DỰA VÀO BẰNG CỚ NÀO CHỦ TỊCH TRUNG QUỐC TẬP CẬN BÌNH KHẲNG ĐỊNH VỚI TỔNG THỐNG OBAMA VỀ CHỦ QUYỀN TẠI BIỂN ĐÔNG?

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

PHẦN 1

Trong cuộc gặp gỡ cấp cao tại Washington vào ngày 25/9/2015 với Tổng thống Obama; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa khẳng định chủ quyền lãnh thổ tại biển Đông.[1] Nhắm phụ hoạ cho lập luận này, mấy chục năm nay, một bộ phận học giả Trung Quốc đã vùi đầu trong đống sách vở tư liệu xưa và nay, để cố nhào nặn cho ra bằng chứng chủ quyền. Một trong những công trình của họ mang tên 我 國 南 海 諸 島 史 料 滙 编 (Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên). Chủ biên là Hàn Chấn Hoa với sự cộng tác của hàng chục học giả, thư viện, do Hạ Môn xuất bản xã, Nam Dương đại học nghiên cứu sở, xuất bản năm 1975.

Trong bộ sách Hối biên này [Xin giản lược tên sách bằng 2 chữ Hối biên, qua Thiên 1: Cổ đại thời kỳ (Hán chí nha phiến chiến tranh) hữu quan ngã quốc Nam Hải chư đảo chủ quyền cập kỳ địa lý hòa hàng tuyến đích ký tải: Thời kỳ cổ đại (từ nhà Hán đến cuộc chiến tranh nha phiến) có liên quan đến chủ quyền các đảo Nam Hải nước ta, cùng sự ghi chép về địa lý và tuyến hàng hải)]; nhóm biên soạn trình bày chủ quyền của họ theo trình tự các triều đại Trung Quốc: Hán, Tam Quốc Nam Bắc triều, Tùy, Ðường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh; nên chúng tôi cũng tuân theo trình tự này thảo luận, để độc giả tiện bề tham khảo:

A. ĐỜI HÁN

Biên giả nêu sách Dị vật chí [异 物 志] của Dương Phu đời Ðông Hán đề cập đến Trướng Hải. Sách này tuy đã thất truyền nhưng được các tác giả Trung Quốc đời Tống, Minh, Thanh nhắc lại như sau:

漲 海 崎 頭 水 淺 而 多 磁 石, 徼 外 大 舟, 錮 以 鐵 葉 值 之 多 拔 [2] (Tại Trướng Hải Kỳ Ðầu nước cạn nhưng nhiều đá nam châm, thuyền lớn đi ngoài cõi, dưới thuyền gắn lá sắt sẽ bị nhổ ra).

Tư liệu từ một quyển sách viết cách đây khoảng 2.000 năm đã thất truyền, mô tả đá nam châm nằm dưới đáy biển có thể hút được đinh sắt là huyền thoại vô căn cứ; nhưng biên giả vin vào đó để cố tình cho rằng Trướng Hải có liên quan đến các quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa] và Nam Sa [Trường Sa]:

“Các sách địa phương chí đời Thanh và cận đại nói về đảo Hải Nam đều trích dẫn đoạn văn này tại Dị vật chí. Thấy được Trướng Hải kỳ đầu cùng truyền thuyết về nam châm tại Trướng Hải hút đinh sắt của thuyền có liên quan đến các quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa] và Nam Sa [Trường Sa] tại vùng biển Nam Hải”. [3]

Các nhà biên khảo Trung Quốc muốn chứng tỏ Trướng Hải thuộc lãnh hải Trung Quốc, rồi suy diễn xa hơn nữa rằng Tây Sa và Nam Sa nằm trong đó. Riêng chúng tôi cũng căn cứ vào sử Trung Quốc, Tống sử, có bằng chứng rằng Trướng Hải thuộc lãnh hải Việt Nam. Tống sử quyển 488, mục Liệt truyện, Giao Chỉ, chép việc vào tháng 7 [năm Chí Đạo thứ 2 – 996] như sau:

太 宗 遣 主 客 郎 中、直 昭 文 館 李 若 拙 齎 詔 書,充 國 信 使,以 美 玉 帶 往 賜 桓。若 拙 既 至,桓 出 郊 迎,然 其 詞 氣 尚 悖 慢,謂 若 拙 曰:向 者 劫 如 洪 鎮 乃 外 境 蠻 賊 也,皇 帝 知 此 非 交 州 兵 否? 若 使 交 州 果 叛 命,則 當 首 攻 番 禺,次 擊 閩、越,豈 止 如 洪 鎮 而 已! (Vua Thái Tông nhà Tống sai Chủ khách lang trung, trực Chiêu văn quán Lý Nhược Truất sung Quốc tín sứ mang chiếu thư và đai mỹ ngọc ban cho Lê Hoàn [vua Lê Đại Hành]. Khi Nhược Truất đến, Lê Hoàn ra ngoài thành đón; nhưng lời lẽ có vẻ ngạo mạn, bảo Nhược Truất rằng Từ trước tới nay cướp Như Hồng [Khâm Châu] đều là bọn Man tặc ở ngoài nước, Hoàng đế có biết rằng không phải quân Giao Châu hay không? Nếu quả Giao Châu làm phản thì trước hết đánh Phiên Ngung [Quảng Châu], thứ đến đánh Mân [Phúc Kiến], Việt [Quảng Đông]; nào phải chỉ trấn Như Hồng mà thôi!). Nhưng sau khi nghe Nhược Truất phân trần, vua Lê Đại Hành dịu giọng: 桓 愕 然 避 席,曰:海 賊 犯 邊,守 臣 之 罪也。聖 君 容 貸,恩 過 父 母,未 加 誅 責。自 今 謹 守 職 約,保 永 清 於 漲 海 (Hoàn ngạc nhiên dời chiếu đứng dậy nói: Hải tặc phạm biên, là tội của thủ thần; Thánh quân khoan dung, ơn quá cha mẹ, không gia tru phạt. Từ nay cẩn thận giữ chức phận đã giao, giữ yên nơi Trướng Hải).

Đoạn văn trích dẫn xác định Trướng Hải thuộc lãnh hải Việt Nam, và được nhà Tống chính thức giao nhiệm vụ cho vua Việt Nam ngăn ngừa đạo tặc cướp phá tại biển này. Nếu suy luận theo kiểu của các nhà biên khảo Trung Quốc, một khi Trướng Hải là lãnh hải Việt Nam, thì chính Hoàng Sa, Trường Sa đều thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Cũng cần nhấn mạnh thêm dưới thời Lưỡng Hán, 2 quận Châu Nhai và Đam Nhĩ [tức đảo Hải Nam] chỉ nằm trong lãnh thổ Trung Quốc trong vòng 65 năm; đến đời Hán Nguyên Đế [- 46] phải dẹp bỏ. Như vậy lãnh hải Trung Quốc từ phía nam chỉ còn miền duyên hải Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay mà thôi; còn nói gì đến các đảo Tây Sa, Nam Sa xa vời. Như vậy việc khẳng định chủ quyền Tây Sa – Nam Sa cho đến đời nhà Hán là điều láo khoét. Sách Hậu Hán thư, quyển 86, Nam Man, Tây Nam Di liệt truyện, chép như sau:

“Có 2 quận Châu Nhai [thuộc Hải Nam], Đam Nhĩ [thuộc Hải Nam] tại đảo ngoài biển, đông tây dài 1.000 dặm, nam bắc 500 dặm; các Tù trưởng quí tai to, bèn xâu lỗ rồi dùng dây căng ra, tai kéo dài xuống vai mấy tấc. Cuối thời Vũ Đế, Thái thú Châu Nhai là Tôn Hạnh người đất Cối Kê [thuộc Chiết Giang], điều dân mang tấm vải bố lớn hiến triều đình, dân man không kham được sự phục dịch nên đánh phá quận, giết Hạnh. Con Hạnh là Báo đốc suất những người thiện đánh lấy lại được, rồi tự mình đảm đương việc quận; đánh dẹp dư đảng suốt năm mới bình định được. Báo bèn gói ấn tín lại, sai sứ mang đến triều đình, cùng trình bày tình trạng. Chiếu chỉ cho Báo làm Thái thú Châu Nhai, uy lực chính trị thi hành, hiến mệnh ban xuống hàng năm. Trung Quốc tham những vật quí nơi này, tìm cách xâm chiếm, nên trong vài năm lại có nỗi dậy. Thời Hán Nguyên Đế Sơ Nguyên thứ 3 [-46] bèn cho bãi bỏ, thời gian lập quận được 65 năm.”

B. TỪ TAM QUỐC ĐẾN NAM BẮC TRIỀU

  1. Sử liệu đời Tam Quốc được Hối biêntrích dẫn qua sách Phù Nam truyện[扶 南 傳] của Khang Thái. Khang Thái là sứ giả nhà Ngô đến thăm Phù Nam thời Tam Quốc, rồi sau đó viết về nước này. Sách của ông cũng thất truyền, được Lý Phương đời Tống trích dẫn tại cuốn Thái Bình ngự lãm [太 平 御 覧], trong đó có câu: 漲 海 中, 到 珊 瑚 洲, 洲厎有盤石,珊 瑚 生 其 上 也 [4] (Từ Trướng Hải đến châu San Hô, dưới châu có đá bàn thạch, san hô sinh trong đó).

Nhà biên khảo Hối biên  vào 3 chữ San Hô châu để nêu lên đây là đảo Tây Sa [Hoàng Sa] và Nam Sa [Trường Sa] là những đảo được cấu tạo bởi san hô.[5]

Cần lưu ý, Phù Nam là nước cũ giáp với Lâm Ấp tức Chiêm Thành; vào thế kỷ thứ 6 bị Chân Lạp thôn tính. Nước Chân Lạp sau đó bị chia làm 2 phần: Lục Chân Lạp tức Campuchia ngày nay, Thuỷ Chân Lạp giáp biển tức miền Nam Việt Nam. Như vậy phần Trướng Hải thuộc Phù Nam cũng nằm trong biển Đông, lãnh hải của miền nam Việt Nam ngày nay. Và cái gọi là châu San Hô có khả năng là Hoàng Sa, Trường Sa của ta.

  1. Biên giả Hối biênlại trích từ sách Ngô lục [吳 緑] của Trương Bột đời Tấn, mô tả đồi mồi tại Trướng Hải: 嶺 南 盧 賓 縣 漲 海 中 玳 瑁 似 龜 而 大 [6] (Tại Trướng Hải, ở vùng huyện Lô Tân, Lãnh Nam; có đồi mồi lớn như con rùa). Sách này cũng thất truyền, được ghi lại từ sách Thái bình ngự lãmcủa Lý Phương.

Ngoài ra Hối biên  còn nhắc đến sách Ngoại quốc tạp truyện của Khang Thái, sách này cũng thất truyền, nguồn trích dẫn từ Sơ học ký của Từ Kiên đời Đường, như sau: “Xét ngoài biển lớn Nam Hải còn có Trướng Hải. Nguyên chú: sách “Hậu Hán thư của Tạ Thừa [7] chép: 7 quận Giao Chỉ cống hiến đều đi từ Trướng Hải mà ra.

  1. Lời chú sách Nhĩ nhã [尔 雅] của Quách Phác đời Tấn do Hối biêntrưng ra, có đoạn như sau: 螺 大 者 如 斗, 出 日 南 漲 海 中, 可 以 爲 酒 杯 [8] (Ốc loa lớn như cái đấu sinh ra từ Trướng Hải quận Nhật Nam, có thể dùng làm chén uống rượu).

Bàn về lời chú của Quách Phác, Hối biên nêu lên rằng: “Nhật Nam là quận cực nam của Trung Quốc. Quách Phác nói Trướng Hải đất Nhật Nam chỉ rằng từ đảo Hải Nam đến Nhật Nam phải đi qua Trướng Hải, tức vùng biển quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa]”.[9]

Theo Đào Duy Anh trong Đất nước Việt Nam qua các đời [10] thì lãnh thổ quận Nhật Nam thời Nam Bắc triều bắt đầu từ dãy Hoành Sơn [ranh giới Hà Tĩnh, Quảng Bình] trở vào nam. Như vậy mặc cho các nhà biên khảo Trung Quốc khổ công trưng bằng chứng cách nào, thì Trướng Hải vẫn là lãnh hải thuộc Việt Nam, có Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong đó.

C. ĐỜI TÙY

  1. Hối biêndẫn chứng Tuỳ thư [隨 書] như sau:

大 業 三 年 十 月, 常 駿 等 自 南 海 郡 乘 舟,晝 夜 二 旬,每 值 便 風 至 焦 石 山,而 過 東 南,泊 陵 伽 鉢 拨 多 洲,西 與 林 邑 對,上 有 神 祠 焉.[11] Tháng 10 năm Ðại Nghiệp thứ 3 [607] bọn Thường Tuấn từ quận Nam Hải đáp thuyền, qua ngày đêm 2 tuần, gặp gió thuận đến đảo Tiêu Thạch Sơn, rồi qua đông nam ghé đến châu Lăng Già Bát Bạt Ða, phía tây đối diện với nước Lâm Ấp, tại đó có đền thờ thần.

Trong phần nhận xét[12] Hối biên cho rằng địa danh Tiêu ThạchPracel của Tây phương nghĩa giống nhau, người Tây phương gọi Tây SaPracel[13], vậy Tiêu Thạch tức Tây Sa.

Hai địa danh nghĩa giống nhau như thế nào thì họ Hàn không hề giải thích; nhưng dù hai địa danh giống nhau cả âm lẫn nghĩa, cũng không thể đồng hóa làm một. Chẳng lẽ thấy tên tỉnh Hà Ðông của Trung Quốc [tức tỉnh Sơn Tây hiện nay], đồng âm và nghĩa với tên tỉnh Hà Ðông của Việt Nam, rồi cho hai xứ là một. Lại càng không thể được, khi đem người phụ nữ dữ dằn ghen tuông mà điển tích Trung Quốc gọi là “sư tử Hà Ðông”, để đồng hóa với cô gái Hà Ðông, Việt Nam duyên dáng trong chiếc áo lụa mỏng; khiến một thi nhân lòng tràn đầy cảm hứng qua câu thơ:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát,

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông.

D. ĐỜI ĐƯỜNG

  1. Hối biêntrích một đoạn văn của Giả Ðam đời Ðường trong sách Quảng Châu thông hải di đạo [廣 州 通 海 夷 道] có đề cập đến địa danh Tượng Thạch như sau:

廣 州 東 南 海 行 二 百 里, 至 屯 門 山,   乃 帆 風 西 行 二 日, 至 九 州 石, 又 南 二 日 至 象 石, 又 西 南 三 日 行 至 占 不 勞 山, 山 在 環 王 國 東 二 百 里 海 中 [14] (Từ phía đông nam Quảng Châu hải hành 200 lý đến Ðồn Môn Sơn, lại dương buồm đi tiếp 2 ngày đến Cửu Châu Thạch, lại đi về phía nam 2 ngày đến Tượng Thạch, đi tiếp về phía tây nam 3 ngày đến núi Chiêm Bất Lao, núi tại phía đông nước Hoàn Vương 200 lý).

