặc tr­ưng nổi bật nhất về mặt nguồn lợi hải sản ở vùng biển n­ước ta là quanh năm đều có cá đẻ, như­ng th­ường tập trung vào thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 7. Cá biển nư­ớc ta thư­ờng phân đàn nh­ưng không lớn: đàn cá nhỏ d­ưới 5 x 20 m chiếm 84%, đàn cá lớn cỡ 20 x 500 m – 0,1% tổng số đàn cá. Chính vì thế, nghề cá nước ta là “nghề cá đa loài” và là nghề cá nhỏ gắn bó chặt chẽ với sinh kế của người dân ven biển và trên các đảo ven bờ”.12

Điều này cho thấy cần phải quan tâm bảo vệ các nguồn lợi hải sản trong vùng biển và phải có những biện pháp mạnh nhằm giảm thiểu và chấm dứt việc khai thác quá mức, khai thác tận diệt (bằng lưới giã cào, đánh thuốc nổ, chích điện…), và khai thác vào mùa cá sinh sản.

Tuy nhiên, các kiểu khai thác hải sản tiêu cực nói trên vẫn diễn ra trong một thời gian dài. Kết quả là nguồn lợi hải sản trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ngày càng bị suy thoái nghiêm trọng, dẫn đến cạn kiệt.13

Theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục Biển và hải đảo: “Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt. Năng suất tôm nuôi quảng canh trong rừng ngập mặn bị giảm sút từ khoảng 200 kg/ha/vụ (năm 1980) đến nay chỉ còn 80 kg/ha/vụ, và 1 ha rừng ngập mặn trước đây có thể khai thác được khoảng 800 kg thuỷ sản, nhưng hiện nay chỉ thu được 1/20 so với trước. Nguồn lợi hải sản ở vùng biển gần bờ có dấu hiệu bị khai thác quá mức do tăng nhanh số lượng tàu thuyền đánh cá nhỏ, hiệu suất khai thác hải sản giảm từ 0,92 (1990) xuống 0,34 tấn/CV/năm (2010). Trong khi trữ lượng hải sản ở vùng biển xa bờ chưa được đánh giá đầy đủ”.14

Và đây là một thách thức rất lớn đối với ngư dân Việt Nam và ngư dân miền Trung nói riêng trong việc duy trì sinh kế bền vững.

4. Tau ca TQ tran xuong

Tàu cá Trung Quốc tràn xuống khai thác ở Biển Đông, một trong những tác nhân gây suy kiệt nguồn hải sản ở Biển Đông. Ảnh: AFP/Getty Images

1.3. Thách thức do môi trường biển bị ô nhiễm           

Việc phát triển công nghiệp thiếu bền vững đã gây ô nhiễm môi trường; việc nông nghiệp sử dụng quá nhiều hóa chất độc hại cho môi trường như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong một thời gian quá dài; việc gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa ồ ạt, thiếu kiểm soát ở Việt Nam nói chung, ở miền Trung nói riêng, đã gây ra hậu quả nặng nề: ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong đất liền dẫn đến ô nhiễm môi trường biển. Điều này cũng là nguyên nhân góp phần làm suy thoái nguồn lợi hải sản, gây tác động xấu đến sinh kế của cư dân duyên hải.

Theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, thì “môi trường biển nước ta bị biến đổi theo chiều hướng xấu. Ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển liên quan tới hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Một số khu biển ven bờ và cửa sông bị ô nhiễm dầu, chất hữu cơ liên quan tới chất thải sinh hoạt và du lịch dẫn đến hiện tượng thuỷ triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô rộng, ô nhiễm cyanur liên quan đến tình trạng đánh bắt hải sản, hàm lượng kẽm ở các khu vực đóng và sửa chữa tàu biển thường cao hơn liên quan tới “nhân độc tố kẽm” trong thành phần của sơn chống hà bám tàu thuyền. Các nguồn thải ra biển đều chưa được xử lý và quản lý tốt nên khả năng xảy ra các sự cố và thảm họa môi trường biển nhiều hơn (bài học Formosa,…).  Đây là sức ép lớn lên môi trường, hệ sinh thái và tài nguyên biển nước ta trong thời gian tới”.15

Vụ xả thải ra môi trường biển gây thiệt hại nặng nề nhất đối với đất nước, môi trường biển, nền kinh tế và người dân, là vụ Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, thuộc Tập đoàn Formosa Đài Loan, (gọi tắt là Cty Formosa) xả thải trực tiếp ra vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) vào cuối tháng 3.2016. Vụ xả thải này đã gây nên những thiệt hại khôn lường về sinh kế, đời sống vật chất và tinh thần đối với người dân 4 tỉnh Bắc miền Trung, là: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, mà bộ phận chịu thiệt hại nặng nề nhất là những cư dân ven biển, có sinh kế gắn liền với biển và dựa vào biển.

5. Ca chet mien Trung

Cá chết do hậu quả vụ xả thải của Cty Formosa, tấp vào bờ biển 4 tỉnh Bắc miền Trung. Ảnh: Green Trees

Theo báo cáo Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam do tổ chức Green Trees thực hiện và công bố vào cuối năm 2016, thì hậu quả do Cty Formosa xả thải ra biển Vũng Áng đã gây ra những thiệt hại nặng nề như sau: “Khoảng 115 tấn cá chết dạt vào bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; số hải sản nuôi bị chết là 140 tấn cá và 67 tấn ngao; có đến 40% đến 60% san hô bị hủy diệt trên tổng diện tích 650 ha. Rong biển chết ngầm xếp lớp dưới đáy biển”.16

Theo các số liệu do Chính phủ Việt Nam công bố trên các phương tiện truyền thông chính thức, thì vụ xả thải ra môi trường biển của Cty Formosa vào cuối tháng 3.2016 đã tác động đến cuộc sống của hơn 200.000 người dân trong đó có 41.000 ngư dân. Nhưng theo báo cáo Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam do Green Trees thực hiện và công bố thì phải có khoảng năm triệu người bị ảnh hưởng và khoảng một triệu người trực tiếp mất kế sinh nhai17, phần lớn là những cư dân có sinh kế gắn liền với biển, phụ thuộc vào biển ở các tỉnh duyên hải Bắc miền Trung.

Hậu quả của vụ Cty Formosa xả thải, dù đã được khắc phục tạm thời bởi số tiền 500 triệu USD mà Cty này bồi thường (thông qua Chính phủ Việt Nam) cho người dân bốn tỉnh Bắc miền Trung, chắc chắc sẽ kéo dài hơn, tệ hại hơn, thảm khốc hơn… những gì mà Chính phủ Việt Nam đánh giá và chấp nhận thỏa thuận bồi thường của Formosa. Môi trường biển miền Trung bị ô nhiễm nặng nề từ tầng đáy đến tầng nước trên; các hệ động vật và thực vật thủy sinh trong vùng biển này bị hủy diệt; các rạn san hô và bề mặt đáy biển bị hủy hoại… Phải mất hàng năm, thậm chí hàng chục năm mới có thể phục hồi, tái sinh. Những hệ lụy này cũng là một thách thức rất lớn đối với sinh kế của cư dân trong vùng duyên hải Bắc miền Trung.

1.4. Thách thức do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông

Việt Nam có chủ quyền trong vùng biển chiếm khoảng 29% diện tích của  Biển Đông. Tuy nhiên, trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt là ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang có một số nước nhảy vào tranh chấp chủ quyền với Việt Nam. Trong số đó, nguy hiểm nhất, hung hăng nhất là Trung Quốc, một nước vốn không “sở hữu” một tấc biển, một tấc đảo nào ở Biển Đông trong hàng ngàn năm qua, thì nay lại nhảy vào đòi chiếm đến hơn 80% diện tích Biển Đông, với cái gọi là cửu đoạn tuyến (đường chín đoạn, đường lưỡi bò), ôm trọn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trên thực địa, Trung Quốc đã xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chiếm đóng phi pháp bảy thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa, ngang nhiên biến chúng thành những hòn đảo nhân tạo, những căn cứ quân sự trên Biển Đông, xâm phạm chủ quyền biển đảo hợp pháp của Việt Nam, uy hiếp an ninh các nước trong khu vực ASEAN, đe dọa tự do hàng hải trên Biển Đông.

Đối với ngư dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân miền Trung, đã có hàng trăm năm khai thác, đánh bắt hải sản trong các ngư trường truyền thống trên Biển Đông, trong vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, thì việc Trung Quốc bành trướng thế lực ở Biển Đông, chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và một số thể địa lý ở Trường Sa, liên tục truy đuổi, đâm va, tấn công, cướp bóc và giết hại ngư dân Việt Nam, là những thách thức vô cùng nguy hiểm mà họ phải đối mặt hàng ngày trong quá trình mưu sinh của mình.

Trong hơn 15 năm qua, Trung Quốc liên tục cho tàu quân sự, tàu hải cảnh và tàu cá giả danh truy đuổi, ngăn cản và tấn công ngư dân Việt Nam đang hành nghề hợp pháp trên vùng biển Việt Nam hoặc trên các vùng biển quốc tế. Đây là mưu đồ nhằm triệt phá nền kinh tế biển của Việt Nam, uy hiếm ngư dân để họ không dám ra khơi, xóa bỏ những cột mốc chủ quyền di động trên biển. Từ đó thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Ngoài việc bị tàu Trung Quốc, khi thì trá hình, khi thì lộ mặt, truy đuổi, tấn công và uy hiếp, ngư dân Việt Nam, chủ yếu là ngư dân miền Trung, còn bị các tàu không rõ danh tính, tàu của các nước láng giềng như Philippines,  Indonesia… truy đuổi, bắt giữ và gây thương vong cho họ khi họ đánh bắt trên các vùng biển có tranh chấp chủ quyền.

Sau đây là một số vụ ngư dân miền Trung bị tấn công, bắt giữ, bị cướp bóc, đâm chìm tàu, thậm chí bị giết khi đang mưu sinh trên biển:

– Ngày 8.1.2005, bốn tàu đánh cá của ngư dân xã Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đang đánh bắt ở phía Tây vùng phân định thuộc khu vực đánh cá chung ở vịnh Bắc Bộ, đã bị tàu cảnh sát biển của Trung Quốc tấn công khiến chín ngư dân bị chết. Trung Quốc còn bắt giữ tám ngư dân khác trên bốn tàu cá này.18

6. Tau thanh hoa bi ban năm 2005

Một ngư dân ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) chỉ vào vết đạn do tàu Trung Quốc bắn vào tàu cá Thanh Hóa, làm chết 9 ngư dân vào ngày 8/1/2005. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

– Ngày 26.5.2014, tàu cá ĐNa 90152 do bà Huỳnh Thị Như Hoa (ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) làm chủ, do ngư dân Đặng Văn Nhân làm thuyền trưởng, sau khi thu lưới thì bị đội tàu của Trung Quốc đang bảo vệ giàn khoan Hải dương 981 đang khoan thăm dò phi pháp trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lao ra bao vây, ngăn chặn. Tàu cá ĐNa 90152 tìm cách tránh tàu Trung Quốc nhưng đã bị tàu vỏ thép của Trung Quốc đâm chìm. Năm ngư dân bị rơi xuống biển, nhưng tàu Trung Quốc không cứu hộ, mà còn tìm cách ngăn cản tàu cá ĐNa 90508 cùng các tàu cá khác của ngư dân Đà Nẵng đến cứu hộ ngư dân đồng hương. Gần một giờ sau, khi tàu Trung Quốc bỏ đi, các tàu cá khác của ngư dân Đà Nẵng mới cứu được các thuyền viên trên tàu cá ĐNa 90152 đưa về đất liền cứu chữa.19

7b. Huynh Nhu Hoa bi tan cong

Tàu Trung Quốc húc tàu cá của ngư dân Việt Nam trong sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HY 981 vào hạ đặt và khoan trái phép trong EEZ của Việt Nam (5-7/2014)

– Ngày 3.5.2015, tại vùng biển Hoàng Sa, tàu của ngư dân Phạm Phú Thành (ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) vừa thả 31 thúng cho 31 ngư dân đi câu mực thì có tàu vỏ thép của nước ngoài lao tới. Thấy tàu lạ, biết chuyện chẳng lành, ông Thành cho tàu chạy tránh được khoảng hai hải lý thì bị tàu nước ngoài đâm chìm. Ba ngư dân trên tàu Việt Nam bị hất văng xuống biển, phải bám vào dàn đèn câu nổi trên mặt nước để chờ cứu hộ. Sau hai giờ ngâm trong biển lạnh, thuyền viên  đi câu mực trở về mới cứu sống ba ngư dân này. Sau chín giờ đồng hồ, toàn bộ 34 ngư dân của tàu này mới được tàu cá QNa 94998 của ông Phạm Phú Trung (cùng trú tại xã Bình Minh) đánh bắt gần đó phát hiện và cứu hộ.20

– Ngày 9.7.2016, tàu cá QNg 90497 TS của ngư dân Võ Văn Lựu (ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang đánh bắt trong vùng biển Hoàng Sa thì bị hai tàu Trung Quốc mang số hiệu 46102 và 35103 rượt đuổi suốt 12 giờ. Sau đó, tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá của ngư dân Võ Văn Lựu. Các thuyền viên trên tàu của ông đã được tàu cá QNg 95001TS của ngư dân Huỳnh Văn Khanh (ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đánh bắt gần đó đến cứu và đưa về cảng Tịnh Kỳ, Quảng Ngãi.21

– Ngày 10.11.2016, tàu cá KH 97580 TS của ngư dân Tống Thành Tiến (ở phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đang đánh cá trong vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu 45103 của Trung Quốc xua đuổi. Đến 21 giờ ngày 13.11.2016, khi tàu của ngư dân Tống Thành Tiến đang thu câu trong khu vực giữa đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn (quần đảo Hoàng Sa) thì bị tàu 45103 của Trung Quốc đâm va, gây hư hỏng nặng. Ngư dân Tống Thành Tiến phải bỏ dở chuyến đi biển mà ông đã đầu tư hơn 150 triệu đồng để đưa tàu về đất liền sửa chữa.22

11. Tau TQ dam tau ca Khanh hoa

Tàu cá KH 97580 TS của ngư dân Tống Thành Tiến bị tàu Trung Quốc làm hư hỏng vào ngày 13/11/2016. Ảnh: Báo Đất Việt

– Ngày 28.11.2016, tàu cá QNg 95861 TS của ngư dân Bùi Văn Cu (ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang đánh bắt gần đá Suối Ngọc (thuộc quần đảo Trường Sa) thì bị một tàu nước ngoài áp sát. Một nhóm 5 người trên tàu lạ cầm súng nhảy sang tàu của ngư dân Bùi Văn Cu lục soát. Thấy hành động hung hăng của nhóm người lạ này, ngư dân Bảy trên tàu của ông Cu chạy đến mũi tàu định chặt đứt dây neo để đưa tàu tránh xa tàu lạ, thì bị nhóm người lạ này bắn chết.23

– Ngày 11.3.2017, tàu cá QNg 96677 TS của ngư dân Nguyễn Văn Mười (ở xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) gồm 13 ngư dân đang hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa thì bị một chiếc tàu vỏ gỗ không rõ quốc tịch nổ súng tấn công. Ngư dân Trần Văn Định trên tàu này bị thiệt mạng.24

8. Ngu dan bi tau la ban

Tàu QNg 96677 TS đưa thi thể ngư dân Trần Văn Định vào bờ. Ảnh: TTXVN

9. Ngu dan bi tau la ban

Tàu cá QNg 96677 TS bị tàu nước ngoài bắn với nhiều vết thủng. Ảnh: TTXVN

10. Ngu dan bi tau la ban

Người thân đón tàu QNg 96677 TS đưa thi thể ngư dân Trần Văn Định vào bờ.  Ảnh: TTXVN

– Đêm 22.7.2017, tàu cá Bình Định do anh Nguyễn Thành Ngọc (ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng cùng 5 ngư dân câu mực cách Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) hơn 100 hải lý về hướng Đông – Đông Nam, thì bị tàu lạ áp sát phía sau bắn nhiều phát đạn và truy đuổi hơn 2 giờ. Hai thuyền viên trúng đạn được máy bay đưa về Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) để phẫu thuật lấy đạn vào chiều 24.7.2017.25

12. Ngu dan xuat vien

Bác sĩ tặng hoa chúc mừng ngư dân trên tàu cá Bình Định bị tàu lạ bắn trọng thương trong lúc hành nghề ở vùng biển Côn Đảo được đưa về cứu chữa ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: vnexpress.net

– Ngày 23.9.2016, hai ngư dân người Phú Yên là Phan Văn Liêm và Lê Văn Reo trên tàu cá PY 96173 đang đánh bắt cá trong vùng biển Bolinao, tỉnh Pangasinan, Philippines thì bị cảnh sát biển Philipines bắn chết.26

– Ngày 23.3.2018, tàu cá QNg 90045 do ngư dân Đặng Tằm làm chủ tàu kiêm thuyền tưởng và tàu cá QNg 90440 do ông Đặng Bi làm chủ tàu (cùng trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang trú gió ở Đá Lồi (thuộc quần đảo Hoàng Sa) thì bất ngờ bị hai tàu Trung Quốc mang số hiệu 46106 và 45103 tấn công. Hai tàu Trung Quốc đã áp sát và đâm mạnh vào tàu cá QNg 90440 của ngư dân Đặng Bi, khiến tàu này vỡ dọc mạn phải từ đầu đến đuôi tàu. Sau đó tàu Trung Quốc thả một canô chở theo 8 người mặc quân phục và mang theo súng, dùi cui áp sát leo lên hai tàu cá, dùng vũ lực dồn ngư dân hết về phía mũi tàu, những người Trung Quốc có vũ trang tiếp tục lục cabin lấy đi điện thoại, máy móc, phá lưới và ngư cụ, đồng thời ép ngư dân chuyển toàn bộ hải sản đánh bắt được lên tàu Trung Quốc. Tàu QNg 90045 của ngư dân Đặng Tằm cũng bị cướp phá, chặt dây hơi, phá máy dò cá, bộ đàm. Không chỉ cướp phá, người trên tàu Trung Quốc còn đổ một gói bột màu trắng bao bì ghi chữ Trung Quốc vào nước uống của ngư dân, khiến ngư dân không thể uống. Các ngư dân cho rằng đây là hành động triệt luôn đường sống, không cho ngư dân tiếp tục bám trụ ở Hoàng Sa. Ngư dân Đặng Tằm ước tính thiệt hại lên đến 350 triệu đồng, còn ngư dân Đặng Bi thiệt hại lên đến 400 triệu đồng.27

18. Tau ca Quang Ngai bi pha

Cú đâm mạnh của tàu Trung Quốc khiến tàu cá của ngư dân Đặng Bi bị hỏng nặng.      Ảnh: Trần Mai (Báo Tuổi Trẻ)

19. Tau ca Quang Ngai bi pha

Dây hơi dùng để lặn trên hai tàu cá của ngư dân Đặng Tằm và Đặng Bi đều bị người trên tàu Trung Quốc chặt đứt. Ảnh: Trần Mai (Báo Tuổi Trẻ)

…….

Trong bối cảnh căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng gia tăng, đặc biệt là sau khi Trung Quốc hoàn thành việc đảo hóaquân sự hóa các thể địa lý do Trung Quốc xâm chiếm trái phép ở Biển Đông, thì họ tăng cường uy hiếp ngư dân Việt Nam và ngư dân các nước Đông Nam Á, những người thường xuyên đánh bắt hải sản trong Biển Đông. Sinh kế của ngư dân miền Trung càng thêm khó khăn bởi những thách thức này. Trong đó, Trung Quốc là tác nhân nguy hiểm nhất, thường xuyên truy bắt, uy hiếp tính mệnh của ngư dân miền Trung mưu sinh trên biển.

14. Ngu dan

Ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong vùng biển Philippines bị phía Philippines bắt giữ, vui mừng được trả tự do và gửi lời cám ơn Tổng thống Duterte. Ảnh: AP

15. Ngu dan cam on

Tàu cá Việt Nam vừa được phía Philippines phóng thích sau khi bị bắt giữ do đánh bắt trái phép trong vùng biển Philippines. Ảnh: AP

1.6. Thách thức do quá trình đô thị hóa và các dự án phát triển du lịch ven biển

Có một thực tế khác đã diễn ra trong khoảng chục năm gần đây là nhiều ngôi làng ven biển miền Trung, trong đó có các làng chài của ngư dân đã bị xóa sổ toàn phần hoặc một phần để nhường đất cho các dự án phát triển du lịch và cho quá trình đô thị hóa tại các tỉnh thành thuộc vùng duyên hải miền Trung. Điển hình như làng biển: Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), Hà My (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), An Bàng (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam)…

16. Lang bien Nam O

Di tích lăng Ông (Nam Ô) bên những ngôi nhà bị đập phá để làm resort.                            Ảnh: Báo Công an Đà Nẵng

Điều này cũng tạo ra những thách thức lớn khi người dân phải rời bỏ nơi cư trú cũ để tìm nơi ở mới. Sinh kế của họ cũng bị thay đổi do môi trường sống và các điều kiện mưu sinh bị thay đổi.

17. Lang bien Nam O

Cụ Nắng (phải) và ông Long, những người dân ở Nam Ô (Đà Nẵng), nhìn ra cửa biển với ánh mắt đượm buồn. Ảnh: Báo Công an Đà Nẵng

Số tiền đền bù từ việc đất đai, làng mạc bị giải tỏa có thể nhiều, nhưng sẽ không đủ để giúp họ chuyển đổi sang những nghề mới một cách suôn sẻ, có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống lâu dài.

Nhiều người dân do đã lớn tuổi nên khó có thể tìm kiếm việc làm mới phù hợp với sức khỏe và tuổi tác của mình. Nhiều người trong độ tuổi thanh niên nhưng do trình độ và năng lực hạn chế nên cũng khó đáp ứng những đòi hỏi cao hơn ở những công việc mới mà chủ các dự án đầu tư hứa hẹn mang đến. Vì thế họ nhanh chóng gia nhập vào đội quân thất nghiệp, hoặc phải gia nhập vào dòng người chuyển cư đến các đô thị lớn ở trong vùng, trong nước để tìm việc làm, hoặc phải chạy vạy để đi xuất khẩu lao động. Đó đều là những thách thức nghiêm trọng đối với sinh kế bền vững của người dân vùng duyên hải miền Trung sống trong các vùng có các dự án phát triển du lịch và đô thị hóa.

2. TÁC ĐỘNG TỪ NHỮNG THÁCH THỨC

Với năm thách thức trên đây, chắc chắn sẽ có những tác động không nhỏ đối với sinh kế của các cộng đồng cư dân trong vùng duyên hải miền Trung, đồng thời tác động đến tình hình kinh tế – xã hội của cộng đồng, cũng như với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương.   

2.1. Đối với sinh kế của người dân

– Thứ nhất, điều kiện mưu sinh ngày một khó khăn hơn; môi trường lao động ngày càng khắc nghiệt hơn, gian khổ hơn; địa bàn mưu sinh ngày càng xa hơn.

– Thứ hai, những cư dân sống dựa vào biển, khai thác nguồn sống từ biển sẽ phải rời bỏ những vùng biển thông thuộc để đi đánh bắt ở những vùng biển xa hơn, thậm chí đi sang vùng biển của các nước khác để đánh bắt nên phải đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn (thiên tai và nhân tai); chi phí cho các chuyến đi đánh bắt xa sẽ lớn hơn nên cần phải có vốn lớn, phải vay nợ ngân hàng, và phần lợi nhuận thu được sẽ ít hơn do phải trang trải các khoản chi cho “đường xa và dài ngày” này.

– Thứ ba, với những người không có điều kiện đi biển xa thì việc mưu sinh ở quê nhà cũng sẽ khó khăn do đất đai bị nhiễm mặn, xói lở bởi nước biển dâng, do mất đất cho các dự án phát triển du lịch và đô thị hóa vùng ven biển nên dễ rơi vào cảnh thất nghiệp, phải đi làm thuê ở những ngành, nghề không quen thuộc với họ, nên thu nhập bấp bênh, đời sống thiếu ổn định.

2.2. Đối với đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội của cộng đồng

– Thứ nhất, diện mạo kinh tế của cộng đồng sẽ thay đổi theo hướng đa dạng hơn, linh hoạt hơn, năng động hơn chứ không còn “đơn nhất” như trước. Phân công lao động trong cộng đồng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nhằm phân bổ nguồn vốn, sức lao động một cách hợp lý hơn.

Chẳng hạn trước đây người dân miền Trung có thói quen đi biển theo hộ gia đình hoặc sử dụng lao động trong phạm vi gia tộc, họ hàng, chỉ hoạt động trong vùng biển ven bờ, thì nay họ sẽ hợp tác, chung vốn với nhau đóng những con tàu lớn để đánh bắt xa bờ và sẽ liên kết với nhau để tạo thành những đội tàu cùng nhau đánh bắt trên những vùng biển xa nhằm hỗ trợ cho nhau trong những lúc khó khăn, gặp hiểm nguy, mà đội tàu đánh bắt cá mập và trung đội dân quân biển ở phường Thủy Đầm (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) là một ví dụ.28

Hoặc do sinh kế thay đổi, ngư dân phải vươn khơi xa dài ngày, vì thế, trong các cộng đồng cư dân nơi đây đã hình thành thêm đội thuyền dịch vụ chuyên cung ứng các dịch vụ hậu cần, logistic cho đội thuyền đánh bắt xa bờ. Đồng thời hình thành đội ngũ thu mua, bao tiêu sản phẩm để cung ứng cho thị trường nội địa hoặc xuất khẩu, thay vì “mô hình” truyền thống “chồng đánh cá, vợ bán cá” như trước đây. Điều này góp phần thay đổi cơ cấu việc làm ở trong các cộng đồng dân cư này.

– Thứ hai, do diện mạo các làng xã ven biển bị thay đổi bởi các tác động từ tình trạng biến đổi khí hậu, từ quá trình đô thị hóa và phát triển du lịch ven biển, nên không gian sinh sống và cấu trúc cộng đồng cũng có sự thay đổi. Nhiều làng chài đã trở thành những khu đô thị ven biển, thậm chí cư dân làng chài đã phải vào sinh sống trong các khu chung cư cao tầng, như các khu chung cư ở quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng) khiến cho lối sống, sinh hoạt, ứng xử của cư dân phải thay đổi để thích ứng với môi trường sống mới.

Nhiều di tích lịch sử văn hóa liên quan đến biển, nghề đi biển, văn hóa biển của cộng đồng cư dân duyên hải đã bị biến dạng, di dời, thay đổi vì những nguyên nhân khác nhau, khiến cho việc thực hành và bảo tồn di sản văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội liên quan đến biển và ngư nghiệp cũng thay đổi, thậm chí mai một.

– Thứ ba, những thách thức nói trên đã làm cho cư dân duyên hải miền Trung gặp trở ngại trong mưu sinh, khiến họ phải lựa chọn và tìm kiếm sinh kế mới phù hợp hơn, bền vững hơn.

Tuy nhiên, xét ở góc độ khác, thì những thách thức đó lại tạo cho người dân động lực để thay đổi tư duy, lề lối làm ăn, khiến họ tăng cường học hỏi khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư vốn liếng và nhân lực để xây dựng những đội tàu đánh bắt công suất lớn hơn, trang bị hiện đại hơn, sẵn sàng “vươn khơi, bám biển” dài ngày để đánh bắt được nhiều hải sản hơn, chất lượng hải sản tốt hơn, giá thành cao hơn để thu được lợi nhuận cao hơn, nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài và bền vững. Đồng thời, cũng biến họ trở thành “tai mắt” trên biển, thành những “cột mốc sống ở trên biển”, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

T.Đ.A.S.

Chú thích

1. Nguyễn Chu Hồi (2017). “Vị thế, tiềm năng của biển đảo Việt Nam trong bối cảnh quốc tế và khu vực”. In trong: Bộ Thông tin và Truyền thông. Tài liệu tập huấn công tác tuyên truyền biển, đảo. (Lưu hành nội bộ), 71.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2017). Việt Nam. Đất nước, con người. Nhìn từ biển, đảo (Hà Nội: Thông tin và Truyền thông), 5.

3. Trần Thọ Đạt – Vũ Thị Hoài Thu (2012). “Sinh kế bền vững và thích ứng với biển đổi khí hậu đối với vùng ven biển Việt Nam”. Kinh tế và Phát triển. Số tháng 10.

4. Trần Thọ Đạt – Vũ Thị Hoài Thu (2012). “Sinh kế bền vững và thích ứng với biển đổi khí hậu đối với vùng ven biển Việt Nam”. Kinh tế và Phát triển. Số tháng 10.

5. Phạm Hương (2016). “10 năm thảm họa Chanchu làm hơn 200 số phận mất tích”. https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/10-năm-tham-hoa-chanchu-lam-hon-200-so-phan-mat-tich-3403652.htm. Thứ hai, 16/5/2016, 11:49 GMT+7

6. Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A3o_Xangsane_(2006).

7. Nguồn: https://www.baomoi.com/5-con-bao-tan-pha-khung-khiep-nhat-trong-10-nam-qua-o-viet-nam/c/23285533.epi

8. Nguồn: https://www.baomoi.com/5-con-bao-tan-pha-khung-khiep-nhat-trong-10-nam-qua-o-viet-nam/c/23285533.epi

9. Nguyễn Chu Hồi (2013). “Kinh tế biển Việt Nam nhìn từ góc độ tài nguyên và môi trường”. Lý luận Chính trị. Số 5, 30-41.

10. Nguyễn Chu Hồi (2017). “Vị thế, tiềm năng của biển đảo Việt Nam trong bối cảnh quốc tế và khu vực”. In trong: Bộ Thông tin và Truyền thông. Tài liệu tập huấn công tác tuyên truyền biển, đảo. (Lưu hành nội bộ), 91.

11. Bản tin do VTV1 phát trong chương trình thời sự lúc 6 giờ sáng ngày 4.10.2017.

12, 14. Nguyễn Chu Hồi (2017). “Vị thế, tiềm năng của biển đảo Việt Nam trong bối cảnh quốc tế và khu vực”. In trong: Bộ Thông tin và Truyền thông. Tài liệu tập huấn công tác tuyên truyền biển, đảo. (Lưu hành nội bộ), 93, 100.

13. Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi), tổ chức ở Hn vào ngày 21.3.2017 Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn – cảnh báo thủy sản nước ta đang bị tận diệt bằng đủ các hình thức đánh bắt như kích điện, dùng thuốc nổ, hóa chất… Ông cho biết: “Trước đây, biển rất nhiều cá, còn bây giờ từ Bạch Long Vĩ đến Phú Quốc đều không còn cá nữa. Vì thế ngư dân phải đi đánh cá ở bên ngoài rất nhiều, bị bắt cũng rất nhiều”. Nguồn: http://dantri.com.vn/chinh-tri/bien-tu-bach-long-vi-den-phu-quoc-deu-khong-con-ca-20170321145312711.htm.

15 Theo Kết quả đánh giá nhanh tải lượng chất thải đổ ra biển từ đất liền ở Việt Nam của VASI-IMER-UNEP (2010), lưu trữ tại Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Hà Nội) thì: “Kết quả đánh giá sơ bộ (VASI-IMER-UNEP, 2010) lượng chất gây ô nhiễm biển nguồn lục địa đưa ra một số vùng biển ven bờ nước ta cho thấy: vùng biển ven bờ Hải Phòng – Quảng Ninh mỗi năm tiếp nhận khoảng 206,4 nghìn tấn COD; gần 39 nghìn tấn BOD; 38,8 nghìn tấn nitơ tổng số (N-T); 20,7 nghìn tấn phốtpho tổng số (P-T); 17,24 triệu tấn tổng chất rắn lơ lửng (TSS); 51,5 tấn hóa chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) và hơn 7,8 nghìn tấn kim loại nặng (KLN). Tổng lượng chất ô nhiễm hàng năm đưa ra vùng biển ven bờ Đà Nẵng – Quảng Nam khoảng 92,6 nghìn tấn COD; 22,4 nghìn tấn BOD; 53,8 nghìn tấn N-T; 11,9 nghìn tấn P-T; 428,4 nghìn tấn TSS; gần 83 tấn HCBVTV và khoảng 430 tấn KLN các loại. Tổng lượng ô nhiễm hàng năm đưa ra vùng biển ven bờ Bà Rịa – Vũng Tàu – Thành phố Hồ Chí Minh tối thiểu khoảng 175,6 tấn COD; 38,9 tấn BOD; 125,9 nghìn tấn N-T; 23,3 nghìn tấn P-T; 384,2 nghìn tấn TSS và khoảng hơn 3 nghìn tấn KLN”. Dẫn theo: Nguyễn Chu Hồi (2017). “Bài đã dẫn”, 99.

16, 17 Green Trees (2016). Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam. Hà Nội, 163, 165.

