Trần Đức Anh Sơn trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ Cuối tuần
Trần Đức Anh Sơn nguyên là Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, có gần 20 năm gắn bó với cuộc trùng tu di tích Huế, hiện đã chuyển vào làm cho một viên nghiên cứu ở Đà Nẵng. TTCT đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Đức Anh Sơn về việc trùng tu di tích Huế.
Là một người từng tham gia trùng tu di tích Huế trong suốt nhiều năm tháng trước đây, những cái được và cái mất nào của di tích Huế khiến anh không thể nguôi quên?
Ra khỏi chiến tranh với khung cảnh đổ nát, hoang tàn, quần thể di tích Huế được hồi sinh như ngày hôm nay là kết quả của một sự nỗ lực rất lớn của chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và đặc biệt là của Trung tâm BTDT Cố đô Huế. Đó là những thành tựu đáng tự hào và xứng đáng được ghi nhận. Và như thế cái được của công tác trùng tu, bảo tồn di tích Huế là không ít. Tuy nhiên, không phải mọi việc đều hoàn hảo. Có những việc chưa được khiến cho không chỉ giới chuyên môn mà cả dư luận, báo chí cũng không an tâm. Cụ thể như về tiến độ trùng tu di tích, theo Quyết định số 105/TTg ngày 12/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế giai đoạn 1996 – 2010, thì đến năm 2010 phải “Phục hồi hoàn nguyên toàn bộ khu vực Đại Nội theo kiến trúc Hoàng thành trước kia; Cải thiện và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên của khu vực Kinh thành, hai bên bờ sông Hương, các lăng tẩm còn lại và các làng cổ; Xây dựng thêm cơ sở hạ tầng ở những điểm di tích chưa có” và kinh phí cho dự án này lên tới 720 tỉ. Thế nhưng, đến bây giờ thì kế hoạch đó vẫn đang dang dở. Rất nhiều các công trình trong Đại Nội vẫn còn nằm trong dự án và tiền thì vẫn không giải ngân hết. Nguyên nhân chính, theo tôi, là do Huế chưa có một đội ngũ chuyên gia bảo tồn di tích thật sự, cũng như chưa có nhiều công nhân lành nghề để đảm trách công việc này.
Đã từng có một “phong trào” sơn son thếp vàng các cung điện của nhà Nguyễn, mặc dù trước đó nó không phải như thế. Ví dụ như điện Minh Thành ở lăng Gia Long: các nguồn sử liệu của nhà Nguyễn cho biết công trình này vốn không sơn son thếp vàng. Thế nhưng khi trùng tu, người ta đã sơn thếp vàng son rực rỡ, nhưng đó cũng không phải thếp vàng, mà chỉ là thếp bạc rồi quét cánh kiến lên để tạo màu vàng, nên chỉ sau một thời gian thì màu vàng ấy trở nên bạc thếch; hay như Minh Lâu ở lăng Minh Mạng; Hưng Miếu trong Hoàng Thành cũng bị phủ lên những lớp vàng son như thế, vừa sai với nguyên gốc vừa làm nhòe các chi tiết chạm trổ vốn rất tinh xảo của công trình. Thậm chí, người ta từng sơn son thếp vàng lên cả những biển ngạch làm bằng đá thanh ở khu vực Thế Miếu và Hưng Miếu, may mà chúng tôi phản ứng kịp thời nên mới cạo đi, tốn kém công của.