Mặc dầu địa danh Tượng Thạch nêu lên trong sử liệu này đã được học gỉả Phùng Thừa Quân [馮承鈞], một nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng vào tiền bán thế kỷ thứ 20, cho rằng đó là đảo Ðại Châu, sách xưa gọi là Ðộc Châu lãnh, thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Hải Nam, và Hoàn Vương quốc là nước Chiêm Thành; nhưng biên giả Hối biên vẫn khẳng định rằng Tượng Thạch là quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa].[15]

Hối biên viện dẫn đoạn văn sau đây của Cố Viêm Vũ trong Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư để biện hộ: “Tại Quảng Châu (Quảng Đông) đi thuyền đến các nước Phiên, ra khỏi Hổ Đầu Môn vào đại dương chia làm đông tây hai đường… Hải lộ 200 lý đến Đồn Môn Sơn; thuận theo chiều gió chạy về phía tây 2 ngày đến Cửu Châu Thạch, lại tiếp tục phương nam 2 ngày đến Tượng Thạch, lại theo hướng tây nam 3 ngày đến Chiêm Bất Lao [Cù Lao Chàm, Quảng Nam]”.[16]

Nhưng lập luận vẫn không thuyết phục được, bởi hai điểm vô lý:

Thứ nhất, theo đoạn văn đã dẫn, từ Tượng Thạch “theo hướng tây nam 3 ngày đến Chiêm Bất Lao [Cù Lao Chàm, Quảng Nam]. Như vậy từ Chiêm Bất Lao [Cù Lao Chàm] đi ngược lên Tượng Thạch phải theo hướng đông bắc. Hãy nhìn vào bản đồ, phía đông bắc Cù Lao Chàm, ứng vào huyện Vạn Ninh, tại huyện này có đảo Đại Châu mà Phùng Thừa Quân gọi là Tượng Thạch; chứ không phải là quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa] phía đông như lập luận của biên giả Hối biên.

Thứ hai, tuyến hàng hải quen thuộc từ Trung Quốc xuống phương nam phải chọn hải trình an toàn, không thể đi qua Tây Sa [Hoàng Sa] là vùng biển nguy hiểm. Sách Hải tra dư lục [海 槎 餘 錄] đời Minh từng mô tả Tây Sa tức Thiên Lý Thạch Đường nguy hiểm như sau:

“Thiên Lý Thạch Ðường tại biển Nhai Châu ngoài 700 lý. Truyền rằng đá tại biển này dưới mức nước biển 8, 9 thước [1 thước = 1/3 mét]; thuyền đi qua tránh xa mà đi, một lần đâm vào thì không thể ra được. Vạn Lý Trường Ðê ở phía nam, thuyền vào trong đó không thể thoát được. Dân Phiên đã quen nơi này, biết cách tránh, tuy gặp gió bão cũng không lo.[17]

Dựa vào các sử liệu đã đề cập, vị trí Trướng Hải được xác định như sau: qua cuộc đối thoại giữa vua Lê Đại Hành và sứ thần Trung Quốc Lý Nhược Truất đời Tống cho biết bờ biển Trướng Hải bắt đầu từ tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và châu Khâm [Như Hồng] (Trung Quốc); đến sách Nhĩ nhã của Quách Phác nhận diện Trướng Hải tại biển miền Trung Việt Nam; qua Phù Nam truyện của Khang Thái thì vị trí Trướng Hải chạy dài đến biển miền Nam Việt Nam. Nói một cách khác Trướng Hải thời xưa tức Biển Đông ngày nay, từng được vua Trung Quốc công nhận là vùng biển do Việt Nam kiểm soát, có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong đó.

Chú thích phần 1

[1] (AFP & Reuters 25/09/2015) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Washington hôm nay 25/09/2015 trước Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tái khẳng định quyền của Bắc Kinh về việc duy trì “chủ quyền lãnh thổ” tại Biển Đông, vấn đề đang gây căng thẳng với các láng giềng châu Á.

[2] Hối biên, Hạ Môn xuất bản xã, Nam Dương đại học nghiên cứu sở, Trung Quốc, 1975, trang 23.

[3], [5], [6], [8], [9], [13], [14], [15], [16], [17] Hối biên, các trang: 24, 25, 26, 27, 27, 29, 30, 30, 31, 62.

[4] Thái Bình ngự lãm, quyển 69, mục Ðịa bộ 34, châu, trang 3.

[7] Hậu Hán thư, ngoài tác giả Phạm Việp có Hậu Hán thư được đưa vào Nhị thập tứ sử; còn có một vài nhà khác soạn Hậu Hán thư khác.

[10] Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1994, trang 82.

[11] Nhị thập tứ sử, Tùy thư, trang 191.

[13] Nguyên văn Hối biên viết Pracel, chứ không phải là Paracel như hiện nay thông dụng.

PHẦN 2

E. ĐỜI TỐNG

  1. Mở đầu tiểu đoạn về đời Tống, biên giả Hối biênkhẳng định sách Chư Phiên chí [諸 蕃 志] của Triệu Nhữ Quát đời Tống ghi rằng kể từ thời Trinh Nguyên [789] trở về sau, đã đưa Thiên Lý Trường SaVạn Lý Thạch Ðường vào bản đồ Trung Quốc.[1] Điều này không đúng sự thực, nguyên văn Chư Phiên chí sau khi mô tả nội địa đảo Hải Nam tức Đốc phủ Quỳnh, tiếp tục đề cập đến vị trí xa như sau:

…南 對 占 城, 西 望 真 腊, 東 則 千 里 長 沙, 萬 里 石 塘, 渺 茫 無 際, 天 水 一 色 (…Nam đối diện với Chiêm Thành, phía tây nhìn sang Chân Lạp, đông thì Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Ðường, xa xôi không bờ, trời nước một màu).

Ðây chỉ là câu văn tả cảnh vị trí phương xa của đảo Hải Nam; còn nếu bảo Thiên Lý Trường SaVạn Lý Thạch Ðường nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, như vậy cả Chiêm Thành và Chân Lạp được đề cập trong lời trích dẫn, cũng cùng chung số phận nằm trong lãnh thổ Trung Quốc ư!

  1. Quỳnh quản chí[瓊 管 志] là một bộ sách vào đời Tống, nay đã thất truyền và không rõ tác giả; được Hối biên nêu lên những sách trích dẫn như Dư địa kỷ thắng [輿 地 紀 勝] của Vương Tượng Chi đời Tống, Quỳnh đài chí [瓊 台 志] của Ðường Trụ đời Minh, Quảng Ðông thông chí [廣 東 通 志] của Kim Quang Tổ đời Thanh, Quỳnh Châu phủ chí [瓊 州 府 志] của Minh Nghị đời Thanh. Câu văn trích dẫn nói về vị trí phủ Quỳnh Châu, thuộc đảo Hải Nam như sau:

瓊 筦 古 志 云, 外 布 大 海, 接 乌 里 蘇 密 吉 浪 之 州, 南 則 占 城, 西 則 真 腊, 交 趾, 東 則 千 里 長 沙, 萬 里 石 塘, 北 至 雷 州 府 徐 聞 縣 (Quỳnh quản cổ chí chép rằng bên ngoài bao bọc bởi biển lớn, tiếp với châu Ô Lý Tô Mật Cát Lãng, phía nam có nước Chiêm Thành, phía tây Chân Lạp, Giao Chỉ; phía đông Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Ðường, phía bắc có huyện Từ Văn, phủ Lôi Châu).

Câu văn này cũng tương tự như lời trích dẫn tại mục 1, nhắm chỉ phương hướng xa của phủ Quỳnh Châu, được Hối biên  suy diễn ngoài sự thực rằng Vạn Lý Trường SaThiên Lý Thạch Ðường nằm trong cương vực Trung Quốc về đời Tống.[2] Hãy trở về với hiện tại địa lý tỉnh Hải nam, tức phủ Quỳnh Châu xưa; phía bắc có huyện Từ Văn [Xuwen], xưa cũng gọi là huyện Từ Văn; phía nam có miền Trung Việt Nam, tức nước Chiêm Thành xưa; phía tây có Việt Nam, tức Giao Chỉ xưa; phía đông có Hoàng Sa, Trường Sa tức Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường xưa. Thử hỏi một em học sinh tiểu học, em sẽ không dại dột trả lời rằng Việt Nam và huyện Từ Văn nằm trong lãnh thổ tỉnh Hải Nam; suy ra cũng thấy rằng không thể để cho Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường nằm trong phủ Quỳnh Châu xưa!

  1. Tăng Công Lượng đời Tống trong Vũ kinh tông yếu[武 經 總 要] kể qua thủy trình của người thời Tống đi xuống Chiêm Thành, họ đi từ núi Ðồn Môn thuộc tỉnh Quảng Ðông, chờ gió đông hải trình theo hướng tây và Nam, qua 7 ngày đến Cửu Nhũ Loa Châu, rồi đi tiếp 3 ngày đến núi Bất Lao thuộc Chiêm Thành. Tăng Công Lượng nhấn mạnh rằng “Thời Thái Bình Hưng Quốc [976-983] triều đình sai 3 tướng đánh Giao Châu, do thuỷ lộ này tiến quân”.[3]Nói rõ hơn đây là cuộc chiến tranh xâm lăng Việt Nam đầu tiên của nhà Tống, đã bị vua Lê Đại Hành đánh thua; 3 tướng phụ trách thuỷ quân là Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn,  Tống sử[4] ghi lại như sau: Mùa thu năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 [980], chiếu lệnh Đoàn luyện sứ Lan Châu Tôn Toàn Hưng, Bát tác sứ Trương Toàn, Tả giám môn vệ tướng quân Thôi Lượng đảm nhiệm đạo quân binh mã đường bộ, từ Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây] tiến vào. Thứ sử Ninh châu Lưu Trừng, Phó sứ quân khí khố Giả Thực, Cung phụng quan các môn để hầu Vương Soạn đảm nhiệm đạo quân đường thuỷ từ Quảng Châu [Quảng Đông] tiến vào.

Thủy trình này tương tự như Chu Khứ Phi đời Tống, kể lại trong Lãnh ngoại đại đáp [嶺 外 代 答] rằng thuyền đến các nước Phiên phương nam đều đi theo hướng tây đến biển Giao Chỉ, rồi tiếp tục đi xuống phía nam:

2.1

Ba dòng nước xoáy. Bốn quận phía tây nam đảo Hải Nam có biển lớn gọi là Giao Chỉ dương. Tại biển có 3 dòng nước xoáy, nước phun lên chia thành 3 dòng; dòng thứ nhất chảy về phía nam dẫn đến biển thuộc các nước Phiên; dòng thứ 2 chảy lên phía bắc qua vùng biển Quảng Ðông, Phúc Kiến, Chiết Giang; dòng thứ 3 chảy vào nơi mù mịt không bờ gọi là Ðông Ðại Dương. Tàu thuyền đi về hướng nam phải qua ba dòng nước xoáy, nếu gặp một chút xíu gió thì vượt được, nếu vào chổ hiểm đó mà không có gió thuyền không ra được, ắt phải vỡ chìm trong ba dòng nước xoáy. Nghe truyền rằng biển lớn phía đông có Trường Sa Thạch Ðường rộng vạn dặmnước thủy triều thi triển đẩy vào chốn cửu u. Trước kia từng có thuyền bị bão phía tây thổi, trôi dạt đến biển lớn phía đông này, nghe tiếng ba đào chấn nộ hung hãn, trong khoảng khắc gặp gió lớn thuận chiều nên may thoát được”.

Qua các sử liệu đã dẫn, chứng tỏ thuyền Trung Quốc xuống phương nam thường đi theo ven biển Việt Nam, họ không dám ra đến Trường Sa Thạch Ðường hay quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa] như  Hối biên  đã quả quyết.

  1. Trái với khẳng định của biên giả Hối biên,rằng đời Tống đã đem Trường Sa, Thạch Đường vào lãnh thổ Trung Quốc. Cần lưu ý đoạn văn trên, ngay cả Chu Khứ Phi, tác giả Lãnh ngoại đại đáp đời Tống cũng chỉ nghe truyền “truyền văn” về Trường Sa, Thạch Đường; chứ chưa dám xác nhận là có thực: “Nghe truyền rằng biển lớn phía đông có Trường Sa Thạch Ðường rộngvạn dặmnước thủy triều thi triển đẩy vào chốn cửu u. Trước kia từng có thuyền bị bão phía tây thổi, trôi dạt đến biển lớn phía đông này, nghe tiếng ba đào chấn nộ hung hãn, trong khoảng khắc gặp gió lớn thuận chiều nên may thoát được.[5]
  2. Tống sử [宋 史] chép việc quân Mông cổ truy kích vua Tống Ðoan Tông vào năm Chí Nguyên thứ 14 [1277] như sau:

“Ngày Bính Tý tháng 12, Chính [Ðoan Tông] đến Tỉnh Áo, gặp bão hư thuyền, một số bộ hạ bị chết trôi, nên nhiễm bệnh. Hơn tuần sau quân lính từ từ đến tụ tập, 10 phần chết còn 5, 4. Ngày Ðinh Sửu Lưu Thâm truy kích Chính đến Thất Châu Dương, bắt được Du Như Khuê rồi rút lui”.[6]

Hối biên  vin vào sử liệu này để khẳng định rằng Thất Châu Dương tức quần đảo Tây Sa; luận điệu này đã được nhà biên khảo Trung Quốc Ðàm Kỳ Tương phản đối trong bài Thất Châu dương khảo [七 洲 洋 考].[7] Ngoài ra sách Ðông Tây dương khảo [東 西 洋 考] của Trương Tiếp đời Minh xác nhận rằng: 七 州 洋, 瓊 州 志 曰 在 文 昌 東 一 百 里[8] (Theo Quỳnh Châu chí” [瓊 州 志] Thất Châu Dương tại phía đông huyện Văn Xương 100 lý). Trên bản đồ Google nếu phóng to thì địa danh Văn Xương [Wenchang] thuộc tỉnh Hải Nam xuất hiện, từ đó đến quần đảo Paracel [Trung Quốc gọi Tây Sa] khoảng 400 km tức gần 700 lý xưa; như vậy tính cả phương hướng và khoảng cách Thất Châu Dương cách Tây Sa [Hoàng Sa] rất xa!

2.2

G. ĐỜI NGUYÊN

  1. Hối biêntrưng sử liệu trong Quỳnh Hải phương dư chí [瓊 海 方 輿 志] của Thái Vi đời Nguyên như sau: [Quỳnh Châu] phía ngoài bao bọc bời biển lớn, tiếp với châu Ô Lý Tô Mật Cát Lãng; phương nam thì Chiêm Thành, tây là Chân Lạp, Giao Chỉ; đông thì Trường Sa Vạn Lý Thạch Ðường; đông bắc phía xa thì Quảng Ðông, Mân [Phúc Kiến], Chiết [Chiết Giang]; gần thì có Khâm [Khâm Châu], Liêm [Liêm Châu], Cao [Cao Châu], Hóa [Hóa Châu]. Ði biển 4 ngày tới Quảng Châu, 9 ngày đêm đến Phúc Kiến, 15 ngày đến Chiết Giang.