18 Nguồn: http://www.sggp.org.vn/yeu-cau-phia-trung-quoc-dieu-tra-va-xu-ly-nghiem-nhung-ke-da-ban-chet-nguoi-113753.html

19 Nguồn: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/ngu-dan-bi-tau-trung-quoc-dam-toi-tuong-minh-da-chet-710916.tpo

20 Nguồn: https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/de-nghi-truy-tim-thu-pham-dam-chim-tau-ca-o-hoang-sa-3399380.html

21 Nguồn: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tau-trung-quoc-dam-chim-tau-ngu-dan-loi-nguoi-thoat-nan-3313810/

22 Nguồn: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tau-tq-dam-tau-ngu-dan-khanh-hoa-40-phut-sinh-tu-3323214/

23 Nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tau-la-tan-cong-ban-chet-ngu-dan-o-truong-sa-20151129223634343.htm

24 Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tau-la-no-sung-xoi-xa-vao-tau-ca-viet-nam-1-ngu-dan-thiet-mang-365124.html

25 Nguồn: https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/ngu-dan-bi-tau-la-ban-duoc-xuat-vien-3621530.html

26 Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/vu-2-ngu-dan-viet-bi-ban-ket-qua-dieu-tra-hai-nuoc-venh-nhau/4049870.html

27 Nguồn: https://tuoitre.vn/ngu-dan-quang-ngai-to-bi-tau-trung-quoc-cuop-pha-o-hoang-sa-20180323202645685.htm

28 Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/phongsu/item/31673502-ky-2-lang-san-hung-than-bien-ca.html

————

* Đây là tham luận được trình bày tại Hội thảo “Văn hóa biển Trung Bộ trong bối cảnh xã hội đương đại“, do Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 10.2017. Tác giả đã cập nhật và bổ sung thông tin để in trên tạp chí Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng. Số 99 (Tháng 3.2018).

Đăng tải tại Chủ quyền biển đảo | Bình luận về bài viết này

ĐÃ TÌM RA CHÂN DUNG VUA QUANG TRUNG?

Tác giả: NGUYỄN DUY CHÍNH

1. HÌNH ẢNH VUA QUANG TRUNG THEO SỬ CŨ

Cho đến gần đây, khuôn mặt vua Quang Trung vẫn còn là một câu hỏi. Tuy chính sử và ngoại sử cũng có những chi tiết đề cập đến dung mạo, hình dáng và y phục của ông nhưng quá mơ hồ và đáng tin đến mực nào thì vẫn không ai dám khẳng định.

Quốc sử quán triều Nguyễn trong Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển XXX, Ngụy Tây, truyện Nguyễn Văn Huệ chép:

Nguyễn Văn Huệ là em của Nhạc, tiếng vang như chuông, mắt sáng như ánh điện, mưu lược thiện chiến, người người đều kinh sợ.[1]

Tây Sơn thuật lược chép:

Năm ấy Nguyễn Huệ mất, tóc của Huệ thì quăn, mặt thì đầy mụt, có một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu[2]

Trong văn chương, các nhà nho Bắc Hà gọi ông là “cuồng Chiêm[3], hắc tử[4]” với hàm ý khinh miệt, coi ông chỉ là một kẻ mọi rợ ở phương nam. Nho sĩ cuối đời Lê cũng diễu cợt ông về nhân dáng, về giọng nói và cả cách xử thế. Tuy nhiên, những chi tiết này tuyệt nhiên không thể coi là tả chân dung mạo và con người Nguyễn Huệ.

Về điêu khắc chúng ta thấy ông qua hình ảnh một pho tượng đi hài một chân trong, một chân ngoài ở một ngôi chùa tại Hà Nội. Nguyễn Phương viết:

Đó là ảnh chụp một pho tượng ở chùa Bộc, tại Hà Nội. Đã lâu nhiều người cứ nghĩ rằng đó là một pho tượng Phật nhưng kỳ thực hình dung Quang trung với tất cả thái độ ngang tàng của ông, ví dụ mình bận triều phục mà chân thì một trong hia một nằm ngoài. Đôi câu đối hai bên pho tượng vừa ngụ ý Quang trung là anh hùng cái thế, vừa dùng danh nghĩa tôn giáo để gìn giữ cho pho tượng khỏi bị triều Nguyễn phá. Đôi câu đối đọc là:

Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vụ [vũ],

Quang trung hóa Phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân.[5]

Dịch nghĩa:

Trong hang không bụi, lưu nêu cột giữa non sông rộng lớn,

Giữa sáng thành Phật, chuyển gió mây trong thế giới cỏn con.

Và câu đối cũng nói rằng ở Thăng Long vẫn còn có chỗ để thờ Quang trung dưới hình dạng một tượng Phật [6]

CDQT 01

Tượng ở chùa Bộc. Nguồn: internet

Về tranh vẽ, lâu nay sách vở lưu truyền hình một võ tướng cưỡi ngựa được chú thích là vua Quang Trung [hay dè dặt hơn là Phạm Công Trị, “giả vương” sang Trung Hoa]. Bức hình này xuất hiện trên Đông Thanh tạp chí, số 1, 1932 [theo ghi chú trên Tập san Sử Địa, số 9-10 phát hành Tết Mậu Thân][7] và được in lại trên nhiều ấn phẩm khác.

Dựa trên bức tranh, hoạ sĩ đã mô phỏng để tạo hình vua Quang Trung trên giấy bạc 200 đồng (trước năm 1975 tại miền Nam) và theo đó nhiều nghệ sĩ đã sử dụng để điêu khắc tượng đài, cả trong nước lẫn hải ngoại coi như đây là diện mạo chính thức của Nguyễn Huệ.

CDQT 02

Hình vẽ Quang Trung trên giấy bạc 200 đồng ở miền Nam Việt Nam trước 1975

Tuy nhiên, khi tư liệu lịch sử được phổ biến công khai và rộng rãi hơn, người ta có thể khẳng định rằng bức tranh người cưỡi ngựa này chỉ là một bản sao của hoạ phẩm nổitiếng do hoạ sĩ Giuseppe Castiglione [giáo sĩ người Ý]vẽvua Càn Long [cưỡi con tuấn mã có tên là Vạn Cát Sương [萬吉驦] do quận vương xứ Khalkha tiến cống] trong một lần duyệtbinh được thực hiện vào khoảng 1743[8] chứ không phải vua Quang Trung.

CDQT 03

Vua Càn Long chuẩn bị duyệt binh. Nguồn: Zhang Hongxing. The Qianlong Emperor.

2. HÌNH ẢNH VUA QUANG TRUNG BÊN NGOÀI NƯỚC

Khi vua Quang Trung đem một phái đoàn hùng hậu sang Bắc Kinh dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ của vua Cao Tông [Càn Long], nhiều tài liệu của Trung Hoavà Triều Tiên nhắc đến ông nhưng chỉ nói về hành vi mà không miêu tả về dung mạo.

Sứ thần Triều Tiên Từ Hạo Tu [徐浩修] trong bộ Yên hành lục tuyển tập [燕行錄選集][9] chép:

Quang Bình cốt cách khá thanh tú, hình dáng bệ vệ xem ra khác hẳn với người ở Giao Nam. Thế nhưng các bầy tôi đi theo tuy hơi giỏi văn tự nhưng thân thể nhỏ bé, yếu đuối, ăn nói, hành động giảo trá khinh bạc.[10]

… Hôm đứng vào tế ban ở Tịch Nguyệt Ðàn nơi điện Thái Hòa mới thấy họ [tức sứ đoàn nước ta] mặc y phục bản quốc. Vua của họ đầu bịt khăn lưới,[11] đội thất lương kim quan [七梁金冠][12] mình mặc long bào bằng gấm màu, đeo đai bằng ngọc trắng. Tòng thần cũng quấn khăn, đội mão đen năm ngấn, thân mặc mãng bào hoặc màu xanh, hoặc màu tía, đeo đai vàng, hình trên áo bác tạp, lạ lùng trông như trong tuồng hát khác xa cổ chế nước An Nam.[13]

Trong nhiều thế kỷ, triều đình Trung Hoa đã phát triển việc lưu giữ hình ảnh qua các kỹ thuật mộc bản [khắc in bằng bản gỗ], đồng bản [khắc in bằng bản đồng] và đến đời Minh – Thanh thì du nhập thêm nhiều phương pháp hội họa của Âu châu, trong cung luôn luôn có một đội ngũ họa gia đông đảo bao gồm nhiều giáo sĩ sang truyền giáo. Chính vì thế, trong chuyến đi sang Bắc Kinh, hình ảnh vua Quang Trung đã được ghi lại trên nhiều họa phẩm bằng màu, đặc biệt là trên hai bức vẽ sinh hoạt cung đình và chính chân dung của ông do vua Càn Long sai thợ vẽ trước khi ông về nước.[14]

* Thập toàn phu tảo [十全敷藻] [15]

Một trong bộ tranh mười bức ca tụng Thập toàn võ vông của vua Cao Tông do Uông Thừa Bái [汪承霈] vẽ có tên là Thập toàn phu tảo [十全敷藻] trong đó có một bức nhan đề An Nam quốc vương chí Tị Thử sơn trang [安南國王至避暑山莊] vẽ hình vua Quang Trung và hai bồi thần [tức Phan Huy Ích và Ngô Văn Sở] vào triều kiến vua Càn Long ở Nhiệt Hà.

CDQT 04

Tranh An Nam quốc vương chí Tị Thử sơn trang [安南國王至避暑山莊].

Bức tranh này – như tên gọi (phu tảo) là dạng tranh tuyên truyền vẽ vua Quang Trung và phái đoàn bệ kiến vua Càn Long ở Nhiệt Hà ngày 13 tháng 7 khi ông được ban mũ, áo bậc thân vương [có hai đại thần một người cầm mũ, một người cầm áo đứng trao].

Chúng ta cũng nhận ra hai tòng [tụng] thần mặc áo đỏ quì bên cạnh mà chúng ta biết rằng đây là Phan Huy Ích và Ngô Văn Sở. Sáu nhạc công An Nam ở phía sau cầm các loại nhạc khí, hiện còn hình vẽ ghi trong Hoàng triều lễ khí đồ thức.[16]

CDQT 05

Tranh An Nam quốc vương chí Tị Thử sơn trang [安南國王至避暑山莊].

* Bát tuần vạn thọ thịnh điển [八旬萬夀盛典]

Bộ sách này tổng cộng 120 quyển, nằm trong Sử bộ [史部], Khâm định tứ khố toàn thư [欽定四庫全書]. Thịnh điển do đại học sĩ A Quế làm tổng tài cùng với một ban biên tập 74 người trong đó có 12 danh thần, hoàn tất tháng Mười năm Nhâm Tí, Càn Long 57 (1792), hai năm sau kỳ đại lễ. Tài liệu đồ sộ này ghi lại đầy đủ chi tiết về nghi lễ và tổ chức khánh thọ. Hai quyển 77 và 78 trong Bát tuần vạn thọ thịnh điển là các tranh vẽ, mỗi quyển 121 bức, tổng cộng 242 bức tranh khắc bản với đầy đủ chi tiết từ Viên Minh Viên đến Tây Hoa Môn (cửa tây thành Bắc Kinh)[17] trong đó có cảnh vua Quang Trung cùng vương công đón hoàng đế hồi loan.

Theo Ngô Chấn Vực [吳振棫] trong Dưỡng Cát trai tùng lục [養吉齋叢錄] (Bắc Kinh: Bắc Kinh cổ tịch xuất bản xã, 1983) viết đời Ðồng Trị (1861 – 1875) (tr. 125-126) thì bức tranh có hình vua Quang Trung được miêu tả như sau:

“… Phía bắc chiếc cầu màu đỏ là một tòa [giả] sơn, hình ngoằn ngoèo như thước gập, ngoài có lan can màu son. Phía tây là một nham động làm cửa, có đường nhỏ lên núi, trên có hai ngôi lầu, trong lầu diễn kịch “Vạn quốc lai triều”. Trước tòa núi giả là quốc vương An Nam Nguyễn Quang Bình cùng với bồi thần, sứ thần các nước Triều Tiên, Nam Chưởng, Miến Ðiện và các sơn phiên Kim Xuyên, Ðài Loan cho đến các hãn Mông Cổ, Hồi Bộ, kế đến các vương, thai cát quì bên cạnh đường, nghênh đón thiên tử.”

Miêu tả nói chung khá chính xác. Bức tranh có một tấm bia vẽ ngay bên cạnh trên đề: 安南國王阮光平及蒙古王公, 朝鮮, 緬甸, 南掌, 各國使臣恭迎萬夀來京於此瞻覲 (An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình cập Mông Cổ vương công, Triều Tiên, Miến Ðiện, Nam Chưởng các quốc sứ thần cung nghinh vạn thọ lai kinh ư thử chiêm cận: Quốc vương An Nam Nguyễn Quang Bình cùng vương công Mông Cổ và sứ thần các nước Triều Tiên, Miến Điện, Nam Chưởng cung kình nghinh đón nhà vua trở về kinh đô nên chiêm cận ở đây).

Trong hình vua Quang Trung quì đón hàng đầu tiên, đằng sau là Ngô Văn Sở và lễ quan, bên trái là các thân vương và người trong hoàng tộc [với bổ phục hình tròn, đeo triều châu], bên phải là các đại thần nhà Thanh [với bổ phục hình vuông, không đeo triều châu]. Vua Càn Long đi kiệu khiêng trên vai [kiên dư] do 28 thị vệ [hay thái giám], chung quanh có ngự lâm quân và các cận thần theo hầu.

CDQT 06

Vua Quang Trung cầm đầu phái đoàn vương công đại thần đón vua Càn Long hồi kinh ngày 12 tháng Tám. [không rõ tác giả, hoàn tất năm 1797]. Nguồn: China: The Three Emperors (1662-1795), tr. 77.

CDQT 08 CDQT 07

Đây là một bộ phận trong bức trường đồ, cuộn thứ hai [không rõ tác giả, hoàn tất năm 1797]. Nguồn: China: The Three Emperors (1662-1795), tr. 77.

3. ĐẾN MỘT PHÁT HIỆN MỚI …

CDQT 09

Hình vua Quang Trung do Trần Quang Đức mới công bố

Gần đây, trên mạng internet[18], nhà nghiên cứu Trần Quang Đức ở trong nước đã công bố một bức chân dung vua Quang Trung mà ông cho biết là “một người bạn Trung Quốc gửi cho tôi bức tranh chân dung Quang Trung, hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. Bức tranh này có ghi rõ An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của Quang Trung khi ở bên nhà Thanh)”.

Tuy tác giả Trần Quang Đức dè dặt không khẳng định và bức hình khá mờ nên cũng khó xác định nhiều chi tiết nhưng chúng tôi tin tưởng rằng đây chính là một trong ba bức chân dung vua Càn Long đã ra lệnh cho hoạ gia trong cung vẽ tại Bắc Kinh năm 1790 khi vua Quang Trung cầm đầu một phái đoàn sang chúc thọ và nhờ những duyên may nên bức tranh này còn tồn tại sau nhiều cơn binh lửa.[19] Nếu đúng như thế, đây phải là tranh màu và rất khác với bản trắng đen này vì nhiều chi tiết bị che lấp. Tuy nhiên, trong giới hạn có thể chúng tôi cũng đưa ra một số nhận định sơ khởi để khi có một hình ảnh rõ ràng hơn sẽ bổ túc sau.

4. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM ĐÁNG GHI NHẬN

Theo hình vẽ, vua Quang Trung đội mũ xung thiên là mũ của vua chúa nước ta thời đó. Trước đây, khi đọc miêu tả của sứ thần Triều Tiên Từ Hạo Tu nói là ông đội thất lương kim quan, chúng tôi đã nhầm với loại mũ có 7 múi thời cổ của Trung Hoa [còn gọi là thông thiên quan].[20]

Phan Huy Chú định nghĩa mũ Xung Thiên tức mũ Phốc Đầu, riêng hai cánh chuồn hướng lên trên, nên gọi là Xung Thiên. Theo quy chế của nhà Minh và Triều Tiên, loại mũ Thường triều của vua là mũ Dực Thiện, cũng có hai cánh chuồn hướng lên trời, song hầu hết là những chiếc mũ trơn, không có trang sức. Riêng vua Minh ngoài mũ trơn còn có loại mũ được sức trang sức hình rồng vàng, hoa vàng, bác sơn vàng. Qua khảo sát một số pho tượng và mũ thờ có kiểu dáng Xung Thiên, chủ yếu là sản phẩm thế kỷ XVIII, XIX, có thể nhận thấy tuyệt đại đa số các loại mũ này đều được đính vô số trang sức và có dạng thức tương tự như nhau. Mũ thờ thường có xu hướng phức hoá, khoa trương nên không thể coi là loại mũ tả thực. Song chúng tôi cho rằng việc sức trang sức vàng bạc lên mũ dường như đã trở thành truyền thống của các triều đại Việt nam, nên nhiều khả năng loại mũ Xung Thiên của các vị vua thời Lê sơ cũng được đính một số trang sức bằng vàng nhất định.[21]

CDQT 10CDQT 10b

Mũ dùng cho hoàng đế hay thân vương đời Minh có tên là dực thiện quan (翼善冠) trước tròn, sau vuông có hai cánh chuồn đâm lên ở phía sau tương tự như xung thiên quan của ta.[22]

Ngay trên bức chân dung là bài thơ ngự chế [và cũng là ngự bút] của vua Càn Long khi vua Quang Trung vào bệ kiến, thi hành lễ “bão kiến thỉnh an” ngày 11 tháng Bảy năm Canh Tuất (1790) với hai dấu ngọc tỉ ngay chính giữa theo bề ngang, một trên một dưới. Chếch sang bên trái còn một dấu thứ ba là dấu Thái Thượng Hoàng đóng sau này khi vua Càn Long đã nhượng vị để xác nhận đây là tranh được treo trong khu bảo tàng riêng của vua cha. Đối chiếu với các tranh vẽ và bút thiếp khác đời Càn Long, chúng tôi nhận ra như sau:

CDQT 11

– Ngọc tỉ đóng ngay chính giữa trên đầu bức tranh là Bát trưng mạo niệm chi bảo [八徴耄念之寳]. Quả ấn này được khắc năm Canh Tuất để đánh dấu đại khánh vua Càn Long đúng 80 tuổi, cũng là năm vua Quang Trung sang dự lễ.

CDQT 12

– Con dấu thứ hai nằm chếch sang phía bên trái là ngọc tỉ Thái thượng hoàng đế chi bảo [太上皇帝之寶] được khắc khi vua Càn Long nhường ngôi cho con là Vĩnh Diễm lên làm Thái thượng hoàng năm Gia Khánh nguyên niên (1796).

CDQT 13

– Con dấu thứ ba ở trên cùng, bị cắt mất một nửa nhưng cũng còn nhận ra được là ngọc tỉ Ngũ phúc ngũ đại đường cổ hi thiên tử bảo [五福五代堂古稀天子寶].

Ba chiếc ngọc tỉ này đều là những bảo vật riêng của vua Càn Long coi như dấu ấn lúc cuối đời. Hàng chữ bên phải của chân dung chúng tôi nhận ra được là Tân phong An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình.[23] [新封安南國王阮光平].

Về bài thơ ở bên trên, theo đúng thông lệ khi vẽ hình những đại thần, tướng lãnh để treo trong Tử Quang Các, vua Càn Long luôn luôn tự đề một đoạn văn khen ngợi hay một bài thơ [ngự chế]. Tuy nét chữ tương đối khó nhận nhưng đây chính là bài thơ hoàng đế làm khi vua Quang Trung vào bệ kiến lần đầu, hành lễ “bão kiến thỉnh an”.

CDQT 14

Chúng tôi sao lại như sau (từ phải sang trái, đọc theo hàng dọc):

御製安南國王阮光平至避暑山莊陛見詩以賜之

瀛藩入祝值時巡,初見渾如舊識親.

伊古未聞來象國,勝朝往事鄙金人.

明正德間安南黎惠之臣莫登庸逼逐其主明興師討之踰年師不出登庸進代身金人逐封為都統其後惠孫維潭奪莫茂洽都統亦進金人後封為王是明代既不能致彼入朝而為金人以代兼有黷貨之殊為可鄙

九經柔遠祗重驛, 嘉會於今勉體仁.

武偃文修順天道, 大清祚永萬千春.[24]

乾隆庚戌孟秋

Phiên âm

Ngự chế An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình chí Tị Thử Sơn Trang bệ kiến thi dĩ tứ chi

Doanh phiên nhập chúc trị thời tuần

Sơ kiến hồn như cựu thức thân

Y cổ vị văn lai Tượng quốc[25]

Thắng triều vãng sự bỉ kim nhân

Minh Chính Đức gian, An Nam Lê Huệ chi thần Mạc Đăng Dung bức trục kỳ chủ. Minh hưng sư thảo chi. Du niên bất xuất. Đăng Dung tiến đại thân kim nhân trục phong vi đô thống. Kỳ hậu Huệ tôn Duy Đàm đoạt Mạc Mậu Hợp đô thống diệc tiến kim nhân, hậu phong vi vương. Thị Minh đại ký bất năng chí bỉ nhập triều nhi vi kim nhân dĩ đại, kiêm hữu độc hoá chi thù vi khả bỉ.

Cửu kinh nhu viễn chi trùng dịch

Gia hội ư kim miễn thể nhân

Võ yển văn tu thuận thiên đạo

Ðại Thanh tộ vĩnh vạn thiên xuân

Càn Long Canh Tuất Mạnh Thu

Dịch nghĩa

Kẻ phiên thuộc ở ngoài đến chúc thọ trong khi đang đi tuần,[26]

Mới gặp lần đầu mà như người thân đã biết từ lâu.

Từ xưa đến nay chưa từng nghe người ở Tượng quốc đến,

Việc triều trước đòi người vàng thật là đáng khinh.

Nguyên chú: (chữ nhỏ) Đời Chính Đức nhà Minh, bầy tôi của Lê Huệ [chữ Huệ có bộ ngôn] nước An Nam là Mạc Đăng Dung đuổi chủ chạy đi, nhà Minh hưng sư đánh dẹp nhưng qua một năm mà quân chưa ra [khỏi cửa quan]. Đăng Dung tiến người vàng thay mình được phong làm đô thống. Về sau, cháu của Huệ là Duy Đàm đoạt lại chức đô thống của Mạc Mậu Hợp, lại cũng tiến người vàng, sau được phong tước vương. Ấy là đời Minh không khiến họ tới triều đình được nên lấy người vàng để thay, lại cũng vì tham của cải thật là đáng khinh bỉ.[27]

Đường xa đạo nhu viễn phải qua nhiều trạm,

Mừng rằng hôm nay gặp được nhau để tỏ điều nhân.

Dấu việc võ, sửa việc văn là thuận với đạo trời,

Nhà Đại Thanh sẽ kéo dài mãi đến nghìn năm.

Càn Long tháng Mạnh Thu [Bảy] năm Canh Tuất [1790]

Theo tác giả Trần Quang Đức, dưới thời Lê vua Lê chúa Trịnh trong các đại lễ đều đội mũ xung thiên, mặc hoàng bào, thắt đai ngọc.[28] Trịnh Quang Vũ miêu tả y phục của hoàng đế khi thiết triều:

1. Mũ miện: vua Lê đội mũ xung thiên, hình lăng trụ trên bằng có hai cánh phía sau trỏ thẳng lên trời, chóp mũ hướng lên trời màu vàng.

2.  Y phục: vua Lê mặc hoàng bào (áo bào màu vàng) thêu rồng 5 móng… Hoàng bào triều Lê được dệt hình mặt rồng nghiêng, uốn lượn, đuôi quặp, rồng có sừng và vảy, 5 vuốt móng dữ dội, mang nhiều đặc điểm vương quyền, ảnh hưởng của Nho giáo Trung Quốc.[29]

Trong cả ba bức tranh vẽ mà hiện nay còn tồn tại ở Bắc Kinh nêu trên [Thập toàn phu tảo, Vạn thọ trường đồ Chân dung vua Quang Trung mới phát hiện], lễ phục của Nguyễn Quang Bình tương tự như dạng thức của triều Lê. Sứ thần Triều Tiên vì chưa nhìn thấy triều phục của vua chúa nước ta nên đã nhầm mũ xung thiên với thất lương kim quan.

Như chúng ta biết, khi vua Quang Trung sang Trung Hoa ông chỉ mới 37 tuổi. Cũng trong dịp này, một người đi trong phái đoàn là tiến sĩ Phan Huy Ích cũng mang về một bức truyền thần [nay đã mất] được in lại trên bìa quyển Chinh phụ ngâm bị khảo của Hoàng Xuân Hãn (Paris: Minh Tân, 1953). Bức truyền thần này vẽ họ Phan năm ông mới 39 tuổi cho thấy dường như thời đó người mình trông già hơn ngày nay rất nhiều. Chúng tôi kèm theo đây để dễ hình dung và so sánh :

 CDQT 15

Phan Huy Ích (1751-1822)

5. BỨC TRANH ĐƯỢC VẼ KHI NÀO ?

Theo báo cáo ghi trong bản tổng kê của Như Ý Quán trong Thanh cung nội vụ phủ tạo biện xứ đáng án tổng hối, quyển 52 [1790-1791] từ tr. 30 đến tr. 34 thì có ba [3] bức hình vua Quang Trung được vẽ, cả ba đều là vẽ nửa người [半身臉像 – bán thân kiểm tượng]. Chúng ta lại biết cả tên họa gia thực hiện là Mậu Bính Thái[30] [繆炳泰] và một hoạ sĩ phụ tá là Y Lan Thái[31][伊蘭泰]. Hai ông này đều là họa sĩ có tiếng trong cung đời Thanh Cao Tông.

CDQT 16

Trang bìa Thanh cung nội vụ phủ tạo biện xứ đáng án tổng hối, quyển 52 [1790-1791]

Công tác này được thực hiện trong khoảng từ ngày 20 tháng 8 năm Canh Tuất và hoàn tất vào khoảng 23 tháng 10 cùng năm sau khi đã gắn trục bằng gỗ sam, hai đầu bằng tử đàn. Ngày 20 tháng 8 chính là ngày vua Quang Trung tâu với vua Thanh xin từ biệt để về nước. Như vậy đúng như sử nước ta chép, việc họa hình là một biệt ân được vua Càn Long ban cho ngay khi phái đoàn Ðại Việt từ biệt và tác phẩm chỉ hoàn tất khi Nguyễn Huệ đã rời kinh đô nên được dịch trạm đuổi theo trao lại cho phái đoàn nước ta khi gần đến Nam Quan.

Sở dĩ chúng ta biết được chi tiết này vì theo lá thư của vua Quang Trung gửi Phúc Khang An thì trên đường đi “đại hoàng đế nghĩ xuống đường sá xa xôi gửi ban cho một hộp bánh sữa [妳餠], một hộp mứt trái cây và một cuộn tranh vẽ dung nhan quê mùa của kẻ hèn này [陋容小照一軸: lậu dung tiểu chiếu nhất trục]”.[32]

Việc phát hiện ra bức chân dung vua Quang Trung của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức là một đóng góp lớn cho những ai quan tâm đến bang giao Thanh – Việt thời Tây Sơn. Tuy chỉ thu hẹp trong một thời kỳ ngắn ngủi, khôi phục lại lịch sử giai đoạn này vẫn còn là một công trình dài.

Trong thời đại thông tin càng lúc càng mở rộng, việc tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu mới đã cho chúng ta những góc độ rộng rãi hơnlắm khi trái ngược với những gì chúng ta lâu nay được định hình. Chúng tôi mong mỏi rằng từ đầu mối này, những sử gia có thể tiếp tục đi xa hơn để có thêm chi tiết về bức chân dung độc nhất vô nhị trong lịch sử.

Tháng 8 năm 2017

Tài liệu tham khảo

  1. Cao Dương [高陽]. Mai khâu sinh tử ma da mộng [梅丘生死摩耶夢], Ðài Bắc: Liên Kinh, 2004.
  2. Khúc Diên Quân (曲延钧) [chủ biên]. Trung Quốc Thanh đại cung đình bản họa: Bát tuần vạn thọ thịnh điển. (中國清代宮廷版畫. 八旬萬夀盛典). Hợp Phì: An Huy Mỹ Thuật, 2002.
  3. Lê Duy Đản (黎惟亶). Lê Duy Đản thi tập (黎惟亶詩集). A. 2821. Thư viện Viễn Đông Bác Cổ.
  4. Ngô Chấn Vực [吳振棫]. Dưỡng Cát Trai Tùng Lục [養吉齋叢錄]. Bắc Kinh: Bắc Kinh cổ tịch xuất bản xã, 1983.
  5. Nguyễn Duy Chính (dịch). Đại Việt quốc thư (大越國書). TPHCM: Văn hóa – Văn nghệ, 2016.
  6. Nguyễn Duy Chính (dịch). Khâm định An Nam kỷ lược (欽定安南紀略), 31 quyển. Hà Nội: Hà Nội, 2016.
  7. Nguyễn Duy Chính. Giở lại một nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận” – Có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không?. TPHCM: Văn hóa -Văn nghệ, 2016.
  8. Nguyễn Duy Chính. Núi xanh nay vẫn đó. TPHCM: Văn hóa -Văn nghệ, 2016.
  9. Nguyễn Phương. Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn. Saigon: Khai Trí, 1968.
  10. Phan Huy Ích (潘輝益). Dụ Am văn tập (裕庵文集). Bản chép tay Viện Hán Nôm Hà Nội (A.604/1-3)
  11. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển XXX, Ngụy Tây.
  12. Rawski, Evelyn Sakakida & Jessica Rawson (ed.). China: The Three Emperors, 1662-1795. London: Royal Academy of Arts, 2005.
  13. Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập (清高宗御製詩文全集)(10 quyển). Ðài Bắc: Quốc lập Cố cung Bác vật viện, 1976.
  14. Thanh thực Lục (清實錄): Cao Tông Thuần hoàng đế thực lục (高宗純皇帝實錄). Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1986.
  15. Thôi Khuê Thuận [崔圭順]. Trung Quốc lịch đại đế vương miện phục nghiên cứu [中国历代帝王冕服研究] A Historical and Cultural Study on Emperor’s Mianfu of China. Thượng Hải : Đông Hoa đại học, 2007.
  16. Trần Danh Án (陳名案). Tản Ông di cảo (散翁遺槀) (tài liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, H. 2157)
  17. Trần Quang Đức. Ngàn năm áo mũ. Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009 – 1945. Hà Nội: Nhã Nam (Thế Giới), 2013.
  18. Trang Cát Phát (莊吉發). Thanh Cao Tông thập toàn võ công nghiên cứu (清高宗十全武功研究). Ðài Loan: Cố Cung Tùng San, Giáp Chủng số 26, tháng 6 năm 1982.
  19. Trịnh, Quang Vũ. Trang phục triều Lê – Trịnh. Hà Nội: Từ Điển Bách Khoa, 2008.
  20. Trung Hoa ngũ thiên niên văn vật tập san (中華五千年文物集刊). Phục sức thiên [服飾篇] (thượng và hạ). Đài Bắc, 1986.
  21. Trung Quốc đệ nhất lịch sử đáng án quán (中國第一歷史檔案館), Hương Cảng Trung văn đại học văn vật quán (香港中文大學文物館) (hợp biên). Thanh Cung nội vụ phủ tạo biện xứ đáng án tổng hối (清宮内務府造辦處檔案總匯), quyển 52. Bắc Kinh: Nhân Dân xuất bản xã, 2005.
  22. Viện Hán Nôm Hà Nội (cộng tác với Phục Ðán đại học, Trung Quốc). Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành (越南漢文燕行文献集成) (quyển VI, Tinh tra kỷ hành), Bắc Kinh: Phục Ðán đại học xuất bản xã, 2010.
  23. Vô danh thị. Tây Sơn thuật lược (西山述略) (bản dịch Tạ Quang Phát). Saigon: Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá, 1971.
  24. Zhang, Hongxing. The Qianlong Emperor: Treasures From The Forbidden City. United Kingdom: National Museums of Scotland Publishing Limited, 2002.
  25. Hoàng Xuân Hãn. Chinh phụ ngâm bị khảo. Paris: Minh Tân, 1953, http://dcvonline.net/2017/07/30/dau-moi-that-quang-trung/
  26. Sử Ðịa. Ðặc khảo về Quang Trung, Số 9-10 (số đặc biệt Xuân Mậu Thân). Saigon: Khai Trí, 1968.

Chú thích

[1] Nguyên văn (tr. 17B): 阮文惠, 岳之弟也. 聲如巨鐘, 目閃若電光. 狡黠善[戰]鬬人皆憚之. Nguyễn thị Tây Sơn ký cũng chép như vậy, có lẽ hai quyển cùng một nguồn.

[2] Vô danh thị. Tây Sơn thuật lược (bản dịch Tạ Quang Phát). (Saigon: Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, 1971) tr. 16-7. Nguyên văn (tr. 9b-10a), 是年阮惠殂. 惠髮鬈, 面瘡. 一目細, 而眼睛甚異. 昏坐無燈, 光射燭席.

[3] Người Chiêm hung hăng. Trước đây người Bắc Hà vẫn đồng hóa người Nam Hà với người Chiêm vì phương nam là đất cũ của Chiêm Thành. Lê Duy Ðản thi tập. Tài liệu chép tay, Viện Hán Nôm Hà Nội, BEFEO A.2821

[4] Tên da đen. Tờ bẩm của Phan Khải Đức gửi Tôn Sĩ Nghị ngày mồng 1 tháng Tám năm Mậu Thân (1788). Trang Cát Phát (莊吉發). Thanh Cao Tông thập toàn võ công nghiên cứu (清高宗十全武功研究). Ðài Loan: Cố Cung Tùng San, Giáp Chủng số 26, tháng 6 năm 1982 tr. 355. Nguyên văn: … 況天朝尊台禀大皇帝之命, 汎愛藩王, 恢復黎緒一播, 檄於通衢, 則草木皆兵, 何險不夷, 何堅不破, 況西山一黑子乎? Huống chi tôn đài theo lệnh của hoàng đế tỏ lòng yêu rộng rãi đến phiên vương, truyền bá việc khôi phục lại dòng họ Lê, tờ hịch một khi tung ra khắp nơi thì ắt là cây cỏ cũng thành binh lính, nguy hiểm đến đâu cũng thành yên được, kiên cố đến đâu cũng phá được, sá gì một tên mọi đen đất Tây Sơn?