Một điều dễ nhận thấy là công tác trùng tu di tích ở Huế quan tâm vào các công trình phụ nhiều hơn các công trình chính, hay tập trung tôn tạo công trình hạ tầng nhiều hơn là trùng tu các di tích kiến trúc. Nguyên do là khi chưa có đủ tư liệu, hoặc chưa am hiểu di tích mà bắt tay trùng tu các công trình chính thì sẽ rất nguy hiểm vì có nguy cơ làm cho di tích biến dạng và mất đi tính nguyên gốc. Vì thế mà người ta ngại đụng vào công trình chính. Nhưng như thế không có nghĩa là “bỏ lơ” công trình chính. Vừa qua, người ta đã dựng lên một hệ thống trường lang rất hoành tráng trong Tử Cấm Thành, trong khi các kiến trúc chính trong khu vực này thì vẫn chưa được phục hồi. Theo tôi, việc này có thể gây khó khăn cho công tác trùng tu sau này. Bởi lẽ các công trình kiến trúc nơi đây được xây dựng qua rất nhiều thời kỳ: thời Gia Long khởi dựng, nhưng từ thời Minh Mạng, đến thời Khải Định, Bảo Đại thì trùng tu, sửa chữa rất nhiều. Nhiều vết tích kiến trúc của các thời kỳ sau chồng lấn lên vết tích của thời kỳ trước, như trường hợp điện Hoàng Phúc và Thái Bình Lâu. Nay việc phục hồi các trường lang chủ yếu dựa trên nên móng của thời Khải Định và Bảo Đại, trong khi các công trình chính như Điện Cần Chánh, điện Càn Thành… vẫn lưu giữ dấu vết của các thời kỳ trước đó. Không rõ sau này khi có đủ căn cứ để phục nguyên Đại Nội như thời Minh Mạng hay thời Tự Đức thì các công trình chính sẽ kết nối làm sao với hệ thống trường lang mới phục chế này?
Một vấn đề nữa là việc trùng tu các kiến trúc gỗ đã xảy ra một số bất cập, cụ thể là tình trạng không tương thích trong các cấu kiện bằng gỗ do độ co rút của gỗ cũ và gỗ mới rất khác biệt. Khi nối với các cấu kiện gỗ nguyên gốc với các cấu kiện mới phục chế, ban đầu thì khớp nhau nhưng sau một thời gian sau gỗ mới bị co rút, khiến khung sườn bị “xộc xệch”, làm cho các lớp ngói lợp ở bên trên cũng bị tác động dẫn đến nghiêng gãy, gây nên thấm dột. Điều này đã xảy ra ở điện Long An, Thế Miếu và một số công trình khác.
Do việc trùng tu các công trình kiến trúc khó khăn, nên người ta đã tập trung làm các công trình hạ tầng (đường, điện chiếu sáng, thoát nước…). Việc này sẽ nhanh chóng xóa đi cảnh trạng hoang tàn của di tích, tạo cảnh quang mới bắt mắt du khách. Nhưng đó chỉ là phần nổi, bởi vì các công trình kiến trúc cổ vẫn cần được ưu tiên trùng tu. Để làm việc này phải có những nghiên cứu dài hơi và các kế hoạch trùng tu rất chi tiết; đặc biệt là phải chuẩn bị một lực lượng nhân lực lớn, có tay nghề và kiến thức vững vàng trong lĩnh vực này. Nếu không làm được việc này thì kết quả trùng tu chỉ thể hiện ở số tiền giải ngân, chứ không thể phục hồi hoàn nguyên di tích như quyết định của Thủ tướng chính phủ.
Theo dự án mà Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt, Huế sẽ có thêm 10 năm và 2300 tỷ để đưa khu di tích này vào thời kỳ ổn định bền vững, trong đó, khu Hoàng Thành sẽ gần như được phục hồi nguyên trạng. Theo anh, chừng ấy năm và chừng ấy tiền, có thể để đạt được mục tiêu ấy không?