Sử liệu này cũng như lời trích dẫn trong mục số 1 thuộc đời Tống nêu trên, qua Chư Phiên chí của Triệu Nhữ Quát; chỉ nói Trường Sa, Vạn Lý Thạch Ðường cách phủ Quỳnh Châu đằng xa, cũng giống như nước Chiêm Thành hoặc tỉnh Quảng Đông; nhưng biên giả Hối biên bảo rằng quần đảo được liệt nhập vào đảo Hải Nam quản hạt, quả là điều vô lý![9]

  1. Ðời Nguyên cuối năm Chí Nguyên thứ 29 [1293] Sử Bật [史 弼] được lệnh mang quân đến nước Trảo Oa [Java], khởi trình từ Tuyền Châu Phúc Kiến đến Thất Châu dương gặp gió bão, thuyền chao đảo, quân lính mấy ngày không ăn, gió thổi lạc đến Vạn Lý Thạch Ðường cuối cùng men được vào duyên hải Giao Chỉ, Chiêm Thành, để tiếp tục hành trình. Nội dung được chép trong 2 bộ: Nguyên sử [元 史] của Tống Liêm, và Tân Nguyên sử [新元史] của Kha Thiệu Văn [10]như sau:

二 十 九 年,拜 榮 祿 大 夫、福 建 等 處 行 中 書 省 平 章 政 事,往 徵 爪 哇,以 亦 黑 迷 失、高 興 副 之,付 金 符 百 五 十、幣 帛 各 二 百,以 待 有 功。十 二 月,弼 以 五 千 人 合 諸 軍,發 泉 州。風 急 濤 涌,舟 掀 簸,士 卒 皆 數 日 不 能 食。過 七 洲 洋、萬 里 石 塘,歷 交 趾、占 城 界 (Năm Chí Nguyên thứ 29, được ban chức Vinh Lộc Ðại phu, giữ chức Trung thư tỉnh Bình chương chính sự các xứ Phúc Kiến, được lệnh mang quân đến Trảo Oa; có Hắc Mễ Thất, Cao Hưng giữ chức Phó. Mang 150 chiếc kim phù; vải lụa, bạch[11] mỗi thứ 200 tấm để thưởng cho người có công. Tháng 2, Bật mang 5000 quân hợp với các quân khác, xuất phát từ châu Tuyền [Phúc Kiến]. Gặp gió bão, ba đào nỗi lên, thuyền xốc ngược lên, quân lính mấy ngày không ăn được, qua Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Ðường, đến Giao Chỉ, biên giới Chiêm Thành).

Ðây là chuyến đi lạc hướng vì sóng gió, còn hành trình thường lệ được Trương Tiếp mô tả trong Ðông Tây dương khảo là từ Thất Châu Dương, đến biển Giao Chỉ theo hướng Nam, qua bờ biển Chiêm Thành, đảo Côn Lôn, rồi hành trình tiếp đến Trảo Oa [Java]. Cần lưu ý đoạn văn nêu trên phân biệt Thất Châu Dương, và Vạn Lý Thạch Đường là hai địa danh khác nhau; chứ không cho Thất Châu DươngVạn Lý Thạch Đường như biên giả Hối Biên đã khẳng định tại mục 5, đời Tống.

  1. Hối biêntrích sử liệu trong Ðảo di chí lược [島 夷 志 畧] của Uông Ðại Uyên nói về Côn Ðảo như sau: “Xưa núi Côn Lôn có tên là Quân Ðồn Sơn, núi cao mà vuông, đáy trải dài đến mấy trăm lý, nghiễm nhiên trên biển cả, cùng các nước Chiêm Thành, Tây Trúc hướng đến, dưới có biển Côn Lôn, nên lấy đó làm tên. Thuyền buôn các nước đi Tây Dương, thuận gió 7 ngày đêm có thể đến đó; ngạn ngữ có câu: “Thượng hữu Thất Châu, hạ hữu Côn Lôn” [ý chỉ phía trên có Thất Châu Dương, phía dưới có Côn Lôn đều đáng sợ].

Nguyên văn mô tả Côn Lôn có núi cao, gần Chiêm Thành, đúng là Côn Ðảo nước ta ngày nay. Nhưng biên giả Hối biên cho Côn Lôn là Nam Sa [Trường Sa], nơi đó không hề có núi cao, và biển Côn Lôn thành biển Nam Sa; dụng ý muốn chứng tỏ rằng thuyền bè Trung Quốc xưa có đi qua Nam Sa![12] Ðiều vô lý này đã bị nhiều thư tịch Trung Quốc phủ nhận:

– Ðời Nguyên Chu Ðạt Quan, trong Chân Lạp phong thổ ký [眞 腊 風 土 記], dùng kim chỉ nam với 48 hướng, mô tả hải trình đến nước Chân Lạp [Campuchia], cho biết biển Côn Lôn gần nước Chân Lạp; sử liệu này cũng được trích trong Hối biên[13] như sau: “Khởi hành từ Ôn Châu [thuộc tỉnh Chiết Giang] theo hướng Ðinh Mùi [202.5 độ] qua các hải cảng tại Mân [Phúc Kiến], Quảng [Quảng Ðông], biển Thất Châu [phía đông đảo Hải Nam], biển Giao Chỉ, rồi đến Chiêm Thành. Lại từ Chiêm Thành theo chiều gió khoảng nửa tháng đến Chân Lạp. Từ Chân Lạp theo hướng Khôn Thân [232,5 độ] qua biển Côn Lôn, rồi vào cảng”.

Ðông Tây dương khảo [東 西 洋 考] của Trương Tiếp đời Minh cung cấp phương hướng từ đảo Côn Lôn đến Xích Khảm Sơn [Phan Rang], và nước Bành Hanh [tức Pahang thuộc Mã Lai] như sau: “Từ Xích Khảm Sơn [Phan Rang] theo hướng đơn Mùi [210 độ], thời gian 15 canh đến núi Côn Lôn. Lại từ núi Côn Lôn theo hướng Khôn Mùi [217,5 độ] thời gian 30 canh đến Ðấu Dự, lại theo hướng Ðinh Ngọ [187,5 độ] đến nước Bành Hanh.[14]

Xét đoạn văn trích dẫn trên, trung bình thuyền bè thời xưa 1 canh đi được 60 lý, 1 doanh tạo lý tương đương 0,58 km; vậy từ đảo Côn Lôn đến Phan Rang là 522 km, đến Pahang là 1.044 km. Với những con số nêu trên, nếu kiểm chứng qua bản đồ hiện nay thì có thể chấp nhận được; còn nếu bảo Côn Lôn là đảo Nam Sa [Trường Sa] thì khoảng cách còn tăng lên gấp bội!

  1. Thế nhưng trong Tổng hội yếu[宋 㑹 要] có nêu địa danh biển Côn Lôn, bàn về sử liệu này biên giả Hối biênlại cho rằng biển Côn Lôn bao quát vùng biển tại đảo Côn Lôn thuộc miền Nam Việt Nam; với lời chú thích: “Côn Lôn dương: bao quát hải phận đảo Côn Lôn tại đô phía nam Việt Nam ngày nay”. Có lẽ vì sử liệu dưới đây đề cập đến vùng đất giáp Chân Lạp, Chiêm Thành, nên biên giả đành phải thuận theo sự thực, không thể luận bàn khác được:

“Ngày 20 tháng 7 năm Gia Ðịnh thứ 9 [1216], người nước Chân Lý Phú[15] muốn đến Trung Quốc. Từ nước này ra biển 5 ngày tới Ba Tư Lan, thứ đến biển Côn Lôn, qua nước Chân Lạp, vài ngày đến nước Tân Ðạt Gia[16], vài ngày sau đến biên giới Chiêm Thành, qua biển khoảng 10 ngày. Phía đông nam là Thạch Ðường, có tên Vạn Lý; biển chỗ này hoặc sâu hoặc cạn, nước chảy gấp nhiều đá, thuyền bị lật chìm đến 7,8 phần 10, không thấy bờ núi. Rồi đến Giao Chỉ, 5 ngày sau đến châu Khâm, Châu Liêm. (Nguyên chú: gọi là gió thuận toàn tại mùa hè, lúc gió Nam thổi. Khi trở về nước đợi gió bấc mùa đông; nếu không theo như vậy không thể đến nơi được)”.[17]

Cũng như với trường hợp Thất Châu Dương, địa đanh Côn Lôn biên giả Hối biên chia thành 2 vị trí, thứ nhất gần bờ biển miền nam Việt Nam, thứ hai tại quần đảo Nam Sa; lập luận giả, thực lẫn lộn, cố dẫn giải theo ý đồ riêng!

Chú thích phần 2

[1], [2], [3], [5], [6], [9], [10], [12], [13], [17]. Hối biên, các trang: 32, 33-36, 37, 41, 39-40, 44, 45, 48, 49, 43.

[4] Tống sử, quyển 488, Liệt truyện: Ngoại quốc, Giao Chỉ.

[7] Xem Nam Hải chư đảo luận chứng khảo tập, trang 1-6.

[8], [15] Trương Tiếp, Đông Tây dương khảo, quyển 9.

[11] Bạch: một loại hàng dệt bằng tơ trần.

[15] Chân Lý Phú: một nước tại phía nam Chân Lạp.

[16] Tân Ðạt Gia: một nước xưa, giữa Chiêm Thành và Chân Lạp.

PHẦN 3

H. ĐỜI MINH

  1. Quỳnh Ðài ngoại kỷ[瓊 台 外 紀] của Vương Tá đời Minh nay đã thất truyền; biên giả Hối biên trích từ Vạn Châu chí [萬 州 志] của Hồ Đoan Thư đời Thanh, như sau:

“Phía đông châu Vạn [Hải Nam] có Trường Sa, Thạch Ðường. Xung quanh châu bao bọc bởi biển, mỗi khi gặp phong ba thủy triều, nước ngập cả nhà ruộng, sự lợi hại người dân gánh chịu”.

Ngay dưới đoạn trích dẫn, biên giả cho rằng Trường Sa Thạch Ðường là bộ phận của châu Vạn[1], thì thật vô lý, sách Khâm định Ðại Thanh nhất thống chí [欽 定 大 清 一 統 志] đời Càn Long, xác nhận vị trí châu Vạn bề ngang từ đông sang tây 205 lý [118 km], nam chí bắc 120 lý [69 km], với giới hạn như vậy làm sao chứa được Trường Sa Thạch Ðường vị trí ở nơi xa xôi cách châu Vạn trên 200 km. Khâm định Ðại Thanh nhất thống chí chép như sau:

3.1

“Châu Vạn tại phía đông nam phủ Quỳnh Châu 400 lý, từ đông sang tây 205 lý, nam chí bắc 120 lý; phía đông từ châu lỵ đến biển 25 lý, phía tây cách núi Lê 180 lý, phía nam đến bờ biển 25 lý, phía bắc đến huyện Lạc Hội 95 lý. Phía đông nam giáp biển 30 lý, tây nam giáp huyện Lăng Thủy 100 lý, đông bắc đến biển 70 lý, tây bắc đến núi Lê 160 lý”.[2]

  1. Sách Hải ngữ[海 語] của Hoàng Trung đời Minh chép về hai dòng nước chia ra, gọi là “phân thủy” tại biển La Hải, Chiêm Thành, phía bắc Cựu Cảng [cảng Qui Nhơn] như sau:

“Phân thủy tại biển La Hải, phía ngoài Chiêm Thành; nơi này đảo cát ẩn hiện giới hạn như cửa, rộng liên miên không biết mấy trăm lý, sóng tung lên trời không giống với biển khác. Từ núi Mã Yên xuống đến Cựu Cảng dòng nước chảy về phía đông là thủy đạo đến các nước Phiên, chảy về phía tây đến Châu Nhai, Ðam Nhĩ [đảo Hải Nam]; trời đất đặt chỗ hiểm để phân biệt Hoa Di vậy”.[3]

Ðoạn văn trích dẫn chỉ nhắm tả địa lý thiên nhiên của một vùng, nhưng biên giả Hối biên lại cho rằng biển Ngoại La, tức vùng biển xung quanh đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi nước ta là phân ranh giới tuyến giữa Trung Quốc và các nước Di, như vậy quá nửa miền Trung và cả miền bắc Việt Nam nằm trong lãnh thổ Trung Quốc ư! Ðiều vô lý này không chấp nhận được.

  1. Sách Vạn Châu chí [萬 州 志] của Hồ Ðoan Thư đời Minh, và Khang Hy Quỳnh Châu phủ chí [康 熙 瓊 州 府 志] do Chu Thiên Túc, Chu Tử Hư đời Thanh soạn, chép việc triều đình Trung Quốc cho quân hộ tống Sứ giả các nước phương Nam từ phủ Quỳnh Châu đến kinh đô. Riêng Vạn Châu chí  chép thêm dưới thời Tuyên Ðức [1429] nhà Minh cho Hoạn quan Du Ðoan Ðiều mang quân đi công cán tại các nước như Chiêm Thành:

“Năm Tuyên Ðức thứ 4 [1429] sai Tả Nội quan Du Ðoan Ðiều cùng vệ Thiên hộ Hạng Quí mang tinh binh đến các nước như Tiêm La công cán. Các Sứ giả ngoại quốc như Tiêm La, Chiêm Thành, Mãn Thứ Gia đi cống đến phủ Quỳnh Châu đều sai Chỉ huy Thiên hộ đưa đến kinh đô”.[4]

Biên giả Hối biên giải thích sử liệu này là mang quân đến các nước để hộ tống Cống sứ đến kinh đô là không đúng sự thực, nguyên văn cho biết chỉ hộ tống Cống sứ từ phủ Quỳnh Châu đến kinh đô mà thôi; và việc nhà Minh mang quân tuần tiễu các đảo tại Nam Hải cũng là điều tưởng tượng.

  1. Phí Tín, tác giả Tinh tra thắng lãm [星 槎 勝 覽][5], người cùng Hoạn quan Trịnh Hòa viếng thăm các nước Ðông Nam Á xưa, mà sử gọi là “Trịnh Hòa hạ Tây Dương”, mô tả Côn Ðảo nước ta, nội dung cũng tương tự như sử liệu trong Ðảo Di chí lượcdo biên giả Hối biên ghi tại mục 3 (ĐỜI NGUYÊN).

Trong phần nhận xét, biên giả vẫn cho Côn Lôn là quần đảo Trường Sa, sự sai lầm đã được chứng minh ở trên, tưởng không cần nhắc lại.