[5] 洞裡無塵, 大地山河留棟宇. 光中化佛, 小天世界轉風雲.

[6] Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn (Saigon: Khai Trí, 1968), trang 401, cước chú 1. Bức tượng này được tạc đời Thiệu Trị (1841-1847), hơn 50 năm sau khi Nguyễn Huệ qua đời nên không có gì làm cơ sở.

[7] Tập san Sử Địa (Saigon) số 9-10 (1968) có ghi chú [nguyên văn]: Ảnh do vua Kiền Long sai vẽ năm 1790, đồ quân phục cũng do vua Tàu tặng. Ảnh lấy ở trong tập Mãn-Châu Cổ-họa, đăng trong Đông Thanh tạp chí, số I, 1932

[8] Legacies of Imperial Power: Two Exceptional Qianlong Scrolls from a ptivate collection (Auction in Hongkong Wednesday 8 October 2008) tr. 18 và 28.

[9] Seoul: Minjok Munhwa Ch’ujinhoe, 1976. Yên hành nghĩa là chuyến đi sang Yên kinh, một tên gọi khác của Bắc Kinh, thường được chỉ về việc đi sứ. Trong văn chương của nước ta cũng có những thi văn tập dùng hai chữ Yên hành hoặc như Yên của các sứ thần ghi chép khi sang Trung Hoa.

[10] Nguyên văn: 光平骨格頗清秀, 儀容亦沉[沈]重似是交南之傑. 然者從臣則雖稍解文字而軀材短小, 殘劣,言動狡詐輕佻 (Quang Bình cốt cách phả thanh tú, nghi dung diệc trầm trọng tự thị Giao Nam chi kiệt. Nhiên giả tòng thần tắc tuy sảo giải văn tự nhi khu tài đoản tiểu, tàn liệt, ngôn động giảo trá khinh diêu).

[11] Nguyên văn: đầu tạp võng cân [頭匝網巾]

[12] Theo hình vẽ nhà nghiên cứu Trần Quang Đức mới công bố, đối chiếu với hai bức tranh trong Thập toàn phu tảo Vạn thọ trường đồ thì có thể nhận ra vua Quang Trung không đội thất lương kim quan như tên gọi môt loại mũ miện theo cổ phục mà là mũ Xung Thiên của vua chúa đời nhà Lê.

[13] Yên hành kỷ (燕行紀), Tuyển tập V, quyển II, phần nguyên văn chữ Hán.

[14] Xem Nguyễn Duy Chính. Núi xanh nay vẫn đó. “Vài sự kiện về bức chân dung vua Quang Trung do họa sĩ nhà Thanh vẽ” (TPHCM: Văn hóa – Văn nghệ, 2016) tr. 213-239

[15] Chu Mẫn [chủ biên] ( 朱敏). Trung Quốc quốc gia bác vật quán tàng văn vật nghiên cứu tùng thư (Studies of the Collections of the National Museum of China) (中国国家博物館館蔵文物研究叢書) Hội Hoạ Quyển – Lịch Sử Hoạ (絵画巻) (歴史画). (Thượng Hải: Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 2006).

[16] Bức tranh này có người nhận lầm là vua Chiêu Thống nhưng thực tế vua Chiêu Thống không bao giờ có dịp bệ kiến vua Càn Long và việc bắt buộc đổi sang y phục Trung Hoa không phải là một nghi lễ quan trọng. Xem thêm Nguyễn Duy Chính: Phái đoàn Đại Việt và lễ Bát tuần khánh thọ của Thanh Cao Tông (TPHCM: Văn hóa – Văn nghệ, 2016) tr. 251-253.

[17] Khúc Diên Quân [chủ biên]. Trung Quốc Thanh đại cung đình bản họa: Bát Tuần vạn thọ thịnh điển, quyển 34 (Hợp Phì: An Huy Mỹ thuật, 2002).

[18] http://dcvonline.net/2017/07/30/dau-moi-that-quang-trung/

[19] Theo nghiên cứu của chúng tôi, khi vua Quang Trung sang Trung Hoa, ông được vẽ ba bức nhưng chỉ một bức tranh được tặng cho ông mang về. Xem thêm “Vài sự kiện về bức chân dung vua Quang Trung do họa sĩ nhà Thanh vẽ”. Núi xanh nay vẫn đó (TPHCM: Văn hóa – Văn Nghệ, 2016), tr. 213-239.

[20] Xem thêm : Thôi Khuê Thuận [崔圭順]. Trung Quốc lịch đại đế vương miện phục nghiên cứu [中国历代帝王冕服研究] A Historical and Cultural Study on Emperor’s Mianfu of China. (Thượng Hải: Đông Hoa đại học, 2007).

[21] Trần Quang Đức. Ngàn năm áo mũ: Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009-1945 (Hà Nội: Nhã Nam, 2013) tr. 166

[22] Trung Hoa ngũ thiên niên văn vật tập san (中華五千年文物集刊). Phục sức thiên (hạ) [服飾篇] (下) (Đài Bắc, 1986) tr. 275-276

[23] Nguyễn Quang Bình là tên chính thức của vua Quang Trung, còn Nguyễn Huệ là tên gọi thường ngày với ý không tôn trọng. Sử nhà Nguyễn thường gọi trổng là Huệ này, Huệ nọ … cũng như phía Tây Sơn gọi chúa Nguyễn Phúc Ánh là Chủng, thường thóa mạ tên Chủng kia

[24] Cao Tông thực lục, quyển 1358; Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập, tập 10 [quyển 59, tr. 10], Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển XXX, tr. 26B. Tinh tra kỷ hành (YHVH, tr. VI, tr. 232)

[25] Tượng quốc là tiếng nước ta tự xưng trong bài biểu mừng khắc trên kim tiên vua Quang Trung đem sang [hiện còn trong Bang giao hảo thoại]

[26] Vua Càn Long hàng năm đến Tị Thử sơn trang nghỉ mát, sách vở gọi là đi tuần [vua ra khỏi hoàng cung]

[27] Những hàng chữ nhỏ chú thích này là của chính vua Càn Long viết thêm để làm rõ nghĩa cho bài thơ nhưng không được ghi trong Thực lục hay sao chép của tòng thần nước ta mà chỉ có trong Thanh Cao Tông thi văn toàn tập khắc in sau này. Ngay cả trong Khâm định An Nam kỷ lược cũng không thấy. Trước đây nhiều tác giả đã không đánh giá đúng mức việc vua Càn Long bãi bỏ lệ cống người vàng và thường cho rằng do sự cứng cỏi của nước ta hoặc chủ quan hơn, do Thanh triều sợ mình nên không đòi.

[28] Trần Quang Đức. Ngàn năm áo mũ: Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009-1945 (Hà Nội: Nhã Nam, 2013), “Trang phục vua, chúa”, tr. 188-191

[29] Trịnh Quang Vũ. Trang phục triều Lê – Trịnh (Hà Nội: Từ Điển Bách Khoa, 2008), tr. 44.

[30] Mậu Bính Thái [1744-1808] là một văn nhân người Triết Giang, được Phúc Trường An [là em của Phúc Khang An, một trong bốn người con của danh tướng Phó Hằng, đại thần trong Quân Cơ Xứ của vua Càn Long] tiến cử nhập cung làm họa gia. Ông chuyên vẽ chân dung và được coi là họa gia vẽ người nổi tiếng nhất đời Thanh. Theo Cao Dương [高陽] trong Mai khâu sinh tử ma da mộng [梅丘生死摩耶夢] tr. 102-103 (Ðài Bắc: Liên Kinh, 2004) thì Mậu Bính Thái là người duy nhất trong mấy chục họa gia cung đình được vua Cao Tông khen ngợi và luôn luôn cho đi theo mỗi khi ra ngoài. Có đến vài chục bức chân dung trong Tử Quang Các do ông vẽ.

[31] Họa sĩ cung đình đời Càn Long, nổi tiếng với bức Hải Yến Ðường vẽ cung điện tại Viên Minh Viên.

[32] Phan Huy Ích, Dụ Am văn tập, quyển I, “Trình Phúc Công Gia giản”.

Đăng tải tại Câu chuyện lịch sử | Bình luận về bài viết này

MỘT SỐ ĐÍNH CHÍNH VỀ NIÊN BIỂU CÁC VUA TRIỀU NGUYỄN

Trần Đức Anh Sơn

Triều đại nhà Nguyễn trị vì đất nước ta được 143 năm, từ năm 1802 đến năm 1945, trải qua 13 đời vua. Hoàn cảnh và thời gian ở ngôi của các vị vua nhà Nguyễn không giống nhau. Có vị thăng hà khi đang tại vị, có vị bị phế truất, có vị bị bức tử hay bị lưu đày… do những hoàn cảnh éo le của lịch sử. Có vua ở ngôi đến 36 năm như vua Tự Đức, nhưng có vua chỉ cầm quyền được 3 ngày thì bị buộc phải rời khỏi ngai vàng như vua Dục Đức.
Từ trước tới nay, nhiều nhà nghiên cứu đã lập phổ hệ, thế thứ, niên biểu của các vua triều Nguyễn, hoặc trong một số bài viết về các vua triều Nguyễn thì có đề cập năm sinh, năm mất, thời gian trị vì và tuổi thọ của các vua. Tuy nhiên những thông tin này có những sai biệt đáng kể, trong đó đáng chú ý là năm sinh, năm mất của các vua: Gia Long, Minh Mạng, Hiệp Hòa, Đồng Khánh, Thành Thái và Duy Tân.
Bài viết này sẽ giải thích vì sao có những khác biệt này, đồng thời có những đính chính về năm sinh, năm mất, thời gian trị vì và tuổi thọ của các vua triều Nguyễn, dựa trên những tư liệu và thông tin mà tôi đã cố gắng xác minh, kiểm chứng trong khả năng của mình.
* Những thông tin khác biệt
Ông Richard Orband, phái viên cho bộ Lễ của triều đình Huế, trong bài Những lăng tẩm của dòng họ Nguyễn[1] đăng trên B.F.F.E.O., và học giả Thái Văn Kiểm trong cuốn Cố đô Huế[2] đã viết: vua Gia Long mất vào năm 1820, vua Minh Mạng mất vào năm 1841, vua Đồng Khánh mất vào năm 1889. Trong khi đó, tác giả của các cuốn sách: Niên biểu Việt Nam, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, hay một bài viết trong tập san Huế – Một thuở Kinh đô, lại đưa ra những thông tin khác. Chẳng hạn:
Cuốn Niên biểu Việt Nam đưa ra niên biểu của các vị vua này như sau (Bảng 1):

Bang 1

Tác giả Cao Sơn trong bài Quốc húy và luật lệ kỵ húy của triều Nguyễn đăng trong tập san Huế – Một thuở kinh đô, cũng ghi năm mất của vua Gia Long, Minh Mạng và Đồng Khánh lần lượt là 1819, 1840 và 1888.[5]
Cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam[6] của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, phần viết về vua Minh Mạng và vua Đồng Khánh cũng đưa ra niên đại của các vị vua trên tương tự cuốn Niên biểu Việt Nam. Riêng phần viết về vua Minh Mạng, ở phần đề mục, các tác giả ghi năm mất của ông là Canh thìn (1840), nhưng ở phần cuối lại ghi: “Năm Canh dần (1840) ông mất, hưởng dương 49 tuổi, ở ngôi 20 năm”.[7]
Về ngày mất của vua Hiệp Hòa, các tác giả cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam ghi là ngày 18.11.1883[8], trùng với ý kiến của tác giả Hồng Vĩ trong bài Số phận một hoàng đế: Vua Hiệp Hòa[9] đăng trên tạp chí Huế, xưa và nay. Trong khi đó, Richard Orband trong bài viết nói trên lại ghi ngày mất của vua Hiệp Hòa là ngày 29.11.1883.[10]
Cũng trong cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, các tác giả Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế còn cho biết vua Thành Thái mất ngày 24.3.1954 và vua Duy Tân mất ngày 26.12.1945.[11] Nhưng theo cuốn Những bí ẩn của cựu hoàng Duy Tân của Nguyễn Đắc Xuân, thì ngày mất của vua Duy Tân là ngày 25.12.1945, còn ngày mất của vua Thành Thái theo gia phả của Đệ tứ chánh hệ do ông Nguyễn Phước Bảo Hiền, cháu nội của vua Thành Thái cất giữ, thì ngày mất của vua Thành Thái là ngày 6 tháng 2 năm Giáp ngọ, tức là ngày 10.3.1954.
Về ngày mất của vua Gia Long, quyển 124 trong bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ do Nội các triều Nguyễn biên soạn, ghi: “Gia Long năm thứ 18, tháng Chạp, ngày 19, giờ Tị, Thế Tổ Cao hoàng đế cưỡi long chầu trời”.[12]
Bộ biên niên sử Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, chép: “Hoàng Thái tử (tức vua Minh Mạng sau này – T.Đ.A.S.) xuống lệnh chỉ bá cáo trong ngoài rằng: tháng 11 năm nay (năm Gia Long thứ 18 – T.Đ.A.S.), Đại Hành hoàng đế (tức vua Gia Long – T.Đ.A.S.) không được khỏe, ngày 11 tháng Chạp ốm nặng. Ngày 19, Đại Hành hoàng đế bỏ cả thiên hạ, ta thương xót như xé ruột gan”.[13] Gia Long năm thứ 18 là năm Kỷ mão; ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ mão triều Gia Long đổi sang dương lịch nhằm vào ngày 3.2.1820, chứ không phải là năm 1819 như các dẫn chứng đã nêu trên.
Về ngày mất của vua Minh Mạng, quyển 125 trong bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, chép: “Minh Mạng năm thứ 21, ngày 28 giờ Hợi, Thánh Tổ Nhân hoàng đế cưỡi rồng đi chầu trời ở điện Quang Minh”.[14] Văn bia Thánh đức thần công bi ký ở lăng Minh Mạng do vua Thiệu Trị soạn, có đoạn viết: “…Tháng Tư, năm Minh Mạng thứ 21, gặp tiết Đại Khánh Ngũ Tuần của Hoàng khảo. Ngày 19 tháng Chạp năm ấy, Hoàng khảo đến điện Phụng Tiên lễ kỵ. Vài ngày sau, Hoàng khảo se mình. Ngày 29 tháng ấy, giờ Ất hợi, Hoàng khảo bỏ thiên hạ…”.[15] “Minh Mạng năm thứ 21” là năm Canh tí, “ngày 28 tháng 12 năm ấy” là ngày 20.1.1841, có nghĩa là niên hiệu Minh Mạng phải kéo dài tới đầu năm 1841.
Tôi cũng căn cứ vào đoạn văn ghi trong sách Đại Nam thực lục như sau: “Mậu tí, Đồng Khánh năm thứ 3, tháng Chạp. Vua không được khỏe. Ngày 25 là ngày Nhâm dần, bệnh hại nguy kịch. Ngày Giáp thìn, giờ Giáp tuất, mất ở chính điện Càn Thành, thọ 25 tuổi”[16], để tính ra ngày mất của vua Đồng Khánh là ngày 28.01.1889 theo dương lịch. Tôi cũng cho rằng niên hiệu Đồng Khánh phải bắt đầu từ năm 1885, bởi lẽ Đại Nam thực lục cho biết: “Năm Ất dậu (1885), Hàm Nghi nguyên niên, mùa thu tháng 8, tháng ấy và tháng 9 sau vẫn chép niên hiệu Hàm Nghi. Từ mồng 1 tháng 10 trở về sau, đổi thành năm Đồng Khánh Ất dậu”[17] mặc dù vua Đồng Khánh lấy năm sau là “năm Bính tuất (1886) là Đồng Khánh nguyên niên”.[18]
Về ngày mất của vua Hiệp Hòa, căn cứ vào hai đoạn văn sau trong Đại Nam thực lục: “Ngày Đinh sửu, 30 tháng 10 năm Quý mùi, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lại bàn bỏ Lãng Quốc Công, bèn họp các đình thần rước nhà vua về bái yết ở điện Tịch điền quan canh và tâu trình về ý nghĩa nghênh lập”[19] và “Ngày Đinh sửu, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế vua (tức Hiệp Hòa – T.Đ.A.S.) và giết đi, lập hoàng tử thứ ba lên làm vua”,[20] tôi tính ra ngày mất của vua Hiệp Hòa là ngày 29.11.1883 chứ không phải là ngày 18.11.1883 như ý kiến của ông Hồng Vĩ và các tác giả cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Ý kiến của tôi cũng trùng hợp với ghi chép trong gia phả của dòng Hiệp Hòa hiện do ông Vĩnh Biên ở Huế đang lưu giữ. Tôi cũng căn cứ vào ngày giỗ, ngày mất của hai vị vua Thành Thái, Duy Tân do ông Bảo Hiền, đại diện cho Đệ tứ chánh hệ (dòng Dục Đức – Thành Thái – Duy Tân) cung cấp, để tính ra ngày mất của vua Thành Thái là ngày 9.3.1954[21] và ngày mất của vua Duy Tân là ngày 26.12.1945.[22]
* Vì sao khác biệt?
Tôi cho rằng sở dĩ có những sai biệt trên đây là do các tác giả của các biên khảo đã dẫn trên đây chỉ chuyển đổi năm âm lịch sang năm dương lịch tương ứng, mà không chú ý đến việc những ngày cuối của năm âm lịch lại rơi vào những ngày đầu của năm dương lịch kế tiếp chứ không phải là vào tháng cuối của năm dương lịch tương ứng. Ví dụ, năm Minh Mạng Canh tí ứng với năm 1840, nhưng từ ngày 8 tháng 12 âm lịch năm này trở đi thì đã bắt đầu sang năm mới (1.1.1841). Sai sót đối với niên đại của các vua Gia Long và Đồng Khánh cũng vì lý do tương tự. Còn sai sót về ngày mất của các vua: Hiệp Hòa, Thành Thái và Duy Tân, đơn thuần, chỉ là việc đổi từ ngày âm lịch sang ngày dương lịch thiếu chính xác mà thôi.
Để thuận tiện cho việc tra cứu về năm sinh, năm mất, tước hiệu, thời gian trị vì, miếu hiệu… của các vua triều Nguyễn, tôi lập bảng Niên biểu các vua triều Nguyễn (xem Bảng 2) trên cơ sở phối hợp với những thông tin đã dẫn chứng trên đây với thông tin trong sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc biên soạn và xuất bản[23] để đính kèm bài viết này.

Bang 2

Với bảng niên biểu này, hy vọng độc giả sẽ có được những thông tin có hệ thống và chính xác hơn về niên đại các vị vua nhà Nguyễn để tra cứu.
Trên đây là vài đính chính nhỏ nhằm góp phần tìm hiểu triều đại nhà Nguyễn. Nếu ai thấy có điểm nào còn thiếu sót thì mời bổ khuyết. Tôi trân trọng cám ơn và xin lĩnh giáo.

T.Đ.A.S.
Viết năm 1996, bổ túc năm 2017

Chú thích

[1], [10] Richard Orband, “Những lăng tẩm của dòng họ Nguyễn”, B.E.F.E.O, 1944, tr. 13.
[2] Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Văn học tùng thư xuất bản, Sài Gòn, 1960.
[3] Vụ Bảo tồn Bảo tàng, Niên biểu Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984, tr. 31.
[4] Vua Đồng Khánh có các tên: Nguyễn Phúc Ưng Thị, Ưng Đường, Biện. Không có tên nào là Ưng Xụy như sách Niên biểu Việt Nam đưa ra, có lẽ do đánh máy nhầm.
[5] Cao Sơn, “Quốc húy và luật lệ kỵ húy của triều Nguyễn”, Huế – Một thuở kinh đô, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, Huế, 1992, tr. 5.
[6], [7], [8], [11] Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr. 584-586, 581, 602.
[9] Hồng Vĩ, “Số phận một hoàng đế: Vua Hiệp Hòa”, Huế Xưa và Nay, Số 4/1994, tr. 76.
[12], [14] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Tập 8), Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 217, 223.
[13] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Tập 4), Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Sử học, Hà Nội, 1963, tr. 398.
[15] Lê Phục Thiện (dịch), “Văn bia lăng Minh Mạng”, Việt Nam khảo cổ tập san, Số 2, 1962, tr. 148.
[16] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Tập 38), Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr. 157.
[17], [18] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Tập 37), Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 23; tr. 101.
[19] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Tập 36), Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr. 19.
[20] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Tập 35), Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975, tr. 255.
[21] Về ngày mất của vua Thành Thái, Từ điển bách khoa mở (Wikipedia) ghi giống như trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, là ngày 24.3.1954, trong sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc biên soạn (Nxb Thuận Hóa, Huế 1995), thì ngày mất của vua Thành Thái được ghi là 09.3.1955.
Theo tính toán của tôi dựa trên thông tin do ông Bảo Hiền, cháu nội vua Thành Thái cung cấp, thì ngày mất của vua Thành Thái là ngày 09.3.1954.
[22] Thông tin về ngày mất của vua Duy Tân do ông Bảo Hiền cung cấp, trùng với thông tin đăng trên Từ điển bách khoa mở (Wikipedia) về vua Duy Tân như sau: “Ngày 24.12.1945, Duy Tân lấy phi cơ Lockheed C-60 của Pháp cất cánh từ Bourget, Paris để trở về La Réunion thăm gia đình trước khi thi hành sứ mạng mới. Lúc 13 giờ 50, phi cơ rời Fort Lami để bay đến Bangui, trạm kế tiếp. Ngày 26.12.1945, khoảng 18 giờ 30 GMT, máy bay rớt gần làng Bassako, thuộc phân khu M’Baiki, Cộng hòa Trung Phi. Tất cả phi hành đoàn đều thiệt mạng, gồm có một thiếu tá hoa tiêu, hai trung uý phụ tá, hai quân nhân trong đó có cựu hoàng Vĩnh San và bốn thường dân”. Tuy nhiên, trong sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, thì ngày mất của vua Duy Tân được ghi là 25.12.1945. Tôi dựa trên những tư liệu đã kiểm chứng cho rằng ngày mất của vua Duy Tân là ngày 26.12.1945.

Đăng tải tại Câu chuyện lịch sử | Bình luận về bài viết này

TẤM BẢN ĐỒ CỦA VỊ GIÁM MỤC VÀ SỰ HỘI TỤ BẢN ĐỒ HỌC VIỆT NAM VÀ PHƯƠNG TÂY

Tác giả: HAROLD E. MEINHEIT

Mặc dù bản đồ này không phải là không sai sót, nhưng tôi nghĩ rằng nó là, và có thể… tốt nhất và chi tiết nhất mà trước nay chưa hề xuất hiện

– Giám mục Jean-Louis Taberd, Đại diện Tông Tòa Đàng Trong

Anh 01

Một bản đồ hiếm hoi về Việt Nam vào thế kỷ XIX, ít được chú ý ở phương Tây, đang nhận được sự quan tâm đặc biệt ở Việt Nam. Bản đồ này xuất bản năm 1838, là một trong những tư liệu được trích dẫn để ủng hộ cho các tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, ý nghĩa của nó còn vượt xa hơn giá trị chứng lý trong cuộc đấu tranh hiện nay của Việt Nam đối với Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa. Nhìn rộng hơn, bản đồ này là một sự hợp nhất rất đáng chú ý giữa bản đồ hành chính truyền thống của Việt Nam và bản đồ phương Tây. Bản đồ này cũng cung cấp một bản chụp nhanh về Đông Dương trong những thập kỷ đầu thế kỷ XIX, khi triều nhà Nguyễn đang củng cố quyền lực cho một Việt Nam vừa mới thống nhất và trước khi thực dân Pháp xâm chiếm [Việt Nam] cũng trong thế kỷ này.

Tấm bản đồ

Tên của bản đồ là An Nam đại quốc họa đồ (Bản đồ của Đế quốc An Nam)[1] được in bằng ba ngôn ngữ khác nhau: chữ Hán mà học giới Việt Nam từng sử dụng, chữ Latin và chữ Quốc ngữ – một hệ thống Latin hóa [tiếng Việt] được phát triển bởi các nhà truyền giáo phương Tây và được sử dụng phổ biến ở Việt Nam ngày nay. Bản đồ này thể hiện quan điểm mở rộng bờ cõi của vương triều Nguyễn, bao gồm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, phần phía đông Campuchia, các tiểu quốc của Lào và một khu vực rộng lớn ở phía tây sông Mekong (nay là vùng đông bắc Thái Lan).

Xuất bản tại Calcutta (Ấn Độ) bởi The Oriental Lith. Press, bản đồ có kích thước 84 x 45 cm với rất nhiều chi tiết, gồm nhiều địa danh được in bằng chữ Quốc ngữ của Việt Nam. Trong một mức độ nào đó, đây có lẽ là bản đồ [kiểu] châu Âu đầu tiên được xuất bản với nhiều dữ liệu địa lý tương đối chính xác về Việt Nam và các nước láng giềng (Hình 1).

Figure 1

Hình 1. An Nam đại quốc họa đồ [Bản đồ của Đế quốc An Nam], xuất bản như một phụ bản trong Dictionarium latino-anamiticum bởi Giám mục Jean-Louis Taberd, 1838. 84 x 45 cm. Nguồn: Sưu tập bản đồ của Thư viện Olin, Đại học Cornell) (G8005 1838 .T3)

Đức Giám mục và cuộc đàn áp chống lại Công giáo tại Việt Nam

Người được xem là “cha đẻ” của tấm bản đồ này là Giám mục Jean-Louis Taberd (1794 – 1840). Taberd sinh ra ở Saint-Étienne (Pháp), thụ phong Linh mục năm 1817 và ba năm sau đó thì đến Đàng Trong với tư cách là giáo sĩ thuộc Hội Thừa sai hải ngoại Paris [Société des Missions Étrangères de Paris (MEP)]. [2] Ông đến [Đàng Trong] vào thời kỳ khó khăn, ngay sau khi Gia Long (cầm quyền: 1802 – 1820), vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn thăng hà. Người kế vị là Minh Mạng (cầm quyền: 1820 – 1841) đã bắt đầu thời kỳ cai trị lâu dài của mình. Công giáo dưới triều Gia Long phát triển rất mạnh mẽ nhờ vai trò quan trọng của vị Đại diện Tông Tòa người Pháp là Pierre Pigneaux de Béhaine (Giám mục Bá Đa Lộc, 1741 – 1799) trong việc ủng hộ cuộc đấu tranh thống nhất Việt Nam của Gia Long. Tuy nhiên, Minh Mạng lại là người hẹp hòi, và vào giữa những năm 20 của thế kỷ XIX, Taberd bị cáo buộc đã sách nhiễu các giáo sĩ và các giáo dân ở địa phương.[3] Mặc cho hoàn cảnh hiềm khích ngày càng gia tăng, Taberd vẫn phục vụ tại nhiều địa phương khác nhau ở Đàng Trong, trước khi Minh Mạng triệu ông ra Huế vào năm 1827 để làm việc như một người phiên dịch, với một chủ ý rõ ràng nhằm ngăn cản hoạt động truyền giáo. Cũng trong năm này, những nỗ lực truyền giáo trước đó của Taberd đã được ghi nhận khi ông được bổ nhiệm làm Giám mục Isauropolis và là Đại diện Tông Tòa Đàng Trong (bổ nhiệm năm 1830).

Taberd có thể đã đào thoát khỏi triều đình Minh Mạng [ở Huế] vào năm 1828 nhờ sự can thiệp của Lê Văn Duyệt, Phó vương cai quản vùng đất phía nam của Đàng Trong, từng là Tổng trấn Gia Định thành / Sài Gòn. Taberd trải qua những năm tiếp theo ở đây dưới sự che chở của Lê Văn Duyệt. Nhưng ngay sau khi Lê Văn Duyệt qua đời vào năm 1832, thì nơi đây đã nổ ra cuộc nổi dậy chống lại Minh Mạng, và nhà vua nghi ngờ người Công giáo địa phương đã trợ giúp cho cuộc nổi dậy này. Năm 1833 trở thành một năm tồi tệ với tất cả những người theo Công giáo – không chỉ với riêng giáo dân vùng Gia Định / Sài Gòn – khi vua Minh Mạng ban hành một sắc lệnh chống lại tất cả những người theo Công giáo trên toàn quốc. Vì vậy, Giám mục đã khôn ngoan rời khỏi Đại Nam. Sau thời gian tạm trú ngắn ở Xiêm (Thái Lan) và Penang (thuộc Malaysia), Taberd đến sống ở Calcutta (Ấn Độ) – nơi ông được bổ nhiệm làm Đại diện lầm thời Tông Tòa Bengal (Ấn Độ) vào năm 1838. Khi ở Calcutta, Taberd đã xuất bản hai bộ từ điển quan trọng [Nam Việt dương hiệp tự vị Tự vị Latinh Annam]Ông cũng đã tu chỉnh bộ Từ điển Việt – Latin [Dictionarium Latino Anamiticum (Tự vị Latinh Annam)] do Giám mục Pigneau de Béhaine khởi xướng trước đó, và biên soạn cuốn từ điển đầu tiên của chính mình, xuất bản tại Calcutta vào năm 1838. Tấm bản đồ của ông, An Nam đại quốc họa đồ, đã được đính kèm ở phần sau của quyển từ điển này. Cũng trong thời gian trên, có hai bài báo [của Taberd] được đăng tải trên tạp chí của Hội châu Á ở Bengal, mà Taberd đã khảo về địa lý xứ Đàng Trong và tấm bản đồ của ông.[4] Taberd qua đời ở Calcutta vào năm 1840, ngay sau sinh nhật lần thứ 46 của mình.

Quần đảo Hoàng Sa

Các cuộc xung đột về chủ quyền lãnh thổ hiện nay trên Biển Đông đã mang lại một danh tiếng mới cho bản đồ của Giám mục [Taberd], mà lúc này được coi là bằng chứng củng cố yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974.[5] Rìa phía đông của tấm bản đồ này đã miêu tả Paracel seu Cát Vàng [Paracel còn gọi là Cát Vàng] nằm phía trên vĩ tuyến 16 (Hình 2). (Cát Vàng hay Golden Sands là một trong những cái tên sớm nhất mà người Việt đặt cho quần đảo Paracel, nay thường gọi là [quần đảo] Hoàng Sa). Bổ sung cho việc gộp những hòn đảo vào bản đồ của mình, Taberd đã viết rằng Gia Long tuyên bố các đảo này thuộc về Việt Nam từ năm 1816. Trớ trêu thay, theo nhìn nhận đương thời về những hòn đảo này, Taberd cho rằng quần đảo Hoàng Sa ít có giá trị và rằng không quốc gia nào muốn tranh chấp chủ quyền với Việt Nam:

Pracel hay Paracels [quần đảo Hoàng Sa] là một mê cung đầy những đảo nhỏ, đá và bãi cát trải trên một khu vực đến 11 độ vĩ Bắc [không chính xác – Meinheit], 107 độ kinh Đông … Tuy quần đảo này không có gì ngoài đá tảng và những cồn lớn, nó hứa hẹn nhiều bất tiện hơn là thuận lợi, vua Gia Long vẫn nghĩ rằng ông sẽ mở rộng thêm lãnh thổ bằng cách chiếm thêm vùng đất đầy buồn chán này. Năm 1816, ông đã long trọng đến cắm cờ và chính thức chiếm hữu những hòn đảo này, mà dường như không một ai sẽ tranh giành với ông”.[6]

Figure 2

Hình 2. [chi tiết] Paracel seu Cát Vàng [Paracel hoặc Cát Vàng]. Quần đảo Hoàng Sa được hiển thị ở phía bên phải, phía trên vĩ tuyến 16. Taberd đã viết rằng Việt Nam đã sở hữu các hòn đảo trong một cuộc thám hiểm năm 1816, nhưng ông coi chúng là một sự mở rộng lãnh thổ buồn chán của Việt Nam mà không quốc gia nào khác muốn tranh chấp.

Trên thực tế, Gia Long không đích thân đến mà cử một đội thám hiểm ra quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816. Dường như các thông tin về quần đảo Hoàng Sa mà Taberd có được, có khả năng là từ cuốn hồi ký của Jean-Baptiste Chaigneau (1769 – 1832), một cựu sĩ quan hải quân người Pháp, phục vụ như là một công thần dưới triều Gia Long.[7]

Việc mở rộng bờ cõi của đế chế An Nam

Mặc dù sự miêu tả về quần đảo Hoàng Sa của Taberd trong tấm bản đồ của ông đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm ở Việt Nam hiện nay, nhưng các yếu tố khác của bản đồ này, mà trước đó ít nhận được sự chú ý, cũng càng trở nên đặc biệt quan trọng. Điều trước tiên, là tấm bản đồ này đã cung cấp một bức tranh tổng thể về mối quan hệ của triều Nguyễn ở Việt Nam với các nước láng giềng trong những năm đầu thế kỷ XIX. Sau khi chứng tỏ sức mạnh, Gia Long đã nhanh chóng khẳng định vai trò trung tâm của Việt Nam ở Đông Nam Á lúc bấy giờ, bằng cách sử dụng mô hình triều cống của Trung Hoa. Điều này đã khiến cho Việt Nam và nước Xiêm đang bành trướng bị đặt vào sự xung đột đối với các nước yếu như Campuchia và các tiểu quốc của Lào. Bản đồ của Taberd cho thấy “Đế chế Việt Nam” (An Nam quốc seu Imperium Anamiticum) đã mở rộng vượt ra ngoài biên giới của Việt Nam, bao gồm một nửa Campuchia, các tiểu quốc của Lào và một phần lãnh thổ đáng kể ở phía tây sông Mekong, mà ngày nay là vùng đông bắc Thái Lan (cao nguyên Korat).