Tôi e đây là một nhiệm vụ khó hoàn thành. Khu Hoàng Thành theo tài liệu của người Pháp thống kê thì có khoảng 147 công trình; còn theo một công bố của KTS Nguyễn Bá Lăng vào trước năm 1975 thì có hơn 130 công trình. Tuy nhiên, khi chúng tôi tiến hành khảo sát hiện trạng Hoàng Thành vào năm 1991 để làm cơ sở cho dự án trùng tu di tích Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 1996 thì Hoàng Thành Huế chỉ còn 82 công trình kiến trúc có thể nhận diện được. Như vậy là có rất nhiều công trình đã bị sụp đổ hoặc bị vùi lấp trong lòng đất. 15 năm vừa qua, việc khai quật khảo cổ học chỉ mới làm xuất lộ các vết tích công trình mà thôi, chứ chưa có công trình chính nào đã bị sụp đổ hoàn toàn mà đã được phục hồi hoàn nguyên thực sự.
Người Nhật đã mất gần 30 năm để trùng tu Suzakumon (Chu Tước Môn), cửa phía nam của Heijo-kyo (Bình Thành Kinh) ở Nara. Họ đã tốn nhiều công của để nghiên cứu tư liệu, khai quật phế tích, phục dựng các mô hình thử nghiệm, trưng cầu ý kiến của chuyên gia và dân chúng, rồi mới tiến hành phục nguyên di tích. Họ có Viện Nghiên cứu Quốc gia Nara về Di sản Văn hóa (Nabunken) với đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và đội ngũ công nhân lành nghề mà phải tốn chừng ấy năm cho 1 di tích lớn cở Ngọ Môn. Vì thế, với đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực bảo tồn của Huế như hiện nay, thì riêng việc phục nguyên các di tích quan trọng trong khu vực Hoàng Thành thôi cũng đã quá sức. Còn nếu làm vội làm vàng cho kịp tiến độ được phê duyệt, tôi e là tính nguyên gốc (authenticity) của di tích sẽ không được đảm bảo.
Vậy theo quan điểm của anh, trong bối cảnh cụ thể hiện tại, với 10 năm và 2300 tỷ đồng, nên làm gì để bảo tồn một cách hợp lý nhất khu di tích này?
Theo các quy định hiện hành trong lĩnh vực xây dựng, đơn vị nào lập dự án, thiết kế thì không được thi công. Điều này cũng ảnh hưởng đến công tác trùng tu di tích. Bởi vì khi một đơn vị tiến hành khảo sát và lập dự án trùng tu di tích, họ bắt đầu quá trình tìm hiểu tư liệu và chuẩn bị rất lâu, nếu không được phép thi công thì họ sẽ không hiểu đơn vị thi công mới được thắng thầu sau này sẽ tiếp nhận kết quả khảo sát thiết kế đến mực độ nào để trùng tu cho tốt. Mặc khác, khi một đơn vị trúng thầu thi công thì bấy giờ họ mới có kinh phí để chuẩn bị vật liệu, mới bắt đầu đi mua gỗ bên ngoài thị trường, và sẽ xảy ra tình trạng gỗ mới mua này sẽ không tương thích với cấu kiện gỗ trên công trình cũ. Tôi nghĩ rằng, với số tiền Chính phủ cấp đến 2.300 tỉ, Huế nên thành lập một ngân quỹ để dành riêng cho việc mua gỗ tích trữ. Số gỗ này phải trải qua một thời gian khá dài cho ổn định rồi sau đó mới bắt đầu đưa vào trùng tu di tích. Nhưng để là được việc đó, cần phải có một đợt tổng kiểm kê di tích gỗ, để biết cần bao nhiêu gỗ, và gỗ loại gì đối với từng di tích.