  1. Hối biên trưng sử liệu về việc Ngô Huệ đi sứ Chiêm Thành vào đời Minh Anh Tông năm Chính Thống thứ 6 [1441] qua nhiều thư tịch như Hải quốc quảng ký [海 國 廣 記] của Thận Mậu Thưởng; Thủ khê trường ngữ[守 溪 長 語] của Vương Ngao; Chấn trạch ký văn [振 澤 紀 聞] của Vương Ngao, Thù vức chu tư lục [殊 域 周 咨 綠] của Nghiêm Tòng Giản; Quảng Ðông thông chí [廣 東 通 志] của Hoàng Tá. Sau đây là sử liệu trong Thù vức chu tư lục [殊 域 周 咨 綠]:

“Vào năm Chính Thống thứ 6 [1441] Quốc vương Chiêm Thành mất, người con nối dõi là Ma Ha Quí Do xin phong tước và ban chiếu sắc. Bèn sai Cấp sự trung họ Dư (khuyết tên) làm Chánh sứ, cùng Hành nhân Ngô Huệ đi sứ. Ngày 23 tháng 12 năm đó khởi hành từ huyện Ðông Hoàn [Quảng Ðông], ngày hôm sau đến Ô Trư Dương [cửa sông Châu Giang gần Quảng Châu], lại ngày hôm sau đến Thất Châu Dương [phía đông châu Văn Xương 100 lý], xa thấy núi Ðồng Cổ [thuộc huyện Văn Xương Hải Nam], ngày hôm sau đến Ðộc Trư Sơn [thuộc châu Vạn, Hải Nam] nhìn thấy núi Ðại Châu Sơn, ngày hôm sau đến địa giới Giao Chỉ, có một bãi lớn (cự châu) chắn ngang biển, đá nhọn, nếu thuyền va vào đó có thể bị phá nát. Người trong thuyền rất sợ, trong phút chốc gió mạnh vượt qua được, ngày hôm sau đến biển Ngoại La Dương thuộc Chiêm Thành”.[6]

Qua sử liệu này, Hối biên xác nhận Thất Châu Dương chỉ các đảo Thất Châu tại phía đông huyện Văn Xương.[7] Như vậy trước mắt biên giả có hai Thất Châu Dương: một Thất Châu Dương khác, tại mục số 4 (ĐỜI TỐNG) đã nêu ở trên, thì cho là Tây Sa [Hoàng Sa]. Lối lập luận “nói lấy được”, khiến người đọc phải đánh giá đức tính cẩn trọng nghiêm túc của nhà biên khảo này. Còn chỗ được gọi là bãi lớn (cự châu) thì biên giả Hối biên cũng cho là Tây Sa (Hoàng Sa) mà không nêu bằng chứng, như vậy chẳng lẽ Tây Sa sát với vùng duyên hải Giao Chỉ sao?

Thật ra tuyến hàng hải dưới thời nhà Minh, từ Trung Quốc đến các nước Ðông Nam Á được các thư tịch mô tả khá rõ ràng và chính xác, đó là nhờ sự cải tiến của kim chỉ nam. Tuy rằng kim chỉ nam [chỉ nam châm 指 南 針] được sáng chế trước thời nhà Tần, nhưng mãi cho đến đời Tống dụng cụ này còn khá đơn giản, chỉ có hai hướng nam bắc mà thôi. Bắt đầu từ đời Nguyên, kim chỉ nam được phân định 48 hướng; nhờ vậy sử dụng vào việc hàng hải đáng tin cậy hơn. Kim chỉ nam thời nay dùng 360 độ, trước kia có 48 hướng, như vậy vào thời ấy khoảng cách giữa 2 hướng kế tiếp là 7,5 độ [360:48 = 7,5]

Vào gần cuối triều Minh, một bộ sách nổi tiếng về hàng hải ra đời vào năm Vạn Lịch thứ 45 [1617], được đưa vào Tứ khố toàn thư; sách mang tên Ðông Tây dương khảo [東 西 洋 考], tác giả là Trương Tiếp. Ông người đất Long Khê, đậu Cử nhân năm Vạn Lịch thứ 23 [1595]. Ðể hoàn thành tác phẩm, tác giả đã tham khảo hàng trăm bộ sách nổi tiếng, cùng nhiều loại Hải đạo châm kinh [海 道 針 經] tức tài liệu dẫn đạo hàng hải; bao quát chi tiết về chỉ nam châm, thiên văn, và thủy văn về các chuyến hải trình. Phần lớn tư liệu trong bộ sách này thiên về thực dụng, cung cấp các tài liệu hàng hành cho các thuyền Trung Quốc dưới thời nhà Minh hàng hải đến các nước vùng Đông Nam Á. Trương Tiếp cho biết trên mỗi thuyền phải có một châu sư [navigator], căn cứ vào tài liệu có sẵn, hướng dẫn thuyền đi đúng hải trình. Tài liệu cung cấp 3 yếu tố căn bản, buộc các châu sư phải lưu ý:

– Phương hướng: trên thuyền có kim chỉ nam, lẽ dĩ nhiên không dùng độ như ngày nay, nhưng nếu chịu khó tìm hiểu cũng có thể đổi [decode] ra được; ví như hướng đơn Hợi = 330 độ; hướng Nhâm Tý = 352,5 độ.

– Khoảng cách: không tính bằng dặm, mà tính bằng canh; một ngày một đêm có 10 canh. Mỗi canh nếu gặp gió trung bình, được ước tính là 60 lý [34 km].

– Ðộ sâu: không tính bằng thước mà tính bằng sải tay. Ðây cũng thiên về thực dụng, lúc thủy thủ dòng dây từ thuyền xuống đáy biển, khi kéo dây lên dùng sải tay đo đếm dễ dàng, mỗi sải tay khoảng 1.6 m.

Giống như hải trình của Trịnh Hòa đến các nước Ðông Nam Á; trong quyển 9, Ðông Tây dương khảo, Trương Tiếp cho biết các thuyền buôn Trung Quốc cũng đi qua biển Giao Chỉ. Thuyền được mô tả “rộng 3 trượng 5 hoặc 6 xích[8], dài hơn 10 trượng; thuyền nhỏ rộng 2 trượng, dài khoảng 7,8 trượng. Trên thuyền trang bị vũ khí cung, tên, đao, thuẩn đầy đủ, gặp giặc đến mọi người cương quyết tự vệ; thuyền chắc như trường thành, không dễ gì bị hủy hoại. Khi tạo thuyền tổn phí hơn ngàn lượng vàng, hàng năm tu bổ không dưới 500 lượng; ngoài số tiền chủ thuyền bỏ ra, các con buôn đóng góp vào như kiến tha vào tổ; kinh phí lớn gấp 3 thuyền chiến, nên ắt phải chắc chắn hơn.

Trương Tiếp cung cấp tư liệu về hải hành từ tỉnh Quảng Ðông đến Chiêm Thành và các nước phía nam như Tiêm La, Bành Hanh và Bột Nê; tương tự như chuyến đi Chiêm Thành của Ngô Huệ đã nêu trên, nhưng chi tiết hơn:

“Ô Trư Sơn [tại cửa sông Châu Giang tỉnh Quảng Ðông]: “Trên có miếu Ðô Công, khi thuyền qua biển này, mang lễ vật cúng lạy từ đằng xa, xin thần phối hưởng, dùng thuyền giấy rực rỡ tống tiễn thần. Từ biển này theo dòng nước 10 sải tay, hướng đơn Thân [240 độ], đi 13 canh đến Thất Châu Dương”.

– “Núi Thất Châu, Thất Châu Dương: Quỳnh Châu chí [瓊 州 志] chép Thất Châu Dương tại phía đông huyện Văn Xương 100 lý; trên biển có 7 ngọn núi nhô lên liên tiếp, trong có nước suối ngọt có thể uống được. Thời nhà Nguyên, Lưu Thâm truy kích Tống Trang Tông, bắt thân thuộc là Lưu Ðình Khuê tại nơi này. Tục truyền thời xưa có 7 châu chìm xuống dưới biển; thuyền đến mang súc sinh và cháo cúng thần, không tuân sẽ biến thành ma đói. Thuyền đi qua rất nguy hiểm, lệch sang hướng đông phạm vào Vạn Lý Thạch Ðường; nơi mà Quỳnh chí [瓊 志] chép là phía đông châu Vạn có biển Thạch Ðường, thuyền đến đó ít có chiếc nào thoát hiểm. Từ châu Thất Dương theo hướng Khôn Mùi [217,5 độ], thời gian 3 canh đến Ðồng Cổ Sơn”.

– “Đồng Cổ Sơn: Quảng Ðông thông chí [廣 東 通 志] chép núi tại phía đông bắc huyện Văn Xương. Dân Liêu đúc đồng thành trống lớn, treo trước đình; gặp giặc thù đến thì đánh trống báo động, mọi người đến đông đúc. Sau đó vùi vào núi này, dân địa phương đào lấy được nên có tên như vậy; Quỳnh Châu chí nói biển Ðồng Cổ thực thâm hiểm. Theo hướng Khôn Mùi [217,5 độ], thuyền đi 4 canh đến Ðộc Châu Sơn.

“Ðộc Châu Sơn: tên tục là Độc Trư Sơn; Quỳnh Châu chí chép Ðộc Châu Sơn [獨 州 山] còn có tên là Ðộc Châu Sơn [獨 珠 山], tại phía đông nam châu Vạn. Ðỉnh núi cao trên biển, chu vi 5,6 chục lý; các nước phương Nam đến cống, thủy trình lấy núi này làm chuẩn, biển này gọi là Ðộc Châu Dương; người đi thuyền nói trên núi có miếu Linh Bá, khách vãng lai thường tế hiến. Theo dòng nước 65 sải tay, hướng Khôn Mùi [217,5 độ], thời gian 10 canh đến biển Giao Chỉ.

– “Từ biển Giao Chỉ theo hướng Khôn Mùi [217,5 độ], thời gian 11 canh [1 canh = 2 giờ 24 phút] đến núi Ngoại La. Núi này trông xa như một cửa thành, đến gần thấy phía đông cao, phía tây thấp, có hồ Liễu Tử, phía tây có hòn Cổ Lão”.

Bản đồ: Hàng hải từ Trung Quốc đến các nước Ðông Nam Á

3.2

hbt-5

3.4

3.5

Căn cứ vào khoảng cách, phương hướng và sự mô tả; Ngoại La Sơn có thể là Cù Lao Ré, tức huyện đảo Lý Sơn, vì tại đây có hòn lớn và hòn bé, ngoài biển từ xa nhìn vào như hai cột của cửa thành. Ngoài ra sách Việt sử cương giám khảo lược [越 史 綱 鍳 考 畧] của Nguyễn Thông chép về đảo Lý Sơn có câu: 理 山 島 又 名 外 岣 嶗 俗 稱 外 嶗 (Ðảo Lý Sơn lại có tên là Ngoại Cù Lao, dân thường gọi là Ngoại Lao); phải chăng người Trung Quốc đọc chệch hai chữ “Ngoại Lao” thành “Ngoại La”?

– “Từ Ngoại La Sơn thuyền men theo phía tây, theo luồng nước sâu 45 sải tay, hướng Bính Ngọ [172,5 độ], thời gian 3 canh đến cầu Mã Lăng, trong đó là Ðề Di, một huyện của Giao Chỉ.

Sách Ðại Nam nhất thống chí [大 南 一 統 志][9] của nước ta chép: “Tấn Ðề Di ở phía đông bắc huyện Phù Cát [Bình Ðịnh], rộng 11 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống sâu 4 thước, phía tây có đầm nước ngọt, thuyền buôn thường đỗ tại đây, thủ sở tại địa phận thôn An Quang

Nơi đây thuộc lãnh thổ Việt Nam, nên cũng cần biết qua cách thức giao dịch giữa chủ thuyền buôn Trung Quốc cùng quan lại và dân chúng nước ta; sự việc được chép trong mục Giao dịch, quyển 1 Giao ChỉÐông Tây dương khảo:

“Khi thuyền buôn ghé, mang lụa đến trình báo Tù trưởng. Sau đó viên chủ thuyền đến gặp Tù Trưởng, hành lễ 4 vái; dâng lễ cống phương vật, số lượng đã thành qui định. Tù trưởng đãi ăn và cấp cho bài gỗ, treo bài tại nhà lồng chợ để dân tự do mua bán. Viên Tù trưởng lên xe đi, giao cho viên quan lo việc mậu dịch trông coi. Tù trưởng tại Quảng Nam có thể ra hiệu lệnh cho các Tù trưởng địa phương tại Liệt Can, Ðông Kinh, Ðề Di, Tân Châu. Phàm thuyền buôn ghé tại Tân Châu, Ðề Di phải đi mấy ngày đến Quảng Nam nhập cống; viên Tù trưởng Quảng Nam cấp bài gỗ giao cho. Dân thấy bài gỗ thì kính cẩn, không dám to tiếng. Tại Thuận Hóa có nhiều phụ nữ đến mua bán, phụ nữ để tóc trần gió bay phất phơ, đưa trầu cau mời ăn để tỏ vẻ ân cần. Riêng sĩ nhân yêu thích sách, đem nhiều tiền để mua”.

“Mở Tống sử [宋 史] ra xem cũng chép rằng cống sứ An Nam đến kinh đô, xin được mua sách; quan phụ trách bảo rằng pháp luật không cho. Chiếu vua khen là biết mộ điều phải, chấp nhận; chứng tỏ rằng người nước đó thích sách không phải chỉ có một lần!”.

Từ cầu Mã Lăng tại Đề Di theo luồng nước sâu 25 sải tay, bờ phía nam có đá ngầm, khi ra khỏi theo hướng Bính Ngọ [172,5 độ], thời gian 4 canh đến bán đảo Giao Bôi, tức cảng Tân Châu. Tại đây hình thế 2 bán đảo như 2 chén giao nhau, nên có tên là Giao Bôi.

Ðịa danh Tân Châu, được xác định trong Minh thực lục [明 實 錄]; khi tường thuật việc phái đoàn nhà Minh cầm đầu bởi Cấp sự trung Trần Tuấn đi sứ Chiêm Thành để phong Vương cho Bàn La Trà Duyệt, theo thông lệ ghé đến cảng Tân Châu [gần thành Chà Bàn, Qui Nhơn], thì được biết vùng này đã bị An Nam chiếm. Bèn hàng hải tiếp đến Linh Sơn thì được tin cả nhà Bàn La Trà Duyệt bị An Nam bắt. Vì trên thuyền chở nhiều hàng hóa nên phải hành trình tiếp đến Mãn Thứ Gia [thuộc vùng đất Mã Lai hiện nay] để bán hàng, rồi mới trở về Trung Quốc:

“Ngày 14 tháng 12 năm Thành Hóa thứ 10 [21/1/1475]

Công khoa Cấp sự trung Trần Tuấn đi sứ Chiêm Thành không vào được, bèn nạp trở lại những thứ đã mang đi như chiếu sắc, ấn mạ vàng bạc, các vật như lụa, đoạn. Bọn Tuấn đi sứ Chiêm Thành để phong cho Quốc vương Bàn La Trà Duyệt, khi hàng hải đến cảng Tân Châu, Chiêm Thành; quân phòng thủ từ chối không cho vào, người Thông dịch cho biết đất này đã bị An Nam chiếm, còn Quốc vương Chiêm Thành tỵ nạn tại Linh Sơn. Khi đến Linh Sơn thì được biết cả nhà Bàn La Trà Duyệt bị An Nam bắt và đất Chiêm Thành bị đổi tên thành châu Giao Nam. Bọn Tuấn không dám ghé vào; nhưng thuyền chở hàng hóa tư, cùng nhiều thương nhân, nên giả lấy cớ bị gió bão rồi hàng hải tiếp đến Mãn Thứ Gia buôn bán, lại dụ Vương nước này sai sứ đến triều cống. Đến nay trở về tâu đầy đủ việc An Nam chiếm cứ Chiêm Thành, cùng việc Quốc vương Mãn Thứ Gia cung cấp thức ăn và các nhu yếu phẩm khác, đối đãi lễ nghi rất đầy đủ…” (Minh thực lục, v. 45, t. 2553-2554; Hiến Tông quyển 136, trang 6a-6b).