Campuchia: Campuchia từ lâu đã mất vùng lãnh thổ ở đồng bằng sông Mekong cho người Việt, nhưng trong những năm đầu thế kỷ XIX, sự cạnh tranh khốc liệt giữa Xiêm và Việt Nam [vẫn] đang diễn ra, khi cả hai quốc gia này đều hậu thuẫn các phe phái ở Campuchia trong việc kế vị. Ngoài việc điều khiển gián tiếp, Việt Nam thực sự đã tìm cách thôn tính Campuchia, hình thành bộ máy hành chính được tổ chức chặt chẽ, do quan lại và tướng lĩnh Việt Nam điều khiển, để thay thế cho hệ thống quyền lực kém hiệu quả hơn ở Campuchia và phần còn lại ở Đông Nam Á. Hệ thống hành chính của Việt Nam đã được thiết lập qua nhiều thời kỳ, với cấu trúc chưa hoàn thiện cho đến năm 1834, sau khi Taberd đã rời Việt Nam. Tuy nhiên, Taberd vẫn tìm hiểu về sự phát triển ở Đàng Trong và Campuchia. Từ Bengal, ông viết rằng vào năm 1835 hoặc đầu năm 1836, Đế chế An Nam tuyên bố Campuchia – Nam Vang – đặt dưới sự bảo hộ của Đế chế và ông cho rằng “[đế chế An Nam] đã biến đổi đất nước [Campuchia] thành các tỉnh” trên bản đồ của mình[8] (Hình 3).

Figure 3

Hình 3. [chi tiết] Campuchia dưới sự cai trị của Việt Nam. Bộ máy hành chính có tính tổ chức cao của Việt Nam (Trấn và Phủ) được thể hiện một phần. Địa danh trước đó của Khmer có tên tiếng Việt mới (Ví dụ. Phnom Penh gọi là Nam Vang thành). Các biên giới được đánh dấu cho thấy sự thống trị của Xiêm phía tây Campuchia. Trong những năm 1840, Việt Nam đã buộc phải từ bỏ tham vọng thôn tính Campuchia.

Như mô tả trên bản đồ của Taberd, một đường ranh giới phân chia giữa Campuchia và Xiêm ở phía tây (Băt Tâm bâng, tức tỉnh Battambang) và ở phía đông, là “vương quốc Campuchia cổ đại” (Antiquum Regnum Cambodiӕ) đã bị chia thành các đơn vị hành chính Việt Nam. Hai đơn vị lãnh thổ ở khu vực phía đông được ghi là bảo hộ hoặc trấn (Nam Vang Trấn và Gò Sặt Trấn), và nhiều tỉnh hoặc phủ được xác định (chẳng hạn: Vịnh Thâm PhủPhố Phủ). Một số địa danh được gọi bằng tiếng Khmer và bằng tiếng Việt, như cảng Kompong Som (Com Pong Som hay Vũng Tôm). Cố đô (Udong) cũng được đánh dấu (Vịnh Lung – Locus antiquӕ Regiӕ) và kinh đô mới thiết lập dưới sự bảo hộ của người Việt (Phnom Penh) được ghi tên là Nam Vang thành. Mãi đến những năm 1840, vì những cuộc nổi dậy ở nhiều nơi, khiến Việt Nam phải rút lui, từ bỏ các công trình quân sự / chính trị hành chính mà họ đã thiết lập [ở Campuchia].

Lào / vùng trũng sông Mekong: Vương quốc Lào được xác định trên bản đồ [của Taberd] nằm trong biên giới rộng lớn của Đế chế An Nam, nhưng khác hẳn với Campuchia, Lào duy trì tình trạng của họ là những “vương quốc” tách biệt (Regio Laocensis), kiểu như là thuộc quốc[9] (Hình 4). Tình trạng của Luang Prabang (Mường Luong Pha Ban) và vương quốc Vientiane (Vạn Tượng Quốc) được thể hiện rõ trên bản đồ.[10]

Figure 4

Hình 4. [chi tiết] Các khu vực Lào và vùng trũng sông Mekong. Các tiểu quốc thuộc Lào được mô tả như là một phần của Đế chế vĩ đại Việt Nam (An Nam) (Imperium Anamiticum) nhưng vẫn giữ được tính toàn vẹn của họ như là nước chư hầu (Regio Laocensis). Ba tiểu quốc chính thuộc Lào chính trong những năm đầu thế kỷ XIX là Luang Prabang (Mường Long Pha Ban), Vientiane (Vạn Tượng Quốc) và Champassak hoặc Bassac (Thành Lào ba thác) – được xác định rõ. Đế chế An Nam được thể hiện mở rộng đến vùng đất nay là đông bắc Thái Lan.

Trong miêu tả về Lào, sông Mekong và phần lớn của vùng đông bắc Xiêm của bản đồ, có thể Taberd đã vẽ dựa vào những thông tin thu thập mới nhất về Việt Nam trong cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại quan trọng mà Việt Nam phải đối mặt trong những năm cuối thập niên 1820. Taberd đã tham dự như là một người phiên dịch tại triều đình Huế trong cuộc xung đột vào những năm 1827 – 1828, bị châm ngòi khi Chao Anu, người cai trị ở vương quốc Vientiane [Viên Chăn], đã phát động một cuộc tấn công chống lại người Xiêm. Những cuộc chinh phạt sau đó của Xiêm trên đất Lào khiến Chao Anu phải cầu viện Minh Mạng, mở đường cho người Việt tham chiến. Các họa đồ của Việt Nam thời ấy, mà bản đồ của Taberd đã trích dẫn như là một trong những nguồn tư liệu của ông, rất có thể là một phần trong phản ứng của Việt Nam với cuộc khủng hoảng. Sự ảnh hưởng của bản đồ Việt Nam có thể được nhìn thấy trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, bản đồ của Taberd chính xác hơn các bản đồ trước đó trong việc mô tả kích thước thực tế của Lào. Bản đồ phương Tây trước đây đã cho thấy Lào như là một vùng lãnh thổ khá hẹp, nhưng bản đồ Taberd đã cho thấy nó lớn hơn nhiều.[11] Ngoài ra, một số địa điểm quân sự quan trọng cũng được xác định trên bản đồ. Chúng bao gồm hai địa điểm chiến lược ở Nghệ An Trấn – những đồn ải ở Qui Hợp, có vai trò như là một tiền đồn cho hoạt động quân sự và tình báo của Việt Nam trong cuộc nổi dậy của Chao Anu, còn huyện biên giới Kỳ Sơn thì được tăng cường phòng thủ để chống lại sự xâm nhập của Xiêm[12]  (Hình 5).

Figure 5

Hình 5. [chi tiết] Qui Hợp. Các đồn biên phòng của Việt Nam tại Qui Hợp là căn cứ quân sự và tình báo quan trọng trong cuộc nổi dậy Chao Anu (1827 – 1828) tại Lào. Nó cũng kiểm soát con đường buôn bán lâu dài giữa các vùng trũng sông Mekong, thành phố Vinh, và cảng Hội Thống ở Biển Đông.

Sự hiện hữu của những “họa đồ” Việt Nam ở vùng trũng sông Mekong cũng đóng góp cho một sự thể hiện chính xác hơn về các dòng sông lớn trên bản đồ của Giám mục. Taberd tự hào với các miêu tả của ông về sông Mekong như là một yếu tố quan trọng để phân biệt bản đồ của ông với các bản đồ trước đó về Đông Dương. Ông ghi chú rằng, [các] bản đồ của châu Âu trước đó thể hiện sông Mekong ít nhiều như một đường thẳng cho đến khi nó chảy vào [địa phận] Đàng Trong. Tuy nhiên, Tabert đã miêu tả một bức chân dung thực tế hơn đối với các sông lớn, dựa trên “hai bản đồ mà tôi đã có được vẽ bởi các kỹ sư của đất nước [Việt Nam]… Họ thông hiểu, họ đến đó mỗi ngày và đã đo tất cả các khúc uốn lượn của dòng sông…”.[13] Ngoài ra, một số thị tứ ven sông Mekong vẫn có thể nhận biết, mặc dù cách viết hơi khác nhau. Đó là Mukdahan (Mục đà hản), That Phanom (Tháp ba canon), Bassac (Thành Lào ba thác) và Nakhon Phanom (ghi theo tên cũ là Lạc Khon hoặc Lakhon). [14]  Mặc dù Taberd vẽ sông Mekong có phần chính xác hơn, nhưng phải cần thêm nhiều thập kỷ nữa trước khi dòng sông được điều tra một cách chính xác bởi các cuộc thám hiểm sông Mekong của người Pháp trong những năm 1866 – 1868.

Lãnh thổ Lào trên bản đồ, hiển thị như một phần của Đế chế An Nam, kéo dài đến cao nguyên Khorat [Kò rạt] ở hữu ngạn sông Mekong. Trong lịch sử, khu vực này đã được đặt dưới sự thống trị của vương quốc Lan Sang của nước Lào cổ. Do sự sụp đổ của Lan Sang, khu vực này cùng với dân cư Lào cổ, đã trở thành một vùng đệm giữa Xiêm và ba vương quốc kế tục của Lào là Luang Prabang, Vientiane và Champassak. Từ cuối thế kỷ XVIII trở đi, thế lực của Xiêm ở phía đông bắc mở rộng đáng kể nhờ việc sáp nhập những khu tự trị nhỏ vào sự quản lý của Bangkok. Chịu ảnh hưởng bởi cuộc tranh giành giữa Việt Nam và Xiêm vào cuối những năm 1820, bản đồ của Taberd phản ánh quan điểm của ông dựa trên nguồn [sử liệu] từ Việt Nam (và có thể từ Lào), và chỉ cho thấy một phần nhỏ [ảnh hưởng] của chính quyền Xiêm ở khu vực này. Nghiên cứu sâu hơn là điều cần thiết để xác định phần lớn các địa danh ở trên cao nguyên Khorat. Tuy nhiên, khu vực được tăng cường công sự của vùng đất có tên là Lào Phiên pháo, có thể liên quan đến một căn cứ quân sự của Xiêm trong cuộc nổi dậy Chao Anu.[15] Ngoài ra, Cà Lạ Thiến thanh có lẽ là thị trấn Kalasin, một khu định cư quan trọng của Lào có lịch sử từ lâu đời.[16]

Taberd nói về bản đồ học Việt Nam

Trong tác phẩm của mình, Giám mục Taberd đưa ra một số ý kiến khá thú vị về bản đồ học Việt Nam.[17] Như thể hiện trong bản đồ của ông, Taberd đã sử dụng hiệu quả [thành tựu] bản đồ học truyền thống của Việt Nam và có ghi nhận sự đóng góp của các “kỹ sư và thợ của triều đình”. Tuy nhiên, ông cũng phàn nàn những hạn chế của họ, khi viết rằng người Việt chỉ dựa vào dây thừng và la bàn mà không đo đạc theo vĩ độ và kinh độ của các địa điểm:

Khi bản vẽ bản đồ của mình, họ sử dụng những bản đồ do người châu Âu thực hiện, mà họ hoặc là giảm hoặc mở rộng quy mô; sau đó họ bổ sung thêm các địa điểm khác nhau mà những người châu Âu bỏ qua hoặc chưa biết đến”.

Nhưng Taberd khẳng định những hạn chế của thợ vẽ bản đồ người Việt đều không phải là lỗi của họ, mà là do thái độ hẹp hòi của các hoàng đế Gia Long và Minh Mạng. Taberd so sánh những ngăn trở từ các vị vua này so với hoàng đế Khang Hi ở Trung Quốc – người đã bảo trợ cho các nhà truyền giáo thực hiện những bản đồ rất khoa học về các tỉnh thành của Trung Quốc trong phần tư đầu thế kỷ XVIII. Để chứng minh cho luận điểm của mình, Taberd dẫn một câu chuyện về chuyến thăm của một tàu khu trục Pháp, tàu Le Henri, vào năm 1818 hoặc năm 1819. Con tàu thả neo gần Huế, các thuyền viên trên tàu đã được vua Gia Long tiếp đón. Tuy nhiên, khi họ muốn điều chỉnh máy đo thời gian của họ và lên bờ để chuẩn bị một đường chân trời giả định, vua Gia Long đã nói với đình thần của ông: “Có vẻ thuyền viên của tàu khu trục đang thực hiện một bản đồ nước ta. Lệnh cho họ phải chấm dứt hoạt động này”. Thái độ của Minh Mạng đối với người châu Âu thậm chí còn hẹp hòi hơn so với Gia Long, Taberd than thở: “… làm sao chúng tôi còn có thể thích nghi tốt hơn với nội tình của nước này nếu như mọi thứ vẫn trong tình trạng này”.

Mặc dù có những khó khăn, Taberd tin tưởng nỗ lực của ông trong việc kết hợp bản đồ Việt Nam và phương Tây sẽ cho ra đời “[tấm bản đồ] tốt nhất và chi tiết nhất từ trước đến nay”. Đề cập đến các nguồn tài liệu của mình, Taberd dẫn nguồn là một bản đồ cổ và một bản đồ hiện đại được vẽ bởi “kỹ sư của triều đình”, cũng như kiến thức của ông về Đàng Trong. Đối với vùng bờ biển, ông sử dụng các biểu đồ của Jean-Marie Dayot, một sĩ quan hải quân Pháp đã cùng Giám mục Pigneaux de Béhaine hỗ trợ cho cuộc chinh chiến nhằm thống nhất Việt Nam của nhà Nguyễn.[18] Giữa những năm 1790 và 1795, Dayot đã thực hiện những cuộc khảo sát chính xác nhất về bờ biển của Đàng Trong cho đến thời điểm này. Chúng đã trở thành dữ liệu cho nhiều nhà vẽ bản đồ người Pháp và người Anh khác vào thế kỷ thứ XIX.[19]

Bản đồ hành chính

Bình luận của Taberd về những thợ vẽ bản đồ người Việt Nam chỉ dựa vào dây thừng và la bàn, tưởng như có vẻ chỉ ra những hạn chế của họ, nhưng thực sự lại thừa nhận đó là một trong những điểm mạnh của họ. Việt Nam học hỏi mô hình hành chính Trung Hoa, khoảng từ thế kỷ XV, nên cần những tấm bản đồ cho quản lý nhà nước. Dây thừng và la bàn là kỹ thuật quan trọng của những người vẽ bản đồ Việt Nam, đặc biệt là trong các cuộc điều tra địa chính làng xã và việc xác định ranh giới các tỉnh. Chính quyền mới vào năm 1802 tiếp tục và mở rộng bản đồ truyền thống bao trùm toàn bộ lãnh thổ mới của mình, trải dài từ biên giới Trung Quốc đến bán đảo Cà Mau ở phương nam xa xôi. Gia Long chia đất nước thành 23 trấn và 4 doanh. Các cấp thấp hơn của chính quyền bao gồm các phủ, huyện, châu (huyện miền núi), tổngxã. Năm 1831, Minh Mạng cải cách bộ máy hành chính, chuyển đổi các trấndoanh dưới triều Gia Long thành các tỉnh.[20]

Figure 6

Hình 6. [chi tiết] Chi tiết hành chính và dân tộc thiểu số. Hoàng đế nhà Nguyễn đầu tiên, Gia Long, chia đất nước mới thống nhất thành Trấn. Hai trấn được hiển thị ở đây là Bình Hòa (hoặc Nha Trang) và Bình Thuận. Thủ đô (dinh hoặc thành) được xác định như là các bưu trạm hoặc dịch trạm dọc theo tuyến đường chính Bắc – Nam. Đảo và các thực thể ven biển được ghi nhận, trong đó có vịnh Cam Ranh nổi tiếng. Một ký hiệu nhắc nhở người xem rằng lãnh thổ này đã từng là một phần của vương quốc Champa (Olim Ciampa), và một biểu tượng tháp Chàm ở phía nam của vịnh Cam Ranh. Một số nhóm dân tộc thiểu số Tây Nguyên (Mọi bồ nông, Mọi bồ vun, và Mọi Vị) ở về phía tây của dãy núi An Nam.

Bản đồ của Taberd sử dụng định danh hành chính của triều Gia Long trước đó, phân chia đất nước thành [các] trấn[21] (Hình 6). Một số đơn vị hành chính cấp thấp hơn cũng được định danh [trên bản đồ] được mô tả, và các thực thể như: cảng, bến cảng, lỵ sở hành chính hoặc các dịch trạm dọc theo tuyến đường chính Bắc – Nam cũng được thể hiện (Hình 7). Một yếu tố mà Taberd mượn từ bản đồ Việt Nam là việc ghi tên nhiều con sông và cửa biển dọc theo bờ biển dài của Việt Nam.[22] Các tuyến đường giao thông hoặc thương mại cũng được thể hiện từ Việt Nam đi qua Campuchia và Lào. Ví dụ, các quan ải chiến lược tại Qui Hợp như đã đề cập ở trên, được thể hiện trên các tuyến đường thương mại lịch sử nối thung lũng sông Mekong với Vinh và cảng Hội Thống nhộn nhịp trên Biển Đông[23]  (Hình 5). [Bản đồ] cũng mô tả những con đường xuyên qua núi như đèo Cù Mông và đèo Cả nối liền vùng bờ biển với Tây Nguyên.

Figure 7

Hình 7. [chi tiết] Chú dẫn. Chú dẫn cung cấp sự tiện ích cho bản đồ, liệt kê các ký hiệu sử dụng và cách dịch các thuật ngữ tiếng Việt sang tiếng Latin, tiếng Pháp và tiếng Anh.

Sự quan tâm của Taberd đến lịch sử của Việt Nam được thể hiện rõ ràng trên bản đồ của ông. Điều này xuất hiện trong những chỉ dẫn về thời kỳ dài phân cách do cuộc nội chiến giữa các chúa Nguyễn ở phương Nam với các chúa Trịnh ở phương Bắc, mà cả hai đều tự xưng là đại diện cho vua Lê bù nhìn. Bức tường chia cách chúa Nguyễn Đàng Trong và chúa Trịnh Đàng Ngoài [Lũy Thầy] được hiển thị nổi bật (Lũi Sầy seu Murus magnus separans olim utrumque regnum). [Hình 8] Ngoài ra, việc phân chia mang tính lịch sử được phản ánh trong việc ghi tên chúa Nguyễn Đàng Trong là Annam Đàng Trong (Inner Annam) và Bắc Hà là Đàng Ngoài (Outer Annam). Nơi phát sinh cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nắm quyền kiểm soát Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XVIII cũng được ghi nhận (Tây Sơn thượng) ở phía tây của Bình Định Trấn. Xa hơn về phía bắc, Cao Bằng Trấn được ghi nhận là các lãnh địa của tiền triều (olim Regnum). (Những tàn dư của cuộc nổi dậy của họ Mạc xuất phát từ Cao Bằng cho đến khi bị triều Lê – Trịnh đánh bại vào giữa thế kỷ XVII).

Figure 8

Hình 8. [Chi tiết] Lũi Sầy seu Murus magnus separans Olim utrumque Regnum (Lũi Sầy [Lũy Thầy] hoặc các trường thành lớn ngăn cách các vương quốc cũ). Những “bức tường” được xây dựng vào thế kỷ XVII để bảo vệ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong khỏi các cuộc tấn công định kỳ của các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Nó xuất hiện trên nhiều bản đồ đầu châu Âu và chạy từ biển lên núi, ngay phía bắc của khu phi quân sự ngăn cách Bắc và Nam Việt Nam 1954 – 1975.

Dân tộc thiểu số

Có một yếu tố quan trọng khác trên tấm bản đồ của Taberd làm nó trở nên khác biệt so với bản đồ Việt Nam truyền thống. Bản đồ Việt Nam thế kỷ XIX thường thể hiện vùng cao nguyên, vùng có dân tộc thiểu số (thường được gọi là châu) nhưng nhìn chung đều không xác định được các nhóm dân tộc thiểu số theo tên gọi. Chỉ có ngoại lệ duy nhất là Đá Vách (người Hrê) tại tỉnh Quảng Ngãi, nơi mà những bản đồ Việt Nam vào thế kỷ XIX thể hiển một bức tường, do Tướng quân Lê Văn Duyệt cho xây dựng vào năm 1819 để bảo vệ những thôn làng của người Việt khỏi các cuộc tấn công của người thiểu số vùng cao.[24]

Bản đồ của Taberd thể hiện một bước tiến trong các nỗ lực của phương Tây để thiết lập bản đồ các dân tộc cao nguyên ở Việt Nam bằng cách sử dụng các tên cụ thể (Hình 6). Những bản đồ phương Tây trước đó, bắt đầu là những bản đồ của Alexandre de Rhodes, vẽ vào năm 1650 và năm 1653, chỉ đơn giản gọi người dân vùng cao là Kemoy hoặc Rumoi (Mọi là từ tiếng Việt để chỉ “người man rợ”).[25] Nhưng trong thế kỷ XIX, cụm từ này xuất hiện trên nhiều bản đồ phương Tây, chẳng hạn như Bản đồ những vương quốc Xiêm La và Đàng Trong của John Crawfurd vào năm 1828 – một bản đồ được xuất bản bởi Cha Charles-Émile Bouillevaux vào năm 1851, có thể là bản đồ đầu tiên của Pháp hiển thị các tên chuẩn của các bộ tộc ở cao nguyên [của Việt Nam].[26] Tuy nhiên, bản đồ của Taberd là một tiền thân cho bản đồ của Bouillevaux về một nỗ lực xác định các nhóm [thiểu số] vùng cao dựa theo tên gọi, mặc dù những cái tên dường như không khớp với cái tên hiện nay của các nhóm dân tộc thiểu số vùng cao đó.[27]

Figure 9

Hình 9. [chi tiết] Nước Stiêng. Chưa bao giờ là một quốc gia hay một vương quốc riêng biệt, Stiêng là một nhóm bộ lạc sinh sống tại khu vực biên giới Campuchia – Việt Nam ngày nay. Họ là mục tiêu của một nỗ lực truyền giáo không thành công trong những năm cuối thế kỷ XVIII. Bản đồ cho thấy các tuyến đường được thực hiện bởi các nhà truyền giáo đến từ thị tứ ven sông Mekong – “Che Long” (Chhlong hiện đại) – vào lãnh thổ Stiêng. Làng Saat, không được hiển thị, được cho là nơi định cư quan trọng nhất của người Stiêng. Xác định Thành Tĩnh xương vẫn còn là một bí ẩn. Nguồn: Thư viện Quốc hội Mỹ.

Vương quốc bí ẩn của người Stiêng: Một nhóm dân tộc thiểu số được nổi lên bất thường trên bản đồ của Taberd được xác định như là một quốc gia riêng biệt hay một đất nước, Nước Stiêng (Hình 9). (Từ điển định nghĩa từ Nước trong tiếng Việt là một quốc gia, dân tộc, hoặc nhà nước; chú thích trên bản đồ của Taberd định nghĩa nó là một Royaume hay “vương quốc”). Vương quốc Stiêng hiện hữu trên bản đồ [của Taberd] tách khỏi bảy nhóm [người thiểu số] liền kề xâm lấn biên giới Đàng Trong. Ngày nay, Stiêng là một nhóm dân tộc thiểu số vùng cao nhỏ sống dọc biên giới hiện nay giữa Việt Nam và Campuchia. Họ chưa bao giờ được xem là một vương quốc thống nhất. Tuy nhiên, trong phần tư cuối thế kỷ XVIII, nhóm thiểu số này là đặc biệt quan trọng đối với các nhà truyền giáo Pháp, vì người Stiêng trở thành đối tượng cho nỗ lực đầu tiên nhằm truyền bá Kitô giáo cho các nhóm bộ tộc ở Tây Nguyên và vùng đông bắc Campuchia. Các giáo sĩ đã tường thuật đầy phấn khích trong các báo cáo của họ, khi tuyên bố rằng “đã khám phá ra một vương quốc mới có tên Stiêng” và tiếp tục đề cập đến lãnh thổ Stiêng như một vương quốc trong thư tịch của họ.[28] Tuy nhiên, chuyến viếng thăm ngắn ngủi của Cha Julien Faulet tới lãnh thổ Stiêng trong những năm 1775 – 1776, đã giảm thiểu những ý tưởng phóng đại về một vương quốc Stiêng thống nhất. Trong báo cáo của mình, Faulet gọi khu vực này là một vùng “man rợ của đất nước” chứ không phải là một vương quốc và ông nói rằng Stiêng không có vua.[29] Nếu không có đủ nhân sự để theo dõi, nỗ lực truyền giáo bị thất bại và bị chỉ trích mạnh mẽ bởi lãnh đạo của Hội Thừa sai ở Paris.[30] Mặc dù có một linh mục khác từ Sài Gòn đến khu vực này vào năm 1791, nhưng ông ấy đã không lưu lại nơi này, và dường như đã không có thêm cuộc tiếp xúc nào giữa người Stiêng với các nhà truyền giáo Pháp trong hơn nửa thế kỷ.

Tại sao tấm bản đồ năm 1838 của Taberd, tiếp tục làm nổi bật người Stiêng và ghi nhận học như là một quốc gia hay một vương quốc riêng, vẫn còn là một bí ẩn! Tương tự, [địa danh] Thành hay Tĩnh xương trong lãnh địa Stiêng đã không còn xuất hiện trên các bản đồ sau này. Có lẽ, Taberd chỉ đơn giản là bày tỏ sự tôn trọng đối với họ bằng việc thừa nhận những gì đã từng là một dự án lớn của vị Đại diện Tông Tòa Pigneaux de Béhaine [thực hiện trước đây]. Cũng có thể là trong những năm đầu thế kỷ XIX, các nhà truyền giáo đã quan tâm đến việc làm mới những nỗ lực trước đó của họ với với người Stiêng.[31]

Vì sự nhấn mạnh quá mức của Taberd đối với nhóm này, [nên] Stiêng thường được thể hiện trên các bản đồ bằng tiến Pháp vào cuối thế kỷ XIX, mặc dù đây không phải là một quốc gia riêng biệt hoặc một thực thể chính trị.

Tấm bản đồ nhiều mục đích

Bản đồ của Giám mục Taberd, trong khi không công khai tôn giáo, lại có một ứng dụng thực tế ngay lập tức cho các nhà truyền giáo ở Đông Dương và những sứ mệnh phục vụ nơi đó. Nhưng Taberd cũng có một mục đích trí tuệ lớn hơn trong tâm trí – phục vụ “lợi ích của khoa học” – bằng cách làm ra tấm bản đồ chính xác nhất về bán đảo Đông Dương.[32] Sự tiếp cận với một đối tượng rộng hơn và sự chú ý của các nhà làm bản đồ châu Âu sẽ dường như bị hạn chế vì cách xuất bản tấm bản đồ, [do việc bản đồ này được] chèn vào phần sau cuốn Từ điển Latin – Việt lớn của Taberd, vốn là nguồn [tài liệu] không dễ tiếp cận. Tuy nhiên, sự hỗ trợ cho Taberd từ Hội châu Á ở Bengal, đặc biệt là từ James Prinsep, thư ký của Hội, đã giúp cho bản đồ của Taberd được lan truyền đến cộng đồng học thuật rộng lớn hơn. Năm 1848, TS. Karl Gutzlaff, một nhà truyền giáo nổi tiếng người Đức (1803 – 1851), người đã phục vụ [giáo hội] ở Đông Nam Á và Trung Quốc, đã bị cuốn hút mạnh bởi công việc của Taberd, bằng một bài nghiên cứu đọc trước Hội Địa lý hoàng gia London (Anh). Gutzlaff đã mô tả bản đồ của Taberd là “tấm bản đồ cao cấp và chính xác nhất, [giúp] chúng tôi có toàn bộ dữ liệu về Đế chế An Nam…”.[33]

Bản đồ của Taberd đã phục vụ cho một mục đích chính trị rộng lớn hơn trong diễn trình của thế kỷ XIX. Đó là một nguồn [dữ liệu] chính, tương đối chính xác về thông tin hành chính và địa lý ở bán đảo Đông Dương, khi mà áp lực với các thuộc địa của châu Âu ở Đông Nam Á gia tăng, trước khi các quan chức thực dân người Pháp bắt đầu nỗ lực lập bản đồ rộng lớn của họ trong thế kỷ XIX. Một phần tư thế kỷ sau khi được công bố, bản đồ Taberd có vị thế mới. Bản đồ đã được tái bản tại Paris vào năm 1862, cùng năm mà Pháp đã ký một hiệp ước với triều đình Huế [Hiệp ước Nhâm Tuất], mà sau đó là sự hiện diện của thực dân Pháp ở Sài Gòn và đồng bằng sông Mekong, và người Pháp đã chuyển mối quan tâm của họ về hướng Campuchia. Bản đồ của Taberd đã được tái bản theo chỉ thị của Prosper de Chasseloup-Laubat, Bộ trưởng Bộ Hàng hải và Thuộc địa Pháp, người ủng hộ mạnh mẽ nhất hoạt động thực dân ở Đông Dương trong nội các của Napoleon III.

Và trong thế kỷ XXI hiện nay, bản đồ của Giám mục Taberd lại đảm nhiệm một vai trò chính trị trong bối cảnh có những tuyên bố chủ quyền đối lập ở Biển Đông.

H.E.M.

Lời cảm ơn

Một lần nữa, tôi xin cảm ơn Boris Michev, Thư viện Bản đồ & Thông tin không gian địa lý tại Đại học Cornell (Hoa Kỳ), đã cung cấp một sự hỗ trợ vô giá với những tư liệu từ sưu tập bản đồ thuộc Thư viện Olin. Riêng Hình 9 là do Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ cung cấp.

Dịch sang tiếng Việt: Ngô Hoàng Đại Long – Trần Thị Kim Nguyên

Hiệu đính: Trần Đức Anh Sơn

* Harold E. Meinhiet là cựu viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ, từng làm việc tại các cơ quan ngoại giao của Mỹ ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Ông hiện là thư ký của Hội Bản đồ Washington (Mỹ).

* Bản tiếng Anh của bài nghiên cứu này được in trên The Portolan, tạp chí của Hội Bản đồ Washington (Mỹ). Số 97, Mùa Đông 2016. Ban biên tập tạp chí Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng cám ơn tác giả Harold E. Meinheit và tạp chí The Portolan đã đồng ý chúng tôi dịch bài nghiên cứu này sang tiếng Việt để in trên số 88 (Tháng 4.2017) của tạp chí.

** Những chữ in nghiêng trong ngoặc đơn () là chú dẫn hoặc trích nguyên văn của tác giả Harold E. Meinheit. Những chữ trong ngoặc vuông [] là của người hiệu đính.

Chú thích

[1] An Nam là tên mà người châu Âu thường gọi Việt Nam. Tên này xuất xứ từ Trung Quốc hàm ý “phương Nam yên ổn”. Trong suốt thế kỷ XIX, những nhà cầm quyền Việt Nam đều gọi nước mình là Đại Nam (nước Nam vĩ đại).

[2] Đàng Trong là một Hạt đại diện Tông Tòa thuộc thẩm quyền của Giáo phận Ma Cao, được dẫn dắt bởi một vị Đại diện Tông Tòa, thường là một Giám mục danh nghĩa, được bổ nhiệm danh nghĩa. Khi Taberd được bổ nhiệm làm Đại diện Tông Tòa vào năm 1828, ông cũng được phong Giám mục danh nghĩa của Isauropolis. Các hạt đại diện Tông Tòa Đàng Trong bao phủ một khu vực từ tỉnh Quảng Bình (khoảng 17o30 vĩ độ Bắc) ở miền Trung Việt Nam đến đồng bằng sông Mekong ở miền Nam. Nó cũng bao gồm một phần của Campuchia. Tiểu sử của Giám mục Taberd có thể tìm thấy trong văn khố MEP [Hội Thừa sai hải ngoại ở Paris], tại http://archives.mepasie.org/notices/notices-biographiques/taberd.

[3] Jacob Ramsay, “Sự bóp nghẹt và chèn ép trong chiến dịch của nhà Nguyễn chống lại Công giáo vào những năm 1830 – 1840 ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Tập 35, Số 2, Tháng 6.2014 2004, tr. 315.

[4] Jean-Louis Taberd, “Ghi chép về địa lý của Đàng Trong”, Tạp chí của Hội châu Á ở Bengal, Tập  VI, Phần II, Số 69, Tháng 9.1837, tr. 737-745. (http://hdl.handle.net/2027/chi.20428348?urlappend=%3Bseq=251) Bài viết thứ hai của Taberd là: Jean-Louis Taberd, “Ghi chép bổ sung về địa lý Đàng Trong”, Tạp chí của Hội châu Á ở Bengal, Tập VII, Số 76, Tháng 4.1838, tr. 317-324. (http://hdl.handle.net/2027/mdp.39015028150624).