Ngọ Môn là công trình kiến trúc bằng gỗ rất đặc sắc nhưng đang trong tình trạng rất xập xệ, đang xuống cấp từng ngày và có thể sụp đổ bất chừng. Ngay từ bây giờ phải có kế hoạch trùng tu Ngọ Môn, phải chuẩn bị gỗ đủ độ ổn định. Tiếp đó, phải khảo sát, đánh giá hiện trạng kiến trúc gỗ của Ngọ Môn, xem phần nào cần giữ lại, phần nào cần thay thế để chuẩn bị trước. Sau đó, khi Ngọ Môn có quyết định sửa chữa, phục hồi, phải nhanh chóng hạ giải công trình, tận dụng cấu kiện cũ, kết nối với cấu kiện mới đã chuẩn bị sẵn thì công tác trùng tu mới rút ngắn tiến độ. Nếu không chuẩn bị như thế, tôi tin là việc trùng tu Ngọ Môn sẽ kéo dài ít nhất là 3, 4 năm. Và bạn thử tưởng tượng rằng, Ngọ Môn, biểu tượng của cố đô Huế bị quây kín bằng bạt suốt 3, 4 năm để tu bổ thì du khách sẽ chán nản đến chừng nào. Lúc ấy, hẳn họ sẽ rút ngắn thời gian thăm Huế để đi tới những nơi khác hấp dẫn hơn. Và ngành du lịch Thừa Thiên Huế sẽ bị thiệt hại nặng.
Ngoài ra, việc quan trọng nhất là phải chuẩn bị đội ngũ có chuyên môn vững về trùng tu di tích. Hiện Trung tâm BTDT Cố đô Huế có khoảng 700 cán bộ, nhân viên nhưng số người có chuyên môn bảo tồn di tích thật sự thì không nhiều. Cơ quan này đang tập trung vào nhiệm vụ quản lý và khai thác di tích là chính; chưa có một bộ phận nghiên cứu khoa học để phục vụ trùng tu di tích như kiểu Nabunken của Nara. Phòng Nghiên cứu Khoa học của Trung tâm này chủ yếu nghiên cứu tư liệu, không có bộ phận thực nghiệm. Phòng Kỹ thuật thì cũng chỉ thực hiện các bản vẽ là chính.
Tôi được biết là trong quá trình giúp Huế trùng tu các bức bích hoạ trong cung An Định, các chuyên gia người Đức đã đào tạo khoản 20 bạn trẻ có tay nghề phục hồi tranh tường rất tốt. Không rõ các bạn này có được Trung tâm BTDT Cố đô Huế tuyển dụng để tham gia trùng tu các công trình khác hay không? Nếu khôn thì quả là đáng tiếc. Hiện ở Huế, thợ trùng tu di tích phần lớn là thợ từ Bắc vào, mà phong cách kiến trúc dân gian ở ngoài Bắc lại khác hẳn với phong cách kiến trúc cung đình Huế. Thợ thì làm theo thói quen, nếu giám sát “non tay nghề” thì sự hiện hữu của phong cách dân gian miền Bắc trên các kiến trúc cung đình mới được phục nguyên ở Huế không phải là không thể xảy ra. Trước đây, Trung tâm BTDT Cố đô Huế từng có Xí nghiệp Tu bổ Di tích, nhưng bây giờ xí nghiệp này đã giải tán để nhập vô một công ty chuyên sản xuất các vật liệu trùng tu và nếu có tham gia tu bổ di tích thì cũng rất hãn hữu. Theo dự án vừa được phê duyệt thì sắ tới sẽ có nhiều công trình phải tu bổ, phục hồi, nhất là những công trình quan trọng, nếu vẫn cứ đi thuê đội thợ bên ngoài vào làm thì chất lượng trùng tu khó mà đảm bảo.
Đã đến lúc Huế cần phải có xây dựng một đội ngũ chuyên gia bảo tồn thật sự giống như đội ngũ của Nabunken ở Nhật Bản. Tôi cho rằng, đây là điều quan trọng nhất mà Huế cần phải có, ngay từ bây giờ. Lúc đó mới có thể hoàn thành mục tiêu trong đề án đã được phê duyệt. Có nhiều tiền mà không có người làm, hoặc là có người làm nhưng tay nghề không cao, hoặc tiến hành trùng tu khi chưa nghiên cứu một cách thấu đáo thì công cuộc trùng tu di tích Huế hẳn sẽ có vấn đề.
Minh Tự thực hiện
(Đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối tuần Số 36-2010, từ ngày 12/9 đến ngày 18/9/2010)