“Từ phía trong cảng Tân Châu theo dòng nước sâu 18 sải tay, nhắm hướng Bính Ngọ [172,5 độ], thời gian 3 canh đến Bán Dự. Tại Bán Dự có tháp bằng đá, có thể ghé thuyền. Phía trong theo luồng nước sâu 8,9 sải tay, ngoài sâu 20 sải, phía nam có đá ngầm không thể đến gần, theo hướng Bính Ngọ [172,5 độ], thời gian 3 canh đến Yên Đổng. Ðây là nơi phân giới giữa Giao Chỉ và Chiêm Thành, nhìn lên thấy mây như ống khói nên đặt tên như vậy; tuy trời tạnh nhìn lên núi vẫn thấy khí mây bao phủ”.

Tuy hai địa danh Bán Dự và Yên Ðổng không ghi trong Ðại Nam nhất thống chí, nhưng căn cứ thời gian hàng hải có thể đoán rằng Bán Dự tức bán đảo Hòa Lợi thuộc huyện Sông Cầu, Phú Yên; ngoài ra chữ “bán dự” cũng có nghĩa là bán đảo. Riêng Yên Ðổng có thể là vịnh Xuân Ðài, giáp giới huyện Tuy An, Phú Yên; nơi này gần núi cao, mây bao phủ nên gọi là Yên Ðổng. Chữ này cũng có nghĩa là mây tuôn như ống khói. Ngoài ra theo văn bản Minh thực lục  nêu trên, thì đất Tân Châu đã bị An Nam chiếm, vua Chiêm trốn về Linh Sơn, vậy thời gian cuối thế kỷ thứ 15, Yên Ðổng có khả năng là nơi phân giới giữa An Nam và một phe Chiêm Thành.[10] Riêng Ðại Nam nhất thống chí, xác nhận biên giới lúc bấy giờ tại núi Thạch Bi huyện Tuy Hòa; núi Thạch Bi cao, có chi nhánh chạy ra biển; vậy phải chăng các địa danh Yên Ðổng, Thạch Bi đều chỉ chung một rặng núi.

– “Từ Yên Ðổng theo hướng Bính Ngọ [172,5 độ], thời gian 3 canh đến Linh Sơn. Nơi đây là một thắng cảnh, núi đảo liên tiếp, dưới thì sông suối quanh co như dây đai, trên có núi hình như đầu Phật nên có tên là Linh Sơn. Thuyền bè vãng lai, người sùng đạo Phật tụng kinh, thả đèn hình giống thuyền trên sông, để cầu khỏi tai họa trên biển.

Theo sự mô tả nêu trên, cùng Minh thực lục, thì địa danh Linh Sơn có thể là thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên ngày nay. Từ đó thuyền ra khỏi mũi Ðại Lãnh, hướng kim nam châm thẳng đến đảo Côn Lôn, hoặc men theo bờ bể tiếp tục cuộc hải hành như sau:

– “Từ Linh Sơn theo luồng nước sâu 6o sải tay, nhắm hướng đơn Ngọ [180 độ], thời gian 2 canh đến Giả Nam Mạo. Trong cảng này có 3 đảo nhỏ, lúc thủy triều lên thì không thấy. Qua núi, theo luồng nước sâu 15 sải tay, nhắm hướng Khôn Mùi [217,5 độ] thời gian 5 canh từ Khuê Long vào La Loan Đầu tức cảng Chiêm Thành.

Căn cứ vào thời gian hàng hải phỏng đoán rằng Giả nam Mạo tức Mũi Gành tại phía bắc tỉnh Khánh Hòa, còn cảng Chiêm Thành tức thành phố Nha Trang.

Từ La Loan Ðầu theo luồng nước sâu 50 sải tay, nhắm hướng Khôn Thân [232,5 độ], thời gian 5 canh tới Xích Khảm SơnÐời Tống vua Chiêm Thành trốn Giao Chỉ thường dời đến ở đây.

Theo hướng kim chỉ nam được ghi nhận dưới đây, từ Xích Khảm Sơn theo hướng 210 độ đến đảo Côn Lôn; như vậy ngược lại từ đảo Côn Lôn đến Xích Khảm Sơn là [210-180=30] 30 độ. Trên bản đồ hãy dùng kim chỉ nam đặt tâm điểm tại Côn Sơn, theo hướng 30 độ sẽ dẫn tới Phan Rang; vậy Xích Khảm Sơn tức thị xã Phan Rang.

Từ Xích Khảm Sơn theo hướng đơn Mùi [210 độ], thời gian 15 canh đến núi Côn Lôn. Ðây không phải địa danh Côn Lôn trên nguồn sông [chỉ núi Côn Lôn tại Trung Quốc], mà chính là thắng cảnh Côn Lôn trên biển cả. Nơi đây núi cao mà vuông, chân núi rộng; tục ngữ cảnh báo dân đi biển rằng: “thượng phạ Thất Châu, hạ phạ Côn Lôn” (sợ nhất là Thất Châu, rồi đến Côn Lôn); vì qua những nơi này nếu không cẩn thận đi lệch hướng kim nam châm hoặc lạc tay lái, có thể đâm vào chốn nguy hiểm khó tồn tại. Tại Côn Lôn theo hướng đơn Canh [255 độ] và Canh Dậu [262,5 độ] sẽ đến Tiểu Côn Lôn.

Theo Tập bản đồ hành chính 64 tỉnh, thành phố Việt Nam của Nxb Bản đồ, tại đảo Côn Sơn có núi An Hải cao 577 mét, từ đảo chính theo hướng 255 độ có đảo Hòn Bà.

– “Từ núi Côn Lôn theo hướng Khôn Thân? [232,5 độ] cùng Canh Dậu? [262,5 độ], thời gian 30 canh đến Cát Lan Châu. Cát Lan Châu là bến cảng của nước Ðại Nê. Xưa gọi là Bột Nê [渤泥: Borneo], nước này thường đến triều cống Trung Quốc qua tỉnh Phúc Kiến”.

– “Từ núi Côn Lôn theo hướng Tân Dậu [277,5 độ] thời gian 26 canh đến Lục Khôn, đó là thuộc quốc của nước Tiêm La”.

– “Lại từ núi Côn Lôn theo hướng Khôn Mùi [217,5 độ] thời gian 30 canh đến Ðấu Dự, lại theo hướng Ðinh Ngọ [187,5 độ] đến nước Bành Hanh  [tức Pahang thuộc Mã Lai]”.[11]

  1. Hối biên trưng sử liệu về Vạn Lý Thạch ÐườngVạn Lý Trường Sa trong Hải ngữ[海 語] của Hoàng Trung đời Minh như sau:

“Vạn Lý Thạch Ðường tại phía đông biển Ô Trư và Thạch Trư. Tại đó tuy trời nắng nhưng vẫn âm u, không giống như trong cõi trần; thổ sản nhiều xà cừ. Chim có nhiều loại quỉ xa, có thứ 9 đầu, có thứ 3,4 đầu, rãi rác khắp biển; tiếng kêu gào ầm ỉ đến mấy dặm; tuy kẻ ngu và loại hung hãn cũng xúc động buồn thảm, mồ hôi toát ra. Châu sư hàng hải trên thuyền lỡ tay lái thất thế, đâm vào đá tảng, thì hàng trăm mạng biến thành quỉ!”.

“Vạn lý Trường Sa tại phía đông nam Vạn Lý Thạch Ðường, tức Lưu Sa Hà của giống Di đông nam. Gió thổi ào ào, ngày trong sáng mà trời như đầy tuyết. Lái thuyền lỡ đi lẩm vào, thì bị dính vào không ra được; nếu may nhờ gió đông nam mạnh mới thoát khỏi”.

Qua lời bàn[12], biên giả Hối biên cho rằng Vạn Lý Trường Sa đáng chỉ quần đảo Nam Sa. Ðiều này vô lý, vì sách Hải đạo châm kinh [海 道 針 經] đời Thanh[13]xác nhận: “Nếu qua Thất Châu lái lệch sang phía đông 7 canh, thấy Vạn Lý Trường Sa”. Theo sự ước tính thời đó, trung bình một canh thuyền đi được 60 lý, như vậy 7 canh được 420 lý, tương đương 243 km. Qua Bản đồ số 1: Hàng hải từ Trung Quốc đến các nước Ðông Nam Á nêu trên, thấy được vị trí Thất Châu Dương; từ đó đến quần đảo Spratly mà Trung Quốc gọi là Nam Sa khoảng cách trên 1.000 km. Hai khoảng cách chênh lệch đến hơn 4 lần, như vậy không thể bảo Vạn Lý Trường Sa tức Nam Sa [Spratly].

  1. Sách Hải ngữcủa Hoàng Trung cũng mô tả hướng đi Tiêm La [Thái Lan] như sau:

“Nước Tiêm La tại phía biển Nam Hải. Từ cửa Nam Ðình thuộc huyện Ðông Hoàn [Quảng Ðông] ra khơi. Nam đến Ô Trư, Ðộc Trư, Thất Châu (có tên Tam Dương) la bàn theo hướng Khôn Mùi [217,5] đến Ngoại La, lấy Khôn Thân [232,5] 45 trình, đến Cựu Cảng [Qui Nhơn], Chiêm Thành”.[14]

Nhận xét về sử liệu này biên giả Hối biên cho rằng Thất Châu Dương là Tây sa [Hoàng Sa], điều này cũng không đúng. Xét vị trí Tam Dương [Ô Trư, Thất Châu, Ðộc Trư] trên Bản đồ 1, 2: Hàng hải từ Trung Quốc đến các nước Ðông Nam Á  [mục 5 (ĐỜI MINH)], thì từ đó đến Ngoại La sơn [tại tỉnh Bình Ðịnh] theo hướng Khôn Mùi [217,5] giống như sử liệu nêu trên mô tả; như vậy vị trí Thất Châu Dương ở phía đông châu Vạn 100 lý [58 km] không thể là đảo Tây Sa [Hoàng Sa].

  1. Hải đạo châm kinhchép:

“Ngoại La Sơn xem từ xa như ba cửa, đến gần thấy phía đông cao phía tây thấp, phía bắc có hồ Da Tử, tây có Lão Cổ Thạch, đi thuyển phía tây qua dòng nước sâu 40 sải tay, đi lại nên men theo phía tây, phía đông sợ phạm vào Thạch Lan”.[15]

Biên giả Hối biên cho rằng Ngoại La Sơn tức cảng Tân Châu [Thi Nại, Qui Nhơn]. Ðây là một điều lầm, xem Bản đồ 2: Hàng hải từ Trung Quốc đến các nước Ðông Nam Á [mục 5 (ĐỜI MINH)] thì Ngoại La sơn ở phía bắc Tân Châu, khoảng cách 7 canh [khoảng 240 km], phải vượt qua Đề Di; vị trí Ngoại La Sơn có thể là Cù Lao Ré, tức huyện đảo Lý Sơn, thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

  1. Sử liệu trong Hải tra dư lục[海 槎 餘 錄] của Nguyên Giới đời Minh, Quảng Ðông thông chí [廣 東 通 志] của Hoàng Tá đời Minh đều đề cập đến Thiên Lý Thạch ÐườngVạn Lý Trường ÐêHải tra dư lụcchép như sau:

“Thiên Lý Thạch Ðường tại biển Nhai Châu ngoài 700 lý. Truyền rằng đá tại biển này dưới mức nước biển 8, 9 thước [1thước = 1/3 mét]; thuyền đi qua tránh xa mà đi, một lần đâm vào thì không thể ra được. Vạn Lý Trường Ðê ở phía nam, thuyền vào trong đó không thể thoát được. Dân Phiên đã quen nơi này, biết cách tránh, tuy gặp gió bão cũng không lo”.[16]

Nhận xét về sử liệu nêu trên, biên giả Hối biên cho rằng Vạn Lý Trường Ðê là quần đảo Nam Sa; điều này họ không trưng được bằng chứng mà lại sai về phương hướng, vì trên thực tế quần đảo Nam Sa [Trường Sa] nằm phía tây nam Thiên Lý Thạch Ðường [Tây Sa]. Lời dẫn chứng lại cho biết dân Phiên [chỉ An Nam, Chiêm Thành, Chân Lạp vv.] quen với những đảo này, còn người Trung Quốc chỉ “nghe truyền”, tức không có hiểu biết gì vùng này; như vậy các quần đảo này hoàn toàn xa lạ với Trung Quốc.

  1. Trong Ðông Tây dương khảo[東 西 洋 考] Trương Tiếp lưu ý về địa danh Thất Châu Dương; nên ông căn cứ Quỳnh Châu chíchú thích về Thất Châu Dương như sau: “Thất Châu Dương thuộc phía đông huyện Văn Xương [Hải Nam], nơi đó núi nhô lên 7 ngọn, trong có suối, nước ngọt có thể uống được”.

Trước dẫn chứng rõ ràng của Trương Tiếp, biên giả Hối biên tỏ ra lươn lẹo, chia Thất Châu Dương ra làm hai: “Thất Châu Sơn” và “Thất Châu Dương” với lập luận như sau Thất Châu Sơn trong đoạn văn nêu trên chỉ hòn đảo Thất Châu ngày nay; còn Thất Châu Dương chỉ đảo Tây Sa ngày nay và vùng biển xung quanh. Các tác giả thời Minh, Thanh thường lẫn lộn Thất Châu Sơn và Thất Châu Dương”.[17]

Lập luận của biên giả Hối biên rõ ràng gian dối, nên một học giả nổi tiếng Trung Quốc, Ðàm Kỳ Tương, trong bài Thất Châu dương khảo [sách Nam Hải chư đảo sử địa khảo chứng luận tập, trang 3] viết về Thất Châu Dương như sau:

宋 元 以 來, 皆 稱 西 沙 群 島 爲 石 塘, 長 沙, 千 里 或 萬 里 石 塘, 千 里 或 萬 里 長 沙, 無 稱 七 洲 也, 可 見 七 洲 洋應 指 七 洲 附 近 的 洋 面, 不 可 能 指 石 塘 或 長 沙 的 洋 面 (Từ Tống, Nguyên đến nay đều gọi đảo Tây Sa [Hoàng Sa] là Thạch Ðường, Trường Sa, Thiên Lý hoặc Vạn Lý Thạch Ðường; Thiên Lý hoặc Vạn Lý Trường Sa, chưa từng gọi là Thất Châu Dương. Như vậy có thể thấy Thất Châu Dương chỉ mặt biển sát gần đảo Thất Châu [phía đông huyện Văn Xương, đảo Hải Nam], không có khả năng chỉ mặt biển Thạch Ðường hoặc Trường Sa).

Ðể tiện việc tham khảo vị trí Thất Châu Dương, xin dịch đoạn văn dưới đây, tại quyển 9, mục Tây Dương châm lộ, sách Ðông Tây dương khảo, và xin xem thêm bản đồ tại mục số 5 (ĐỜI MINH), nêu trên:

Ô Trư Sơn [tại cửa sông Châu Giang tỉnh Quảng Ðông]: Trên có miếu Ðô Công, khi thuyền qua biển này, mang lễ vật cúng lạy từ đằng xa, xin thần phối hưởng, dùng thuyền giấy rực rỡ tống tiễn thần. Từ biển Ô Trư Sơn theo dòng nước 10 sải tay, hướng đơn Thân [240 độ], đi 13 canh đến Thất Châu Dương”.