[5] Xem: Nguyễn Đình Đầu, Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa, TP.HCM: Nxb Đại học Quốc gia, 2014, tr. 122-123 và tr. 125; Xem thêm: Trần Đức Anh Sơn (Chủ biên), Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, TP.HCM: Nxb Văn hóa – Văn nghệ, 2014, tr. 433.

[6] Taberd, “Ghi chép về địa lý Đàng Trong”, tr. 745. Taberd viết rằng các đảo “trải rộng lên đến 11 vĩ độ Bắc”. Tuy nhiên bản đồ của ông cho thấy những đảo này nằm ở khoảng vĩ tuyến 16. Hoặc là có một lỗi đánh máy trong bài của Taberd, hay là sự nhầm lẫn về vị trí của quần đảo Hoàng Sa với quần đảo Trường Sa vốn ở nằm xa hơn về phía Nam.

[7] Tôi mượn nhận định này của TS. Trần Đức Anh Sơn, người đã chỉ dẫn tôi tới cuốn Le Memoire sur la Cochinchine (công bố năm 1820) của Chaigneau. Chaigneau đã viết: “C’est seulement en 1816, que l’Empereur actuel a pris possession de cet archipel” (Chỉ đến năm 1816, vị Hoàng đế hiện tại [tức vua Gia Long của Đại Nam] mới sở hữu quần đảo này. “Jean-Baptiste Chaigneau et sa famille” (Jean-Baptiste Chaigneau và gia đình) của A. Salles, Bulletin des Amis du Vieux Hué (Tập san của Hội Đô thành hiếu cổ), Hà Nội, Tập 10, Số 1, 1923, tr. 257.

[8] Taberd, “Ghi chép bổ sung về địa lý Đàng Trong”, tr. 318.

[9] Taberd khẳng định rằng ông coi hầu hết các tiểu quốc nhỏ ở Lào như các thuộc quốc của “đế chế Đại Nam”. Taberd, “Ghi chép bổ sung về địa lý Đàng Trong”, tr. 322-323.

[10] Một sự vắng mặt đáng chú ý là tiểu quốc Xieng Khouang (Xiêng Khoảng) của Lào (tiếng Việt: Trấn Ninh), được liệt kê như là một trong các chư hầu của Việt Nam vào năm 1805, nhưng hiện diện trong cuộc tranh giành quyền lực giữa Xiêm và Việt Nam trong cuộc nổi dậy của Chao Anu.

[11] Mayoury Ngaosrivathana và Pheuiphanh Ngaosrivathana, “Ấn tượng ban đầu của người châu Âu về Lào”, in trong: Mayoury Ngaosrivathana và Kennon Breazeale (Chủ biên), Thuở hồng hoang trong lịch sử Lào: Những nhận định về khoảng thời gian từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, Chiang Mai: Silkworm Books, 2002, tr. 141.

[12] Những nguồn tư liệu Việt Nam liên quan đến cuộc xung đột năm 1827 giữa triều đình Xiêm La và các công quốc của Lào: tạp chí về các hành động triều đình của Việt Nam về các biến cố liên quan đến Vương quốc Vạn Tượng, Mayoury và Pheuiphanh Ngaosrivathana giới thiệu và chú giải, Tokyo: Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Đông Á của UNESCO, Toyo Bunko, 2001, Tập 1, tr. 112-113.

[13] Taberd, “Ghi chép bổ sung về địa lý Đàng Trong”, tr. 319.

[14] Hơi khó hiểu là vị trí của thành phố Vientiane (Bàn chăn hoặc Viên Chănk) nằm ở hữu ngạn sông Mekong, thuộc vùng hạ lưu của vương quốc Vientiane. Người Xiêm đã phá hủy hoàn toàn thành phố Vientiane (ngoại trừ một số tu viện Phật giáo) vào năm 1828 và chuyển nhiều cư dân [của thành phố này] đến sống trong lãnh thổ của Xiêm. Có lẽ vị trí của thành phố Vientiane trên bản đồ có ý thể hiện sự ép buộc giảm thiểu dân số của thành phố, với việc nhiều người Lào di chuyển đến các khu vực xung quanh thành phố Nong Khai hiện nay. Hoặc có lẽ nó chỉ đơn giản là một sai sót. Trong bản đồ của mình vào năm 1858, Edward Weller (FRGS), dường như đã bị ảnh hưởng bởi sự thể hiện của Taberd về sông Mekong nên cũng định vị Vientiane ở hữu ngạn [sông này]. Xem: Burmah, Siam, Anam & c. (1858?),  http://nla.gov.au/nla.obj-231866668.

[15] Xem: Những nguồn tư liệu Việt Nam liên quan đến cuộc xung đột năm 1827, Tập. 1, tr. 73, chú thích 212. Các vị trí cũng được viết theo nhiều cách khác trong các nguồn tài liệu, ví dụ: Phan-phao, Phien-Bao,…

[16] Charles F. Keyes, Isan: Chủ nghĩa khu vực ở đông bắc Thái Lan, Báo cáo tạm thời Dự án Cornell Thái Lan, Số 10, Chương trình Đông Nam Á, Thư tịch 65, Ithaca: Cornell University, 1967, trang 8.

[17] Taberd, “Ghi chép bổ sung về địa lý Đàng Trong”, tr. 319-320.

[18] Như trên, tr. 319.

[19] Gilles Palsky, “La Cartographie française des Côtes cochinchinoises à la Fin du 18e Siècle: Jean-Marie Dayot et le Pilote de Cochinchine” (Bản đồ của Pháp về bờ biển Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVIII: Jean- Marie Dayot và tác phẩm Pilote de Cochinchine), Imago Mundi, Tập 41, Số 1, tháng Giêng, 1989, tr. 59-69.

[20] Alexander Barton Woodside, Việt Nam và khuôn mẫu Trung Hoa: Một nghiên cứu so sánh về chính quyền dân sự giữa nhà Thanh và nhà Nguyễn trong nửa đầu của thế kỷ XIX, Cambridge: Harvard University Press, 1971, tr. 141-143.

[21] Taberd vẫn còn ở Việt Nam khi vua Minh Mạng bắt đầu của cải cách hành chính của mình. Ông đã đề cập đến cuộc cải cách này trong tác phẩm Ghi chép về địa lý Đàng Trong của mình (tr. 744). Tuy nhiên, nhưng bản đồ được dùng trong sách này là của triều Gia Long. Trong tác phẩm Ghi chép về địa lý Đàng Trong của ông được xuất bản bằng tiếng Anh, Taberd đã dùng lối dịch khác nhau cho các đơn vị hành chính của Việt Nam. Chẳng hạn, ông dịch trấn là prefecture, thay vì pretectorate như bản dịch của Woodside và những người khác. (Prefecture thường được dùng để dịch chữ phủ trong tiếng Việt). Có một số khác biệt nhỏ khác giữa chú giải của Taberd và chính tấm bản đồ. Để rõ hơn, tôi đã tham khảo các bản dịch được dùng bởi Woodside và học giả Việt Nam hiện đại.

[22] Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đã liệt kê tất cả 57 cửa sông và nhiều yếu tố khác dọc theo đường bờ biển dài của Việt Nam trên bản đồ của Taberd. Nguyễn Đình Đầu, Sđd, tr. 123 và tr. 127.

[23] Trần Văn Quý, “Thư tịch Quỳ Hợp: Quan hệ Việt – Lào phản ánh trong tài liệu về các đồn ải, từ 1619 đến 1880”, in trong: Mayoury Ngaosrivathana và Kennon Breazeale (Chủ biên), Sđd, tr. 239-259.

[24] Harold E. Meinheit, “Một góc nhìn về cuộc chiến ở Việt Nam thế kỷ XIX”, The Portolan, Số 73, Mùa đông 2008, tr. 21. Taberd mô tả [Mọi] Đá Vách là “các giống dân man rợ khủng khiếp nhất chiếm toàn bộ dãy núi bao quanh vương quốc”. Taberd, “Ghi chép về địa lý Đàng Trong”, tr. 741.

[25] Harold E. Meinheit, “Khám phá Việt Nam: Bản đồ của Alexandre de Rhodes”, The Portolan, Số 65, Mùa xuân 2006, tr. 28-41.

[26] Henri Maitre, Les Jungles Moi (Rừng người Thượng), Paris: Emile LaRose, 1912, tr. 555.

[27] Các nhóm là: Mọi đá rách, Mọi đá vách, Mọi đá hàn, Mọi bồ nông, Mọi bồ vun, Mọi Vị, và Mọi bà ria. Như đã chú thích, Đá Vách là một nhóm sắc tộc có thể nhận diện. Bồ nông cũng có thể là [tộc người] Phnong hay Mnong.

[28] Thư của Cha Jean Steiner, Procure, Giáo phận Macau, ngày 21.8.1774 (tiếng Pháp). Tường thuật về cái chết u buồn của Cha Juguet ở tuổi 30, Steiner viết: “Ce missionnaire, peu de temps avant sa mort, avait découvert un nouveau royaume, appélé Stiêng…” (Nhà truyền giáo này, ngay trước khi qua đời, đã khám phá ra một vương quốc mới gọi là Stiêng). Pigneaux de Béhaine cũng báo cáo về “vương quốc mới của Stiêng” (“Regnum novum vocatum Stiêng”) trong một lá thư ngày 05.01.1775. Cả hai bức thư này đều được in trong: Adrien Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, 1658-1823: documents historiques (Lịch sử công vụ ở Đàng Trong, giai đoạn 1658-1823), Paris: Missions étrangères de Paris: savantes Indes, Tập 3 (1771 – 1823), 2000, tr. 60- 61.

[29]  Thư của M. Faulet gửi M. Steine ngày 24.6.1776. In trong: Launay, Sđd, tr. 64.

[30] Frédéric Mantienne, Pierre Pigneaux: eveque d’Adran et mandarin de Cochinchine (1741 – 1799) (Pierre Pigneaux: Giám mục d’Adran và quan chức Đàng Trong), Paris: Les Indes savantes, 2012, tr. 70-72.

[31] Mối quan tâm truyền giáo được tiếp tục trong tộc người này thể hiện ở việc thành lập một phái bộ [truyền giáo] trong cộng đồng người Stiêng ở Brelam vào thập niên 1850. Tuy nhiên, phái bộ này đã bị hủy hoại trong cuộc nổi dậy Pu Kombo vào năm 1866.

[32] Taberd, “Ghi chép bổ sung về địa lý Đàng Trong”, tr. 319, 320.

[33] Tiến sĩ Karl Gutzlaff, “Địa lý của Đế quốc An Nam”, Tạp chí của Hiệp hội Địa lý Hoàng gia London, Tập 19 (1849), tr. 85-143.

Đăng tải tại Chủ quyền biển đảo | Bình luận về bài viết này

BÀN VỀ MỘT ĐẠI CHIẾN LƯỢC CHO VIỆT NAM TRONG THẾ KỶ XXI

unnamed

Tác giả: Ngô Di Lân

Mục đích chính của bài viết này là đưa ra nhận định về những thách thức chiến lược tiềm tàng cho Việt Nam trong thế kỷ XXI và phác hoạ một số nét chính về bốn đại chiến lược khả dĩ để chúng ta có thể đương đầu với những thách thức này. Bên cạnh đó, tác giả cũng hi vọng rằng bài viết này sẽ giúp khái niệm “đại chiến lược” trở nên gần gũi hơn với các độc giả, đồng thời thôi thúc các học giả trong và ngoài nước nghiên cứu đề tài đại chiến lược Việt Nam một cách có khoa học và hệ thống hơn.

Bài viết sẽ này có năm phần chính như sau. Phần thứ nhất sẽ giới thiệu một cách tổng quát về khái niệm đại chiến lược. Tiếp theo tác giả sẽ xác định các lợi ích quốc gia cốt lõi của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Trong phần thứ ba, tác giả sẽ phân tích và đánh giá môi trường chiến lược của Việt Nam trong thế kỷ XXI. Phần thứ tư sẽ điểm qua một số nét chính về những đại chiến lược khả dĩ cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Cuối cùng, tác giả sẽ tóm tắt lại đại ý của toàn bài và đưa ra một số nhận định về đại chiến lược hợp lý nhất cho Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay.

I. Tổng quan về đại chiến lược

Đại chiến lược (grand strategy) là một khái niệm thường được các học giả quan hệ quốc tế và chiến lược gia quân sự dùng để chỉ một tổ hợp các nguyên tắc và quan điểm mang tính định hướng chính sách đối ngoại và quốc phòng của một quốc gia. Đại chiến lược chỉ rõ đâu là những lợi ích cao nhất của một quốc gia và đâu là những mối đe dọa chính đối với những lợi ích đó. Một đại chiến lược tốt sẽ xác định rõ thứ tự ưu tiên của các mục tiêu mà một quốc gia muốn theo đuổi và chỉ ra cách tốt nhất để các nhà hoạch định chính sách tận dụng nguồn tài nguyên có hạn của mình nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra. Hơn nữa, đại chiến lược có thể giúp tránh được sự mâu thuẫn trong các chính sách, đồng thời tạo ra tính kế tục và mạch lạc trong các chính sách ngắn, trung và dài hạn của các quốc gia. Chính vì vậy, việc có được một đại chiến lược rõ ràng, mạch lạc và phù hợp với thời thế là một trong những yếu tố quyết định sự trường tồn và phát triển thịnh vượng của mọi quốc gia.

Nhưng cũng cần phải nói rằng có một đại chiến lược trên “giấy tờ” khác với việc đưa đại chiến lược đó vào thực tiễn. Dù đại chiến lược có tốt đến mấy mà không có nguồn lực để thực thi một cách triệt để thì sẽ không mang lại hiệu quả. Do đó quốc gia càng hùng mạnh, càng có nhiều nguồn lực và tài nguyên thì càng có khả năng hoạch định và triển khai các chính sách theo đúng những gì đã vạch ra trong đại chiến lược.

Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là đại chiến lược chỉ hữu dụng đối với các nước lớn. Các nước lớn có thể mắc một vài sai lầm nghiêm trọng như Mỹ đã từng gặp ở Việt Nam hay Iraq nhưng họ sẽ vẫn tồn tại. Các nước nhỏ như Việt Nam tuy có ít khả năng để thực hiện được triệt để đại chiến lược hơn so với các nước lớn nhưng lại cần đại chiến lược hơn bởi một sai lầm dù nhỏ vẫn có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, gây nguy hại tới sự tồn vong của quốc gia. Do đó, đại chiến lược thậm chí còn thiết yếu đối với các nước nhỏ hơn các nước lớn. Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực hết sức phức tạp hiện nay,  Việt Nam buộc phải có một đại chiến lược của riêng mình.

II. Lợi ích quốc gia của Việt Nam

Tất cả các chiến lược và chính sách được đều tạo ra để phục vụ lợi ích quốc gia. Do đó, phải nắm vững được lợi ích quốc gia trước khi phân tích, đề xuất chiến lược và chính sách. Tuy nhiên để có thể “dĩ bất biến, ứng vạn biến” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thì chúng ta trước tiên phải đánh giá chính xác xem những yếu tố “bất biến” này là gì. Từ góc nhìn của các nhà lãnh đạo Việt Nam thì có thể nói rằng trong thời điểm hiện nay nước ta có ít nhất ba lợi ích quốc gia cốt lõi như sau:

Thứ nhất, và quan trọng hơn hết, là đảm bảo được an ninh quốc gia. Ở đây an ninh quốc gia được hiểu là bảo vệ được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cùng sự bình an của các công dân Việt Nam. Trên thực tế, điều này có nghĩa là chúng ta không bị quân đội nước khác tấn công xâm lược và chính quyền Việt Nam không bị thao túng bởi bất kì thế lực nào từ bên ngoài. Đây là lợi ích quốc gia cao nhất và lợi ích nền tảng vì nếu không đảm bảo được hai điều này thì đất nước và dân tộc Việt Nam không còn là chính mình và không còn khả năng tự quyết định vận mệnh của mình nữa.

Không có đạo quân xâm lược nào quan tâm, chăm lo cho cuộc của người dân nước họ chiếm đóng. Mọi cường quốc dù dưới bất kì hình thức hay màu cờ nào cũng đều chỉ muốn làm lợi cho riêng mình trên lưng nhân dân Việt Nam. Lịch sử ngàn năm Bắc thuộc cho thấy nếu chúng ta muốn một cuộc sống ấm no hạnh phúc thì nhất định người Việt Nam phải làm chủ đất nước của mình và phải đảm bảo chiến tranh không xảy ra. Chỉ cần có chiến tranh nổ ra thì dù kết quả thế nào đi chăng nữa, người dân Việt Nam cũng sẽ luôn phải chịu vô cùng nhiều đau thương và mất mát. Một đất nước xảy ra chiến tranh triền miên sẽ không thể nào phát triển kinh tế và đảm bảo cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân được. Chính vì vậy mục tiêu số một luôn phải là đảm bảo an ninh quốc gia.

Thứ hai, là duy trì thể chế chính trị hiện nay và đảm bảo ổn định chính trị trong nước. Từ góc nhìn của những nhà lãnh đạo ở Hà Nội, việc duy trì thể chế chính trị hiện nay có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định chính trị trong nước bởi nếu có bất kì sự thay đổi đột ngột nào, bạo loạn gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Tuy nội chiến không nhất thiết sẽ nổ ra nhưng nó sẽ là một nguy cơ chúng ta không thể loại trừ.

Lịch sử ngàn năm của Việt Nam cho thấy khi đất nước bị chia rẽ, các cường quốc ở bên ngoài sẽ luôn chớp lấy thời cơ thao túng nước ta để trục lợi. Nhìn vào lịch sử của người láng giềng Trung Quốc chúng ta cũng thấy điều tương tự. Khi chính quyền trung ương suy yếu, các thế lực trong nước nổi dậy xưng hùng tranh bá gây ra chiến tranh triền miên. Khi triều đình nhà Thanh suy yếu vào cuối thế kỷ XIX, các đế quốc phương Tây lặp tức nhảy vào xâu xé, chia chác lợi ích. Do đó, có thể nói rằng việc duy trì ổn định chính trị quốc nội và chính quyền vững mạnh là yếu tố mang tính then chốt để đảm bảo an ninh quốc gia.

Thứ ba, là đảm bảo môi trường hòa bình trong khu vực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.  Khu vực càng ít biến động, các cường quốc càng hạn chế tranh giành quyền lực thì Việt Nam càng có thể tập trung nguồn lực phát triển kinh tếvà đầu tư cho giáo dục, an sinh xã hội. Khi nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định chính trị sẽ đi theo.

Rất nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học chính trị so sánh (comparative politics) đã cho thấy rằng sự thay đổi chế độ sẽ ít xảy ra hơn ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển ổn định.  Khi người dân cảm thấy nhu cầu vật chất và tinh thần của mình được đáp ứng, họ sẽ sẵn lòng ủng hộ chính quyền hơn. Vì vậy nhiều học giả từ lâu đã nhận định rằng ở Trung Quốc, tính chính danh của nhà cầm quyền kể từ khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền cho đến nay chủ yếu dựa vào hai trụ cột chính là chủ nghĩa dân tộc và phát triển kinh tế. Nếu những nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh muốn giành được sự ủng hộ của nhân dân, họ sẽ phải chứng minh được rằng: (i) chính phủ Trung Quốc hiện nay có thể bảo vệ an ninh – chủ quyền quốc gia, không để các thế lực ngoại bang xâm phạm lợi ích quốc gia của Trung Quốc và (ii) đảm bảo rằng kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển vững mạnh bởi đây là yếu tố tiên quyết để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Những điều này hoàn toàn đúng với trường hợp của Việt Nam.

Mặc dù vậy, cần nói thêm rằng bên cạnh ba lợi ích cốt lõi trên, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng muốn theo đuổi các mục tiêu khác nữa, ví dụ như xây dựng sức mạnh mềm cho Việt Nam, tham gia vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, phối hợp với các nước trong và ngoài khu vực Đông Nam Á xây dựng các cơ chế hợp tác đa phương, nâng cao vị thế của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế, v.v… Tuy nhiên rõ ràng ba lợi ích trên là ba lợi ích cốt yếu nhất với Việt Nam bởi chúng là nền tảng để Việt Nam có thể theo đuổi các mục tiêu khác của mình.

III. Đánh giá môi trường chiến lược

1. Vị trí địa chính trị của Việt Nam

Xét từ góc độ địa chính trị của Việt Nam, có hai điểm đáng chú ý như sau:

– Thứ nhất, Việt Nam có chung đường biên giới trên đất liền với ba nước duy nhất là Campuchia, Lào và Trung Quốc. Do đó có thể nói đây là ba nước sát sườn nhất với Việt Nam dưới góc độ an ninh bởi khoảng cách địa lý hết sức gần gũi đồng nghĩa với việc bất kì nước nào trong số ba nước trên sẽ đều có thể là mối hiểm họa lớn nếu họ thực thi chính sách chống Việt Nam. Tuy nhiên, trong ba nước trên chỉ có Trung Quốc là cường quốc kinh tế – quân sự và có tham vọng trở thành bá quyền. Trong thời kỳ hiện đại, Lào và Campuchia chưa bao giờ nổi lên như một thế lực quân sự đáng gờm và nhìn chung có mức độ phát triển kinh tế – xã hội thấp hơn Việt Nam.

Mặc dù vậy, trong những thập kỷ gần đây, chỉ có Lào là có quan hệ tương đối hữu hảo với Việt Nam và khó có khả năng trở thành mối đe dọa an ninh trực tiếp cho Việt Nam trong ngắn hạn, dù lợi ích giữa hai nước không phải lúc nào cũng song trùng. Campuchia tuy từng là một trong những đối tác quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng dưới thời Pol Pot trở thành lực lượng tay sai của Trung Quốc. Từ sau Chiến tranh biên giới Tây Nam đến giờ, có thể nói rằng mối quan hệ Việt Nam – Campuchia đã chuyển sang mối quan hệ bạn – thù, tương đối giống với mối quan hệ trong những năm gần đây Việt – Trung bởi cả hai có sự lệ thuộc lẫn nhau tương đối lớn nhưng vẫn luôn nghi kỵ lẫn nhau. Việt Nam buộc phải dè chừng trước Campuchia khi một bộ phận đáng kể trong giới lãnh đạo Campuchia lâu nay có thái độ thù hằn, chống Việt Nam.

Hơn nữa, chính sách ngoại giao của Campuchia trong những năm gần đây, cho thấy rằng nước này ngày càng chịu sự chi phối lớn hơn từ chính quyền Bắc Kinh. Điều này trở nên đặc biệt rõ rệt trong năm Campuchia nắm vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN khi nước này đã ngăn chặn khối ASEAN ra tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao vào năm 2012 và mới đây nhất, Campuchia lại một lần nữa ngăn ASEAN đạt đồng thuận về vấn đề Biển Đông trong các phiên họp của khối diễn ra tại Lào vào năm 2016. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng rót nhiều tiền cho các dự án phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng ở Campuchia, có thể thấy rõ rằng nước này đang giới lãnh đạo ở Phnom Penh ngày càng chịu sự ảnh hưởng lớn hơn từ phía Bắc Kinh, một điều vô cùng nguy hiểm đối với Việt Nam. Nếu như Trung Quốc đổi chiến lược ngoại giao của mình trong tương lai và thiết lập liên minh quân sự với Campuchia thì Việt Nam sẽ phải đặc biệt cảnh giác.

Mặc dù vậy, trong ba nước láng giềng này thì rõ ràng Trung Quốc là vẫn là nước đặt cho Việt Nam nhiều thách thức nhất từ trước đến giờ. Trung Quốc là nước láng giềng duy nhất từng tấn công xâm lược và đô hộ Việt Nam nhiều lần trong lịch sử ngàn năm của nước ta. Trung Quốc là mối đe dọa lớn đối với Việt Nam xuất phát từ hai nguyên nhân chính là sự gần gũi về mặt địa lý và sự bất đối xứng về sức mạnh giữa hai nước. Hơn nữa, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong thế kỷ XXI, tham vọng bá quyền của nước này ở Châu Á nói chung và ở Biển Đông nói riêng, bên cạnh sự lệ thuộc kinh tế một chiều của Việt Nam vào Trung Quốc đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ luôn là một đối tác quan trọng nhưng cũng là một mối đe dọa an ninh tiềm tàng đối với chúng ta.

– Thứ hai, tuy Việt Nam là một nước nhỏ ở Đông Nam Á nhưng phần lãnh thổ lại trải dài, gần như bao quanh một cạnh của Biển Đông. Nhìn vào bản đồ có thể thấy rằng Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có lãnh thổ vừa nằm trên lục địa Á Châu lại vừa giáp với Biển Đông. Việt Nam hiện cũng là nước kiểm soát số lượng đảo lớn nhất ở khu vực Quần đảo Trường Sa.

Hơn nữa, quân cảng Cam Ranh ở Nha Trang là một trong những cảng nước sâu lý tưởng bậc nhất thế giới, rất được ưa chuộng bởi “hải quân các nước bởi điều kiện thủy văn, địa chất rất thuận lợi, thủy triều trong vịnh khá đều đặn, tương đối đúng giờ. Đáy vịnh bằng phẳng, chủ yếu là cát phù sa khá chắc. Ngoài cửa vịnh có các đảo và cù lao chắn gió nên vịnh lặng sóng, thuận tiện cho thuyền neo đậu, tàu có trọng tải 100.000 tấn ra vào dễ dàng”. Nói cách khác, cảng Cam Ranh là một căn cứ hải quân với vị trí phòng thủ cực kỳ vững chắc, đồng thời là bệ phóng lý tưởng để cho các lực lượng hải quân kiểm soát Biển Đông. Là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên với dân số trẻ trung và lớn thứ ba ở Đông Nam Á, đồng thời sở hữu một trong những quân đội thiện chiến bậc nhất ở Châu Á, Việt Nam rõ ràng là một thế lực tiềm tàng trong khu vực. Không phải tự nhiên mà trong lịch sử, nước ta thường được xem như “lực lượng trấn giữ con đường nam tiến cả trên bộ lẫn trên biển của Trung Quốc”.

Nhưng rõ ràng vị trí của Việt Nam đối với Biển Đông sẽ không có gì đáng nói nếu như Biển Đông không phải là một vùng biển quan trọng. Mặc dù vậy, trên thực tế Biển Đông là một vùng biển có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với nhiều quốc gia trong khu vực. Về mặt kinh tế, Biển Đông có giá trị đáng kể bởi đây là một vùng biển tương đối giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và khí ga tự nhiên. Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thì có tới 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỉ mét khối ga tự nhiên đang chờ được khai thác ở Biển Đông. Trong khi đó phía Trung Quốc ước tính có tới 900 tỉ mét khối khí ga tự nhiên và 130 tỷ thùng dầu ở Biển Đông. Nếu như ước tính của Trung Quốc đúng thì trữ lượng dầu thô ở Biển Đông lớn tương đương với toàn bộ trự lượng dầu mỏ của Iraq – nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ năm trên thế giới theo EIA. Hơn nữa, với dân số khổng lồ của mình và tốc độ phát triển như hiện nay, nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc là rất lớn. Và dù trữ lượng dầu khí trên thực tế thế nào đi nữa thì Biển Đông cũng là vùng biển đánh cá truyền thống của nhiều ngư dân trong khu vực. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi nhiều quốc gia cạnh tranh lợi ích kinh tế ở vùng biển này.

Về địa chiến lược, Biển Đông nắm giữ một vị trí hết sức trọng yếu. Theo một số đánh giá thì Biển Đông được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới bởi có đến hơn 1/2 lượng vận tải thương mại cùng với 1/3 lượng dầu thô của thế giới đi qua Biển Đông. Chính vì vậy, trong tương lai xa, khi Trung Quốc đã có một hạm đội “hải dương xanh” và kiểm soát được toàn bộ Biển Đông, nước này sẽ có đủ khả năng để đe doạ ít nhiều sự an toàn của các tàu thuyền đi qua các eo biển chiến lược như Malacca, Lombok hay Sunda. Khi đó, rất có thể các tàu thuyền sẽ phải đi đường vòng và chi phí vận chuyển sẽ tăng gấp bội. Điều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh doanh nói riêng, đến tăng trưởng và ổn định của kinh tế của khu vực Đông Á nói riêng và thế giới nói chung. Nếu kiểm soát được Biển Đông, Trung Quốc sẽ có khả năng uy hiếp các đồng minh của Mỹ ở Châu Á, kể cả khi hải quân Trung Quốc không thể đóng các eo biển này. Ở góc độ quân sự, việc Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông sẽ giúp nước này nâng cao hiệu quả của chiến lược chống tiếp cận A2/AD (anti-access/area-denial), giúp đẩy lùi hải quân Mỹ ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất. Điều này sẽ làm suy yếu khả năng răn đe và ngăn chặn xung đột của quân đội Mỹ ở Châu Á và gia tăng nguy cơ Trung Quốc dùng vũ lực để gây sức ép với các nước láng giềng trong khu vực.

Vì Biển Đông có giá trị rất lớn về nhiều mặt nên Việt Nam gần như chắc chắn sẽ bị cuốn vào các “cuộc chơi lớn” của các cường quốc ở khu vực này. Do đó vị trí địa chính trị chiến lược của nước ta là một ưu điểm rất lớn nhưng nếu chính sách ngoại giao không khéo léo có thể sẽ biến Việt Nam thành trận địa nơi các cường quốc tranh giành ảnh hưởng.

2. Cục diện thế giới hậu Chiến tranh Lạnh

Sự phân bổ quyền lực (distribution of power) tuy không phải là yếu tố duy nhất quyết định chính sách đối ngoại của các quốc gia nhưng nó sẽ quyết định xem một quốc gia có thể làm gì và không thể làm gì. Một quốc gia càng mạnh thì càng có nhiều lựa chọn, một quốc gia càng yếu thì càng có ít sự lựa chọn. Câu nói nổi tiếng trong “cuộc đối thoại ở Melos” của sử gia người Hy Lạp Thucydides cho đến giờ vẫn không hề sai: “kẻ mạnh làm bất cứ những gì mình có thể, còn kẻ yếu thì phải chấp nhận những gì họ phải chấp nhận”.

Trên thực tế vì đa số các quốc gia dù ở đâu và dưới chế độ chính trị nào đều có lợi ích trong việc đảm bảo tối đa an ninh và sức ảnh hưởng của mình trên trường quốc tếnên chỉ cần dựa sự phân bổ quyền lực cũng có thể dự đoán được một số đường lối chính trong chiến lược đối ngoại của các quốc gia. Vì vậy trong chính trị quốc tế, yếu tố quan trọng nhất có lẽ vẫn là sự phân bổ quyền lực giữa các quốc gia, nhưng đặc biệt là giữa các cường quốc bởi họ là những nhân tố có ảnh hưởng nhất tới cục diện thế giới.

Sau sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh vào năm 1989 và sự tan rã của Liên Xô hai năm sau đó, Mỹ bước vào kỷ nguyên đơn cực (unipolar era) mà trong đó Mỹ là siêu cường (superpower) duy nhất với sức mạnh kinh tế – quân sự – khoa học kỹ thuật vượt xa tất cả những nước còn lại. Tuy nhiên, khoảnh khắc đơn cực của Mỹ đã  không kéo dài được bao lâu bởi chính quyền Bush đã phung phí sức mạnh quân sự và hàng nghìn tỉ đôla cho hai cuộc chiến tranh trường kỳ ở Afghanistan và Iraq.

Trong khi Mỹ sa lầy ở Trung Đông, Trung Quốc lại trỗi dậy mạnh mẽ về mọi mặt. Kể từ khi Đặng Tiểu Bình thực hiện chính sách mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc đã duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 10% trong nhiều năm. Vì giữ được đà phát triển này nên chỉ sau ba thập kỷ, Trung Quốc đã soán mất ngôi vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của Nhật Bản. Thậm chí, nhiều nhà kinh tế từ lâu đã dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2050.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không chỉ sử dụng nguồn lực kinh tế để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng đời sống của người dân nước mình mà còn đầu tư rất nhiều vào công cuộc hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là hải quân. Ngân sách chi tiêu quốc phòng Trung Quốc nay lớn thứ nhì trên thế giới, chỉ sau ngân sách quốc phòng Mỹ. Đáng lo ở chỗ một phần rất lớn trong số tiền này được đầu tư vào việc nâng cấp và hiện đại hóa hải quân, giúp hải quân Trung Quốc trở thành lực lượng hải quân lớn thứ hai ở Châu Á, chỉ sau Mỹ. Mục tiêu xa hơn của những chiến lược gia quân sự Trung Quốc là xây dựng một hạm đội “hải dương xanh” (blue ocean navy) giúp Trung Quốc trở thành một thế lực hải quân đủ mạnh để có thể thách thức sự thống trị của hải quân Mỹ trên biển cả. Chính vì vậy, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào các tàu ngầm thế hệ mới và cả tàu sân bay để tăng cường khả năng viễn chinh (power projection) của mình. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiếp tục phát triển các hệ thống tên lửa chống hạm như hệ thống tên lửa DF-21D với mục đích răn đe, hạn chế tầm hoạt động của hải quân Mỹ. Những bước đi này sẽ làm suy yếu ít nhiều các cam kết an ninh của Mỹ đối với các đồng minh ở Châu Á và làm gia tăng mối quan ngại về an ninh của các nước láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc như Nhật Bản, Việt Nam, v.v…

Nhận thấy mối đe doạ này, chính quyền Obama đã triển khai chính sách xoay trục về Châu Á (pivot to Asia) để tái phân bổ nguồn lực của Mỹ về khu vực này và củng cố các mối quan hệ ngoại giao – quốc phòng của Mỹ với các đối tác quan trọng ở Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy sức mạnh của Mỹ đã suy yếu ít nhiều so với giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh nhưng cho đến giờ Mỹ vẫn là siêu cường số một thế giới. Quân đội Mỹ vẫn là quân đội thiện chiến nhất và được trang bị vũ khí tối tân nhất. Hơn nữa, có lẽ trong thời điểm hiện nay chỉ có quân đội Mỹ mới có đủ sức mạnh để tham chiến vào hai cuộc chiến tranh lớn ở hai mặt trận hoàn toàn độc lập và giành được chiến thắng. Với vị trí địa chính trị “trời phú” của mình cùng với kho vũ khí hạt nhân lớn nhất nhì thế giới, nước Mỹ là một pháo đài bất khả xâm phạm đối với bất kì đội quân xâm lược nào. Hơn nữa, hải quân Mỹ vẫn đang ngày đêm tuần tra và kiểm soát tất cả các vùng biển trọng yếu nhất trên thế giới. Mỹ là nước duy nhất có mạng lưới đồng minh và căn cứ quân sự trên toàn cầu. Những yếu tố này giúp quân đội Mỹ có được sức mạnh viễn chinh vô song và vì vậy có khả năng can thiệp vào bất kì cuộc xung đột vũ trang nào ở bất kì nơi đâu trong dưới 24 giờ đồng hồ.