– “Núi Thất Châu, Thất Châu Dương: Quỳnh Châu chí [瓊 州 志] chép Thất Châu Dương tại phía đông huyện Văn Xương 100 lý; trên biển có 7 ngọn núi nhô lên liên tiếp, trong có nước suối ngọt có thể uống được. Thời nhà Nguyên, Lưu Thâm truy kích Tống Trang Tông, bắt thân thuộc là Lưu Ðình Khuê tại nơi này. Tục truyền thời xưa có 7 châu chìm xuống dưới biển; thuyền đến mang súc sinh và cháo cúng thần, không tuân sẽ biến thành ma đói. Thuyền đi qua rất nguy hiểm, lệch sang hướng đông phạm vào Vạn Lý Thạch Ðường; nơi mà Quỳnh Chí chép là phía đông châu Vạn có biển Thạch Ðường, thuyền đến đó ít có chiếc nào thoát hiểm. Từ châu Thất Dương theo hướng Khôn Mùi [217,5 độ], thời gian 3 canh đến Ðồng Cổ Sơn”.

  1. Biên giả Hối biên trưng hai sử liệu từ Việt hải quan chí[越 海 関 志] của Lương Ðình Ðan đời Minh và Cổ kim đồ thư biên[古 今 图 書 編] của Chương Hoàng đời Minh, chép về thủy trình đến Chiêm Thành như sau:

“Từ huyện Hương Sơn, Quảng Ðông lên thuyền, dùng gió bắc, la bàn theo hướng Ngọ ra biển lớn tên là Thất Châu Dương, qua 10 ngày đêm có thể tới biển An Nam, có ngọn núi tên là Ngoại La; qua 8 ngày đêm có thể tới biển Chiêm Thành, qua 12 ngày đêm có thể tới núi Côn Lôn. Rồi dùng gió đông bắc quay thuyền hướng Mùi và Thân 3 phân, 5 ngày đêm đến cảng Ðại Chân Thụ, qua 5 ngày đêm có thể đến cảng Tiêm La….”.

Xét thủy trình được mô tả, cùng tương tự như thủy trình ghi trong Bản đồ hàng hải từ Trung Quốc đến các nước Ðông Nam Á tại mục số 5 (ĐỜI MINH) nêu trên. Nhưng một lần nữa biên giả Hối biên lại cho Thất Châu Dương là Tây Sa [Hoàng Sa], với nhận xét như sau “Đoạn văn về “Thất Châu Dương” nêu trên bao quát vùng biển quần đảo Tây Sa”.[18]

Hãy tra thêm tư liệu dưới đây, tại mục Châu sư khảo, quyển 9, Ðông Tây dương khảo  đời Minh, trình bày thuật hàng hành [navigation] bằng cách nhìn hiện tượng xung quanh để định vị trí; nội dung có thể giúp phân biệt Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Ðường [Hoàng Sa] và Ngoại La Sơn [Lý Sơn]:

“Thuyền đến Thất Châu dương cùng Ngoại La gặp những ngày này nên điều chỉnh thuyền không nên lái thiên về tây, vì phía tây nước cạn, nên chạy mé về phía đông. Khi đi thuyền nên thăm dò, phía tây nước sắc màu xanh, thấy nhiều loại cá Bái Lãng [bái sóng], quá sang phía đông sắc nước đen. Khi nước màu xanh, có nhiều củi khô trôi, cùng tiếng kêu vịt trời giống như chim bạch điểu bị tên; trường hợp này chỉnh kim chỉ nam đúng hướng, sẽ đến gần Ngoại La sơn. Nếu từ đó quẹo sang phía đông 7 canh thuyền đến Vạn Lý Thạch Ðường, trong đó có một núi đá màu hồng không cao, nếu thấy thân thuyền chúc xuống như dòm vào đá, thì phải đề phòng! đề phòng!”.

Không riêng gì người xưa, học giả Trung Quốc hiện đại Đàm Kỳ Tương, bàn về tuyến hàng hải từ Trung Quốc xuống các nước Ðông Nam Á cũng khẳng định không thể đi qua Tây Sa [Hoàng Sa], Nam Sa [Trường Sa] được:

七 洲, 崑 崙 都 是 有 相 當 高 度 的 岩 島, 節 然 瀛 海 之 中. 因 而 得 與 明 清 針 經 中的 烏 猪, 獨 猪, 外 羅, 占 筆 羅 等 山 並 烈, 成 爲 指 引 海 道 航 向 的 指 标. 至 于 西 沙, 南 沙 諸 島, 都 是 些 海 拔 很 低 而 礁 盘 很 大 的 珊 瑚 洲, 遠 外 看 不 見, 等 到 船 至 近 処 看 得 見了, 便 有 觸 礁 之 險, 怎 得 成 爲 大 海 中 的 航 标: (Thất Châu và Côn Lôn đều là những đảo đá có cao độ tương đương, nghiễm nhiên tại nơi biển rộng, nên được các sách châm kinh đời Minh, Thanh cho cùng các đảo Ô Trư, Ðộc Trư, Ngoại La [Lý Sơn], Chiêm Bút La [Cù Lao Chàm] làm tiêu chí chỉ dẫn hàng hải. Còn như các đảo Tây Sa [Hoàng Sa], Nam Sa [Trường Sa] đều thấp, mà những bãi đá ngầm san hô thì rất lớn, từ xa nhìn không thấy, đợi đến khi đến gần thấy được thì thuyền bị nguy hiểm vì đụng bởi đá ngầm, như vậy thì làm sao có thể nằm trên tuyến hàng hải ngoài biển).[19]

Chú thích phần 3

[1], [3][4], [5], [6][7], [12], [13], [14], [15], [16], [17], [18]  Hối biên, trang: 50, 51, 52-53, 53-54, 56, 56 (dòng 15), 58, 72, 59, 60, 61, 63, 64-65.

[2] Khâm định Ðại Thanh nhất thống chí, phủ Quỳnh Châu, quyển 350.

[8] 1 trượng = 10 xích; 1 xích = 0,32 mét.

[9] Ðại Nam nhất thống chí, bản dịch của Viện Sử học, tập 3, trang 47.

[10] Theo sử Việt, sau khi đánh bắt Trà Toàn, vua Lê Thánh Tông chia Chiêm Thành thành 3 nước nhỏ.

[11] Đông Tây dương khảo, quyển 9.

[19] Đàm Kỳ Tương, Thất Châu dương khảo, sách Nam Hải chư đảo sử địa khảo chứng luận tập, trang 3.

 PHẦN 4

I. ĐỜI THANH

  1. Khởi đầu về đời Thanh, biên giả Hối biêntrưng 2 sử liệu sau đây để nói rằng Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Ðường được nhập vào lãnh thổ châu Vạn:

– Sử liệu thứ nhất từ Quảng Ðông thông chí [廣 東 通 志] của Hác Ngọc Lân đời Thanh, tại mục Hình thắng: “Châu Vạn có 3 đoạn nước bao bọc bởi biển, 6 chỗ liên tiếp với núi; tại châu trị trong chốn yên ba ẩn hiện Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Ðường”.[1]

– Sử liệu thứ hai từ Quảng Ðông thông chí [廣 東 通 志] của Nguyễn Nguyên đời Thanh “Trường Sa Thạch Ðường đều tại phía đông thành ngoài biển cả. Cổ chí chép châu Vạn có Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Ðường; nhưng đều tại biển ngoài, không thể kê cứu được sự thực”.[2]

Hai sử liệu nêu trên chỉ có giá trị như những câu văn tả cảnh tổng quát, không xác định chủ quyền. Muốn rõ chủ quyền, cần tìm hiểu vị trí, giới hạn, của châu Vạn được ghi trong Khâm định Ðại Thanh nhất thống chí [欽 定 大 清 一 統 志], một bộ sách chính thức của triều đình nhà Thanh đời Càn Long, mà biên giả không muốn trưng ra:

“Châu Vạn tại phía đông nam phủ Quỳnh Châu 450 lý [261 km], từ đông sang tây 205 lý [118 km], nam chí bắc 120 lý [69 km]; phía đông từ châu lỵ đến biển 25 lý [14.5 km], phía tây cách núi Lê 180 lý [104 km], phía nam đến bờ biển 25 lý [14.5 km], phía bắc đến huyện Lạc Hội 95 lý [55 km]. Phía đông nam giáp biển 30 lý [17 km], tây nam giáp huyện Lăng Thủy 100 lý [58 km], đông bắc đến biển 70 lý [40 km], tây bắc đến núi Lê 160 lý [92 km].[3]

Dưới đây là bản chụp nguyên văn:

4.1

Thử hỏi châu Vạn rộng từ đông sang tây 205 lý [118 km], phía đông từ châu lỵ đến biển 25 lý [14.5 km] thì Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Ðường xa xôi, có thể đặt vào trong đó được không? Ngoài ra để tham khảo thêm, xin giới thiệu bản đồ phía đông đảo Hải Nam cũng in trong Khâm định Ðại Thanh nhất thống chí, tại trang đầu, quyển 350:

4.2

Nhìn trên bản đồ từ bắc chí nam có những địa danh được phiên âm gồm: huyện Văn Xương, huyện Hội Ðồng, huyện Lạc Hội, châu Vạn, và đảo Ðộc Châu Sơn. Lưu ý: trong lãnh thổ châu Vạn chỉ ghi đảo Ðộc Châu sơn, ngoài ra không hề có tên Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Ðường, như biên giả Hối biên đã nêu.

Lại cần phải nói về thêm hành vi thiếu trung thực của biên giả Hối biên; trong quyển 4, Quảng Ðông thông chí của Hác Ngọc Lân, họ chỉ trưng lên câu văn tả cảnh tại phần Hình thắng [形 勝] như đã nêu trên; nhưng không dám nêu rõ vị trí châu Vạn tại mục Cương vực [疆 域], cũng nằm trong quyển 4 như sau:

“Châu Vạn tại phía đông nam phủ thành 450 lý, ngang 205 lý, dọc 120 lý; phía đông tới bờ biển 25 lý; phía tây đến núi Giá Cô Đề 180 lý, bên ngoài dân tộc Sinh Lê sinh sống; phía nam đến biển 25 lý, bắc đến biên giới huyện Lạc Hội 95 lý. Đông bắc đến Liên Chi Lãnh 70 lý, tây nam đến biên giới huyện Lăng Thuỷ 100 lý, tây bắc đến biên giới Hoành Lĩnh, Lê Động 160 lý, đông nam đến bờ biển 30 lý”.

  1. Sách Tuyền Châu phủ chí[泉 州 府 志] [của Hoàng Nhiệm đời Thanh, và Ðông An huyện chí[同 安 縣 志] của Ngô Ðường đời Thanh đều kể việc Ngô Thăng tuần phòng vùng núi Ðồng Cổ tại châu Vạn và Thất Dương Châu như sau:

“Ngô Thăng, tự Nguyên Trạch, người Ðồng An, nguyên họ Hoàng, giữ chức Tổng lữ, đánh giặc tại Quả Ðường thăng chức Thiên tổng. Lại đi đánh tại Kim Môn, Hạ Môn, Bành Hồ, Ðài Loan có công được giữ chức Du kích Thiểm Tây, thăng Phó tướng Quảng Ðông, được điều đến Quỳnh Nhai. Ðích thân tuần phòng thị sát từ Quỳnh Nhai, qua Ðồng Cổ, Thất Châu dương, Tứ Canh Sa vòng quanh đến 3000 lý; nhờ vậy địa phương được ninh thiếp”.[4]

Biên giả Hối biên lại một lần nữa khẳng định rằng Thất Châu Dương tức quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa]. Ðính chính sự sai lầm này, tại mục 5 (ĐỜI MINH) chúng tôi đã trích dẫn Quỳnh Châu chí [瓊 州 志] chép rằng Thất Châu Dương cách huyện Văn Xương [Hải Nam] về phía đông 100 lý [58 km]. Nhìn qua bản đồ, thấy hải trình của Ngô Thăng là cuộc tuần hành xung quanh đảo Hải Nam, khởi hành từ Quỳnh Châu phía bắc đảo, lần lượt qua Ðồng Cổ, Thất Châu tại phía đông đảo, rồi vòng qua phía tây đảo đến Tứ Canh Sa thuộc huyện Xương Hóa, cuối cùng trở lại Quỳnh Châu. Cuộc hành trình như vậy hết 3.000 lý [1.740 km] là hợp lý vì đường kính đảo Hải Nam khoảng dưới 1.000 lý; nếu còn đi đến Tây Sa [Hoàng Sa], như biên giả nêu thì phải tốn thêm 7,8 trăm cây số nữa. Hơn nữa Ngô Thăng muốn giữ an ninh cho đảo Hải Nam, tức Quỳnh Nhai, thì tuần hành xung quanh đảo này, còn vươn ra nơi xa xôi Tây Sa [Hoàng Sa] để làm gì?

  1. Biên giả Hối biên trưng tư liệu, từ Bắc Kinh cố cung bác vật viện Minh Thanh đang án[北 京 故 宮 博 物 院 明 清 档 案][5] liên quan đến việc viên Tổng đốc Lưỡng Quảng Dương Ứng Cư tâu trình về việc cứu người ngoại quốc bị nạn trên biển, vào năm Càn Long thứ 30 [1765] như sau:

“Ðề báo rằng viên Bố chính Quảng Ðông Thạch Trụ Tường xưng rằng vào năm Càn Long thứ 30 [1765] điều tra về việc bọn Phiên tên Liên Ðắc Lợi gồm 16 người đi thuyền chở  hàng hóa như khăn tay, vải, từ nước họ đến Gia Lặc Ma buôn bán. Bị bão phiêu dạt đến biển Cửu Châu thuộc châu Vạn, thuyền hư nát, chết trôi 2 tên Phiên là Bạch Thiểu, Ni Bì; lại tiếp tục bị bệnh mất 2 tên là Bạch Nê Mẫu, Duy Gia la, còn lại 12 tên. Sau khi viên Tri châu tra rõ, bèn chu cấp lương thực, đưa đến huyện Hương Sơn, giao cho viên quan phụ trách về dân Di, để tìm thuyền tiện lợi, vào ngày 27 tháng 10 năm Càn Long thứ 20, và ngày 12 tháng 11, trước sau chở về nước[6]

Một sự kiện tương tự, tại nước ta lúc bấy giờ quân lính chúa Nguyễn bị nạn tại đảo Hoàng sa, trôi dạt đến đảo Hải Nam, được Lê Quý Ðôn chép trong Phủ biên tạp lục như sau:

“…Quan Chính đường sưu tra công văn trong đó kể rằng vào tháng 7 năm Càn Long thứ 18 [1753], 10 người lính thuộc đội Cát Liêm, xã An Bình, huyện Chương Nghĩa[7] đến Vạn Lý Trường Sa [萬 里 長 沙] thu thập các vật, 8 tên lính lên bờ thu thập, chỉ có 2 người lưu lại giữ thuyền. Chợt cuồng phong nỗi lên, đẩy thuyền xa đến cảng Thanh Lan [青 瀾 港][8] [Trung Quốc], viên quan tại đây điều tra sự thực bèn cho áp giải trở về. Nguyễn Phúc Chu sai Cai bạ Thuận Hóa Thức lượng hầu gửi thư phúc đáp.