Thế giới ngày nay không còn là thế giới đơn cực, không còn là một sân chơi của riêng Mỹ nữa nhưng chắc chắn nó chưa phải là thế giới đa cực. Ở Châu Âu, Nga đang tìm lại vị thế cường quốc mà mình đã đánh mất sau những năm 90 với những nỗ lực can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ucraina và Xi-ri. Điều này đang biến Nga trở thành một trong những thách thức an ninh lớn nhất đối với nhiều đồng minh Châu Âu của Mỹ, đặc biệt là các nước vùng Ban-tic và Đông Âu. Tuy nhiên cần nhìn nhận một cách thực tế rằng nước Nga của ngài Putin không phải là Liên Xô của Stalin. Liên Xô từng là một thế lực quân sự ngang ngửa với Mỹ với một hệ tư tưởng có sức hút toàn cầu và có tham vọng bá quyền thật sự. Nước Nga ngày nay chỉ là một cường quốc khu vực thuần túy và chỉ còn là cái bóng của đế chế Xô-viết.

Kể từ khi thành lập đến nay, Liên minh Châu Âu (EU) chưa bao giờ là một thế lực độc lập trên chính trường quốc tế. Đa số các quốc gia thành viên của khối EU là đồng minh NATO của Mỹ và các quốc gia thành viên của khối chưa bao giờ xây dựng thành công một chính sách đối ngoại đơn nhất cho tất cả. Hơn nữa, với cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm gần đây và sự rạn nứt trong khối với quyết định rời EU của nước Anh, EU gần như chắc chắn sẽ không có tương lai như một thế lực có thể chi phối chính trị quốc tế, càng không thể là một đối trọng thực thụ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Đức và Nhật Bản tuy là hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới nhưng không phải là cường quốc chính trị – quân sự. Đây là hai quốc gia bại trận trong Thế Chiến II và là hai quốc gia duy nhất trên thế giới có Hiến pháp cấm việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Nhất cử nhất động của hai quốc gia này, dù chỉ với mục đích hoàn để tự vệ đi chăng nữa, đều luôn bị theo dõi sát sao bởi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước láng giềng bởi hơn ai hết, họ là nạn nhân của hai cuộc Thế Chiến và không ai muốn lịch sử lặp lại, dù chỉ một lần nữa. Bản thân người dân Nhật hay người dân Đức cũng ý thức được điều này nên phong trào hòa bình phát triển rất mạnh ở cả hai nước. Vì những lý do này nên dù cả hai quốc gia này hoàn toàn có đủ năng lực khoa học kỹ thuật để phát triển vũ khí hạt nhân để tự đảm bảo an ninh của mình nhưng các nhà lãnh đạo Đức và Nhật đều không theo đuổi lựa chọn này bởi họ biết rằng sẽ vấn phải sự phản đối hết sức quyết liệt của người dân. Cả hai quốc gia này sẽ tiếp tục là những thế lực kinh tế – chính trị đáng gờm nhưng ngày nào họ còn bị ám ảnh bởi quá khứ của mình, cả hai sẽ không thể trở thành những siêu cường sánh vai được với Mỹ hay Trung Quốc. Đây sẽ không phải là hai nước có thể trở thành đối trọng độc lập với Trung Quốc trong thời gian trước mắt.

Còn Ấn Độ thì sao? Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới với số dân đông thứ hai, chỉ kém Trung Quốc. Ấn Độ cũng là một cường quốc hạt nhân như Mỹ, Nga và Trung Quốc và là một trong những nước có tham vọng trở thành cường quốc hải quân. Hơn nữa, do Ấn Độ có tranh chấp trên đất liền với Trung Quốc nên nước này cũng là một trong những đối tác an ninh quan trọng của Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên điểm yếu của Ấn Độ đấy là sự chia rẽ trong nội bộ bởi sự đa văn hóa, đa sắc tộc và đa ngôn ngữ trong cộng đồng người Ấn. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà lãnh đạo Ấn Độ sẽ luôn phải dành rất nhiều thời gian và công sức để giải quyết các vấn đề đối nội trước khi có thể tập trung toàn ý cho các vấn đề đối ngoại. Hơn nữa, Ấn Độ có một đối thủ truyền kiếp là người láng giềng Pakistan, vốn là một đối tác an ninh được Trung Quốc duy trì để làm đối trọng với Ấn Độ. Vì vậy, ngày nào Ấn Độ còn phải đương đầu với mối đe dọa hạt nhân trực tiếp từ Pakistan, ngày đó Ấn Độ vẫn còn chưa thể tập trung nguồn lực để kiềm chế Trung Quốc.

Do đó, trong bối cảnh hiện nay, nếu như có bất kì quốc gia nào có đủ khả năng ngăn chặn được tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Châu Á thì chỉ có thể là Mỹ.

3. Đánh giá tình hình an ninh khu vực trong những năm gần đây

Đối với Việt Nam, khu vực quan trọng nhất về mặt an ninh tại thời điểm hiện nay là khu vực Đông Á nói chung và khu vực Biển Đông nói riêng. Nhìn vào khu vực này, có thể thấy một vài mối đe dọa an ninh tiềm tàng như sau:

* Mối đe dọa tiềm tàng thứ nhất, là xung đột vũ trang ở Biển Đông.

Như đã phân tích ở trên, vì Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh của Việt Nam nên chắc chắn chúng ta sẽ không muốn để Trung Quốc thâu tóm vùng biển này. Tuy nhiên vì sức mạnh quân sự của Trung Quốc vượt trội hơn nhiều so với Việt Nam nên nếu có xung đột vũ trang xảy ra, Việt Nam chắc chắn sẽ chịu thua thiệt. Việt Nam có lợi ích trong việc ngăn chiến tranh không xảy ra vì trên bàn đàm phán đa phương chúng ta sẽ có khả năng bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ cao nhất. Hơn nữa, như đã phân tích ở trên, một trong những lợi ích cốt lõi của nước ta là đảm bảo môi trường an ninh hoà bình, tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Do đó xung đột vũ trang ở Biển Đông sẽ là một nguy cơ lớn mà chúng ta muốn tránh.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông có thể xảy ra trong những hoàn cảnh nào? Nói cách khác, những nguyên nhân nào có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh ở Biển Đông?

Nguyên nhân số một là tính toán sai lầm của các nhà lãnh đạo. Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền đang diễn ra hết sức gay gắt do Trung Quốc đang ngày đêm bồi đắp đảo nhân tạo trái phép ở một số đảo trên Biển Đông và quân sự hóa tranh chấp thì việc có xô xát giữa lực lượng vũ trang hay cảnh sát biển dẫn đến khủng hoảng ngoại giao và leo thang xung đột là điều không thể tránh khỏi. Khi mà sự nghi kỵ giữa các quốc gia đủ lớn thì những hành động dù chỉ hoàn toàn với mục đích tự vệ cũng sẽ gây căng thẳng và có thể dẫn đến những cuộc khủng hoảng nói trên. Thế nên kể cả trong trường hợp không có bất kì bên nào muốn dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, chiến tranh vẫn có thể nổ ra nếu các lãnh đạo các nước đọc sai ý đồ của nhau và đưa ra các quyết sách sai lầm.

Nguyên nhân thứ hai là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Một khi các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cảm thấy đủ tự tin vào sức mạnh quân sự của mình, rất có thể họ sẽ dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, đặc biệt khi quá trình đàm phán ngoại giao gặp bế tắc. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin vào điều này bởi sự xác quyết trong những năm gần đây của Trung Quốc chỉ bắt đầu sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008-09, khi người Trung Quốc cho rằng kỷ nguyên Mỹ đã kết thúc và họ đã đủ mạnh để thách thức Mỹ ở Châu Á. Hơn nữa, rất có thể một lúc nào đó các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ kết luận rằng sức mạnh hải quân của họ đã lên tới đỉnh điểm và rằng nếu họ không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp ngay lúc này, họ sẽ mất đi lợi thế quân sự của mình trong khu vực. Điều này có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh ở Biển Đông mà Việt Nam không mong muốn.

Nguyên nhân cuối cùng là sự suy yếu trong nội bộ của Trung Quốc. Tuy Trung Quốc đang nổi lên như một siêu cường thứ hai nhưng trên thực tế nội bộ Trung Quốc đang gặp rất nhiều vấn đề hóc búa. Thứ nhất, nền kinh tế của Trung Quốc rất lớn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại đáng kể. Đã qua rồi cái thời tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số. Thứ hai, vì phát triển kinh tế “phi mã” nên hệ quả là môi trường bị tàn phá nghiêm trọng. Mỗi năm Trung Quốc đang chứng kiến hàng chục nghìn cuộc biểu tình ở nhiều cấp độ khác nhau ở khắp các tỉnh thành chủ yếu về các vấn đề an sinh xã hội. Thứ ba là nguy cơ các vùng tự trị như Tân Cương và Tây Tạng ly khai khỏi Trung Quốc. Dù bị đàn áp ác liệt và đối mặt với chính sách đồng hoá của người Hán song phong trào đòi ly khai ở những vùng tự trị như Tân Cương hay Tây Tạng vẫn rất mạnh mẽ. Mất hai nơi này thì Trung Quốc sẽ đại loạn và sẽ suy yếu nghiêm trọng bởi đây là những vùng đất vô cùng giàu tài nguyên khoáng sản mà Trung Quốc thì rất phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên này. Hơn nữa, nếu các khu vực này trở thành những quốc gia độc lập và một ngày gia nhập liên minh với các quốc gia thù địch với Trung Quốc thì an ninh Trung Quốc sẽ bị đe doạ nghiêm trọng.

Để tránh những nguy cơ này dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn trong xã hội Trung Quốc, rất có thể các nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ muốn hướng sự chú ý của dư luận trong nước ra bên ngoài bằng việc phát động một cuộc chiến tranh đánh lạc hướng (diversionary war) ở Biển Đông. Đó cũng là một con đường mà chiến tranh có thể xảy ra ngoài ý muốn của chúng ta.

* Mối đe dọa tiềm tàng thứ hai, là Mỹ quyết định rút lui khỏi Châu Á, chuyển sang đại chiến lược biệt lập (isolationist grand strategy).

Dưới thời Trump, đây là một nguy cơ không thể loại trừ, mặc dù khả năng xảy ra trên thực tế rất thấp vì bộ máy chính quyền Mỹ nói chung và cộng đồng chính sách đối ngoại nói riêng lâu nay vẫn ủng hộ một vai trò dẫn dắt của Mỹ ở quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, việc Mỹ trong những những năm tới hoặc thậm chí trong thập kỷ tới đây sẽ chuyển sang đại chiến lược “cân bằng khơi xa” là một viễn cảnh hoàn toàn rất thực tế trong bối cảnh nợ công của chính phủ Mỹ ngày càng gia tăng chóng mặt và người dân Mỹ ngày càng muốn chính phủ Mỹ đặt lợi ích của nhân dân Mỹ lên trên hết.

Khác với đại chiến lược biệt lập, cân bằng khơi xa sẽ không yêu cầu Mỹ rút lui về pháo đài của mình và bỏ trống vị trí lãnh đạo thế giới mà Mỹ nắm giữ bấy lâu nay nhưng nó sẽ yêu cầu Mỹ tinh giản sự hiện diện quân sự của mình ở nhiều nơi. Dù không rũ bỏ hoàn toàn các cam kết đối với an ninh của các đồng minh ở Châu Á và không rút toàn bộ quân lính về nước thì bản thân việc Mỹ gửi đi tín hiệu rằng Washington không còn mặn mà với các đồng minh và rằng họ không còn sẵn lòng hy sinh của cải và mạng sống của công dân Mỹ để bảo vệ các quốc gia khác rất có thể sẽ khiến Trung Quốc cảm thấy tự tin hơn và sẵn sàng theo đuổi chính sách ngoại giao cứng rắn hơn ở Biển Đông.

Chắc chắn đây là điều bất lợi cho Việt Nam bởi một khi Trung Quốc tin rằng kể cả họ sử dụng vũ lực để bắt nạt các nước yếu hơn đi nữa cũng sẽ không ai sẵn lòng trừng phạt họ thì những nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ càng có cớ để “ỷ lớn hiếp bé”. Nên nhớ rằng những nhà lãnh đạo Trung Quốc là những người hết sức thông minh và họ thường tính toán rất kĩ lưỡng trước khi đưa ra các quyết sách lớn. Chính vì vậy trước khi tiến hành tấn công xâm lược nước ta vào năm 1979, Đặng Tiểu Bình trước đó đã có một chuyến công du tới một loạt các nước như Nhật Bản, Malaysia rồi Mỹ để thăm dò cũng như tranh thủ sự ủng hộ về mặt ngoại giao của cộng đồng quốc tế. Ngày đó nếu Tổng thống Jimmy Carter quyết liệt phản đối và cam kết sẽ trừng phạt Trung Quốc nếu nước này tấn công xâm lược Việt Nam thì nhiều khả năng ông Đặng sẽ phải tính toán lại nước đi của mình. Đáng tiếc rằng Mỹ lúc đó đang trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc nên về cơ bản đã lờ đi hành vi xâm lược của Trung Quốc. Vì vậy một khi cam kết của Mỹ đối với khu vực suy yếu, rất có thể Trung Quốc sẽ thừa thời cơ lấn tới và gia tăng sức ép lên Việt Nam, buộc chúng ta phải nhượng bộ ở Biển Đông.

* Mối đe dọa tiềm tàng cuối cùng, là một thỏa thuận hòa hoãn Mỹ – Trung.

Vì sao điều này lại có hại cho Việt Nam? Lý do tương tự như một sự thoái lui của Mỹ và thậm chí còn nguy hại hơn vì trong hoàn cảnh này, hai nước đã có thỏa thuận chia chác lợi ích bất chấp an ninh của Việt Nam. Nếu như chỉ cần Mỹ lờ đi những hành động hiếu chiến của Trung Quốc mà Bắc Kinh đã cảm thấy an tâm để tấn công Việt Nam rồi thì chúng ta càng có lý do để tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ càng sẵn sàng o ép Việt Nam nếu Mỹ – Trung hoà hoãn với nhau và Mỹ “bật đèn xanh” cho Trung Quốc tự thiết lập một bán cầu ảnh hưởng (sphere of influence) của mình ở Châu Á.

Tuy nhiên đây là một mối hiểm hoạ tương đối xa vời trong thời điểm hiện nay vì Mỹ – Trung hiện đang đối đầu trực tiếp ở Châu Á. Khi hai bên đang đối đầu trực tiếp với nhau và có xung đột rõ ràng về lợi ích chiến lược trong khu vực thì việc có thể thoả hiệp được với nhau là một nhiệm vụ gần như bất khả thi. Dưới thời Nixon – Kissinger, Mỹ đã theo đuổi chính sách hoà hoãn tương đối thành công với cả Liên Xô và Trung Quốc. Nhưng điều này không có nghĩa là hiện nay Mỹ sẽ hoặc có khả năng thực thi chính sách hoà hoãn thành công với Trung Quốc. Sở dĩ ngày đó hoà hoãn Mỹ-Trung và hoà hoãn Mỹ-Xô thành công là bởi Mỹ lúc đó có nhiều lợi ích song trùng với cả hai: với Liên Xô, cả hai đều có lợi ích trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân; với Trung Quốc, cả hai đều có lợi ích trong việc kiềm chế Liên Xô và Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Quan trọng hơn hết, đó là thời điểm cao trào của mâu thuẫn Trung – Xô trong khi Mỹ – Trung lại không có xung đột trong lợi ích chiến lược. Đó là lý do vì sao Mỹ có thể hoà hoãn với Trung Quốc tại thời điểm đó nhưng không thể thực thi chính sách này trong thời điểm hiện nay bởi những điều kiện vô cùng thuận lợi lúc đó đang không hiện diện vào lúc này.

Hơn nữa, trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, đặc biệt dưới chính quyền Trump, dù Mỹ và Nga đang có một số lợi ích chiến lược song trùng nhưng quyết định từ chức của cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn sau scandal với Nga mới đây cho thấy vẫn còn lực cản rất lớn đối với một sự hoà hoãn Mỹ – Nga ở Washington. Nếu như hoà hoãn Mỹ – Nga đã khó như vậy rồi thì một thoả thuận hoà hoãn Mỹ – Trung ở Châu Á càng là một triển vọng viển vông khi hai nước này đang đối đầu trực tiếp ở đây. Do đó, tuy đây là một mối đe doạ có thật đối với Việt Nam, nhất là vì Mỹ đã từng hoà hoãn với Trung Quốc trong những năm 70, nhưng tại thời điểm này, đây chưa phải là mối đe doạ lớn nhất và trực tiếp nhất đối với an ninh của Việt Nam.

IV. Đánh giá các lựa chọn đại chiến lược của Việt Nam

Câu hỏi lớn nhất mà các nhà lãnh đạo của Việt Nam buộc phải trả lời trong quá trình hoạch định chiến lược cho nước nhà đó là: cách tốt nhất để đảm bảo an ninh cho Việt Nam là liên kết với một siêu cường hay theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập – tự chủ?

Nếu câu trả lời là Việt Nam nên tìm kiếm một siêu cường để bảo đảm an ninh cho mình thì hai lựa chọn đại chiến lược khả dĩ sẽ là đại chiến lược thân Mỹ và đại chiến lược thân Trung Quốc.

Nếu câu trả lời là Việt Nam nên theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập thì hai lựa chọn đại chiến lược khả dĩ sẽ là đại chiến lược đa phương và đại chiến lược biệt lập.

unnamed (1)

Các lựa chọn đại chiến lược cho Việt Nam trong thế kỷ XXI

1. Đại chiến lược thân Mỹ (pro-U.S. grand strategy)

Đại chiến lược thân Mỹ sẽ phù hợp khi Trung Quốc đặt ra mối đe doạ trực tiếp đối với an ninh của Việt Nam. Điều này sẽ xảy ra khi là chính phủ kết luận rằng mọi biện pháp ngoại giao đã thất bại và Trung Quốc đã hạ quyết tâm sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông và thậm chí có ý đồ đưa quân sang tấn công xâm lược lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền. Nếu Trung Quốc và Campuchia ký kết hiệp ước liên minh quân sự thì rất có thể phía Việt Nam cũng phải tự tìm kiếm một liên minh của riêng mình với Mỹ.

Nếu Việt Nam theo đuổi đại chiến lược thân Mỹ thì việc hợp tác an ninh quốc phòng một cách sâu sắc và thực chất với Mỹ (kể cả nếu không trở thành đồng minh hiệp ước của Mỹ) là một điều bắt buộc. Phía Hà Nội cần cho phép Washington đồn trú quân Mỹ ở Việt Nam và quyền sử dụng các căn cứ quân sự như Cam Ranh để khống chế Trung Quốc ở Biển Đông. Chính sách đối ngoại của Việt Nam về cơ bản sẽ không được mâu thuẫn với chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là ở Châu Á và trong những vấn đề trực tiếp liên quan đến Trung Quốc. Rất có thể đại chiến lược này sẽ yêu cầu Việt Nam gia tăng chi tiêu quốc phòng và thậm chí gửi một số lượng binh lính nhất định đi tham chiến ở nước ngoài nếu Mỹ yêu cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phải tích cực giảm sự lệ thuộc kinh tế của Việt Nam vào Trung Quốc và thậm chí sẽ phải thay đổi ít nhiều về mặt chính trị trong nước để phù hợp với yêu cầu của phía Mỹ.

Điểm mạnh của đại chiến lược thân Mỹ là nó sẽ giải quyết được bài toán an ninh cho Việt Nam ngày nào chúng ta còn là đồng minh của Mỹ. Cho đến nay, chưa có một đồng minh thân cận nào mà Mỹ cam kết bảo vệ lại bị một bên thứ ba tấn công dù ở Châu Âu, Châu Á hay Châu Mỹ. Tuy nhiên điểm yếu rất lớn đấy là chúng ta sẽ phải đánh đổi sự tự do trong việc hoạch định đường lối và thực thi chính sách của quốc gia ở một mức độ nhất định. Điều này sẽ có hại khi Mỹ yêu cầu ta làm những gì họ muốn nhưng lợi ích của hai nước lại không song trùng hoặc thậm chí xung đột. Hơn nữa, đến khi thời thế thay đổi, Mỹ sẵn sàng hoà hoãn với Trung Quốc thì rất có thể Việt Nam sẽ bị đưa ra làm con bài để hai bên mặc cả với nhau và dĩ nhiên điều này sẽ có hại cho phía chúng ta.

2. Đại chiến lược thân Trung Quốc (pro-China grand strategy)

Từ góc nhìn của các nhà lãnh đạo Việt Nam, có lẽ một đại chiến lược thân Trung Quốc sẽ phù hợp trong bối cảnh an ninh chính trị trong nước bị Mỹ đe doạ. Nói cách khác, đại chiến lược này sẽ được các nhà lãnh đạo Việt Nam quan tâm nhất khi Mỹ có mong muốn lật đổ chế độ hiện nay ở Việt Nam.

Nếu như Mỹ nhất quyết thay đổi chế độ thì Hà Nội sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bắt tay với Bắc Kinh. Vì Trung Quốc không có chính sách liên minh như Mỹ nên Việt Nam không nhất thiết phải liên minh với Trung Quốc để chống Mỹ nhưng chắc chắn chính sách đối ngoại quốc phòng Việt Nam phải đi theo đường lối của Trung Quốc, đồng nghĩa với việc không được liên minh với Mỹ hay bất kì nước nào khác. Rất có thể Việt Nam sẽ phải công nhận chính thức (de jure) chủ quyền hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, ít nhất ở một số khu vực nhất định. Đổi lại, Trung Quốc sẽ hoà hoãn với Việt Nam ở Biển Đông và cho phép chúng ta tạm thời “mượn” các đảo ở Trường Sa mà chúng ta đang kiểm soát. Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác đa phương như LHQ, ASEAN nhưng để phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Trên thực tế, Việt Nam sẽ phải đóng vai của Campuchia trong ASEAN, ngăn không cho khối này ra các lập trường chung về vấn đề Biển Đông ngày nào Trung Quốc còn chưa thay đổi quan điểm của mình về tranh chấp hiện nay.

Điểm mạnh của đại chiến lược thân Trung Quốc là nhiều khả năng nó sẽ thuyết phục Mỹ từ bỏ tham vọng lật đổ chế độ ở Việt Nam bởi nếu sự can thiệp của Trung Quốc có thể thuyết phục được Mỹ không can thiệp quân sự vào Bắc Triều Tiên thì nó cũng sẽ có tác dụng ở Việt Nam. Hơn nữa, ở một khía cạnh nhất định có thể nói rằng việc xích lại gần Trung Quốc hơn sẽ giúp Việt Nam giải toả sức ép ở Biển Đông, ít nhất trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cũng như đại chiến lược thân Mỹ, điểm yếu rất lớn đấy là chúng ta sẽ phải đánh đổi sự tự do trong việc hoạch định đường lối và thực thi chính sách của quốc gia. Điều này sẽ có hại khi Trung Quốc yêu cầu ta làm những gì họ muốn nhưng lợi ích của hai nước lại không song trùng hoặc thậm chí xung đột. Việt Nam sẽ không muốn bị bạn bè quốc tế khác nhìn vào như một thế lực tay sai của Trung Quốc như Campuchia. Hơn nữa, đến khi thời thế thay đổi, Trung Quốc sẵn sàng hoà hoãn với Mỹ thì nhiều khả năng Việt Nam sẽ bị biến thành con bài để hai bên mặc cả với nhau và dĩ nhiên điều này bất lợi cho phía chúng ta.

Mặc dù vậy, cần nhìn nhận một cách thực tế rằng Mỹ kể từ khi bình thường hoá quan hệ với Việt Nam đến giờ gần như đã từ bỏ tham vọng thay đổi chế độ ở Việt Nam, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Điều này có thể thấy rõ qua chuyến thăm Mỹ lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015. Việc Tổng thống Obama sẵn sàng đón tiếp nồng hậu Tổng bí thư của một đảng cộng sản ở trong Nhà Trắng với đầy đủ nghi lễ cho một nguyên thủ quốc gia cho thấy Mỹ sẵn sàng theo đuổi một mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi với Việt Nam trên tinh thần hai bên tôn trọng hệ thống chính trị của nhau.

3. Đại chiến lược đa phương (omnidirectional grand strategy)

Nếu như Việt Nam không phải đối mặt với mối hiểm hoạ an ninh nào trong ngắn hạn thì đại chiến lược đa phương sẽ là một trong những lựa chọn tương đối hợp lý. Để Việt Nam theo đuổi con đường đa phương, yếu tố tiên quyết là kiên trì theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập – tự chủ. Trên thực tế, bằng cách này hay cách khác Việt Nam sẽ cần duy trì nguyên tắc “3 Không” trong đối ngoại – quốc phòng (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia).

Tuy việc thực thi nguyên tắc này có thể linh hoạt tuỳ theo từng thời điểm và trường hợp nhưng về cơ bản, để có thể thực hiện đại chiến lược đa phương, Việt Nam không được phép tham gia liên minh quân sự với bất kì nước nào, đặc biệt là Trung Quốc hoặc Mỹ. Mặc dù một liên minh quân sự đa phương trong khối ASEAN (nếu trở thành hiện thực) sẽ khác với một liên minh Việt – Mỹ nhưng từ góc nhìn của Bắc Kinh, vì rất nhiều nước ASEAN hiện nay có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc ở Biển Đông nên một liên minh ASEAN dưới con mắt của người Trung Quốc sẽ là một liên minh chống Trung Quốc. Do đó, chúng ta sẽ phải tránh tham gia một liên minh quân sự trong khối ASEAN nếu nó trở thành hiện thực trong tương lai, nếu Hà Nội muốn theo đuổi đại chiến lược đa phương.

Yếu tố quan trọng không kém là giữ khoảng cách gần vừa phải giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này không nhất thiết yêu cầu Việt Nam giữ quan điểm hoàn toàn trung lập trong các vấn đề liên quan tới hai nước này nhưng chúng ta sẽ phải thực hiện chính sách “cân bằng động”, tức thường xuyên điều chỉnh chính sách ngoại giao một cách linh hoạt tuỳ xem cán cân quyền lực nghiêng về nước nào và nước nào đang đe doạ an ninh của Việt Nam nhiều hơn. Như vậy Việt Nam sẽ cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng với Mỹ nhưng không liên minh với Mỹ và cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam. Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ chính sách tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông nhưng hạn chế đưa ra quan điểm thiên vị về phía Mỹ khi hai siêu cường có xung đột ở Biển Đông như khi Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn của Mỹ ở Biển Đông. Mặt khác, Việt Nam cũng không được tiến quá sát vào Trung Quốc và cần từng bước giảm bớt sự lệ thuộc về mặt kinh tế – chính trị của mình vào nước này. Việt Nam cần tiếp tục kiên trì quan điểm giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hoà bình trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế nhưng không nhượng bộ phía Trung Quốc nếu phải mặc cả lợi ích quốc gia cốt lõi. Việt Nam cũng không được phép công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông để nhận lấy sự thừa nhận quyền kiểm soát trên thực tế (de facto) các đảo hiện nay của Việt Nam ở Trường Sa.

Cuối cùng, để bù lại cho việc không có siêu cường nào “chống lưng”, Việt Nam sẽ phải tích cực đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ đối tác của mình trên mọi lĩnh vực và tham gia một cách thực chất vào các thiết chế hợp tác quốc tế trong và ngoài khu vực. Trên thực tế đây là những chính sách Việt Nam theo đuổi bấy lâu nay. Vì vậy chúng ta không chỉ đẩy mạnh hợp tác an ninh với Mỹ mà còn cần thúc đẩy quan hệ quốc phòng với các cường quốc có năng lực tiềm tàng và có lợi ích trong việc kiểm soát tham vọng của Trung Quốc ở Châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ và Nga. Hơn nữa, Việt Nam sẽ cần chủ động và tích cực thúc đẩy và tham gia xây dựng các thiết chế đa phương như ASEAN và thậm chí đề xuất các thiết chế đa phương mới nếu cần thiết để nâng cao vị thế cũng như sức ảnh hưởng thực sự của các quốc gia vừa và nhỏ trong khu vực. Điều này không nhất thiết yêu cầu Việt Nam phải đóng vai trò lãnh đạo của ASEAN nhưng sẽ yêu cầu chúng ta phải tích cực đóng góp cho cộng đồng này và đẩy mạnh quá trình cải tổ ASEAN, trước tiên bằng việc chuyển cơ chế đồng thuận sang cơ chế bỏ phiếu đa số, ít nhất trong một số vấn đề không ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các nước trong khối.

Điểm mạnh nhất của đại chiến lược đa phương là đảm bảo được gần như toàn vẹn chủ quyền của chúng ta bởi đường lối chính sách của Việt Nam sẽ do người Việt Nam quyết định.  Nếu tận dụng được một cách khéo léo, chúng ta có thể dùng siêu cường để đối trọng với siêu cường kia và nhận được sự hỗ trợ của cả hai như chúng ta từng làm với Liên Xô và Trung Quốc trong những năm 60. Hơn nữa, bằng việc duy trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, Việt Nam có thể sẽ nâng cao được vị thế của mình trong mắt bạn bè quốc tế và thậm chí trở thành một thế lực đáng kể trong khu vực. Điểm yếu rõ rệt là chiến lược này có thể sẽ không đảm bảo được an ninh cho Việt Nam, nhất là với tình hình an ninh khu vực đầy bất ổn hiện nay. Hơn nữa, “cân bằng động” dù là một ý tưởng hay trên giấy tờ nhưng sẽ khó để thực hiện tốt dược trên thực tế và nếu không khéo chính sách của ta sẽ rất dễ bị nghiêng về một bên. Mặt khác, nếu thời thế thay đổi và chúng ta không linh hoạt điều chỉnh kịp thời thì nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với hiểm hoạ từ Trung Quốc một mình mà không có sự trợ giúp của Mỹ.

4. Đại chiến lược biệt lập (isolationist grand strategy)

Lựa chọn cuối cùng cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam là theo đuổi đại chiến lược biệt lập. Lôgic chủ đạo đằng sau đại chiến lược biệt lập là Việt Nam càng tránh can dự sâu vào các vấn đề quốc tế thì càng dễ tránh được xung đột lợi ích với các nước khác. Về cơ bản, Việt Nam sẽ giữ quan điểm hoàn toàn trung lập giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông và giữ vững tuyệt dối nguyên tắc “3 Không” trong quốc phòng. Việt Nam cũng sẽ chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp hiện nay. Điều này không có nghĩa là Việt Nam sẽ co cụm và rút khỏi toàn bộ các cơ chế đa phương và tổ chức quốc tế nhưng chúng ta sẽ chỉ tham dự ở mức tối thiểu và hoàn toàn để bảo vệ lợi ích của riêng Việt Nam chứ không nhằm mục đích thúc đẩy lợi ích chung cho cả các nước khác trong khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ hạn chế tham gia vào các hiệp định đa phương để tối đa hoá sự chủ động và linh hoạt trong hoạch định và thực thi các quyết sách.

Ưu điểm của đại chiến lược biệt lập là ít nhất trên lý thuyết, nó sẽ đảm bảo được chủ quyền của Việt Nam bởi khi chúng ta rút lui khỏi đấu trường quốc tế và giữ quan điểm trung lập, đường lối chính sách của Việt Nam sẽ chịu ít sự chi phối từ bên ngoài.  Đổi lại, để áp dụng được chiến lược này triệt để thì Việt Nam phải có nội lực rất mạnh, một yêu cầu mà chúng ta chưa thể thoả mãn được tại thời điểm hiện nay. Nếu theo đuổi đại chiến lược biệt lập mà chúng ta buộc phải một mình đương đầu với một Trung Quốc hung hăng hiếu chiến thì rất khó để có thể  đảm bảo được an ninh cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh an ninh khu vực hiện nay. Vì vậy đây là một đại chiến lược khả dĩ cho Việt Nam nhưng nhiều khả năng sẽ không phải là một sự lựa chọn đúng đắn trong lúc này.