Ðọc Thanh thực lục [清實錄], được biết thời đó những người nước ta đi thuyền đến vùng Quảng Ðông, Phúc Kiến thường bị giam giữ về tội xâm nhập bất hợp pháp; riêng việc 2 người lính của chúa Nguyễn từ đảo Hoàng Sa trôi dạt vào cảng Thanh Lan, Hải Nam thì không gặp rắc rối gì. Lý do có thể hiểu được rằng lúc bấy giờ nhà Thanh không coi Hoàng Sa là lãnh thổ của họ, nên viên quan địa phương mới có thể tự tiện trao trả những người này cho chúa Nguyễn nước ta. Trường hợp chiếc thuyền buôn bị tai nạn tại Cửu Châu được Tổng đốc Lưỡng Quảng Dương Ứng Cư cho trả về nguyên quán, cũng theo một thông lệ tương tự. Cửu Châu Dương là biệt danh chỉ Thất Châu Dương, nhưng biên giả Hối biên lại bảo triều đình nhà Thanh thi hành chủ quyền trên đảo Tây Sa [Hoàng Sa] cứu vớt người bị nạn, lập luận này không thể chấp nhận được.

  1. Lại một tư liệu từ Bắc Kinh cố cung bác vật Nguyên Minh Thanh đang án chép về trường hợp thuyền của Cống sứ Tiêm La bị chìm tại Thất Châu Dương, địa điểm tại phía đông huyện Văn Xương 100 lý[9];nhưng biên giả Hối biên vẫn khẳng định Thất Châu Dương tức quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa] một cách vô lý. Tư liệu có đoạn như sau:

“…Tuần phủ Quảng Ðông Thác Ân Ða Sơ xưng Quốc vương Tiêm La có lòng thành theo sự giáo hóa sai Sứ giả là bọn Bị Thải Trảo Ðề mang biểu văn, phương vật, voi thuần đến Quảng Ðông để tiến cống. Trước tiên nghe viên Tri huyện Tân Ðình trình báo, thuyền của viên Chánh sứ bị gió thổi chìm tại địa phương Trà Loan trong huyện; thuyền viên Phó sứ bị bão tại Thất Châu Dương gãy cột buồm đâm vào chỗ cạn. Ðã ban hịch cho quan địa phương trước sau cứu vớt thu hoạch những vật bị chìm…”

  1. Điều đáng lưu ý rằng từ trung điệp triều Minh cho đến triều Thanh; quân Nhật [sử Trung Quốc gọi là Nụy khấu] thao túng cướp phá vùng biển. Trung Quốc chỉ phòng thủ trên bờ và ven biển cũng không xong, nên không màng đến biển cả. Bằng cớ ngay cả đảo lớn giàu tài nguyên như Ðài Loan, được liệt vào ngoại quốc dưới triều Minh. Qua Minh Sử, bộ chánh sử cuối cùng của Trung Quốc trong Nhị thập tứ sử, có thể tìm thấy lãnh thổ Ðài Loan dưới tên Kê Lung Sơn, tại mục Ngoại quốc, phần Liệt truyện.

Biển lúc bấy giờ là mối hệ lụy, nên Trung Quốc chủ trương phòng thủ thụ động trên bờ, bỏ mặc đại dương không chiếu cố đến. Mục Ngự Hải dương trong Quảng Đông thông chí quyển 9, ghi lời chiến lược gia đời Minh, Ðàm Luân, nói về điểm bất lợi trong việc giao tranh ngoài biển như sau:

“Hải đạo Phó sứ đời Minh, Ðàm Luân, nói rằng chống cự giặc biển không cho lên bờ là thượng sách, các sĩ phu ngày nay đều chủ trương như vậy. Sự thực biển rộng mênh mang, đánh dẹp giặc tại biển rất khó. Vì giặc thuận theo gió và thủy triều mà đến, ta đánh lại ngược theo gió và thủy triều rất khó. Khi giặc rời, chờ gió thuỷ triều thuận mà rút; ta nhờ gió và thủy triều thuận để đuổi, càng đuổi càng xa, và đã chắc gì đuổi kịp; nếu kịp thì ngược gió, ngược thủy triều rất khó trở về. Huống gì giặc thấy thuyền ta, tìm cách tránh né; bẻ tay lái trong gang tấc, có thể tránh xa ngàn dặm, ta làm sao có thể đánh kịp. Vả lại [hành quân trên biển], bọn tướng chỉ huy gian dối có thể dựa lời vì gió, thủy triều để tránh né, lấy gì căn cứ để tra xét.

Ðánh trên bộ không như thế, có thể thắng trong phút chốc, thế hai bên không cùng tồn tại, tướng sĩ không có mối tệ. Vậy giảng về đánh trên biển, không bằng giảng về đánh trên bộ…”

Tại mục Cố hải ngạn cũng trong Quảng Ðông thông chí quyển 9 ghi lời Thông chính Ðường Thuận đời Minh đề cao việc chống cự ngay lúc giặc lúc mới đổ bộ lên bờ:

Giặc đến không thể chống trên biển, nên việc phòng trên bờ rất khẩn yếu. Ðối với điều thứ hai khi giặc mới đến, đói khát, sào huyệt chưa thành, đánh dễ hơn. Ðợi đến khi vào nội địa, nếu quét sạch được cũng tổn thất nhiều

Chiến lược bỏ biển được nêu lên một cách cụ thể trong kiệt tác Hải quốc đồ chí (海 國 圖 志) của Ngụy Nguyên [1774-1857]. Tại quyển một, Hải quốc đồ chí , mục Trù hải, trang 56, Ngụy Nguyên nêu bằng chứng rằng dưới thời Minh, Thanh; đảo Châu Sơn [Zhowshan] thuộc tỉnh Chiết Giang, không tiện việc phòng thủ, nên đã bỏ ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Nhìn lên Google Map, đảo này chỉ cách bờ biển Trung Quốc khoảng 10 km; Châu Sơn thị[10] hiện nay dân số hơn 120 vạn người, tại đó có Phổ Ðà Sơn là khu du lịch quốc tế. Nguyên văn trích dẫn như sau:

“Xin nói rộng ra về tỉnh Chiết Giang, đảo dự nhiều như rừng, Châu Sơn là một trong các đảo. Nói về hiểm thì không phải là cửa khẩu, nói về giàu thì đất không phì nhiêu, nói lớn thì thuộc loại như viên đạn; Thang Hòa [湯和 1326-1395][11] đời Minh kinh lý đảo này không thu nhập vào đất nội địa. Năm Thuận Trị thứ 8 [1651] Nghị chính vương Ðại thần tâu rằng Châu Sơn là đất đã bỏ của triều ta, đất này vô ích, ra lệnh cho Phó đô thống chuyển lính Mãn Châu trở về kinh đô, đó là những lời của bực lão thành chiêm nghiệm hàng trăm dặm. Bởi vậy từ thời Khang Hy trở về trước đều cho là đất ngoài vòng giáo hóa, vì rằng chỗ đó thành giáp với biển, thuyền ghé sát vào thành, pháo có thể bắn vào trong thành, so sánh khác với Ðài Loan, Quỳnh Châu, Sùng Minh”.

Thời Thanh viên Tổng đốc đốc Lưỡng Quảng Ngô Hùng Quang xin chế tạo nhiều thuyền để ra biển bắt cướp; bị vua Gia Khánh bác và khẳng định quốc sách là phòng thủ tại cảng và truy lùng những người trên bờ ngầm mua bán hợp tác với bọn cướp. Xin trích dịch chiếu thư của vua Gia Khánh như sau:

“Ngày 2 Kỷ Tỵ tháng 12 năm Gia Khánh thứ 12 [30/12/1807]

… Còn trong tấu triệp Ngô Hùng Quang trình bày rằng Thuyền cướp qua lại đợi chờ mới liên lạc được với bọn gian trên bờ, nếu thuyền binh khẩn trương theo tung tích truy nã, thì bọn chúng không thi thố được thủ đoạn. Vậy muốn ngăn tiếp tế, nên tu tạo nhiều thuyền, xuất dương truy bắt.”

Ðiều này không đúng, về bọn cướp biển, gạo, nước, thuốc súng đều nhờ vào trên bộ. Bọn giặc trên bờ và dưới nước vốn quen nhau, ngầm giao dịch, cũng không phải chờ bọn cướp biển lên bờ tìm kiếm mới được tiếp tế. Tổng chi, đáng ra lệnh các quan văn võ tại cửa biển mật cho tuần tra, nghiêm bắt, trừng trị nặng; bọn phỉ trên bờ co rút lại, thì mới đoạn tuyệt việc tiếp tế.

Ðiều đó khẳng định rằng việc cấm bọn phỉ tiếp tế tất phải nghiêm tra trên bờ, làm vững rào dậu là biện pháp chính. Phúc Kiến nghiêm cấm tiếp tế tại cửa biển, thực hiện hữu hiệu, tỉnh Quảng Ðông cần nhất luật thực hiện...” (Nhân Tông thực lục quyển 189, trang 7)

Cùng đề cao sách lược phòng thủ thụ động nơi ven biển, tại quyển 9, mục Hải phòng, trong Quảng Ðông thông chí, Tổng đốc Hác Ngọc Lân tóm tắt:

“Phàm thuyền đến không cho đậu, đi không tiếp tế; thì dân chúng duyên hải đều được yên gối mà ngủ.”

Với chính sách phòng biển ngay tại bờ, tỉnh Quảng Đông đã lập sẵn 62 vị trí xung yếu làm giới tuyến cho các vệ, sở phòng thủ. Quân lính chỉ chịu trách nhiệm phòng thủ phía trong giới tuyến, riêng phía ngoài, coi như vùng biển quốc tế không thèm biết đến. Riêng từ huyện Lạc Hội [nay thuộc huyện Văn Xương] được ghi là điểm khởi đầu ranh giới tiếp giáp với biển An Nam, nên chúng tôi ghi rõ 26 điểm xung yếu từ huyện Lạc Hội đến biên giới Việt Trung, tiếp giáp với An Nam. Vị trí 62 điểm xung yếu, quan trọng đến nỗi được ghi cẩn thận trong 2 sách Thông Chí của nhà cầm quyền Trung Quốc; thứ nhất, Khâm định Đại Thanh nhất thống chí quyển 350 của triều đình nhà Thanh; thứ hai, Quảng Ðông thông chí quyển 9 của tỉnh Quảng Đông. Xin dịch nguyên văn, phần trong dấu ngoặc [] do chúng tôi ghi thêm, nhắm diễn giải rõ hơn:

“Xung yếu:

Từ huyện Lạc Hội [樂 會, Wenchang, Hải Nam], phủ Quỳnh Châu, khởi đầu tiếp giáp với biên giới An Nam:

– [1] Vũng Hải Ðiều [Wenchang, Hải Nam]: giới hạn của huyện Văn Xương [với biển An Nam].

– [2] Cảng Phố Tiền [鋪 鋪, Puqianzhen, Hải Nam]: giới hạn huyện Hội Ðồng [với biển An Nam].

– [3] Cảng Thần Ứng [Quiongzhou, Hải Nam]: giới hạn phủ Quỳnh Châu [với biển An Nam].

– [4] Phố Phong Doanh [Quiongzhou, Hải Nam]: giới hạn phủ Quỳnh Châu [với biển An Nam].

– [5] Phố Ma Ðầu [Lincao, Hải Nam]: giới hạn huyện Lâm Cao [với biển An Nam].

– [6] Phố Cung Loan [Lincao, Hải Nam]: giới hạn huyện Lâm Cao [với biển An Nam].

– [7] Loan Ðiền Hòa [Danzhou, Hải Nam]: Giới hạn châu Ðam [với biển An Nam].

– [8] Núi Nga Trá [Changhua, Hải Nam]: giới hạn huyện Xương Hóa [với biển An Nam].

– [9] Doanh Bạch Sa [Dongfang, Hải Nam]: giới hạn huyện Cảm Ân 感 恩 [với biển An Nam].

– [10] Ðại Ðộng Thiên [yazhou bay, Hải Nam]: giới hạn châu Nhai [với biển An Nam].

– [11] Tiểu Ðộng Thiên [Yazhou bay, Hải Nam]: giới hạn châu Nhai [với An Nam.]

– [12] Vũng Nha Lang [Lingshui, Hải Nam]: giới hạn huyện Lăng Thủy [với An Nam.]

– [13] Cửa Song Châu [Lingshui, Hải Nam]: giới hạn huyện Lăng Thủy [với An Nam].

– [14] Thất Thập Nhị kính [Qinzhou, Quảng Tây]: giới hạn châu Khâm [với An Nam].

– [15] Nha Sơn [Qinzhou, Quảng Tây]: giới hạn châu Khâm [với An Nam].

– [16] Ðạm Thủy Loan [Qinzhou, Quảng Tây]: giới hạn châu Khâm [với An Nam].

– [17] Doanh Cách Mộc [Lingshan, Quảng Tây]: giới hạn huyện Linh Sơn [với An Nam]

– [18] Núi Ô Lôi [Lingshan, Quảng Tây]: giới hạn huyện Linh Sơn [với An Nam].

– [19] Ao Thanh Anh [Lingshan, Quảng Tây]: giới hạn huyện Linh Sơn [với An Nam].

– [20] Ao Dương Mai [Beihai, Quảng Tây]: giới hạn phủ Liêm Châu [với An Nam].

– [21] Ao Bình Giang [Beihai, Quảng Tây]: giới hạn phủ Liêm Châu [với An Nam]

– [22] Thiệu Châu [Beihai, Quảng Tây]: giới hạn sở Vĩnh An [với An Nam].

– [23] Mão Châu [Beihai, Quảng Tây]: giới hạn sở Hải An [với An Nam].

– [24] Vi Châu [Weizhou island, Quảng Đông]: giới hạn sở Cẩm Nang [với An Nam].

– [25] Điều Châu [Waning, Hải Nam], giới hạn của Thiên hộ sở Thạch Thành [với An Nam].

– [26] Độc Trư Châu 獨 豬 山 [Wanning, Hải Nam] giới hạn của Thiên hộ sở Thạch Thành với An Nam.

– [27] Cương Châu, giới hạn của sở Ninh xuyên 寧 川 所.

– [28] Tiểu Hoàng Trình 小 黃 程, giới hạn của sở Ninh Xuyên.

– [29] Phần Châu, giới hạn của sở Ninh Xuyên.

– [30] Núi Thanh Tụ [Dianbai, Quảng Đông], giới hạn của vệ Thần Điện 神 電 衛.

– [31] Đỉnh La Phù [Dianbai, Quảng Đông], giới hạn của vệ Thần Điện.

– [32] Núi Hải Lăng [Yangjiang, Quảng Đông], giới hạn của sở Song Ngư 雙 魚 所.

– [33] Núi Tiểu Hoạch [Yangjiang, Quảng Đông], giới hạn của của sở Hải Lang 海 朗 所.

– [34] Núi Trung Hoạch, giới hạn của sở Dương Giang.

– [35] Núi Đại hoạch, giới hạn của huyện Tân Ninh.

– [36] Núi Tây Hùng [Xinhui xian, Quảng Đông], giới hạn của huyện Tân Hội.

– [37] Núi Ngạc Châu [Xinhui xian, Quảng Đông], giới hạn của huyện Tân Hội.

– [38] Núi Vạn Hộc [Foshan, Quảng Đông], giới hạn của huyện Thuận Đức.

– [39] Núi Thượng Xuyên [Foshan, Quảng Đông], giới hạn của huyện Thuận Đức.

– [40] Đỉnh Thạch Kỳ [Zhuhai, Quảng Đông], giới hạn của huyện Hương Sơn.

– [41] Núi Xà Tây, giới hạn của 2 huyện Nam Hải, Phiên Ngung.

– [42] Núi Đại Nam Thường, giới hạn của 2 huyện Nam Hải, Phiên Ngung.

– [43] Biển Ô Sa [Zhujiang River Estuary], giới hạn của tuần ty Bạch Sa.

– [44] Biển Cửu Tinh [Zhujiang River Estuary], giới hạn của tuần ty Phúc An.

– [45] San Hô châu [Dongguan, Quảng Đông], giới hạn của huyện Đông Hoàn.

– [46] Núi Bôi Độ [Dong guan, Quảng Đông], giới hạn của huyện Đông Hoàn.

– [47] Bãi Hợp Lan, giới hạn của sở Đại Bằng.

– [48] Bãi Mã Yên, giới hạn của dịch trạm Thiết Cương.

– [49] Núi Ninh Châu [Huizhou, Quảng Đông], giới hạn của phủ Huệ Châu.

– [50] Núi Cát Châu [Huizhou, Quảng Đông], giới hạn của phủ Huệ Châu.

– [51] Biển Ký Tâm, giới hạn của sở Bình Hải.

– [52] Núi Từ Nương [Haifeng, Quảng Đông], giới hạn của huyện Hải Phong.

– [53] Núi Đại Tinh Tiêm, giới hạn của sở Tiệp Thắng.

– [54] Đỉnh Cát Đầu [Jieshi bay, Quảng Đông], giới hạn của vệ Kiệt Thạch.

– [55] Đỉnh Tiền Tiêu, giới hạn của sở Giáp Tý Môn.

– [56] Vịnh Đào Nương [Jinhai harbor, Quảng Đông], giới hạn của sở Tình Hải.

– [57] Tình Hải Úc [Jinhai Harbor, Quảng Đông] giới hạn của sở Tình Hải.

– [58] Núi Đại Phù [Haimen bay, Quảng Đông], giới hạn của sở Hải Môn.

– [59] Núi Ngọc Dự [Haimen bay, Quảng Đông], giới hạn của sở Hải Môn.

– [60] Núi Tiểu Cam, giới hạn của sở Bồng Châu.

– [61] Núi Đại Tướng, giới hạn của sở Đại Thành.

– [62] Núi Đại Kinh [Raoping, Quảng Đông], giới hạn của huyện Nhiêu Bình”. [12]

Phối kiểm về những vị trí xung yếu giáp An Nam, chúng tôi còn tìm được bằng chứng trong các thư tịch khác, như sau:

Thanh thực lục chép lời tâu của Tổng đốc Lưỡng Quảng Trần Ðại Thụ thời Càn Long, xác nhận vùng Long Môn, châu Khâm, giáp với biển Bạch Long Vĩ nước ta:

“Ngày 30 Tân Mùi tháng 5 năm Càn Long thứ 15 [3/7/1750]

Tổng đốc Lưỡng Quảng Trần Ðại Thụ tâu:

“Vùng Long Môn, Khâm Châu Quảng Ðông giáp giới với biển Bạch Long Vĩ, thuộc An Nam. Thuyền buôn nội địa [Trung Quốc] qua lại gặp những sự cố, hoặc những lính tráng đào ngũ trốn tránh tại nơi đây, ta cho là biển của nước Di, nên từ chối không phòng ngự………. Nhận được chiếu chỉ:

“Ðiều thấy đúng, đã hiểu rõ.” 

(Cao Tông thực lục quyển 365, trang 34).

Tìm hiểu xa hơn, điểm xung yếu số 14, Thất thập nhị kinh được sách Ðại Thanh nhất thống chí [13] xác nhận là 72 đường thủy chạy quanh co tại Long Môn:

“Ngoài Long Môn quần sơn nhấp nhô, chia biển ra thành 72 đường thủy đạo, theo núi quanh co, đường nọ với đường kia có thể thông nhau, người đời thường gọi “Long Môn thất thập nhị kính” là tại đây”.

 Khâm định Ðại Thanh nhất thống chí[14] cho biết Nha Sơn, điểm xung yếu 15, cách Long Môn 34 km về phía đông, như vậy cũng gián tiếp xác nhận Nha Sơn gần biển An Nam:

“Núi Nha Sơn [牙山島]: núi ở ngoài biển, phía đông cách Long Môn 60 lý [34 km]; giữa biển nhô lên 3 ngọn núi, chiều ngang hàng chục lý, hình như 3 chiếc răng. Gần Nha Sơn 20 lý [11.6 km] có mũi Kim Cổ, phía đông có vũng Ô Lôi, phía tây có núi Mã Yên, đều là cảng, có thể đậu thuyền ngoài biển”.

Qua bản đồ Google thấy hình dáng Nha Sơn như 3 chiếc răng chìa ra biển, tại tọa độ 21,701934 vĩ độ B; 108,622856 kinh độ Đ.

Thanh thực lục cũng xác nhận thêm Vi Châu [điểm xung yếu 24] là cửa ngõ của 3 phủ Cao Châu, Lôi Châu, Quỳnh Châu; mặt phía tây thuộc biển Việt Nam:

“Ngày 18 tháng 3 năm Ðạo Quang thứ 13 [9/3/1833]

“…….. Lại căn cứ theo Cao Nghi Dõng khám xét biển phía đông nam Long Dương, thuộc 3 phủ Cao, Lôi, Quỳnh, trong đó có đảo Vi Châu làm cửa ngõ, mặt phía tây thuộc Việt Nam, thuyền cướp thường trốn tại núi Cẩu Ðầu; cần phải chặn việc tiếp tế lương thực, thuốc súng; ngăn con đường vượt biên giới ăn cướp. Lại dò biết thuyền cướp có hơn 1 chục chiếc, trốn tránh xa tại châu Giáp, núi Cẩu Ðầu thuộc đất Di [Việt Nam], quân ta không quen đường cát, khó có thể đi xa. Ðáng phải thông báo cho Việt Nam, xua đuổi ra đánh. Duy cương vực Hoa, Di có phân biệt, phải biết rõ tình hình, thì mới có thể đánh bắt không để sót… (Tuyên Tông thực lục, quyển 230, trang 6-8). Riêng bản đồ Google ghi nhận Vi Châu đảo tại tọa độ 21,046695 vĩ độ B; 109.117584 kinh độ Đ.

– Ngoài ra một đạo dụ của vua Ðạo Quang trong Thanh thực lục, xác nhận rằng bãi Ðồi Mồi [Ðại Mạo châu] thuộc vùng Tam Á, châu Nhai, gần Ðại Ðộng Thiên [điểm xung yếu số 10], Tiểu Động Thiên [điểm xung yếu số 11] tiếp giáp với biển Việt Nam:

“Ngày 30 Nhâm Dần tháng 11 năm Ðạo Quang thứ 12 [20/1/1833]

Lại dụ:

… Lại cứ Lý Tăng Giới xưng rằng bọn Phó tướng Lý Hiền tuần tiễu đến bãi Ðại Mạo [đồi mồi] vùng biển ngoài Nhai Châu, Tam Á, chỗ này tiếp giáp với biển Di Việt Nam, thấy 3 thuyền phỉ, mỗi thuyền 1, 2 ngàn người, bèn cho đuổi bắt…. (Tuyên Tông thực lục quyển 226, trang 28-30).

Nếu thời thế không đổi thay thì 25 vị trí xung yếu nêu trên mãi mãi làm ranh giới biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nhưng vào hậu bán thế kỷ thứ 19, một cơn đại biến xẩy đến cho Việt Nam, Pháp xâm lăng, rồi đô hộ. Lúc này người Pháp chỉ lưu tâm đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa trong nước, như:

Phan Đình Phùng phất lá nghĩa kỳ,

Hàng muôn vạn nỗi theo liều chết xông pha tên đạn.

Hoàng Hoa Thám mộ quân cảm tử,

Hơn 10 năm chống cự với sơn hà…

(Hịch đánh giặc Pháp)

Do đó Pháp tạm thời không có hành động tích cực, như mang quân đến đồn trú tại lãnh thổ Hoàng Sa, Trường Sa; nơi mà chính quyền chúa Nguyễn và nhà Nguyễn liên tục quản trị, được ghi chép rõ trong sử, chí Việt Nam hàng mấy trăm năm.

Riêng tại Trung Quốc vào thời gian này, cũng nhờ ngọn gió Tây thổi đến, giúp họ hiểu rõ vị trí đặc thù và tài nguyên phong phú của biển cả. Một người tỏ ra bén nhạy với thời cuộc là viên Thuỷ sư đề đốc Lý Chuẩn; y lợi dụng tình trạng Việt Nam trong vòng đô hộ, nên vào năm Quang Tự thứ 33 [1009] mang các tàu như: Phục Ba, Sâm Hàng đến đảo Hoàng Sa để dành chủ quyền. Điều kẹt cho y, quần đảo này chưa hề nằm trong lãnh thổ Trung Quốc nên các đảo không có tên; bởi vậy y bèn tuỳ tiện lấy tên hai tàu Phục Ba, Sâm Hàng đặt tên cho 2 đảo, lấy tên quê y là Lãnh Thuỷ đặt tên cho một đảo khác, rồi nhân có giếng nước ngọt trên một đảo, bèn đặt tên đảo này là Cam Tuyền. Nhắm khua chiêng gióng trống cho mọi người biết, y cho bắn đại bác, treo cờ; khắc bia trên hòn đảo được đặt tên là Phục Ba, với hàng chữ như sau “Đại Thanh Quang Tự năm thứ 33, Thuỷ sư Quảng Đông Đề đốc Lý Chuẩn tuần thị đến nơi này.”[15]

KẾT LUẬN

Nghiêm chỉnh dựa vảo tư liệu về lịch sử thì không thể chứng minh được chủ quyền biển Ðông của Trung Quốc; để đáp ứng nhu cầu, các nhà biên khảo Hối biên viết theo đơn đặt hàng, đã có những “sáng tạo” mới. Họ mượn các địa danh có sẵn trong lịch sử như Trướng Hải, Tiêu Thạch, Cửu Nhũ Loa Châu để gán cho đảo Hoàng Sa; hoặc Vạn Lý Trường Sa để gán cho quần đảo Trường Sa. Riêng Côn LônThất Châu Dương là hai vị trí nằm trên tuyến hàng hải, được đề cập trong nhiều thư tịch thì không đơn giản, họ bèn bèn tạo ra 2 vị trí: MỘT Côn Lôn gần nước Chân Lạp cũ, MỘT Côn Lôn tại đảo Trường Sa; cũng tương tự có MỘT Thất Châu Dương gần đảo Hải Nam, và MỘT Thất Châu Dương khác được gán cho quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa]. Việc làm thiếu trung thực, sẽ bị những nhà nghiên cứu trên thế giới “Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!”[16] nghiêm khắc lên tiếng; theo chúng tôi biết một trong những vị đó là nhà biên khảo Trung Quốc Ðàm Kỳ Tương, đã cung cấp được một số sự thực trong bài viết Thất Châu Dương khảo [七 州 洋 考].[17]

Ngoài ra dưới hai triều đại Minh, Thanh, có lệnh cấm biển, người dân tỉnh Quảng Đông bị cho là phạm pháp nếu vượt ra ngoài 62 điểm xung yếu đã được trình bày ở trên, 62 điểm này cũng được coi là giới hạn về biển của Trung Quốc. Nhưng rồi thời thế đổi thay, vào thời cuối Thanh, khi ngửi thấy tiềm năng lớn của biển cả, những người như Lý Chuẩn bèn gióng trống khua chiêng nêu chủ quyền tại đảo Hoàng Sa, Trường Sa; để đến ngày nay Chủ tịch Tập Cận Bình lớn tiếng nói rằng Trung Quốc đã có chủ quyền từ thời xa xưa, không thể tranh cãi!

H.B.T.

Chú thích phần 4

[1], [2], [4], [6], [9] Hối biên, trang 66, 66, 67, 68-69, 70.

[3], [13], [14], Khâm định Ðại Thanh nhất thống chí, Quỳnh Châu phủ (quyển 350), Liêm Châu phủ (quyển 384).

[5] Ðang án: loại văn kiện lưu giữ riêng, chưa công bố qua sử chí.

[7] Chương Nghĩa: tương đương với huyện Tư Nghĩa và một phần đất quận Nghĩa Hành ngày nay.

[8] Cảng Thanh Lan: thuộc huyện Văn Xương, Trung Quốc; từ đảo Hoàng Sa đến cảng này cách 330 hải lý.

[10] Châu Sơn: nay là Châu Sơn thị, thuộc tỉnh Chiết Giang, dân số hơn hiện nay hơn 120 vạn người.

[11] Thang Hòa: Khai quốc công thần triều Minh, làm quan đến chức Chinh tây tướng quân, được tấn phong Tín quốc công.

[12] Nguyên văn 62 vị trí xung yếu: Quảng Đông thông chí [廣 東 通 志], Trung Quốc Triết học thư điện tử hóa kế hoạch [中 國 哲 學 書 電 子 化 計 劃], quyển 9, trang 109-113.

[15] Nguyên văn trong bài “Đại Thanh Quang Tự Lý Chuẩn năm 1909 tuần thị nơi này” đăng tại http://www.sina.com.cn ngày 9/5/2012:

大清光绪李准1909年巡视至此

http://www.sina.com.cn  2012年05月09日15:01 新 民 周刊

其 实 在 1907 年,李 准 就 曾 巡 视 西 沙 各 岛,并 在 伏 波 岛 刻 石 留 念 称:“大 清 光 绪 三 十 三 年 广 东 水 师 提 督 李 准 巡 视 至 此”。

此 次 南 海 巡 视,李 准 率 队 每 到 一 处 岛 屿 都 逐 一 命 名,勒 石 树 碑,鸣 炮 升 旗,申 明 中 国 的 主 权。这 15 座 岛 屿 的 命 名 也 很 有 意 思,都 是 以 舰 名、物 产 名 及 同 行 人 的 籍 贯 命 名。比 如 一 岛 命 名 为 “伏 波”,另 一 岛 命 名 为 “琛 航”;因 李 准 是 邻 水 人 就 命 名 一 岛 为 “邻 水” ;一 个 岛 上 掘 出 淡 水,就 把 该 岛 命 名 为 “甘 泉”…

[16] Truyện Kiều.

[17] Ðàm Kỳ Tương, Thất Châu Dương khảo, sách Nam Hải chư đảo sử địa khảo chứng luận tập, trang 1-7.

Nguồn: Dự án Đại sự ký Biển Đông: https://daisukybiendong.wordpress.com. Ngày 4, 6, 12 và 13 tháng 10 năm 2015.

Advertisement
Bài này đã được đăng trong Chủ quyền biển đảo. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s