V. Lựa chọn chiến lược nào cho Việt Nam?

Nếu có bất kì “nguyên tắc vàng” nào trong quan hệ quốc tế đối với một nước nhỏ thì có lẽ là không nên liên kết với nước lớn nào nếu không phải đối mặt với một mối đe doạ an ninh trực tiếp. Nói cách khác, một nước nhỏ chỉ nên chọn liên minh với một siêu cường và đánh đổi sự độc lập của mình khi đó là lựa chọn không thể tránh khỏi.

Trong một khu vực với một siêu cường duy nhất, việc các nước nhỏ chọn hợp tác với siêu cường này là hoàn toàn hợp lý khi siêu cường không tìm cách thôn tính các nước nhỏ. Khi đối mặt với hai siêu cường, các nước nhỏ đương nhiên nên bắt tay với bên nào có thiện chí hợp tác hơn và ít đặt ra nguy cơ về an ninh hơn. Khi cả hai siêu cường đang cạnh tranh gay gắt mà không siêu cường nào trực tiếp đe doạ an ninh của các nước nhỏ thì các nước này nên đứng về phía siêu cường có khả năng cao sẽ thắng cuộc. Mặc dù vậy, khi mà kết quả của cuộc tranh đấu giữa hai siêu cường khó dự đoán trước được trong khi siêu cường yếu hơn lại là mối đe doạ an ninh lớn hơn về lâu dài đối với các nước nhỏ thì lựa chọn khôn ngoan nhất cho những nước này là thực hiện chính sách “cân bằng động”.

Thế giới hiện nay là một thế giới hai cực (bipolar world) với Mỹ và Trung Quốc là hai siêu cường hàng đầu. Hai siêu cường này đang cạnh tranh hết sức quyết liệt để giành lấy ngôi vương ở Châu Á. Hiện nay Trung Quốc là bên yếu thế hơn nhưng trận thư hùng của thế kỷ này vẫn chưa đến hồi kết thúc. Rất khó để kết luận ngay tại thời điểm hiện nay đâu sẽ là bên thắng cuộc. Do đó, để đối phó với những thách thức an ninh hiện nay, Việt Nam nên tiếp tục kiên trì đại chiến lược đa phương vốn là kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại của Việt Nam kể từ khi đất nước mở cửa đến giờ. Cho đến khi cục diện thế giới thay đổi một cách cơ bản và trận chiến ở Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc kết thúc, đại chiến lược đa phương vẫn là con đường tối ưu nhất để Việt Nam có thể bảo vệ được lợi ích quốc gia cốt lõi của mình.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, đại chiến lược đa phương không phải không tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Yếu điểm của đường lối đa phương là sự phụ thuộc lớn vào những yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của Việt Nam như kết quả của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Nếu chúng ta theo đuổi đường lối đa phương một cách cứng nhắc trong bối cảnh tình hình đã thay đổi, rất có thể Việt Nam sẽ buộc phải chuyển sang đại chiến lược thân Mỹ. Nhìn chung, đại chiến lược thân Mỹ không phải là lựa chọn lý tưởng nhất cho Việt Nam mà là lựa chọn bất khả kháng trước thách thức từ Trung Quốc nên nếu tránh được lựa chọn này thì chúng ta cần tránh.

Theo quan điểm của tác giả, cách tốt nhất để đảm bảo được rằng Việt Nam có thể tiếp tục đại chiến lược đa phương càng lâu càng tốt là nâng cao nội lực của bản thân và trở thành một đối tác đủ quan trọng với mọi cường quốc để luôn có những nước lớn sẵn sàng đảm bảo an ninh cho chúng ta trước bất kì mối đe doạ nào. Đây hoàn toàn không phải là một mục tiêu viển vông bởi trên thực tế, đây là điều mà Singapore đã làm được trong suốt thời gian qua. Quốc đảo này nhỏ hơn Việt Nam nhiều nhưng kể từ khi họ giành độc lập đến giờ, người Singapore chưa bao giờ bị tấn công xâm lược, dù là láng giềng của nhiều nước lớn hơn mình rất nhiều. Hai yếu tố quan trọng nhất đằng sau thành công này là chính sách ngoại giao khéo léo và nội lực mạnh. Các quân cảng của Singapore mở cửa cho tất cả hải quân của các quốc gia khác, tuy nhiên nó được thiết kế đặc biệt theo các chỉ số kỹ thuật của các chiếm hạm Mỹ. Do đó, dù Mỹ và Singapore không phải là đồng minh hiệp ước nhưng Mỹ vẫn có lợi ích rất lớn trong việc đảm bảo Singapore không rơi vào tay bất kể thế lực thù địch nào bởi ngày nào Singapore còn độc lập, ngày đó Mỹ còn một căn cứ quân sự và đối tác quốc phòng đáng tin cậy ở Châu Á. Đây là mô hình Việt Nam nên theo đuổi.

Một trong những con bài mặc cả vô cùng tiềm tàng mà Việt Nam đang có là chính sách quốc phòng “3 Không”. Trước mắt, Việt Nam cần duy trì nguyên tắc này nhưng khi đàm phán, chúng ta cần tuyên bố rõ rằng Việt Nam chỉ có thể duy trì “3 Không” trong chừng mực mà các cường quốc tạo điều kiện cho chúng ta giữ thế trung lập của mình. Nếu như Trung Quốc không muốn Việt Nam trở thành tiền đồn cho Mỹ, họ sẽ không dám gây sức ép lên chúng ta một cách thái quá. Do đó, dù nguyên tắc “3 Không” là cần thiết trong thời điểm này, chúng ta không nên giữ nó một cách cứng nhắc trong mọi hoàn cảnh mà nên dùng nó để mặc cả với các nước khác. Đây chính là vũ khí răn đe của một nước nhỏ: nếu anh không để tôi yên, tôi sẽ buộc phải liên minh với đối thủ của anh.

Hơn nữa, nếu tình hình tiếp tục diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho Việt Nam,  các nhà lãnh đạo ở Hà Nọi nên xem xét mở cửa quân cảng Cam Ranh cho hải quân một số nước có quan hệ quốc phòng thân thiết với Việt Nam. Mục đích của việc này là tạo thêm các mối gắn kết về lợi ích giữa Việt Nam và các cường quốc trong khu vực. Điều này sẽ tạo động lực để họ bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam, dù chúng ta có là đồng minh chính thức của họ hay không.

Bài học lớn thứ hai từ Singapore là để giữ được độc lập chủ quyền thì một quốc gia phải có nội lực mạnh. Tuy Singapore là một nước nhỏ nhưng lại có nền kinh tế phát triển bậc nhất ở Châu Á. Họ có một bộ máy quan chức tương đối trong sạch và hiệu quả. Nền chính trị dân chủ của Singapore không đi theo mô hình của Mỹ hay phương Tây nhưng vẫn ổn định trong suốt những thập kỷ qua. Việt Nam không phải là Singapore nên chúng ta sẽ không thể bắt chước y chang nhưng gì họ đã làm và hi vọng kết quả cũng sẽ được như họ. Tuy nhiên bài học ở đây rất rõ ràng, muốn đối ngoại được tốt thì trước tiên đối nội phải tốt, muốn đối nội được tốt phải có bộ máy chính trị tốt. Đối với Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc phải quyết liệt chiến đấu với nạn quan liêu và tham nhũng, hạn chế phân hoá giàu nghèo trong xã hội và đồng thời nâng cao tính trạnh canh của nền kinh tế Việt Nam bằng cách đẩy mạnh tư nhân hoá và tái cơ cấu nền kinh tế theo xu hướng của thời đại. Đây sẽ không phải là mục tiêu có thể đạt được trong một sớm một chiều, tuy nhiên là điều hết sức cần thiết nếu chúng ta muốn đảm bảo được an ninh quốc gia và tiếp tục duy trì được đường lối đối ngoại đa phương hiện nay.

Trong tương lai xa hơn, khi Việt Nam đã có nội lực đủ mạnh, chúng ta thậm chí có thể tiến thêm một bước để trở thành “sức nặng quyết định” (decisive weight) trong quan hệ Mỹ-Trung. Chiến lược sức nặng quyết định sẽ là dạng chủ động nhất của đại chiến lược đa phương. Khi đó Việt Nam sẽ không còn chi là một quân bài để các cường quốc mặc cả với nhau mà sẽ trở thành một thế lực mang tính cân bằng và điều hoà trong quan hệ Mỹ-Trung. Khi Mỹ quá lấn lướt Trung Quốc, Việt Nam sẽ hợp lực với người láng giềng của mình để tạo thế cân bằng. Khi Trung Quốc có tham vọng bá quyền, chúng ta sẽ bắt tay với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Việt Nam không có đủ điều kiện thuận lợi để trở thành một cường quốc nhưng chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một công dân tích cực của thế giới, một lực lượng vì hoà bình khu vực. Đó mới là cách lý tưởng nhất để chúng ta bảo đảm an ninh cho chính mình và cho các thế hệ mai sau./.

—–

Ngô Di Lân là Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Brandeis, Hoa Kỳ. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2017/03/04/dai-chien-luoc-cho-viet-nam-trong-tk-21/

Đăng tải tại Chủ quyền biển đảo | Bình luận về bài viết này

NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN ÁO DÀI

Trần Đức Anh Sơn

Tôi có cô bạn người Pháp, Monique Alia, rất yêu quý đất nước và văn hóa Việt Nam. Festival Huế tôi mời cô sang Huế chơi. Ngay khi đến Huế, Monique nói là muốn có một bộ áo dài Huế để mặc trong những ngày rong ruổi dự Festival Huế.

Tôi đưa Monique đến Chi, hiệu may áo dài nổi tiếng ở đường Mai Thúc Loan bên trong Thành Nội. Trong khi chọn vải, bất chợt Monique hỏi tôi: “Áo dài Việt Nam có tự bao giờ? Anh có thể kể cho tôi nghe về lịch sử chiếc áo dài được không?”.

Sau một thời gian sưu tra tài liệu và phỏng vấn nhiều chứng nhân của áo dài, tôi muốn trả lời Monique Alia bằng những trang viết này.

Nhiều nguồn sử liệu Việt Nam cho biết chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam ra đời và năm 1744, bởi một mệnh lệnh hành chính của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, người đang trấn trị xứ Đàng Trong lúc đó. Vì muốn thể hiện độc lập tuyệt đối với chính quyền Đàng Ngoài sau gần 200 năm ly khai, nên Võ vương muốn cải biên phong hóa, trang phục của Đàng Trong cho khác với Đàng Ngoài.

ao-dai-01

Đôi tân lang – tân nương trong trang phục áo dài thời Nguyễn. Ảnh tư liệu.

Bấy giờ, phụ nữ Đại Việt từ Bắc chí Nam đều mặc váy với áo tứ thân, đầu vấn khăn bọc tóc. Đàng Trong tuy là đất mở cõi ở phương Nam của chúa Nguyễn, nhưng dân cư có gốc gác từ Đàng Ngoài, nên phong hóa cũng không khác Đàng Ngoài là mấy. Để phân biệt với Đàng Ngoài, Võ vương bắt buộc phụ nữ Đàng Trong phải mặc quần 2 ống cho dù dân chúng phản đối quyết liệt. Về sau, thấy phụ nữ mặc quần 2 ống không được kín đáo cho lắm, Võ vương giao cho triều thần tham khảo áo dài của phụ nữ Trung Hoa, kết hợp với chiếc áo dài bít tà của phụ nữ Champa để chế ra chiếc áo dài dùng cho phụ nữ Đàng Trong. Chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam ra đời từ đó.

ao-dai-02

Một đôi vợ chồng quý tộc thời Nguyễn trong trang phục áo dài. Ảnh tư liệu.

Sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, phần Tiền biên viết về các đời chúa Nguyễn, có chép sắc dụ này: “Thường phục thì đàn ông đàn bà dùng áo cổ đứng, ngắn tay, cửa ống tay rộng hay hẹp tùy tiện. Áo thì 2 nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn, ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép”.

Sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776, chép: “Năm Giáp Tý niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 5 (1744), Hiểu Quốc công Nguyễn Phúc Khoát xưng vương hiệu. Áo mão chế theo sách ‘Tam tài đồ hội’ (…), bắt con trai con gái 2 xứ Thuận Hóa, Quảng Nam phải đổi cách ăn mặc, dùng áo quần như người Trung Hoa, cốt tỏ cho thấy sự thay đổi hẳn lề lối ăn mặc của người xưa. Đàn bà con gái 2 xứ phải mặc áo ngắn, chật ống tay như áo của đàn ông”.

Sử liệu ghi như vậy, nhưng thực tế thì vào năm 1956, khi khai quật 3 ngôi mộ ở cánh đồng Bà Chúa (Thanh Hóa), các nhà khảo cổ đã phát hiện thi hài 2 phụ nữ thời Lê – Trịnh còn nguyên vẹn, đều mặc áo dài 5 thân may bằng gấm màu cổ đồng, khá gần gũi với áo dài tân thời sau này.

Như vậy có thể thấy rằng trước thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, ở Đàng Ngoài cũng đã có áo dài rồi. Nhưng đó không phải là chiếc áo dài như vẫn thấy sau này. Phải chăng đã có một sự lan tỏa ngược ra Bắc của chiếc áo dài 2 tà của Đàng Trong, rồi kết hợp với chiếc áo 5 thân của Đàng Ngoài để khai sinh nên chiếc áo dài Việt Nam sau này?

Sang thời Nguyễn (1802 – 1945), vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), nhà vua xuống dụ: “Nhà nước ta bờ cõi hợp nhất, văn hóa cùng nhau, há nên có việc làm và quy chế khác… Nay thấy Nam Bắc một nhà, cùng chung phong hóa tập quán, duy về khoản áo mặc của sĩ dân ở các thành, hạt vẫn còn khác nhau. Vậy thiết tha xuống lời dụ này: Các đại thần nên sức cho thần dân trong hạt, phàm cách thức áo mặc đổi theo cách thức như Quảng Bình trở vào Nam, chuẩn cho đến cuối mùa xuân năm Minh Mạng thứ 10, nhất tề sửa đổi lại, để nêu ý nghĩa vâng theo phép vua”. (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nội các triều Nguyễn biên soạn). Lệnh trên của vua Minh Mạng khiến dân tình xôn xao, phản ứng bằng 4 câu ca: “Tháng Tám có chiếu vua ra. Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng. Không đi thì chợ không đông. Đi thì bóc lột quần chồng sao đang?”. Nhưng dù sao thì việc “cấm váy” của vua Minh Mạng đã tạo cơ hội cho phụ nữ Việt Nam được mặc áo dài. Từ đó mà áo dài lan tỏa khắp cả nước.

ao-dai-06

Gia đình vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, hai con gái và Đức Từ Cung trong trang phục áo dài truyền thống. Ảnh tư liệu.

Trong thời kỳ đầu, áo dài của phụ nữ Việt Nam là chiếc áo “tứ thân”, phía trước và phía sau đều có 2 vạt như nhau, “đấu sống” ở chính giữa. Sở dĩ như thế là do khổ vải thời ấy chỉ hẹp khoảng 40 – 50 cm. Thân áo nối với tay áo ở đoạn giữa vai và khuỷu tay; ống tay rất dài và hẹp; cổ áo độn cứng, cao khoảng 2 – 3 cm. Thân áo dài vừa phải, quá gối chừng 25 – 30 cm. Áo dài của các hoàng hậu, công chúa, của các mệnh phụ, thiếu nữ quý tộc thường may bằng sa, lĩnh, gấm, vóc, thêu hình chim phượng, chim loan; vạt dưới thêu văn thủy ba, hoa lá, tản vân bằng chỉ kim tuyến. Áo thường dân cũng thể theo kiểu ấy, nhưng dùng vải kém hơn và không có hoa văn trang trí. Bấy giờ phụ nữ Kinh kỳ mặc áo dài cùng quần 2 ống may bằng sa trắng, cổ đeo kiềng vàng, chân đi hài nhung hoặc guốc Kinh. Phụ nữ thị thành miền Bắc mặc áo dài 5 thân, tóc quấn vào khăn vấn quanh đầu, cổ đeo chuỗi hạt, chân đi hài cỏ. Trong khi đó, phụ nữ nông thôn vẫn gắn bó với váy yếm, áo tứ thân, nón quai thao trong các dịp lễ lượt, hội hè.

Cuộc cách tân áo dài lần đầu tiên diễn ra vào những năm đầu thập niên 1920, bắt đầu từ các trường học. Chiếc áo dài tân thời với 2 vạt áo liền mảnh do khổ vải dệt rộng hơn ra đời, thay thế cho vạt áo “đấu sống” thuở trước. Nữ sinh đi học mặc áo dài, tóc kẹp, buông sau lưng, chân đi guốc mộc, tay ôm cặp sách đã trở thành một hình mẫu thời trang mới. Song phải đợi đến đầu thập niên 1930 thì chiếc áo dài của phụ nữ Việt mới có những cuộc cách tân sâu sắc.

ao-dai-03

Thiếu nữ Bắc Kỳ mặc áo dài Le Mur của họa sĩ Nguyễn Cát Tường. Ảnh tư liệu.

ao-dai-04

Áo dài của phụ nữ Bắc Kỳ thập niên 1930. Ảnh tư liệu.

Bấy giờ ở Hà Nội và Hải Phòng, có 2 họa sĩ tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương, là Lê Phổ và Nguyễn Cát Tường. Họ là những người tiên phong cách tân áo dài Việt Nam. Trong xu thế Âu hóa trang phục và nhu cầu đổi mới của chị em phụ nữ, 2 họa sĩ Lê Phổ và Nguyễn Cát Tường đã chọn chiếc áo dài 5 thân cổ xưa để cải biến. Với chiếc áo cũ rộng thùng thình, những đường cong gợi cảm mà Tạo hóa ban cho nữ giới đã bị làm cho khuất lấp. Cổ áo lại to, che kín chiếc cổ cao 3 ngấn diễm kiều của những thiếu nữ khuê phòng. Năm 1934, trên báo Phong Hóa, họa sĩ Nguyễn Cát Tường tuyên bố: “Y phục của các bạn gái, tôi xem thấy có nhiều điều bất tiện mà lại không có vẻ chi là mỹ thuật. Tuy rằng vài năm gần đây cũng có một vài phần sửa đổi (…) chẳng qua chỉ ở mấy cái mầu sắc sặc sỡ, mấy thứ hàng lạ nước ngoài (…) còn thì vẫn kiểu áo lòe xòe ấy, vẫn cái quần lụng thụng đen ngòm ấy. Hoặc giả cũng có người ưa mặc quần trắng song tiếc rằng số đó vẫn rất ít (…). Cần sửa đổi dần: Trước hết phải hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, mực thước của thân hình mỗi bạn. Sau nữa phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật và lịch sự (…) cũng phải có tính cách riêng của nước nhà”.

Họa sĩ Lê Phổ cũng nhắm vào những hạn chế ấy để cải tiến áo dài bằng cách thu nhỏ cổ và tà áo dài. Thân áo được thu hẹp để ôm kín thân người phụ nữ. Nguyễn Cát Tường thì tiến xa hơn khi tạo ra kiểu áo Le Mur (một cách chơi chữ tiếng Pháp từ tên của ông) vào năm 1936. Đó là kiểu áo nối vai thay vì nối tay như trước; vai áo lại bồng lên như kiểu áo đầm của châu Âu. Nguyễn Cát Tường còn chủ ý tạo ra các đường pince để thu nhỏ phần eo, nâng cao tầm hông và phần ngực, nhằm làm nổi bật những đường, khối tuyệt mỹ của người phụ nữ. Kiểu áo Le Mur của ông đã thu hút sự chú ý của giới nữ và dư luận, thổi vào thời trang áo dài đương thời một luồng gió mới. Ở nhiều nơi khác, chiếc áo dài cách tân ấy đã gây được những ảnh hưởng khác nhau, tùy theo tâm tính, sở thích của nữ giới từng miền: thiếu nữ Hà Nội thích chọn áo dài có gam màu tươi, mặc với quần lụa trắng, đi giày cao; thiếu nữ Huế thì mặc áo dài màu tím Huế, đội nói bài thơ, chân đi guốc Kinh… Áo dài kiểu Huế có độ dài vừa phải, eo cũng ít thắt, không bó quá sát đến mức khêu gợi mà tạo cho người mặc một dáng đi khoan thai, mềm mại; lúc đứng hay ngồi đều nền nã, đoan trang.

Kiểu áo dài tân thời được tinh chọn và hoàn thiện dần qua mấy mươi năm, được đông đảo giới nữ ưa thích, tồn tại cho đầu thập niên 1960 thì lại “đụng phải” một trào lưu mới: kiểu áo Trần Lệ Xuân với chiếc cổ decolaté. Bà đệ nhất phu nhân Việt Nam Cộng hòa lúc ấy không thích mặc áo dài có cổ cao như thiên hạ, nên đã tạo nên chiếc áo dài cổ decolaté, xuất hiện lần đầu vào năm 1958, với cổ áo khoét sâu, lộ cả đường chân ngực, vai áo bồng, tà áo ngắn. Thi thoảng, phần trên thân áo được may 2 lớp, trong may bằng soie (lụa), ngoài may bằng voan, ống tay nối với thân áo ở vị trí của vai.

ao-dai-10

Bà Trần Lệ Xuân mặc áo với kiểu cổ decolaté nổi tiếng một thời. Ảnh tư liệu.

Kiểu áo Trần Lệ Xuân ra đời chỉ được nữ giới thượng lưu ở Sài Gòn bấy giờ và một số thanh nữ thức thời tiếp nhận, còn đa phần phụ nữ miền Nam lúc đó vẫn thích kiểu áo kín đáo với cổ cao, vạt áo dài chấm gót chân. Để tạo đường eo, bên trong thân áo người ta luồn một sợi cước vòng quanh eo. Với người có vòng eo trung bình là 70 cm thì eo của áo là 69 cm, còn sợi cước chỉ dài 68 cm, nhằm giữ đường pince của áo khỏi bị bể. Mặc chiếc áo kiểu này, nét quyến rũ nữ tính được nhân lên bội phần. Ở Huế thuở đó áo dài của cô dâu thường được mặc thành cặp. Áo trong màu hồng, áo ngoài màu xanh, hoặc áo trong màu hồng nhạt, áo ngoài màu đỏ. Người Huế cho là sự vật gì cũng phải có đôi, có đũa thì mới bền lâu. Vậy nên cô dâu mới mặc áo kép trong ngày vu quy.

SONY DSC

Người mẫu Ngọc Hân trong trang phục áo dài. Ảnh: Đào Hoa Nữ.

Khoảng những năm 1967 – 1968, ở Sài Gòn xuất hiện kiểu áo dài tay raglan (giác lăng), tức là kiểu áo ráp tay ở sát chân cổ, xuôi ra phía nách, khác với kiểu áo “can tay” hay “can vai” như trước. Vạt can của áo (người Huế gọi là vạt trò) cũng biến mất. Các đường pince cũng dần dần bị loại bỏ khỏi thân áo. Áo dài tay raglan xuất hiện ở Huế bởi những thiếu nữ tiên phong như cô Nhạn con của ông chủ tiệm vàng Vĩnh Hòa, chị em Trịnh Vĩnh Tâm – Trịnh Vĩnh Trinh nhà Trịnh Công Sơn, ca sĩ Khánh Ly… Sau đó thì mới đi dần vào công chúng. Thời kỳ này áo dài vẽ hoa văn trang trí bắt đầu xuất hiện. Đó là loại áo vừa vẽ hoa bằng thuốc màu, vừa thêu hình chim, bướm bằng chỉ thêu. Khoảng sau năm 1974, áo vẽ nhường chỗ cho áo dài có cài hoa giả và đính cườm, nhất là áo dài cưới. Đến đầu thập niên 1990 thì áo vẽ xuất hiện trở lại với chất liệu và hoa văn ngày càng cách tân và vô cùng phong phú.

ao-dai-12

Thiếu nữ Huế trong trang phục áo dài. Ảnh: Đào Hoa Nữ.

Ngày nay, việc mặc áo dài đã phổ biến trở lại, nhưng nó vẫn là một thứ lễ phục hơn là thường phục của phái đẹp. Nhiều nhà tạo mẫu áo dài Việt Nam xuất hiện khắp trong Nam, ngoài Bắc và ở hải ngoại. Họ đua nhau cách tân, sáng tạo nhiều kiểu áo dài mới lạ, hấp dẫn, bắt mắt. Tuy nhiên kiểu áo dài truyền thống đã định hình trong gần 1 thế kỷ qua vẫn được phụ nữ Việt Nam yêu thích hơn cả.

Áo dài Việt Nam, người mặc là nữ giới, nhưng người ngắm lại là nam giới. Cái độc đáo của áo dài Việt Nam là tuy kín mà hở, khác với chiếc xường xám của phụ nữ Trung Hoa là tuy hở mà kín. Xường xám Trung Hoa xẻ tà cao đến gối, cố tình khoe cặp chân thon của người mặc, nhưng chỉ xẻ một bên nên tà áo không lật, không bay. Áo dài của phụ nữ Việt Nam mặc với quần trắng, tưởng kín đáo nhưng lại gợi cảm vô cùng. Tà áo xẻ quá eo, để lộ một chút thân thể ngà ngọc của quý cô, quý bà, nhưng đủ làm bao đấng mày râu xao xuyến. Gặp cơn gió thoảng, tà áo tung bay thì cái thấp thoáng tưởng chừng rất kín đáo ấy lại gợi mở những suy tưởng mãnh liệt nơi các trang nam tử. Có lẽ vì thế mà người Pháp đã dùng chữ demi-sexy khi nói về áo dài của phụ nữ Việt Nam. Thử hỏi có dân tộc nào có được bộ nữ phục độc đáo và lạ lùng đến thế: vừa nghiêm trang, vừa gợi cảm vô cùng.

Chợt nhớ hôm Monique Alia mặc chiếc áo dài mới may đến khoe với tôi: “Trông thế nào?”. Tôi bảo: “Xinh đẹp, gợi cảm y như một thiếu nữ Việt Nam”. Cô đỏ mặt, sung sướng, rồi lẩm nhẩm hát bằng tiếng Việt: “Tà áo em, bay bay bay bay trong gió nhẹ nhàng. Tà áo em, bay bay bay bay trên phố dịu dàng (…) Đẹp biết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu…”. Lúc đó hồn tôi cũng bay bổng theo lời ca, và trở nên bối rối khi ngọn gió xuân bất ngờ cuốn tung tà áo dài của Monique Alia bay lên, bay lên…

T.Đ.A.S.

Đăng tải tại Di sản văn hóa | Bình luận về bài viết này

NƯỚC MẮM – LINH HỒN ẨM THỰC VIỆT

Trần Đức Anh Sơn

Điều gì làm nên sự khác biệt giữa ẩm thực Việt Nam với ẩm thực của phần còn lại của thế giới? Đó chính là nước mắm, cho dù Việt Nam không phải là nơi duy nhất “ăn” nước mắm, càng không phải là nơi khai sinh ra thứ “nước cốt thần thánh” này.

* Từ ngàn xưa đã là đặc sản

Sử liệu và chứng tích khảo cổ học được các nhà sử học châu Âu công bố cho biết nước mắm ra đời từ Carthage, một nước cộng hòa cổ ở Bắc Phi, nay là một phần của Tunisia. Từ thế kỷ II trước Công nguyên, cư dân Carthage đã phát minh ra kỹ thuật ướp cá biển với muối, kết hợp với sức nóng của ánh mặt trời vùng Địa Trung Hải để tạo ra thứ nước mắm Carthage, không chỉ để dùng mà còn để bán sang các nước láng giềng ở bờ bên kia Địa Trung Hải.

Năm 146 trước Công nguyên, người La Mã thôn tính Carthage và chiếm đoạt luôn bí quyết chế biến nước mắm của người Carthage. Từ Bắc Phi, kỹ nghệ làm nước mắm được du nhập vào La Mã, rồi lan tỏa đến các xứ Cartagena và Baelo Claudia (nay thuộc Tây Ban Nha) và Bretagne (nay thuộc Pháp), được dân châu Âu cổ xưa gọi bằng một cái tên chung là garum. Dấu tích của garum trong nền ẩm thực châu Âu hiện hữu trong cổ sử La Mã và trong những chiếc bình gốm cổ cao gọi là amphora, từng là bình đựng garum, nay đang trưng bày trong Bảo tàng Pompei (Ý) và trong một phế tích khảo cổ ở vùng Bretagne thuộc Pháp.

Vào thế kỷ V sau Công nguyên, từ châu Âu, garum và kỹ thuật chế biến ra thứ nước cốt này đã theo “con đường tơ lụa trên biển” thâm nhập vào châu Á, trở thành yulu (魚露: ngư lộ) của người Trung Hoa, ishiri (nước mắm làm từ mực) và ishiru (nước mắm làm từ cá) của người Nhật Bản, nam pla của người Thái, kecap ikan của người Indonesia, patis của người Philippines, hay nước mắm của người Việt…

Trong gần 1.000 năm, từ thế kỷ V đến thế kỷ XIV, nước mắm đã được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực Trung Hoa và ẩm thực Nhật Bản, cho đến khi người Tàu tìm ra cách thức ủ men đậu nành để làm ra nước tương và dùng thứ nước này làm gia vị thay cho nước mắm, thì nước mắm mới bị lãng quên dần và rời khỏi nền ẩm thực của cả Trung Hoa lẫn Nhật Bản.

Không có nguồn sử liệu nào ghi lại thời gian và nơi khai sinh ra nước mắm ở Việt Nam, ngoại trừ một số tư liệu truyền khẩu cho rằng người Việt học cách làm nước mắm từ người Chăm. Tuy nhiên, những phát hiện khảo cổ học và một số sử liệu liên quan đã góp phần xác nhận điều này. Theo đó, về vương quốc Champa ở vùng Nam Trung bộ Việt Nam hiện nay từng là một “cường quốc biển”. Thuyền buôn của người Chăm từng vượt biển đi buôn bán với các nước Arab, sang tới Địa Trung Hải. Các nhà khảo cổ học ở Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Đại học Sydney (Úc) đã tìm thấy một con tàu đắm chở các thùng gỗ chứa nước mắm trên một thương thuyền Champa sang buôn bán với La Mã cổ đại (khoảng thế kỷ IV sau Công nguyên).

Cuốn Việt sử đầu tiên có đề cập nước mắm là “Đại Việt sử ký toàn thư”, bản khắc in vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697), khi viết về sự việc vua Tống Chân Tông của nhà Tống ở Trung Hoa vào năm 997 đã ban chiếu phong vương cho vua Lê Đại Hành của Đại Việt và bãi bỏ lệnh đòi Đại Việt cống nước mắm mà triều đình Trung Hoa đã đặt ra trước đó. Như vậy thì muộn nhất là vào thế kỷ X, người Việt đã biết làm và dùng nước mắm. Nước mắm lúc đó là một đặc sản của người Việt, tiếng tăm lan tận Trung Hoa, khiến vua chúa nước này phải đòi Đại Việt triều cống nước mắm cho họ dùng, trước khi họ chuyển sang dùng nước tương từ thế kỷ XIV.

* Là nguyên liệu, gia vị, dược liệu

Vậy là nước mắm Việt đã có một lịch sử lâu đời, chí ít cũng hơn 1.000 năm tuổi. Và, cho dù nước mắm được phát minh ở châu Phi, được người châu Âu tiếp nhận rồi lan truyền sang châu Á; cho dù người Tàu và người Nhật biết đến và sử dụng nước mắm trước người Việt Nam cả 500 năm; cho dù người Hàn Quốc, người Thái Lan, người Philippines ngày nay vẫn còn dùng nước mắm trong nền ẩm thực của họ. Thì, nước mắm vẫn là tinh hoa của ẩm thực Việt, là tiêu chí để nhận diện ẩm thực Việt. Vì sao như vậy?

nuoc-mam-01b

Nhà thùng làm nước mắm ở Phú Quốc. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Trước tiên là vì cái cách mà người Việt dùng nước mắm trong nền ẩm thực của mình. Nếu người các xứ khác coi nước mắm chỉ là thứ dung môi để bảo quản thực phẩm như người Hàn Quốc dùng nước mắm trong chế biến kim chi, hay coi nước mắm là một thứ gia vị nêm nếm để làm cho món ăn ngon hơn như người Thái dùng nước mắm trong các món gỏi…, thì nước mắm vừa là nguyên liệu, vừa là gia vị, vừa là món ăn chính, vừa là dược liệu trong nền ẩm thực Việt Nam.

Là nguyên liệu bởi hầu như tất cả món ăn của người Việt đều phải dùng đến nước mắm, đặc biệt là các món luộc, món gỏi. Nếu không có nước mắm được chế biến thành nước chấm thì các món này sẽ bất thành, vì tự thân chúng không thể trở thành một món ăn mà phải “sống” nhờ vào nước mắm và các loại nước chấm có sử dụng nước mắm (hay nước tương) để chế biến.

Là gia vị bởi ngoài thực phẩm chay, thì hầu như món ăn nào của người Việt cũng đều dùng nước mắm để nêm nếm nhằm tăng thêm hương, thêm vị và thêm chất, khiến cho món ăn trở nên ngon hơn, đậm đà hơn và quyến rũ hơn. Mà cái sự nêm nếm bằng nước mắm của người Việt mới phong phú, tinh tế và vi diệu làm sao: có món phải ướp nước mắm trước khi nấu mới ngon – như các món kho; có món vừa nêm vừa nấu thì nước mắm mới làm dậy mùi thức ăn – như các món xào; có món nấu chín rồi mới nêm thêm chút nước mắm để cho “vừa miệng” – như món canh; có món vừa ăn vừa nêm tùy theo khẩu vị của từng người – như món cháo…

Là món ăn chính là bởi vì tự thân nước mắm đã là một món ăn. Chỉ cần chan chút nước mắm lên chén cơm trắng hay những sợi bún tươi làm từ gạo là người Việt đã có được một bữa no. Nếu có thêm chút chanh, ớt, tỏi, đường nêm vào chén nước mắm nguyên chất; hoặc là rim nước mắm cùng với những thứ gia vị miền quê trên bếp lửa riu riu để trở thành món kho quẹt của người Nam Bộ thì món nước mắm đơn sơ ấy đã được “lên đời” thành một món ngon, nhất là đối với những người cần lao.

Là dược liệu hữu ích khi nước mắm cung cấp độ đạm cao cho người ăn. Đó là thứ đạm từ cá, vốn lành tính, tốt và an toàn cho sức khỏe của con người hơn so với đạm từ thịt động vật. Với người dân miền biển, nước mắm là một thứ dưỡng chất bồi bổ sức khỏe và tăng cường sinh lực. Vì thế trước khi lặn xuống biển sâu để đánh bắt hải sản, họ thường uống hay ngậm một ngụm nước mắm để chống lạnh và đề kháng với sức nước ép của nước biển. Nước mắm có công dụng kỳ diệu như vậy đó.

Thứ đến, nước mắm chính là linh hồn của ẩm thực Việt, là thứ làm cho ẩm thực Việt khác với ẩm thực của các nước khác, thậm chí, có người còn cho rằng nước mắm là thứ có thể làm biến đổi món ăn của tha nhân thành món ăn Việt. Vì thế mà có chuyên gia ẩm thực đã nhận xét: “Bất cứ món ăn nào của Trung Hoa hoặc Pháp có sự góp mặt của nước mắm trong đó, đã trở thành món ăn Việt Nam. Giá trị của nước mắm vì thế trở nên độc nhất vô nhị trong nghệ thuật ẩm thực nói riêng, trong sức sống mạnh mẽ của văn hóa Việt Nam nói chung”. Thoạt nhìn bề ngoài, nhiều món ăn Việt trông rất giống món ăn của Trung Hoa, Thái Lan hay Hàn Quốc, chỉ có thể phân biệt được là nhờ nước mắm, được sử dụng như một thứ gia vị đặc hữu và được nhận diện bởi hương vị đặc trưng của nó.

nuoc-mam-02

Chén nước mắm ăn kèm món bún bò giò heo ở Huế. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Sau cùng, nước mắm biểu trưng cho sự đoàn kết và chia sẻ trong bữa cơm của người Việt. Ở đó, chén nước mắm đặt chính giữa mâm cơm, tuy ít, lại không phải là cao lương mỹ vị, nhưng là món mà mọi người đều hướng đến, đều dùng và dùng vừa đủ mà không hề có ý độc chiếm, hay dùng nhiều hơn như đối với những món ăn khác. Có thể nói, trong bữa cơm Việt, mọi người đều dân chủ và bình đẳng như nhau trước chén nước mắm. Liệu có món ăn nào tải được giá trị nhân văn lớn lao như vậy hay không?

Với những giá trị: dinh dưỡng, lịch sử, văn hóa và nhân văn như vậy, nước mắm xứng đáng được tôn vinh đặc biệt ngành thực phẩm, trở thành đại sứ của nền ẩm thực Việt Nam. Càng không nên vì lợi nhuận thương trường mà đẩy nước mắm vào cuộc chiến khốc liệt khiến cho nước mắm bị tổn thương, sau khi đã có hơn 1.000 năm yên bình nâng niu bữa ăn Việt.

T.Đ.A.S.

Đăng tải tại Di sản văn hóa | Bình luận về bài viết này

NGƯỜI GIỮ HỒN CỦA HUẾ XƯA

Trần Đức Anh Sơn

Khi đẩy cánh cửa gỗ khép hờ để bước vào Lạc Tịnh Viên cách đây hơn 10 năm, tôi không nghĩ rằng mình sẽ còn trở lại nơi này nhiều lần; và tuyệt nhiên không nghĩ rằng mình có cơ hội gặp gỡ, chuyện trò và làm bạn vong niên với một người phụ nữ lịch lãm và điệu đà bậc nhất xứ Huế. Bà là Công Tằng Tôn Nữ Khánh Nam, người giữ hồn cho Lạc Tịnh Viên, biệt phủ nằm bên dòng sông An Cựu và là biểu trưng cho nền văn hóa nhà vườn của miền đất sông Hương – núi Ngự.

khanh-nam-01b

Bà Công Tằng Tôn Nữ Khánh Nam, người giữ bóng thời gian cho Lạc Tịnh Viên trong hơn nửa thế kỷ qua. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Lạc Tịnh Viên do ông hoàng Nguyễn Phước Hồng Khẳng (1861 – 1931), con trai trưởng của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819 – 1870) tạo lập vào năm 1889. Từ mái nhà tranh đơn sơ lúc khởi dựng, dùng làm nơi ở của thân mẫu, ông hoàng Hồng Khẳng đã biến nơi này thành một không gian của kiến trúc đình viên theo lối Huế; là nơi lưu giữ nền nếp và gia phong của một gia đình quý tộc Huế xưa; cũng là nơi bảo lưu và trao truyền hữu hiệu nhất nét tinh tế, sự lịch lãm, tính hiếu thuận và lòng nhân từ của tính cách Huế.

khanh-nam-03

Lạc Tịnh Viên. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Trong lần đầu gặp gỡ, bà Khánh Nam đã để tôi ngồi chờ trong tòa Nhân Hậu, nơi tiếp khách của chủ nhân Lạc Tịnh Viên trong gần nửa giờ. Sau này tôi mới hay là bà cần chừng đó thời gian để chải tóc, trang điểm, chọn áo dài và chiếc phu-la cho phù hợp với chiếc áo dài ấy và để soạn sửa một ấm trà ngon, một dĩa mứt gừng để tiếp khách.

Khi bà xuất hiện phía sau những hàng cột gỗ đẫm màu thời gian của tòa Hy Trần Trai, kiến trúc chính của Lạc Tịnh Viên, khoan thai bước từng bậc cấp tiến về phía tôi, thì tôi lập tức bị cuốn hút bởi sự lịch lãm, nét quý phái tỏa ra từ thần thái của bà. Sau lúc sơ vấn và biết được mục đích chuyến viếng thăm của tôi, bà mời tôi dùng trà mứt và bắt đầu câu chuyện về hành trình gian truân gìn giữ di sản Lạc Tịnh Viên.

khanh-nam-02b

Chân dung bà Công Tằng Tôn Nữ Khánh Nam do người con trai của bà vẽ. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Trước khi nhà Nguyễn cáo chung vào tháng 8 năm 1945, thì đời sống của tầng lớp quý tộc Nguyễn triều đã sa sút. Những khoản chu cấp thường niên từ triều đình cho các ông hoàng bà chúa đã bị sút giảm hoặc ngưng hẳn. Chủ nhân các vương phủ phải tự lực cánh sinh, nhờ vào những của cải tích cóp được lúc thịnh thời. Vốn sống vương giả, nay phải làm quen với cuộc sống tằn tiện thật không dễ dàng với nhiều người. Trong khi đó, những tòa kiến trúc cả trăm năm tuổi đã bắt đầu rệu rã trước sự tấn công của thời gian, khí hậu, thời tiết và cả bom rơi đạn lạc trong những năm chiến tranh. Vì thế, nhiều phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa thời Nguyễn đã xuống cấp và tàn tạ dần.

khanh-nam-04

Một góc Lạc Tịnh Viên. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Vậy nhưng, Lạc Tịnh Viên vẫn vững chải vượt qua những thử thách khắc nghiệt để trường tồn với Huế. Đó là nhờ các thế hệ hậu duệ của ông hoàng Nguyễn Phước Hồng Khẳng đã biết chung tay để giữ nếp nhà, đặc biệt là nhờ sự lèo lái của nữ chủ nhân Công Tằng Tôn Nữ Khánh Nam. Người phụ nữ mảnh mai ấy đã dường như giành trọn đời mình để bảo lưu những giá trị tốt đẹp của Lạc Tịnh Viên: từ việc giữ gìn nguyên vẹn các công trình kiến trúc đến việc bảo tồn cảnh quan vườn tược, tránh bị “chia năm xẻ bảy” vì nhiều lý do khác nhau; từ việc bảo lưu những vật dụng, sách vở, đồ gia dụng của tiền nhân nay đã trở thành những cổ vật vô giá cho đến việc duy trì lối sống thường nhật của một gia đình quyền quý trong hoàn cảnh do kinh tế sa sút. Đó thực sự là một kỳ công.

Nhờ vậy mà giữa phố xá ồn ào tấp nập của một Huế đang trong quá trình đô thị hóa, Lạc Tịnh Viên vẫn giữ nguyên vẻ uy nghi, cổ kính: từ chiếc cổng vòm có đôi câu đối chữ Hán thâm trầm mà dung dị, cho đến những tòa nhà rêu phong đang lưu giữ dấu ấn thời gian qua từng viên ngói, hàng gạch, qua từng nét chạm trổ trên các vì kèo, liên ba, đố bản; từ bức bình phong che chắn cho nếp nhà rường trầm mặc bên trong khỏi những xô bồ, náo nhiệt của phố phường bên ngoài, cho đến mảnh vườn với những gốc cây, chậu cảnh tạo nên một không gian sống rất riêng của Huế.

khanh-nam-05

Những vật dụng bình thường trong Lạc Tịnh Viên đều được nữ chủ nhân biến thành tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Bà kể với tôi: sau ngày hòa bình, cả Huế đều lam lũ mưu sinh, gia cảnh của bà cũng sa sút. Bà phải ăn cơm độn, mặc áo cũ; phải cuốc xới mảnh vườn trong Lạc Tịnh Viên, vốn chỉ trồng hoa và cây kiểng, để trồng các loại rau quả góp thêm cho bữa ăn hàng ngày. Nhưng mỗi khi bước chân ra khỏi tòa phủ đệ thâm nghiêm ấy, bà đều ngồi xe xích lô, mặc những chiếc áo dài không một nếp nhăn, khoác chiếc phu-la mệnh phụ màu trắng. Khi xuất hiện trước người khác, bà luôn chăm chút bản thân từng ly, từng tí, từ trang phục, kiểu tóc đến cử chỉ, ngôn từ. Kể cả những lúc khốn khó nhất thì phong thái của bà cũng kiêu sa, đài các như mặc định. Bà nhất mực gìn giữ một phong cách sống riêng, như là nếp nhà, để con cháu noi theo. Hơn nữa, bà không muốn người ngoài biết được sự sa sút của gia đình bà, và của tầng lớp quý tộc Huế nói chung.

Không chỉ gìn giữ và duy trì nếp sống Huế ở đàng sau cánh cổng và bờ tường thâm nghiêm cổ kính của Lạc Tịnh Viên, bà Khánh Nam còn liên hệ với chính quyền, hỏi thăm các thủ tục và nhờ các nhà chuyên môn xây dựng hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền để công nhận Lạc Tịnh Viên là Di tích lịch sử văn hóa. Những nỗ lực của bà đã được đền đáp. Ngày 28.9.2007, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra Quyết định số 2235/QĐ-UBND, công nhận Lạc Tịnh Viên là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh. Đây là một trong những di tích “tư nhân” đầu tiên được bảo tồn tốt nhất ở Huế, trên cả phương diện vật thể lẫn phương diện phi vật thể.

Bà mời tôi đi thăm Lạc Tịnh Viên, tỉ mỉ thuyết minh cho tôi về lai lịch của từng tòa nhà, từng đồ vật bày biện nơi nội thất; kể cho tôi thân thế và hành trạng của những vị tiền bối trong gia đình – những người đã tạo lập và gìn giữ Lạc Tịnh Viên trong hơn một trăm năm qua. Sau cùng, bà tặng cho tôi bản copy cuốn Thực phổ bách thiên, giáo khoa thư dạy nấu ăn bằng thơ do bà Trương Đăng Thị Bích (1862 – 1947), phu nhân của ông hoàng Hồng Khẳng, sáng tác. Cuốn sách mỏng này gồm 102 bài thơ “thất ngôn tứ tuyệt” dạy cách nấu các món ngon xứ Huế, là sự kết hợp một cách tài hoa thơ ca và ẩm thực, do nữ chủ nhân đầu tiên của Lạc Tịnh Viên thực hành và truyền dạy, được các thế hệ con cháu, trong đó có bà Khánh Nam, kế thừa.

Sau lần gặp gỡ đầu tiên, tôi rời Huế vào Quảng để mưu sinh, nhưng khi trở lại cố đô, tôi vẫn thường tranh thủ ghé thăm và trò chuyện với bà. Thi thoảng, tôi còn dẫn đám học trò của mình đến Lạc Tịnh Viên, giới thiệu với các em rằng đây là tòa bảo tàng của kiến trúc nhà vườn Huế, là nơi bảo lưu không gian sống đặc trưng của xứ Huế, là nơi mà các em có thể diện kiến một “báu vật nhân văn sống”, người đang giữ gìn, trao truyền cốt cách và lối sống của tầng lớp quý tộc Huế xưa cho hậu thế.

Và cũng như mọi lần, bà lại bắt tôi, và những học trò của tôi, phải chờ gần nửa giờ, trước khi xuất hiện nơi bậc cấp tòa nhà Hy Trần Trai trong bộ áo dài màu tím nhạt và chiếc phu-la quen thuộc.

Để rồi sau khi nói chuyện với bà, đám học trò của tôi lại nói với nhau cái câu mà tôi đã từng nói: “Đây là người phụ nữ Huế lịch lãm và sang trọng nhất mà mình được hân hạnh diện kiến”.

Đúng nhưng mà chưa đủ, vì bà còn là người giữ hồn của Huế xưa nữa.

T.Đ.A.S.

Đăng tải tại Hồn cố đô | Bình luận về bài viết này

NGƯỜI VIỆT NAM THẾ KỶ XIX QUA LĂNG KÍNH MỘT SỬ GIA NHẬT BẢN

NGUYỄN MẠNH SƠN

Exif_JPEG_PICTURE

Pháp Việt giao binh ký và sử gia Sone Toshitora (曾根 俊虎).

* Pháp Việt giao binh ký – Một tài liệu quý cho sự tu sử nước nhà

Pháp Việt giao binh ký là cuốn sách chép cuộc chiến tranh của nước Việt Nam với nước Pháp từ những năm đầu triều Nguyễn đến những năm 1880. Nội dung cuốn sách chủ yếu xoay quanh mấy vấn đề như địa lý, phong tục, sản vật, diên cách lịch sử Việt Nam, mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam cùng cách thức mà Trung Quốc và Việt Nam đối phó với Pháp.

Tác giả của Pháp Việt giao binh ký là Sone Toshitora (曾根 俊虎/ Tăng Căn Tuấn Hổ) (1847-1910), một võ sĩ thời Bakumatsu (幕末/ Mạc mạt), Đại úy Hải quân Nhật Bản, được coi là nhân vật quan trọng nhất của thuyết Liên Á trong lịch sử cận đại Nhật Bản và là một trong những người sáng lập Hưng Á hội. Sone Toshitora từng là học trò của Watanabe Hiromoto (1848-1901), Fukuzawa Yukichi (1835-1901) và Yoshida Kensuke (1838-1893).

Pháp Việt giao binh ký chép bằng chữ Hán, xuất bản lần đầu tại Tokyo (Đông Kinh), Nhật Bản, năm Minh Trị thứ mười chín, tức là năm 1886. Sau này ảnh ấn của cuốn sách được in trong Cận đại Trung Quốc sử liệu tùng san, tập 62 近代中國史料叢刊第六十二輯, xuất bản năm 1966, Văn Hải xuất bản xã, tại Đài Bắc.

Về cuốn sách Pháp Việt giao binh ký, Nguyễn Thuật hiệu Hà Đình trong Vãng tân nhật ký[1] cũng có ghi lại đôi dòng: “Ngày 6 tháng 12 năm 1883, Tăng Căn Khiếu Vân[2] 曾根 嘯雲 đến thăm, tôi và ông ấy ngồi ở đình Vọng Sơn, trò chuyện hồi lâu. Khiếu Vân có lấy ra hai cuốn sách cho tôi xem, một cuốn là Nam phiêu ký sự 南漂記事 trong sách đề năm Khoan Chính thứ sáu (năm thứ 59 niên hiệu Càn Long triều Thanh, năm thứ 56 niên hiệu Cảnh Hưng triều Lê nước ta, tức là năm 1794)… Một cuốn nữa là Pháp Việt giao binh kỷ lược 法越交兵紀略 ghi chép rất nhiều câu chuyện, bài viết được đăng trên nhật báo, quá nửa là sai lầm, không chính xác. Nên ông ấy có nhờ tôi nhuận chính lại, tôi có rút bỏ khoảng hơn mười bài, giản lược bớt và sửa chữa…”[3]

Trong lời tựa đầu sách, Sone Toshitora cũng có trình bày đại ý việc biên soạn Pháp Việt giao binh ký vì ông thấy các cường quốc Âu châu đang xâm chiếm các nước Đông phương, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam là những nước đồng văn đồng chủng, cùng chung giáo hóa, thì lấy làm lo nên đã đứng ra lập một hội, với mục đích bênh vực các nước Đông phương, gọi là “Hưng Á hội”. Vì vậy xuyên suốt cuốn sách này, Sone Toshitora chỉ ra hết những biện pháp bóc lột của Pháp, rồi một mực kêu gọi, hô hào các chí sĩ châu Á ra tay cứu giúp một nước đang trong cảnh nguy vong là nước Việt Nam.

Thời ấy, Sone Toshitora cũng giao lưu với nhiều anh tài Trung Hoa, như Vương Thao, một nhà báo trứ danh ở Hương Cảng. Vương Thao cũng là một tay quen biết rộng nhiều, hay thư từ qua lại với một số vị đại thần nước ta như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Tư Giản. Vì thế, khi Nguyễn Thuật đi sứ sang Tàu, nhờ Vương Thao giới thiệu, có được đọc qua bản cảo Pháp Việt giao binh ký của Sone Toshitora và có để ít nhiều lời bình trong sách.

Do vậy khi cuốn sách được đem in, ngoài Sone Toshitora đứng tên ra, thì trên bìa sách người ta còn thấy có đề tên Nguyễn Thuật, Hà Đình, người Việt Nam đứng hiệu duyệt kế sau Vương Thao, người Tàu đứng san toản. Và trong sách thỉnh thoảng cũng có những lời phê vắn tắt của ông Nguyễn Thuật, nhưng rất ít.

Cuốn sách bao gồm 5 quyển, với rất nhiều lời đề tựa của Taruhito (熾仁); Yokoi Tadanao (横井 忠直); Akamatsu Toriyoshi (赤松 則良); Kawada Oukou (川田 甕江); Kurimoto Joun (栗本 鋤雲); Vương Thao (王韜); Ngũ Diên Phương (伍廷芳), Sone Toshitora… Nội dung cuốn sách chủ yếu là tổng hợp thông tin về tình hình chính trị Pháp – Việt trên nhật báo Việt Nam, Hồng Kong, Trung Hoa. Tuy nhiên trong quyển đầu, Sone Toshitora cũng dành một vài trang để viết về tính cách, phong tục, ăn ở… của người Việt. Mặc dù có nhiều chi tiết ngày nay không còn chính xác nữa nhưng đó cũng được coi như tấm gương phản chiếu để người Việt nhìn lại chính mình của hơn một trăm năm về trước.

* Người Việt Nam thế kỷ XIX qua mắt của Sone Toshitora [4]

– Thể chất

“Thân thể gầy còm, tinh thần suy yếu, tuy có khi sấn sướt làm mình ra mạnh mà rồi cũng trở nên biếng nhác tức thì. Có lẽ tại họ không có lòng kiên nhẫn. Bởi vậy, những việc khó nhọc lắm và phải làm lâu lai thì họ ắt không kham”.

“Người An Nam đa phần nhỏ thó, cái mặt trẹt, cái tai phẳng, cái mũi thấp, con ngươi đen, hơi giống người Tàu. Da hơi đen, có lẽ là bởi những người đó làm ruộng và dang nắng. Chứ còn như những người sang và các cô gái trẻ thì da cũng có trắng. Tuy vậy, đại để An Nam không có người đẹp. Người nào da trắng thì trắng như sáp, còn đen thì như đồng đen. Cũng có người da hơi vàng, giống người Mông Cổ. Con trai con gái hồi còn trẻ tuy cũng có vẻ đậm đà dễ coi, nhưng sau khi có vợ có chồng rồi thì tuồng mặt đổi hẳn, không còn được như trước nữa. Cũng có nhiều kẻ tốt tóc, nhưng ngoài hai mươi tuổi thì tóc đã trở nên xác xơ, không láng ngời nữa. Họ thường búi tóc. Kẻ nào ưa làm dáng thì hay búi bằng chang, con trai con gái đều như vậy. Nhiều người mặt mày xấu xí, cách đi đứng quê kệch, lại từ đỉnh đầu đến gót chân, thường lộ ra những nét cong queo nghiêng lệch. Đó là tại hồi còn nhỏ, người mẹ hoặc người vú hay để đứa trẻ chàng hảng hai chân ngồi lên trên hai chân của mình mà cho ăn cho bú, nên lâu ngày rồi nó như thế”.

Nguyễn Thuật có phê rằng: “Dân cày và đàn bà nhà quê mới có nhiều người tuồng mặt xấu xí; chứ còn các hàng quan thân văn sĩ hầu hết người nào cũng có nghi dung tuấn tú, không phải xấu xí cả đâu”.

– Y phục, trang sức

“Về y phục, đồ mặc thường của họ quá chật. Nhưng, đàn ông mặc như thế thì được tiện và nhanh nhẹn. Đàn bà, áo dài hơn đàn ông, may bịt bùng hết, không có chỗ hở da. Đó là vì ngừa thói dâm của phụ nữ mà khiến họ có sự bất tiện. Lễ phục thì hai tay áo dài và rộng”.

“Đàn ông, đầu đội khăn; đàn bà dùng cái nón lớn để che nắng che mưa. Dân thường thì dùng một miếng vải nhỏ che trên đầu; khi đi ra đồng, đội nón lá; còn miếng vải nhỏ, vắt trên vai để thay khăn tay. Đó là điều không giống với nước nào hết.”

“Họ lại có dùng cái dải trắng và đỏ đeo hai cái đãy ngang lưng, đó cũng là điều khác với các nước nữa. Trong đãy chứa trầu cau, trái trám, để ăn. Khi ra ngoài, đeo hai cái đãy trên vai. Trong nhà thì trưng bày những đồ như cái hộp bằng đồng hoặc bằng bạc để đựng trầu cau cùng vật ăn được”.

Nguyễn Thuật phê rằng: “Cái tục mang đãy nay không còn có nữa”.

“Họ thường ăn trầu cau hoặc trái trám, cho nên răng đều vàng ra hay đen đi. Đàn bà họ lại ưa dùng đồ trang sức bằng ngà voi”.

Nguyễn Thuật nói rằng: “Ăn trầu thì có; còn trái trám thì là thức ăn phụ, coi như đồ gia vị, chớ không dùng để ăn thường”.

– Đi đứng

“Đàn ông đàn bà đi ra ngoài đều đi chân không. Duy có ông già cùng người đàn bà làm tốt thì có mang giày, mà giày thì ngắn, khi mang vào, thường để hai gót ra ngoài, cho nên dáng đi cũng xấu xí. Từ ngày có người Pháp đến ở trong nước, người An Nam nào có thông hôn với người Pháp thì có đi giày đen và tất trắng”.

– Nhà cửa

“Nhà làm nhỏ hay lớn, cao hay thấp là tùy người giàu nghèo sang hèn khác nhau. Đại khái nhà đều thấp, tối tăm và xấu xí; cột dùng gỗ, nghèo thì dùng tre. Trên nhà, lợp bằng lá dừa nước, hoặc tranh, hoặc rạ; cũng có lợp ngói, nhưng phải là giàu mới lợp ngói được. Trong nhà chia làm mấy ngăn, ngăn bằng ván hoặc phên. Bốn phía tường dùng ván, có khi dùng lá dừa, nên hay bị mất trộm lắm. Đồ vặt trong nhà không có mấy, vài ba bộ ván hoặc giường để mà ngồi nằm, lại với tủ hoặc rương để đựng quần áo. Nhà giàu sang thì có cái kỷ nhỏ, bày đồ trà để đãi khách”.

– Vệ sinh, ăn uống

“Người An Nam đến sự ở nhà không sạch sẽ, mặc áo quần dơ bẩn thì thôi, khắp thế giới không nước nào bằng! Cũng có kẻ mặc đồ hàng lụa, áo kép, áo lót, nhưng vẫn như là lam lũ. Thật ra thì kiểu y phục của họ không thích hợp với mùa lạnh mùa nóng, còn nhà thì không thích hợp với sự ăn ở. Họ hay ăn mặn quá hoặc cay quá, chua quá, cũng có thể tại đó mà thể chất trở nên yếu đuối, tâm thần trở nên thất thường. Lại thêm khí hậu không tốt, làm cho người suy nhược. Người An Nam ít sống lâu, trẻ con phần nhiều không nuôi được. Họ đẻ con rất dễ dàng, nhưng vì ăn ở bẩn thỉu, không biết vệ sinh cho nên chúng hay chết non. Từ ngày biết phép chủng đậu, trẻ con cũng có bớt chết”.

– Tính cách

“Người An Nam không thiếu người có tài có trí. Họ có tánh giỏi nhớ, tuy chưa thể vào sâu trong mọi sự, chứ được cái học mau biết. Người Pháp đến An Nam mới mười năm nay mà người An Nam học tiếng Pháp cũng đã đủ dùng, nói chuyện thường không đến nỗi ngập ngợ; vả lại viết bằng chữ Pháp cũng được nữa.

Họ không phải là không dũng khí. Nếu cai trị có phương pháp, lấy pháp luật mà chỉnh tề, lấy đạo nghĩa mà cố kết thì sự dũng cảm của người An Nam được việc lắm, sẽ không có người nước nào ở Đông phương này bằng họ được. Nay vì sự cai trị lỗi phương, trên dưới không noi đường chính, cho nên lòng người tàn bạo và khinh bạc thật hết chỗ nói. Coi như giữa chỗ pháp trường, người An Nam đến coi tuy thấy sự thảm khốc trước mắt mà họ vẫn đứng hút thuốc tự nhiên, không hề có vẻ thương xót. Như thế là vô tình quá lắm, chứ có phải dũng gì đâu!

Người An Nam ưa giữ theo tục cũ những mấy trăm năm về trước. Sự ấy đã thành ra thói quen, không sao chữa được. Nhưng có một điều đáng quý là biết kính người trên và giữ pháp luật. Từ khi có giao thiệp với người Pháp, họ dần dần bỏ mất cái tính vâng lời ngoan ngoãn ấy đi mà lại cho mình như thế là khai minh tiến bộ thì thật đáng tiếc. Tuy vậy, những người Pháp ở An Nam lại còn ngang ngạnh quá người bản xứ nữa, người An Nam có thế nào cũng còn là hơn họ. Đối với người Pháp, người An Nam tuy có vâng lời cũng chỉ bề ngoài thôi, chứ thật ra thì ai nấy đều “dạ trước mặt, trỏ cặc sau lưng” vậy”.

“Coi bề ngoài thì người An Nam trong các xứ đều không khác nhau lắm. Nhưng xét kỹ mới thấy tài trí và dũng lực của người Nam Kỳ thật thua xa người Bắc Kỳ. Người Nam Kỳ gặp cảnh nghèo không chịu nổi, mà đến lúc giàu cũng không biết giữ cho bền. Người nước họ hạng trung bình, không giàu mà cũng không nghèo, thì cai trị không khó mấy. Đến những kẻ siêng ăn nhác làm, ham chơi bời quá chẳng may sa sẩy, hễ mất chỗ sinh nhai là hóa ra ăn trộm. Lại có kẻ nhờ thời may làm nên phú quý thì hay khoe khoang kiêu ngạo, làm phách với người dưới mà lờn mặt với người trên. Cho nên người ta hay nói: “Người An Nam không biết xử cảnh nghèo mà cũng không biết xử cảnh giàu”. Tóm lại, những sự ấy đều bởi tại giáo hóa chưa đến nơi.”

Nguyễn Thuật phê rằng: “Nghèo khổ mà đi ăn trộm, giàu sang mà đổ ra kiêu sa, đó chẳng qua trăm ngàn người mới có một hai người như vậy. Không phải hết thảy người An Nam đều thế cả. Cái đó cũng giống như các nước”.

“Người bản xứ hay đổi nghề. Có thể bảo họ là “vô hằng tâm[5]”. Người nào thấy một việc gì trúng ý mình thì nôn nả làm liền, lúc đầu dù có nhọc nhằn mấy cũng ráng chịu. Đến vài tháng hoặc vài năm, đã thấy lộ vẻ biếng trễ rồi, rốt cuộc công việc phải bỏ dở. Khi bỏ rồi, thấy không có nghề làm, lại muốn trở lại nghề cũ. Cái thói ấy, người Pháp muốn trừ đi cho họ, nhưng vì mới đến ở, chưa có thể được.

Phụ nữ An Nam có tài gánh gồng buôn bán ở các nơi phố chợ. Còn chồng họ thì ở nhà uống rượu nói chuyện với bạn bè hàng xóm, ngồi không mà hưởng của vợ làm ra. Cái thói ấy cho đến ngày nay thỉnh thoảng vẫn còn. Trẻ con mất dạy. Chúng nó cũng có học, nhưng chỉ học qua loa những sách dễ dễ của người Tàu. Người lớn không biết cách chỉ bảo trẻ con. Chúng có lỗi cũng không hay răn phạt. Bởi vậy trẻ con đều hung tánh, đến lúc lớn cha mẹ đối với chúng cũng chịu phép.

Con gái 14 tuổi trở lên, đã cho đi chợ bán hàng, ra chỗ đông người, rộn tai choáng mắt, sinh ra lắm điều tệ, thế mà cha mẹ cũng chẳng cấm ngăn, để muốn làm gì thì làm…

Người An Nam không có ý nỗ lực tấn tới, mà lại còn không biết biện biệt sự lợi hay hại, nên hay hư. Việc buôn bán trong nước, họ đều phó cho người Tàu, không ngó ngàng đến. Người Tàu ở đó hay rủ nhau hùn vốn lập công ty để buôn. Buôn có lời, họ lại chia ra và lập thêm công ty khác. Còn người bản xứ thì sẵn tánh khinh bạc, hay nghi ngờ nhau, chống báng nhau, không lập công ty được; cho nên mối lợi trong nước đành phải để cho người Tàu tóm thâu. Người trong nước ưa lấy sự trá ngụy để lừa dối nhau, không ai tin ai được cả. Rất đỗi bà con quen thuộc cũng không có thể tin cậy nhau được. Đây thử cử ra một sổ vay nợ để làm chứng: Người cho vay đặt ra quy điều để ngừa giữ rất nghiêm nhặt, nhưng thường không khỏi bị gạt. Vì họ cho vay ăn lời nặng quá, có khi số lời gấp đôi số vốn, thì dễ gì mà trả được? Té ra sự gạt nợ cũng tại chủ cho vay tự mình chuốc lấy”.

Dù nội dung sách vẫn còn nhiều điểm cần phải bàn bạc lại, đánh giá lại nhưng Pháp Việt giao binh ký vẫn là một trong những tập tư liệu hữu ích, nhiều hình ảnh thú vị cho các nhà nghiên cứu về quan hệ Pháp Việt và phong tục, văn hóa, địa lý… nước ta vào cuối thế kỷ XIX.

TP.HCM, 10/8/2016

Chú thích:

[1] Về tác phẩm Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã có bài viết Lược tả về sách Vãng sứ Thiên Tân nhật ký của Phạm Thận Duật và Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (71). 2008, trang 110-117.

[2] Khiếu Vân là bút hiệu của Sone Toshitora.

[3] 阮述《往津日記》Nguyễn  Thuật  Vãng  Tân  nhật  ký, Trần  Kinh  Hòa  biên  chú,  Hương Cảng Trung Văn đại học – Trung Quốc văn hóa nghiên cứu sử liệu tùng tan (tập 1), Trung Văn Đại học xuất bản xã, Hương Cảng, 1980, trang 59.

[4] Pháp Việt giao binh ký được học giả Phan Khôi trích dịch (chúng tôi có sửa vài chữ khi trích dẫn) đăng trên tạp chí Sông Hương, Huế, năm 1937.[5] Vô hằng tâm: Không có lòng bền bỉ, kiên trì.

[5] Vô hằng tâm: Không có lòng bền bỉ, kiên trì.

[Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2016/12/26/nguoi-viet-nam-the-ky-xix-qua-lang-kinh-mot-su-gia-nhat-ban/%5D

Đăng tải tại Điểm sách | Bình luận về bài viết này